Ngày biến thành đêm ở Quảng Ninh
9h05 sáng nay, bầu trời ở Hòn Gai (Quảng Ninh) đang sáng rõ bỗng nhiên tối sầm. Hình ảnh trên được nhìn thấy từ trụ sở Liên cơ quan tỉnh Quảng Ninh, cột 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. |
Cách đây vài năm khu vực này cũng có hiện tượng trời tối sầm rồi có mưa đá, tuy nhiên lần này mưa đá không xuất hiện. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Một số người hiếu kỳ ra đường xem hiện tượng lạ. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
"Ngày biến thành đêm" khiến các phương tiện bật đèn pha mới có thể di chuyển. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Các hộ dân ven đường bật đèn để sinh hoạt và kinh doanh. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng trên là do cơn mưa giông mang theo mây dày đặc, che khuất mặt trời. Hiện tượng này thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc buổi chiều, nhiều nhất là buổi chiều. Hiện tượng xảy ra vào buổi sáng nếu giông xuất hiện ở phía đông cũng là hướng mặt trời mọc. Còn vào buổi chiều, nếu giông ở phía tây thì mặt trời cũng bị che khuất. |
Kéo dài khoảng 10 phút, khi cơn giông qua đi, trời Hòn Gai mới dần sáng lại lúc 9h15. |
Hằng Ninh
Hơn 30% sinh viên sư phạm xếp loại trung bình, yếu
Ngày 1/4, ĐH sư phạm Hà Nội 2 công bố bảng thống kê kết quả học tập toàn trường. Theo đó, kết quả học tập của sinh viên khá thấp. Cụ thể, khoa Toán có 1.023 sinh viên nhưng chỉ có 10 em đạt kết quả học tập xuất sắc, 92 giỏi. Ngược lại, số học sinh trung bình là 248 và gần 200 yếu, 1 em bị buộc thôi học và 16 em nằm trong diện cảnh báo vì kết quả học tập kém.
Khoa Ngữ văn kết quả khá hơn khi có 73 sinh viên xuất sắc, 226 giỏi. Cả khoa có 8 em không được xét kết quả học tập, 220 em học lực trung bình và 71 yếu. Số bị cảnh báo học tập là 4. Cả khoa có 1.232 sinh viên.
ĐH Sư phạm Hà Nội 2 mấy năm gần đây có điểm đầu vào không cao. |
Khoa Vật lý có 681 sinh viên thì 1 em bị buộc thôi học, 1 không được xét kết quả học tập và 2 ở diện cảnh báo. Số sinh viên học lực yếu là 100, trung bình 125, nhiều hơn so với sinh viên xuất sắc (30 em) và giỏi (99 em).
Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp có 787 sinh viên nhưng có tới 184 em có học lực trung bình và 88 em học lực yếu. 1 sinh viên không được xét kết quả học tập, buộc thôi học 1 và cảnh báo 2 em. Trong khi sinh viên xuất sắc chỉ 35 em và giỏi 117 em.
Tình trạng tỷ lệ học lực trung bình, yếu xảy ra ở hầu hết các khoa còn lại, như: Khoa Giáo dục tiểu học có 1.557 sinh viên thì 1 không được xét kết quả học tập, 54 xuất sắc, 268 giỏi, 311 trung bình, 50 yếu. Hai sinh viên bị cảnh báo học tập. Khoa Hóa học có 564 sinh viên, không xét kết quả học tập 2, xuất sắc 50, giỏi 77, trung bình 124, yếu 88. Sô bị buộc thôi học là 1 và cảnh báo 3.
Đặc biệt, khoa Giáo dục công dân có 299 sinh viên thì chỉ có 1 em có học lực xuất sắc, 31 em giỏi, nhưng trung bình thì 82 em và 44 sinh viên học lực yếu. Khoa Lịch sử cũng có kết quả đáng buồn khi có 496 sinh viên nhưng 4 em không được xét kết quả học tập, buộc thôi học 1, cảnh báo 6. Sinh viên trung bình 102 và yếu 80 em. Số sinh viên xuất sắc chỉ 41 và giỏi 64 em.
Như vậy, toàn trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có gần 8.000 sinh viên thì 6 em bị buộc thôi học (chiếm 0,075%). Nguyên nhân nhà trường thông báo là do điểm trung bình hai học kỳ liên tiếp nhỏ hơn 1 điểm hoặc 1 học kỳ có điểm trung bình nhỏ hơn 1 và 1 học kỳ trung bình cộng tích lũy nhỏ hơn 1,6.
22 sinh viên không được xét kết quả học tập (chiếm 0,275%). Đây là những sinh viên xin bảo lưu kết quả; nghỉ học dài ngày, chờ quyết định xóa tên; nộp chậm học phí, không có tên trong danh sách của 2 vòng thi. 46 sinh viên bị cảnh báo (0,58%) vì kết quả học tập quá kém.
Số sinh viên xuất sắc là 325 (4,07%), giỏi 1.115 (13,9%) trong khi sinh viên có học lực trung bình của toàn trường là 1.712 (21,4%), yếu 970 (12,1%).
Những năm gần đây, điểm chuẩn của nhiều ngành ĐH Sư phạm Hà Nội 2 rất thấp.
Chi tiết điểm chuẩn các ngành sư phạm
Hoàng Thù
Có hai bằng đại học vẫn theo nghề thợ bạc gia truyền
Nằm trong một ngõ nhỏ trên đường Định Công Thượng (Hà Nội), xưởng chế tác, đậu bạc nằm ngay trong nhà nghệ nhân kim hoàn Quách Văn Trường, có 4-5 thợ cặm cụi làm việc.
Tuổi ngoài 70 cộng thêm di chứng chiến tranh, ông Trường không thể tiếp tục làm nghề. Dù vậy, hàng ngày ông vẫn miệt mài chỉ bảo cho thợ. Năm 2004, khi được Nhà nước phong nghệ nhân, ông xin phép mở lớp dạy nghề với 28 học viên. Sau 10 năm, chỉ còn khoảng 10 người trụ lại với nghề.
Anh Quách Phan Tuấn Anh, con út của nghệ nhân Quách Văn Trường, đã nối nghiệp cha được 10 năm. Tốt nghiệp hai đại học nhưng khi nhìn thấy nghề truyền thống đang dần mai một và có nguy cơ biến mất, anh nghĩ mình cần có trách nhiệm bảo tồn. Thu nhập thấp, công việc lúc có, lúc không nhưng chính sự sáng tạo và lòng yêu nghề đã giúp anh cùng những người thợ khác trụ lại.
Tuấn Anh cho biết, anh đã nhiều lần kêu gọi thanh niên theo học nghề. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm luôn là một vấn đề nan giải. Người thợ kim hoàn bây giờ, ngoài đôi bàn tay còn cần khả năng nắm bắt thị hiếu, kinh doanh mới có thể tồn tại.
Sản phẩm đậu bạc được ít người biết đến, không thể sản xuất hàng loạt. Thời kỳ đầu công việc không có, nhiều người phải bỏ nghề. Ông Trường cho biết, để sống bằng nghề cần phải tạo ra các tác phẩm độc đáo, khác biệt.
Khác với trơn bạc hay chạm bạc, đậu bạc không dùng khuôn mà làm thủ công ở tất cả các khâu. Do vậy, các tác phẩm cũng một mẫu mã nhưng luôn có những đường nét, chi tiết khác nhau. Làng Định Công nổi bật với thế mạnh đậu nhưng thợ kim hoàn luôn cần biết cả ba kỹ năng trơn, chạm, đậu.
Quy trình đậu bạc truyền thống trải qua nhiều giai đoạn như nấu, cán, kéo, se, ghép... Một người thợ phải mất 7-8 năm theo nghề mới làm thành thạo, tự hoàn thiện tất cả các công đoạn.
Bạc được nấu chảy sau đó kéo nhỏ thành sợi, nhỏ nhất có thể khoảng 1 rem (1/10 ly), rồi se lại thành các chi tiết.
Quy trình ghép trong đậu bạc đòi hỏi người thợ phải rất khéo léo để không làm lộ mối hàn. Người thợ dùng bụi bạc trộn với hợp kim làm mối hàn rồi chấm lên các điểm nối.
Hơ lửa hàn phải đều tay giữ nhiệt ổn định, liên tục để bạc không bị sần, lên gân.
Tác phẩm rồng thời Lý của nghệ nhân Quách Văn Trường mất hàng tháng trời để hoàn thiện từ hàng nghìn sợi bạc. Ông Trường chia sẻ, ông và ông Hiểu rất tích cực mang sản phẩm đi triển lãm nhằm mục đích quảng bá, phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, do quá ít người theo nghề nên không được chính quyền ưu tiên hỗ trợ.
Anh Trần Quốc Quân cũng đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề. Anh Quân chia sẻ, thời gian học việc rất vất vả, lương không có, làm hỏng nhiều nhưng anh thấy ngày càng gắn bó hơn với nghề. Theo nghề lâu năm, anh Quân có công việc đều, giúp anh và gia đình ổn định cuộc sống.
Từ xa xưa, làng Định Công được biết đến là trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất đất Thăng Long với các tác phẩm tinh xảo.
Theo sử sách, vào thời Lý Nam Đế (khoảng thế kỷ VI), ba anh em Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền đã mở cửa hàng vàng bạc tại làng Định Công, tạo ra những sản phẩm tinh xảo nức tiếng cả nước. Sau chiến tranh, người làng di tản đi nhiều nơi, nghề kim hoàn biến mất khỏi làng Định Công. Mãi tới đầu thập niên 1990, ông Quách Văn Trường và người cháu Quách Văn Hiểu mới khôi phục lại nghề truyền thống của gia đình. Hơn 20 năm qua, hai nghệ nhân kim hoàn vẫn miệt mài giữ lửa nghề và đau đáu tìm cách phát triển nghề đậu bạc truyền thống đã bị mai một.
Nguyên Anh
Theo Vnexpress