Hàn Quốc phát hiện thêm máy bay không người lái
Chiếc máy bay không người lái được phát hiện trên vùng núi Samcheok, tỉnh Gangwan, Hàn Quốc. Ảnh: AP |
Chiếc máy bay không người lái được phát hiện hôm nay ở quận Jeongseon, tỉnh Gangwan, cách biên giới Hàn – Triều 130 km về phía nam, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói. Vật thể này có màu xanh nhạt, dài khoảng một mét, sải cánh khoảng hai mét.
Theo bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các camera được trang bị trên máy bay đã chụp hàng trăm bức ảnh, dù chất lượng không cao, về vùng biên giới giữa hai nước, thủ đô Seoul, bao gồm cả dinh tổng thống.
"Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra về vật thể này vì nghi ngờ Triều Tiên có thể đứng sau mọi chuyện", ông Kim nói. Ông cho biết Seoul coi các thiết bị không người lái này là "mối đe dọa đáng kể" và quân đội Hàn Quốc sẽ tìm cách đối phó với chúng.
Triều Tiên hôm qua lên tiếng chế giễu việc Hàn Quốc để những vật thể không người lái bay lượn tự do trên không phận. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không bác bỏ hay xác nhận mối liên quan với các thiết bị này.
"Vụ việc xảy ra quá bất ngờ và càng khiến hình ảnh quân đội Hàn Quốc thêm ô uế", KCNA dẫn lời phát ngôn viên quân đội Triều Tiên nói.
Một chiếc máy bay không người lái được phát hiện trên đảo Baengyeong hôm 31/3, khi Triều Tiên nã hàng trăm quả pháo ra vùng biển gần biên giới với Hàn Quốc. Một tuần trước đó, một thiết bị tương tự cũng được tìm thấy ở đảo tiền tiêu Paju.
Trần Trang
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera ở Tokyo hôm nay. Ảnh: Reuters. |
"Tất cả các quốc gia đều cần được tôn trọng, dù đó là nước lớn hay nước nhỏ", AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản. "Bạn không thể đi vòng quanh rồi xác định lại ranh giới, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước bằng vũ lực, ép buộc hoặc đe dọa, dù đó là những đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay nước lớn ở châu Âu. Vì vậy, tôi muốn trao đổi với những người bạn Trung Quốc về điều này".
Bình luận của ông Hagel cho thấy chính phủ Mỹ đang cứng rắn hơn với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông cũng như biển Hoa Đông, sau khi một số quốc gia Đông Nam Á cáo buộc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật đe dọa.
Là "một nước lớn", Trung Quốc cũng có "những trách nhiệm lớn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định và nói thêm: "Ép buộc, đe dọa là điều rất tệ hại. Nó chỉ dẫn đến xung đột". Ông Hagel đưa ra những thông điệp này trước khi có chuyến thăm tới Bắc Kinh vào ngày 7/4 tới.
Trước đó, ông Hagel thông báo rằng Mỹ có kế hoạch điều thêm hai tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS tới Nhật Bản vào năm 2017 để "ứng phó với các hành động khiêu khích và gây bất ổn của Triều Tiên", đảm bảo khả năng phòng vệ cho Nhật Bản cũng như Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nhắc lại rằng Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trước các nguy cơ bị tấn công, kể cả trong vấn đề quần đảo tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, ông kêu gọi nên có "một giải pháp hòa bình" cho những bất đồng và nói rằng "Mỹ không thể tìm thấy đồng minh nào mạnh hơn cũng như người bạn tốt hơn Nhật Bản ở khu vực này".
Như Tâm
Người miền đông Ukraine biểu tình chiếm tòa nhà chính phủ
Người ủng hộ Nga chiếm tòa nhà chính phủ ở Kharkiv hôm qua. Ảnh: Reuters |
Khoảng 1.500 người biểu tình xông vào tòa nhà chính phủ ở trung tâm công nghiệp Donetsk, cắm cờ Nga ở ban công tầng hai, một nhân chứng nói với Reuters. Những người ở ngoài cổ vũ và hô vang "Nga! Nga!".
Các người tổ chức biểu tình kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập giống như Crimea. "Đại biểu hội đồng khu vực nên nhóm họp trước nửa đêm và đưa ra quyết định thực hiện một cuộc trưng cầu", một lãnh đạo biểu tình nói bằng loa phóng thanh.
Ảnh: Người biểu tình chiếm tòa nhà chính phủ
Video: Người Donetsk đối mặt cảnh sát
Những người ủng hộ Nga cũng chiếm văn phòng Cơ quan An ninh ở thành phố Luhansk. Họ yêu cầu chính quyền Ukraine trả tự do cho 15 người bị bắt vì có kế hoạch nổi dậy tại khu vực nói tiếng Nga ở miền đông.
"Chúng tôi không muốn gia nhập EU hay NATO. Chúng tôi muốn con em mình được sống trong hòa bình", một người phụ nữ giấu tên nói vớiChannel Five Ukraine. Theo đài truyền hình Ukraine, có ba người bị thương trong cuộc biểu tình ở Luhansk.
Tòa nhà chính phủ ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, cũng bị người ủng hộ Nga chiếm đóng. Cả ba thành phố Donetsk, Luhansk và Kharkiv đều nằm gần biên giới Nga – Ukraine.
Bản đồ thể hiện vị trí các thành phố Donetsk, Luhansk và Kharkiv của Ukraine. Đồ họa: BBC |
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov tuyên bố sẽ lập lại trật tự ở miền đông mà không sử dụng bạo lực. Ông Avakov đồng thời cáo buộc ông Viktor Yanukovych thông đồng với Nga để làm gia tăng căng thẳng.
"Ông Putin và Yanukovych đứng sau làn sóng đòi ly khai gây nhiễu loạn miền đông Ukraine", ông Avakov viết trên trang Facebook cá nhân. "Tình hình sẽ được kiểm soát mà không có đổ máu, tuy nhiên không ai có thể tha thứ và giữ gìn được hòa bình trước tình trạng lộn xộn mà những kẻ khiêu khích gây ra".
Tổng thống tạm quyền Ukranie Oleksander Turchinov cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các lãnh đạo an ninh ở thành phố Kiev và đích thân nắm quyền kiểm soát tình hình.
Căng thẳng bắt đầu xuất hiện ở miền đông Ukraine từ khi ông Viktor Yanukovych bị quốc hội phế truất hồi tháng hai. Những người biểu tình ủng hộ Nga trong các tuần gần đây thường tổ chức tuần hành tại khu vực miền đông Ukraine.
Mối quan hệ Nga - Ukraine xấu đi kể từ khi Moscow ký sắc lệnh chấp thuận cho bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga hồi giữa tháng ba. Động thái trên dẫn đến cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Trần Trang
Theo Vnexpress