5 nữ sinh bị xe tải tông liên tiếp
Các nữ sinh đạp xe trên đường đi cắm trại, bất ngờ bị ôtô tải chạy cùng chiều tông liên tiếp, khiến 1 người tử vong, 4 người nguy kịch.
Khoảng 20h tối qua, 5 nữ sinh lớp 11, trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đạp xe đến trường cắm trại dịp 26/3. Đến đoạn đường qua phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà), cả 5 em bất ngờ bị xe tải do tài xế Trương Hùng (35 tuổi, ngụ đường Điện Biên Phủ, TP.Huế) chạy hướng Bắc - Nam, tông vào.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Hương Xuân |
Tai nạn khiến em Hoàng Thị Hương Giang (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) chết tại chỗ. Bốn học sinh khác gồm Dương Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Quế Hương, Đỗ Thị Ngọc Hoài, Trần Thị Thùy Trang (cùng ngụ thị xã Hương Trà), bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế.
Tài xế Hùng bị cơ quan chức năng tạm giữ để lấy lời khai, phục vụ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo quan sát, đoạn đường các nữ sinh gặp nạn đang thi công, hai bên không có đèn tín hiệu chiếu sáng.
Văn Nguyễn
Hà Nội sẽ xây mới 18 công viên
Đến năm 2030, khu vực nội đô Hà Nội sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên được xây mới.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới. Đồng thời, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và Hà Nội sẽ có 7 khu công viên đặc thù.
Công viên Hòa Bình, được coi là hiện đại nhất thủ đô, nằm trên đường Phạm Văn Đồng (Từ Liêm, Hà Nội) luôn trong tình trạng vắng khách, nhiều hạng mục vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp. Ảnh: KH |
Trong quy hoạch, TP Hà Nội sẽ chia thành 2 khu vực lớn, khu vực nội đô lịch sử được giới hạn bởi đường đê sông Hồng và đường vành đai 2, gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ.
Với khu vực nội đô lịch sử, ngoài việc nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có, thành phố sẽ làm các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công viên cây xanh theo quy hoạch quận, huyện và các dự án đã được phê duyệt như công viên Đống Đa, công viên Thống Nhất; nâng cấp các công viên Bách Thảo, vườn thú Hà Nội, tăng cường cây xanh trong các khu chung cư cũ.
Khu vực nội đô mở rộng nằm về phía tây nội đô lịch sử, giới hạn bởi đường vành đai 2, đường đê sông Hồng, sông Nhuệ và đường vành đai 3 gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, một phần quận Tây Hồ, Hà Đông, huyện Thanh Trì và huyện Từ Liêm. Khu vực này sẽ hình thành 3 điểm trọng tâm là Hồ Tây và phụ cận; khu Mỹ Đình và khu Yên Sở.
Đô thị lõi phải đảm bảo nguyên tắc “có đường là có cây xanh”; bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố như Nguyễn Du, Lò Đúc, Phan Đình Phùng...
Các dự án cải tạo chung cư cũ với tổng diện tích là 415 ha thì diện tích đất cây xanh sẽ khoảng 40 ha (đạt 1m2/người, tương đương 8-10% diện tích).
Bá Đô
Hai phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt bị đình chỉ
Chủ tịch Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết sẽ ký quyết định đình chỉ chức vụ 2 phó tổng giám đốc, để làm rõ thông tin liên quan đến việc Công ty JTC Nhật Bản hối lộ 80 triệu yen cho quan chức đường sắt.
Ngày 24/3, trao đổi với VnExpress, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, quyết định đình chỉ chức vụ sẽ được áp dụng với 2 phó tổng giám đốc trong vòng 10 ngày, để làm rõ thông tin liên quan đến việc Công ty tư vấn đường sắt Nhật Bản (JTC) "lại quả" 80 triệu yen (16 tỷ đồng) cho quan chức ngành đường sắt.
Đó là các ông Ngô Anh Tảo, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty và ông Trần Quốc Đông, Phó tổng giám đốc, cựu giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt.
Trước đó, ông Trần Quang Lục, Trưởng ban Quản lý các dự án đường sắt của Cục đường sắt Việt Nam, người từng có thời gian làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt trong thời kỳ 2008-2009 vừa bị tạm đình chỉ.
Quyết định được Cục trưởng đường sắt Nguyễn Hữu Thắng ký ngày 24/3 nêu thông tin, ông Lục bị tạm đình chỉ chức vụ để giải trình trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty, do có liên quan đến nhà thầu tư vấn thực hiện gói thầu "Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I".
Ông Lục là quan chức thứ hai bị tạm đình chỉ sau ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý của Tổng Công ty.
Dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên sẽ bị tạm dừng để điều tra. |
Ông Lục là người đã phải giải trình hôm 23/3 trước Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc họp có liên quan đến nghi án nhà thầu Nhật Bản hối lộ cán bộ đường sắt Việt Nam khoảng 16 tỷ đồng. Ông Lục cho biết đã giải trình và viết cam kết “không nhận hối lộ” trong thời gian làm giám đốc ban quản lý dự án này, sau đó đã bàn giao cho ông Trần Quốc Đông - người đã lên chức Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt.
Theo ông Trần Ngọc Thành, đơn vị đang điều tra và xem xét lại toàn bộ dự án, tuy nhiên chỉ mang tính nội bộ, chưa phối hợp với công an để xử lý. Người đứng đầu Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng cho biết, phía Nhật Bản chưa có thông tin chính thức về vụ việc và cũng chưa yêu cầu hợp tác nên "phải xem xét một cách cẩn trọng và cần có thời gian".
Ngày 21/3, nhiều báo Nhật đưa tin về việc Chủ tịch Công ty tư vấn đường sắt JTC của Nhật khai đã hối lộ một quan chức Việt Nam 80 triệu yen (16 tỷ đồng) để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA.
Ngày 23/3, Bộ Giao thông Vận tải lập đoàn thanh tra tất cả dự án có nhà thầu JTC tham gia. Thông cáo phát đi tối cùng ngày của Bộ khẳng định, Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hiện là nhà thầu dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1). Sau hơn hai năm triển khai, giá trị hợp đồng tư vấn đã tăng từ 900 tỷ đồng lên hơn 1.226 tỷ đồng.
Bộ đã quyết định dừng việc giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2A (đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi) của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1).
Chí Hiếu - Bá Đô
Theo Vnexpress