Tin Trong Nước

rời còn lờ mờ, lất phất mưa xuân, bóng vợ chồng Vượng khuất dần sau con hẻm nhỏ. Đã sang năm thứ 7, anh Vượng (34 tuổi) trở thành đôi chân cho chị Loan (37 tuổi) đi làm, đi chạy thận...

Cô gái suy thận và tình yêu với chàng trai kém 3 tuổi

 

 
Chị Nguyễn Châu Loan bị suy thận, không tự đi được nhưng được chồng rất yêu thương. Anh là con trai duy nhất trong một gia đình ở phố Huế (Hà Nội).

Hơn 5h sáng, trong phòng trọ cấp 4 ở làng Đình Thôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Vượng bế vợ là chị Nguyễn Châu Loan ra bể nước rửa mặt, rồi vào nhà đun nóng lại đồ ăn tối qua. Bữa sáng của hai vợ chồng diễn ra gấp gáp. Đúng 6h, anh đặt vợ lên xe, đưa chị đến Bệnh viện Xanh Pôn chạy thận. 

Trời còn lờ mờ, lất phất mưa xuân, bóng vợ chồng Vượng khuất dần sau con hẻm nhỏ. Đã sang năm thứ 7, anh Vượng (34 tuổi) trở thành đôi chân cho chị Loan (37 tuổi) đi làm, đi chạy thận.

loan1-5538-1397033332.jpg

Tổ ấm của Vượng và Loan. Ảnh: Phan Dương.

Chị Loan là con út trong gia đình nhà giáo nghèo có 5 con ở xã Châu Sơn (Ba Vì, Hà Nội). Năm 21 tuổi, khi đang học năm thứ 3 ĐH Kinh tế Quốc dân, Châu Loan bị suy thận mãn, một tuần 3 lần phải đi lọc máu. Tủi phận nhưng Loan vẫn cố gắng học hành. Tốt nghiệp đại học, chị xin làm kế toán cho vài công ty nhưng đều phải nghỉ vì bệnh. Sau đó, chị làm ở Trung tâm dạy nghề khuyết tật thanh thiếu niên Vì ngày mai.

Trong khi bạn bè đã có người thương, có con bồng bế, thì Loan vẫn lẻ loi. Chị vừa làm, vừa nhờ máy móc duy trì sự sống. Căn bệnh ăn mòn dần sức khỏe, dung nhan và cả vóc dáng người phụ nữ. Loan chẳng còn dám ước mơ có người yêu, được khoác lên mình bộ váy cưới.

Đầu năm 2008, chàng trai Nguyễn Văn Vượng xin vào trung tâm làm sơn mài. Anh quen Loan, thường gọi cô là chị gái và được gọi lại là "thằng cu em". Vượng cảm phục nghị lực của người con gái nhỏ bé, quý cái tính thật thà của chị Loan, lại thương chị những lúc trời mưa rét phải một mình chạy thận. Anh thường xuyên giúp đỡ chị đi lại. Tình cảm cứ thế lớn dần trong trái tim "chị gái" và "cu em". Nhiều lần, Vượng bóng gió muốn làm đôi chân cho Loan đi suốt cuộc đời, nhưng Loan chỉ nghĩ đó là câu bông đùa, nông nổi.

Đêm Trung thu 2008, trung tâm tổ chức đốt lửa trại cho trẻ em khuyết tật. Vượng nhắn tin bảo Loan ra bên ngoài trò chuyện. Anh tỏ tình với chị. Lúc đó Loan nghĩ Vượng không hiểu hết căn bệnh của mình, chị chỉ còn sống được lúc nào hay lúc đó. Thực ra anh đã biết hết, không những thế, anh cũng đang âm ỷ căn bệnh thận hư. Vượng nói với Loan muốn cùng nương tựa vào nhau. Bên ngoài, mọi người đang nhảy múa vui vẻ thì góc trong này hai người ôm nhau khóc.

loan3-3070-1397033332.jpg

Hàng ngày, Vượng đưa đón vợ đi làm, đi chạy thận, tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Phan Dương.

Vượng vẫn còn trẻ, ưa nhìn, lại là con trai phố cổ Hà Nội, căn bệnh của anh chữa khỏi được, trong khi Loan bị bệnh tật hành hạ, không thể sinh con, gia đình lại nghèo... Vì những lý do trên, không ai tin tình yêu của anh chị là thật, hai bên gia đình cực lực phản đối.

"Trước khi về ở chung với nhau, buổi tối, anh vẫn về nhà ngủ, sáng sớm lại qua phòng bế ẵm, đưa tôi đi chạy thận. Sau đó, anh về chăm mẹ ốm ở nhà, trưa lại đến đón tôi. Anh ấy dùng hành động chứng minh, cuối cùng mọi người cũng tin chúng tôi yêu nhau thật lòng", chị Loan bộc bạch.

Chị Loan đang là hộ đơn thân, được hưởng bảo hiểm hộ nghèo chữa bệnh, vì thế họ không đăng ký kết hôn. Cuối năm 2008, anh chị chụp vài tấm ảnh cưới rồi dọn về sống chung để tiện chăm sóc nhau.

Ngày 6/4, anh chị bất ngờ được một chương trình truyền hình tổ chức đám cưới tại công viên Dịch Vọng (Cầu Giấy). Anh Vượng cười kể lại: "Trước hôm ghi hình, ban tổ chức gọi điện nói ngày mai sẽ làm đám cưới cho tôi và Loan, và dặn tôi giữ bí mật. Cả đêm đó, tôi thao thức không ngủ, chỉ mong trời mau sáng. Đúng như kịch bản, Loan không biết gì về đám cưới cho tới phút chót, cô ấy đã xúc động lắm khi thấy tôi mặc vest. Sau đó, ban tổ chức còn làm một bữa tiệc nhỏ, có người thân, bạn bè đến chúc phúc chúng tôi".

Chị Loan cũng tíu tít cho biết, chị bị các tình nguyện viên đẩy xe lòng vòng trong công viên, cuối cùng đưa đến nơi tổ chức lễ cưới. Chị thay bộ quần áo cũ bằng chiếc váy cưới mới tinh ngay trong công viên. Hạnh phúc quá bất ngờ khiến chị cứ thế trào nước mắt, giờ nhớ lại vẫn ngỡ như một giấc mơ.

loan5-7369-1397033332.jpg

Năm 2008, Vượng và Loan chụp vài bức ảnh cưới rồi dọn về sống chung. Vì muốn có bảo hiểm hộ nghèo chữa bệnh nên Loan và Vượng chưa đăng ký kết hôn. Ảnh:NVCC.

Căn phòng nhỏ ở ngõ 117 Đình Thôn là nơi cư ngụ của hai người 7 năm nay. Buổi trưa chạy thận về, Vượng bế vợ đặt lên giường và đi nhặt rau nấu cơm. Ăn cơm xong, chị làm kế toán tại nhà còn anh ra đầu ngõ hy vọng chạy được vài chuyến xe ôm.

Suy thận giai đoạn cuối hơn 10 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào chồng, nhưng chị Loan vẫn cố gắng học tập và lao động. Hiện chị làm kế toán cho 2 công ty, với tổng thu nhập hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Những lúc rảnh rỗi chị thường làm thơ. Tập thơ Hoa đời chị làm từ những ngày mắc bệnh. Trước khi gặp anh, vần thơ ảo não, thất vọng thì khi có anh ở bên, những câu thơ là con tim của người đàn bà được yêu thương.

Anh Vượng thuộc hết các trang thơ của chị, trong đó bài Ánh sáng đời em lấy cảm hứng từ tình yêu của hai người - được anh thích nhất: 

Đi gần hết quãng đời tăm tối
Chợt lóe lên ánh sáng cuối đường hầm
Ánh sáng của tình yêu và hy vọng
Anh là ánh sáng của đời em...

(Xem thêm bài thơ)

Bận bịu mưu sinh, chữa bệnh nhưng vợ chồng Vượng - Loan vẫn thường đi chơi loanh quanh Hà Nội. Chị Loan ước mơ một lần trong đời được ra biển nhưng không thể đi lại. Anh Vượng âu yếm nhìn vợ, nói rằng mùa hè này hai người sẽ cùng đi, không tắm, nhưng vẫn có thể đi dạo, ăn hải sản.

Phan Dương

17 khách thoát khỏi con tàu cháy trên vịnh Hạ Long

Qua hòn Trống Mái, thủ thủy đoàn phát hiện đám cháy trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu. 17 du khách phần lớn là người nước ngoài được cứu nạn vào bờ an toàn.

Lửa bùng phát trong khoang chiếc tàu du lịch của Công ty TNHH Cửu Long khoảng 10h sáng 10/4, khi tàu chạy ngang hòn Trống Mái trên vịnh Hạ Long.

tc2-5732-1397117898.jpg

Thuyền viên trên tàu phát hiện đám cháy lúc 10h sáng nay khi tàu chạy gần khu vực hòn Trống Mái. Ảnh: Hằng Ninh.

Ngay lập tức, các thuyền viên trên tàu kêu gọi sự hỗ trợ và khẩn trương chuyển toàn bộ hành khách sang các tàu bạn vào bờ an toàn. Cảnh sát PCCC Quảng Ninh cũng điều tàu cứu hỏa ra dập lửa. Nhiều phương tiện khác cùng tham gia khống chế ngọn lửa trên chiếc tàu gặp nạn. Khoảng 1 giờ sau, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, chiếc tàu du lịch bị hư hỏng một phần.

Thời điểm xảy cháy, trên tàu (đăng ký 18 giường) có 5 thuyền viên, 1 phục vụ và 17 hành khách, trong đó có 2 khách Việt Nam và 15 khách nước ngoài.

tc1-5660-1397117898.jpg

Cảnh sát PCCC Quảng Ninh điều tàu cứu hỏa khống chế ngọn lửa. Ảnh: Hằng Ninh.

Theo Công ty TNHH Cửu Long, chiếc tàu bị nạn rời bến đưa khách đi thăm và lưu trú trên Vịnh Hạ Long từ trưa 9/4. Sau khi tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh, khoảng 10h sáng 10/4, tàu quay về bờ theo lộ trình tuyến 2 (tham quan Thiên Cung - hang Đầu Gỗ - hòn Đỉnh Hương…) khi đi đến khu vực gần hòn Trống Mái thì gặp nạn.

Cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Hằng Ninh

 

TP HCM điều trị miễn phí cả đời cho thai phụ nhiễm HIV

Từ tháng 4, tất cả các thai phụ ở TP HCM nhiễm HIV sẽ được điều trị bằng thuốc ARV miễn phí bất kể lượng tế bào miễn dịch trong máu là bao nhiêu.

Bác sĩ Trần Thịnh, Phó chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM cho biết, chương trình chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được thực hiện khoảng 10 năm nay, tuy nhiên những bà mẹ nhiễm HIV chỉ được điều trị trong quá trình mang thai để tránh nhiễm cho con.

"Kể từ nay, tất cả các thai phụ được xác định nhiễm HIV dù lượng tế bào miễn dịch là bao nhiêu đều được cho uống thuốc ARV miễn phí suốt đời. Điều này giúp hạn chế khả năng lây bệnh từ thai phụ cho những người xung quanh", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, việc tiếp tục điều trị bằng ARV chỉ áp dụng cho những thai phụ có tình trạng tế bào miễn dịch lympho T-CD4 trong máu ở mức 350 tế bào/mm3. Với người bình thường, lượng tế bào miễn dịch CD4 khoảng 2.000/mm3, khi nhiễm HIV, lượng tế bào này ngày càng giảm dần.

Riêng đối với trẻ sơ sinh, các bé tiếp tục được theo dõi tình trạng phơi nhiễm HIV tại các phòng khám ngoại trú nhi. Do được can thiệp sớm từ mẹ, tại TP HCM trong 100 trường hợp thai phụ nhiễm bệnh, chỉ có khoảng 2 bé sinh ra nhiễm HIV.

Hiện thành phố có 56 cơ sở triển khai tham vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Cụ thể là tại các bệnh viện chuyên khoa sản, các bệnh viện đa khoa có khoa sản và các bệnh viện quận huyện.

Phụ nữ mang thai sẽ được xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu thai kỳ, người nhiễm HIV được cấp thuốc kháng virus cho mẹ để giảm lây sang con, cấp sữa nuôi trẻ thay thế cho sữa mẹ, xét nghiệm chẩn đoán cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV...

Thiên Chương

Theo Vnexpress