MH370 đã chở hàng dễ cháy
Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 có thể bắt nguồn từ 198 kg hàng hóa dễ bắt lửa trên chiếc Boeing 777-200.
Một loại pin lithium ion. Ảnh minh họa: Wikipedia |
Sylvia Adcock từng phụ trách mục an ninh và an toàn hàng không của trang Newsday.com từ năm 1996 tới 2005. Bà hiện là biên tập viên của tạp chí NC State của đại học bang North Carolina. Bà nêu ra một giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến tình trạng của MH370 hiện nay.
Các nhà điều tra Malaysia chưa tìm được mảnh vỡ cũng như hộp đen để nghiên cứu và kết luận. Bởi vậy, họ tập trung kiểm tra lý lịch các phi công và tất cả hành khách trên MH370, đồng thời phân tích dữ liệu radar cùng những liên lạc cuối cùng từ buồng lái. Họ cũng để ý nhiều hơn nữa đến một manh mối quan trọng: danh mục các loại hàng được chở trên chuyến bay.
Danh sách những thứ nằm trong khoang hàng hóa của mỗi chuyến bay nằm phía trên mục hành lý ký gửi. Các nhà vận chuyển thường dùng máy bay dân dụng để chở hàng hóa hay vật liệu. Việc nắm danh sách những loại hàng trên máy bay trở nên quan trọng bất ngờ đối với việc điều tra tai nạn.
Trường hợp điển hình là vụ tai nạn máy bay ValuJet 592 năm 1996 ở Mỹ. Chiếc máy bay lao xuống vùng Everglades, bang Florida, không lâu sau khi cất cánh từ thành phố Miami. Các nhà chức trách điều tra được rằng phi công đã không kiểm soát được máy bay sau khi ngọn lửa bùng lên từ khoang chứa hàng làm vô hiệu hóa một số hệ thống máy móc. Nguồn gốc đám cháy được lần ra là một lô các bình oxy bị dán sai nhãn và đóng gói không đúng quy cách.
Vụ tai nạn khiến Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ bắt buộc mọi máy bay phải lắp đặt máy phát hiện khói và các hệ thống chữa cháy ở khoang chở hàng của các máy bay dân dụng. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng ra quyết định về việc bình chữa cháy halon (chất chữa cháy dạng khí) phải được đặt trong khoang hàng. Đến nay, những thiết bị này vẫn mang những tính năng giữ an toàn quan trọng cho chuyến bay.
Gần đây, có một loại hàng hóa bị chú ý đặc biệt, đó là pin lithium, một loại pin sạc (như pin điện thoại hay pin máy tính xách tay), còn được gọi là pin lithium ion. Loại thứ hai là pin không sạc được (như pin dùng cho đồ chơi hay cho các thiết bị y tế) còn được gọi là pin lithium metal.
Loại pin thứ hai chứa nhiều năng lượng. Nếu chúng bị bảo quản sai cách thì rất dễ bắt lửa và ngọn lửa này không thể được dập tắt bằng halon. Đây là lý do khiến cục FAA cấm máy bay dân dụng vận chuyển pin lithium metal từ năm 2004. Tuy nhiên, luật này chỉ được áp dụng tại Mỹ, các cơ quan quốc tế vẫn đang xem xét khả năng ban hành quy định như vậy. Riêng pin lithium ion được phép có mặt trên máy bay nhưng phải đóng gói và dán nhãn cẩn thận.
Hộp pin lithium gây ra vụ cháy trên chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không Nhật Bản năm 2013. Ảnh: Wikipedia |
Trong vụ MH370, quan chức Malaysia từng hứa sẽ công bố bản kê khai hàng hóa "vào đúng thời điểm". Sau đó, họ chỉ tiết lộ rằng chiếc Boeing 777-200 chở theo 198 kg pin lithium ion. Chính quyền nước này khẳng định những loại hàng hóa có mặt trên MH370 không gây nguy hại cho máy bay. CNN dẫn một nguồn tin cho biết, Malaysia từ chối đưa bản danh mục hàng hóa cho chính phủ Australia, cho dù điều này là hữu ích đối với việc khoanh vùng tìm kiếm.
Cho dù pin lithium ion khó bắt lửa hơn và cũng dễ bị dập tắt hơn pin lithium metal, cả hai loại này đều có độ lan truyền nhiệt lớn. Mỗi cục pin nhanh chóng truyền nhiệt cho cục bên cạnh, tạo thành đám cháy lan rộng và khó bị dập bằng các phương tiện cứu hỏa thông thường.
Đáng chú ý, pin lithium ion bị quy là nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Boeing 747 UPS năm 2010 ở thành phố Dubai, UAE. Hai phi công đã thiệt mạng khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Các điều tra viên xem xét hồ sơ vận chuyển hàng và phát hiện lô hàng pin lithium ion không được khai báo là hàng nguy hiểm. Ngọn lửa bùng phát nhanh chóng, phá hủy hệ thống điều khiển, khiến buồng lái ngập trong khói, làm các phi công mất khả năng kiểm soát.
Các nhà chức trách Malaysia cần chú ý đến các yếu tố có thể gây cháy trên MH370. Họ phải xem xét danh sách hàng hóa được vận chuyển hôm đó, đồng thời thẩm vấn các chủ hàng phòng trường hợp có loại hàng bị chuyển nhầm, bị hư hỏng hoặc bảo quản sai cách. Điều tra theo hướng này cũng quan trọng như việc xem xét các giả thiết phi công phá hoại hay không tặc.
Trần Trang (theo CNN)
'Nữ hoàng khí đốt' bị nghi miệt thị người Nga
Bà Yulia Tymoshenko được cho là buông lời miệt thị người Nga trong một đoạn nói chuyện vừa bị tiết lộ.
Cựu thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko. Ảnh: Reuters.
Đoạn đối thoại diễn ra vào ngày 18/3, thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai lãnh đạo Crimea ký vào hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, hãng tin RT cho hay. Nó sau đó được đăng tải lên Youtube và phát sóng trên các kênh truyền hình ở Nga hôm 24/3, làm dấy lên nhiều tranh cãi.
"Chuyện này vượt quá mọi giới hạn", giọng nói bằng tiếng Nga được tin là của bà Tymoshenko cất lên. "Chúng ta cần cầm súng quét sạch lũ 'katsap' chết tiệt cùng với lãnh đạo của chúng". "Katsap" là từ được Ukraine sử dụng với hàm ý miệt thị người Nga còn "lãnh đạo của chúng" được cho là ám chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo AFP, bà Tymoshenko lúc đó đang thảo luận về vấn đề Crimea sáp nhập vào Nga với ông Nestor Shufrych, nghị sĩ quốc hội và là một cựu quan chức chính phủ Ukraine. Cựu nữ thủ tướng 53 tuổi cảm thấy tiếc nuối bởi nếu bà đang tại vị thì "chúng đừng hòng có cơ hội lấy Crimea". Khi đề cập đến số phận 8 triệu người Nga đang ở Ukraine, bà cho rằng những người này cũng nên "bị loại bỏ".
Tymoshenko hôm qua xác nhận cuộc đối thoại đồng thời "xin lỗi vì những câu nói không thích hợp". "Cuộc nói chuyện đã xảy ra nhưng (đoạn) về 8 triệu người Nga ở Ukraine là sự dàn dựng", bà Tymoshenko đăng tải trên Twitter với ý ám chỉ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đứng sau sự việc. "Thực ra tôi nói 'những người Nga ở Ukraine là người Ukraine'. Hoan hô FSB".
Phản ứng trước những lời lẽ này, Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov bình luận "Yulia Volodymyrovna đã tự làm hại mình". Ông nhắc đến cựu thủ tướng Ukraine bằng tên đầy đủ của bà một cách châm biếm trên Twitter.
Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, từ chối bình luận về đoạn đối thoại. "Tymoshenko thừa nhận một phần đoạn hội thoại là chính xác nhưng tôi không thể nói đâu là đúng, đâu là sai", Peskov nói.
Một số nghị sĩ Nga đã yêu cầu điều tra về đoạn băng bị tiết lộ này, để làm rõ việc bà Tymoshenko miệt thị và kêu gọi "quét sạch người Nga" hay không. Tymoshenko từng là lãnh đạo tập đoàn năng lượng lớn ở Ukraine, được báo chí nước này đặt biệt danh là "nữ hoàng khí đốt". Sau khi rời thương trường, bà tham gia lãnh đạo cách mạng Cam năm 2004, rồi làm thủ tướng dưới thời tổng thống Viktor Yuschenko. Bà phải chấp hành án tù 7 năm, sau khi ông Viktor Yanukovych lên nắm quyền năm 2010 và được trả tự do vào cuối tháng 2.
Như Tâm
Bộ trưởng của Crimea bị Ukraine truy nã
Tên của Bộ trưởng Tư pháp Crimea Natalia Poklonskaya nằm trong danh sách "những kẻ trốn chạy cơ quan điều tra" của Ukraine.
Bộ trưởng Tư pháp Crimea Natalia Poklonskaya. Ảnh: Chinanews |
Theo thông tin được đăng trên trang web chính thức của Bộ Nội vụ Ukraine, Poklonskaya bị buộc tội "đồng lõa và tham gia các hoạt động với mục đích thay đổi hoàn toàn, thậm chí lật đổ hệ thống Hiến pháp hay thâu tóm quyền lực nhà nước".
Số điện thoại của Cơ quan An ninh Ukraine được dùng làm đường dây nóng cho việc trao đổi thông tin về nữ bộ trưởng của Crimea, Itar-Tass cho hay.
Sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga, hình ảnh của Poklonskaya được lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới. Nữ bộ trưởng đặc biệt nổi tiếng ở Nhật Bản khi video quay một buổi cuộc họp báo của cô được đăng tải lên kênh Youtube tiếng Nhật.
Những người hâm mộ Poklonskaya ở đó còn phóng tác hình ảnh của cô thành một nhân vật hoạt hình. Cạnh một bức tranh, một người viết "Nếu được sử dụng đúng cách, sắc đẹp thực sự là một vũ khí lợi hại", trong khi một người khác bình luận ngắn gọn "Mỹ nhân cứu tinh cả thế giới" hay "Tôi sẽ đến Crimea tìm cô ấy".
Trần Trang
Thoát chết trong gang tấc khỏi biển lửa
Một công nhân xây dựng ở Mỹ được lính cứu hỏa giải cứu kịp thời ngay trước khi bức tường lửa đổ sập xuống.
Lính cứu hỏa tiếp cận người công nhân. Ảnh chụp màn hình. |
Ngọn lửa xuất hiện tại một khu chung cư đang xây dựng vào khoảng 12h30 ngày 25/3 ở thành phố Houston, bang Texas, ABC Local cho hay. Một công nhân đang làm việc ở tầng cao nhất của tòa nhà phải chạy ra ban công, nhảy xuống tầng phía dưới để tránh ngọn lửa. Người này sau đó được lính cứu hỏa giải cứu kịp thời, ngay trước khi bức tường bốc cháy đổ xuống
"Khi thấy anh ấy trượt chân, chúng tôi chỉ biết nói rằng 'Chúa ơi, anh ta sẽ ngã mất'", Karen Jones, người ghi lại hình ảnh quá trình cứu hộ nói. "Chúng tôi nghĩ người này đã hết hy vọng".
"Chúng tôi cố gắng tiếp cận", Hawthorn, đội trưởng Sở Cứu hỏa Houston cho biết. "Sau đó, chúng tôi không muốn anh ta nhảy quá sớm. Anh ta đã đợi cho đến lúc cái thang tới đủ gần".
Người công nhân, không tiết lộ danh tính, được sơ cứu ngay tại hiện trường và rời đi sau đó. Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân đám cháy.
Video giải cứu công nhân kẹt trong đám cháy
Như Tâm (Video: AP)
Theo Vnexpress