Tin Trong Nước

Theo thống kê, Quảng Trị có hơn 391.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, chiếm 83,8% diện tích toàn tỉnh. Sau chiến tranh hàng chục năm, tỉnh vẫn còn sự mất mát vì những quả đạn ngủ sâu dưới nhiều tấc đất...

300 năm nữa Quảng Trị mới hết bom mìn

3… 2… 1… Tiếng nổ vang lên kéo theo cột khói, tia lửa và cát bốc cao hàng chục mét. Đổi lại, thêm diện tích ô nhiễm bom mìn được làm sạch.
 
 
 

Đội rà phát bom mìn lưu động (EOD) của tổ chức phi chính phủ Peace Trees Vietnam (PTVN) về xã Hải Ba (Hải Lăng, Quảng Trị) để tiến hành hủy vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ngoài PTVN, ở Quảng Trị còn rất nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở lĩnh vực rà phá bom mìn và liên quan như MAG, Renew, SODI, CPI…

Anh Nguyễn Văn Cường, đội trưởng EOD cho hay, đội tiến hành hủy bom mìn, vật liệu nổ vào thứ 5 hàng tuần. "Những quả đạn từ 130 mm trở xuống, chúng tôi hủy nổ tại huyện Hướng Hóa. Với loại đạn lớn hơn, để đảm bảo an toàn bắt buộc phải đưa về thao trường hủy nổ tại Hải Ba”, anh Cường thông tin. Mỗi tháng một lần, EOD tiến hành hủy nổ lớn ở Hải Lăng để tiêu hủy số bom đạn có sức công phá mạnh.

 
 
 

Những quả đạn được đánh giá an toàn, có thể vận chuyển sẽ vượt qua quãng đường 120-150 km về bãi hủy.

 
 
 

Một nhóm đào hố sâu hơn 1,5 mét, nhóm khác kiểm tra kíp nổ. Các quả đạn được tập kết vào bãi, kiểm kê số lượng, chủng loại.

 
 
 

Đội EOD có 32 người, phần lớn là người bản địa. Họ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ các chuyên gia nước ngoài và không ngừng được nâng cao trình độ. Làm nghề này đòi hỏi sự tỉ mẫn, khéo léo, cẩn thận và kiên nhẫn.

 
 
 

Quan trọng nhất trong quá trình hủy nổ là an toàn. Lịch hủy nổ được thông báo trước để người dân địa phương được biết.

 
 
 

PTVN hoạt động ở Quảng Trị từ năm 2003 và đã giúp tỉnh này lấy lại sự bình yên, màu xanh cho nhiều diện tích đất. Ưu tiên của PTVN là ở khu vực dân cư như trường học, giao thông nông thôn, trạm y tế, hộ gia đình và nương rẫy…

 
 
 

Trước khi phát lệnh nổ, 5 nhân viên được cử đi các hướng để kiểm tra an toàn, 2 người khác chốt chặn 2 đầu đường vào bãi hủy và dùng loa thông báo cho người dân ở khu vực nắm được.

 
 
 

Điều khiển kích nổ hàng trăm quả bom nằm sâu dưới hố cát.

 
 
 

Tâm vụ nổ có bán kính khoảng 200 mét, xung quanh có một lớp khói ám đen. Còn tại hố chôn đầu đạn, cát bị nung nóng đóng thành tảng cứng. 30 phút sau, các nhân viên trở lại hiện trường để kiểm tra. Những quả đạn lạnh lùng, tử thần chiến tranh đã trở thành những mảnh sắt nát vụn, vô hại.

 

Theo thống kê, Quảng Trị có hơn 391.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, chiếm 83,8% diện tích toàn tỉnh. Sau chiến tranh hàng chục năm, tỉnh vẫn còn sự mất mát vì những quả đạn ngủ sâu dưới nhiều tấc đất.

 

Năm 1996, Quảng Trị, tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất, là tỉnh đầu tiên trong cả nước tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, với tốc độ rà phá như hiện nay, phải 300 năm nữa, Quảng Trị mới hoàn thành việc xử lý ô nhiễm bom mìn.

Quang Hà

 

Học sinh bị ngăn cản thi đại học

vì năng lực yếu

THPT Nguyễn Thị Lợi (Thanh Hóa) từ chối xác nhận hồ sơ để "khống chế" số lượng học sinh thi đại học do "qua kỳ thi thử, các em không đủ sức".

Vài ngày qua, nhiều phụ huynh ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) tỏ ra bức xúc vì lãnh đạo THPT Nguyễn Thị Lợi từ chối xác nhận hồ sơ dự thi đại học của con em mình. Lý do mà phụ huynh và học sinh nhận được là "do năng lực hạn chế".

DSC-0136-1-JPG-3040-1396840421.jpg

THPT Nguyễn Thị Lợi (Sầm Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Lê Hoàng.

"Con tôi muốn nộp hồ sơ thi vào Học viện Bưu chính Viễn thông nhưng khi cháu đến xin xác nhận, lãnh đạo trường không ký với lý do, điểm 2 lần thi thử của cháu không đạt 10. Thay vì xác nhận hồ sơ thi vào đại học, lãnh đạo nhà trường chỉ xác nhận cho cháu được thi bậc cao đẳng", một phụ huynh giấu tên cho biết.

Một phụ huynh khác cho hay, khi họ thắc mắc, lãnh đạo trường lý giải, với học sinh năng lực có hạn, nếu thi đại học sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến uy tín của trường.

Tuy nhiên, ông Trần Hiếu Minh, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thị Lợi phủ nhận thông tin trên và cho hay, thầy cô tư vấn cho học trò chọn trường phù hợp. "Không có chuyện trường từ chối xác nhận cho học sinh thi đại học mà do các em tự xin rút hồ sơ, lựa chọn trường vừa sức sau khi được giáo viên định hướng", ông Minh khẳng định.

Theo ông Minh, qua hai đợt thi kiểm tra chất lượng cuối khóa, tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình chiếm 60-70%, còn lại là điểm trung bình yếu. Do đó, trong cuộc họp phụ huynh, trường đề nghị các gia đình nên định hướng con em lựa chọn ngành nghề phù hợp, tránh lãng phí. "Nếu phụ huynh quyết tâm cho con thi đại học bằng mọi giá thì vẫn được ký xác nhận vào hồ sơ", ông Hiệu trưởng nói thêm.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng phòng Giáo dục thị xã Sầm Sơn khẳng định, lãnh đạo THPT Nguyễn Thị Lợi không có quyền từ chối xác nhận hồ sơ dự thi đại học của học sinh.

"Việc đăng ký dự thi đại học hay không là quyền của học sinh. Việc tư vấn hướng nghiệp phải tiến hành trước thời điểm nộp hồ sơ chứ không phải vào lúc này. Đây là việc làm không hợp lý, dễ gây hiểu nhầm cho phụ huynh học sinh", ông Kiên nói.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục Sầm Sơn nhận định, có thể trường sợ ảnh hưởng đến thành tích nên mới làm như vậy. Bởi, nếu số hồ sơ đăng ký dự thi đại học tỷ lệ nghịch với số lượng trúng tuyển sẽ khiến thành tích và vị thế của trường đi xuống.

"Có thể lo ngại điều này nên lãnh đạo trường làm như vậy", ông Trưởng phòng Giáo dục thị xã chia sẻ.

Năm học 2013-2014, THPT Nguyễn Thị Lợi có 251 học sinh khối 12 tốt nghiệp. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục Sầm Sơn mới chỉ tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng của trường này. Dự kiến, ngày 7/4 Phòng Giáo dục Sầm Sơn sẽ chốt danh sách nhận hồ sơ trên địa bàn, học sinh muốn đăng ký dự thi phải nộp trực tiếp tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa đến hết ngày 17/4.

Lê Hoàng

Mưa đá đổ xuống các tỉnh miền núi phía Bắc

Liên tiếp những ngày qua, mưa đá kèm tố lốc trút xuống địa bàn nhiều tỉnh như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... gây thiệt hại về tài sản.

Theo lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mưa đá rải rác xảy ra từ chiều tối đến đêm nhiều ngày qua trên các tỉnh miền núi đông và tây bắc.

Tối 5/4, trận mưa đá có kích thước hạt mưa to hơn hạt ngô cùng lốc xoáy đổ xuống huyện Bát Xát, Sa Pa và TP Lào Cai. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Lào Cai cho hay, trận mưa đã làm 280 ngôi nhà bị tốc, sập mái. Cột phát sóng truyền hình ở huyện Bát Xát bị gió lốc quật đổ. Toàn thành phố Lào Cai và các huyện Sa Pa, Bát Xát mất điện trong khoảng 30 phút.

lc-8333-1396844386.jpg

Cột phát sóng truyền hình tại huyện Bát Xát bị giông lốc quật đổ. Ảnh: Baolaocai.

Trước đó một ngày, mưa đá kèm gió lốc quét qua huyện Yên Minh (Hà Giang) làm tốc mái 28 ngôi nhà. Hàng chục hecta hoa màu của bà con và một số công trình phúc lợi ở các xã Ngọc Long, Na Khê và Mậu Duệ cũng bị ảnh hưởng do gió lốc. Đây là trận mưa đá thứ 3 trên địa bàn huyện Yên Minh khoảng 1 tháng qua.

Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, mưa lớn đã ảnh hưởng đến các xã Pả Vi, Sủng Trà, Lũng Chinh, Giàng Chu Phìn, Tát Ngà, Sơn Vĩ.

Tại xã Pả Vi, gió lốc tốc mái 500 tấm proximang của 15 hộ dân vào đêm 4/4 gây mất điện. Chính quyền các xã đã sơ tán người dân ra khỏi nhà, rất may không có thiệt hại về người.

Theo lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào các tháng 3, 4, 5, mưa đá xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi do có sự giao mùa từ thời tiết lạnh sang nóng, khối không khí bất ổn định tạo giông mạnh, sau đó là lốc xoáy, mưa rào, sét, mưa đá. 

Đoàn Loan

Theo Vnexpress