Tự vệ Crimea đột kích căn cứ quân sự ở Crimea
Lực lượng tự vệ Crimea sáng sớm nay nhảy dù từ trực thăng và sử dụng lựu đạn choáng khi xông vào một căn cứ hải quân ở thành phố Feodosia, phía đông bán đảo, sau đó giành quyền kiểm soát nơi này.
Xe bọc thép của lực lượng tự vệ Crimea bên ngoài căn cứ quân sự ở thành phố Feodosia. Ảnh: Reuters. |
Financial Times dẫn thông tin đăng tải trên Facebook của Vladislav Seleznyov,phát ngôn viên của quân đội Ukraine tại bán đảo Crimea cho biết có trực thăng và tiếng súng được ghi nhận tại căn cứ hải quân Ukraine ở thành phố Feodosia, phía đông bán đảo Crimea vào khoảng 4h30 sáng nay. Nhóm tự vệ Crimea sau đó sử dụng xe bọc thép và lựu đạn choáng xông vào nơi này.
Những binh sĩ nhảy dù xuống căn cứ từ 4 trực thăng bay phía trên, AFP dẫn lời ông Seleznyov cho biết thêm. Ông còn nhìn thấy ba phương tiện quân sự chở theo lính thủy quân lục chiến Ukraine bị trói tay rời khỏi căn cứ.
Trung úy Anatoly Mozgovoy mô tả với Reuters rằng các binh sĩ Ukraine không mang vũ khí và căn cứ hiện đã bị lực lượng tự vệ Crimea canh giữ.
Feodosia là một trong số ít những cơ sở quân sự ở Crimea còn nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine sau khi bán đảo sáp nhập vào Nga. Bộ Quốc phòng Ukraine trước đó cho biết các căn cứ của Crimea vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, những hầu hết những nơi này hiện do lực lượng tự vệ Crimea kiểm soát, treo quốc kỳ của Nga.
Đây là vụ đột kích căn cứ quân sự thứ ba xảy ra kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hôm 21/3.
Trước đó, lực lượng tự vệ Crimea hôm 22/3 bao vây căn cứ không quân của Ukraine tại Belbek, ra tối hậu thư và yêu cầu lực lượng bên trong đầu hàng. Lực lượng này sau đó tiến vào một căn cứ không quân của hải quân Ukraine ở Novofedorivka. Trong cùng ngày, cờ Nga còn được treo trên một số tàu Ukraine và ở Zaporizhia, tàu ngầm cuối cùng của Ukraine.
Vị trí các căn cứ quân sự trên bán đảo Crimea. Đồ họa: BBC. |
Như Tâm
Việc tìm kiếm MH370 đang diễn ra như thế nào
Sau khi Australia thông báo phát hiện ra hai mảnh vỡ nghi của chuyến bay MH370, nhiều nước đã điều động máy bay và tàu tới hỗ trợ hoạt động tìm kiếm ở nam Ấn Độ dương.
Phi cơ P8 Poseidon của hải quân Mỹ cất cánh từ sân bay quốc tế Perth hôm 21/3. Ảnh:Reuters. |
Australia cử 4 máy bay trinh sát và hai tàu tới khu vực để tìm kiếm vật thể. Bên cạnh đó, một máy bay Orion của không quân New Zealand và một chiếc P8 Poseidon của hải quân Mỹ cũng được triển khai.
Theo ABC News, việc sử dụng máy bay Poseidon P-8 tham gia tìm kiếm là dấu hiệu cho thấy mức độ khó khăn trong việc xác định những vật thể vệ tinh chụp được hay bất kỳ mảnh vỡ nào ở phía nam Ấn Độ Dương.
Vùng tìm kiếm nằm cách thành phố Perth của Australia khoảng 2.500 km về phía tây và gần Nam Cực. Nó thuộc vùng biển hẻo lánh đến mức Poseidon phải mất 3 giờ bay mới đến nơi.
Khi tới vị trí tìm kiếm, chiếc phi cơ chỉ bay ở độ cao gần 100 m so với mặt biển. Radar và các máy quay công suất lớn dưới máy bay sẽ quét khoảng 25 km mặt biển ở cả hai phía của máy bay, trong khi đó, những người quan sát ngồi gần các cửa sổ trên phi cơ để nhìn xuống biển. P-8 bay qua lại tìm kiếm giống như một chiếc máy cắt cỏ. Hệ thống radar phát hiện một số vật thể, nhưng chúng chỉ là một tàu chở hàng và hai đàn cá heo.
Phi cơ Poseidon có đủ nhiên liệu để tìm kiếm trong vòng ba giờ trên diện tích khoảng 10.600 km vuông. Sau đó, nó phải bay trong ba giờ nữa để trở về căn cứ ở phía bắc thành phố Perth, Australia.
(Video: CNN)
Ngoài ra, Nhật Bản cùng Trung Quốc cũng điều thêm máy bay tới tham gia hoạt động tìm kiếm. Hai phi cơ quân sự Ilyushin IL-76 Trung Quốc đã có mặt tại Australia và bay ra khu vực tìm kiếm. Hai máy bay trinh sát P-3 Orion của Nhật Bản dự kiến cất cánh vào cuối ngày hôm nay.
Theo ông John Young, lãnh đạo Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) và là người giám sát hoạt động tìm kiếm, Trung Quốc "rõ ràng có mối quan tâm đặc biệt trong hoạt động này". Young cho biết ngoài hai máy bay quân sự, Trung Quốc còn điều động tàu nghiên cứu Xue Long (Tuyết Long) tới hỗ trợ.
(Video: BBC)
Phương thức tìm kiếm khác
Peter Kowalczyk, một trong những người sáng lập Ocean Floor Geophysic, công ty chuyên thăm dò khai thác khoáng sản dưới lòng đại dương có trụ sở ở Vancouver, Canada, cho rằng việc tìm kiếm MH370 có thể sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV).
Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm cần thu hẹp phạm vi lại. "Vấn đề quan trọng nhất lúc này là tìm thấy mảnh vỡ, để từ đó tìm ra khu vực máy bay rơi. Bởi càng mất thời gian tìm khu vực gặp nạn, việc xác định vị trí MH370 ở đáy đại dương càng khó khăn", CBC News dẫn lời Kowalczyk nói.
Theo Kowalczyk, hộp đen trên Boeing 777 có thiết bị có thể phát ra "ping", một dạng tín hiệu ngắn. Nếu các tàu tìm kiếm bắt được tín hiệu này, họ có thể khoanh vùng khu vực có xác máy bay dưới đáy đại dương. Lực lượng tìm kiếm chỉ có thời gian khoảng 1 tháng trước khi pin của bộ phận phát tín hiệu cạn kiệt.
Ngoài ra, lực lượng tìm kiếm có thể sử dụng phương tiện tự động dưới nước (AUV) nếu không bắt được "ping". "AUV đi vào lòng đại dương trong vòng 18 giờ và bạn phải lập trình đường đi cho nó giống như của máy cắt cỏ. Nó sẽ tìm kiếm qua lại và chụp hình đáy đại dương bằng radar siêu âm", Kowalczyk cho hay.
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích từ hôm 8/3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh với 239 người trên khoang. Đến nay Malaysia đã nhờ 25 nước tham gia tìm kiếm máy bay.
Công việc tìm kiếm trong những ngày gần đây ở ngoài khơi Australia tập trung vào các vật thể lớn do vệ tinh phát hiện. Ngày 20/3, Australia công bố phát hiện hai mảnh vỡ kích thước 24 m và 5 m trên ảnh vệ tinh. Ngày 22/3, Trung Quốc tuyên bố phát hiện một vật thể 22 x 13 m trên ảnh vệ tinh chụp hôm 18/3. Một máy bay tham gia tìm kiếm cũng phát hiện được một kiện gỗ và dây đai trôi nổi trong khu vực. Tuy nhiên, chưa có dấu vết chắc chắn các vật thể này thuộc về MH370.
(Video: WSJ)
Như Tâm
Thổ Nhĩ Kỳ quay trực tiếp vụ bắn phi cơ Syria
Một kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ vô tình ghi lại được cảnh chiến đấu cơ Syria bị bắn rơi khi đang truyền hình trực tiếp tại khu vực biên giới giữa hai nước.
Kênh Haberturk hôm qua đang trong phiên truyền hình trực tiếp thì một phóng viên hiện trường tại biên giới với Syria nghe thấy tiếng pháo nổ ở quả đồi phía sau. Anh quay lại nhìn, trong khi người quay phim nhanh chóng ghi lại diễn biến, đặc biệt là một cột khói đen bốc lên từ mặt đất nơi chiếc phi cơ Syria rơi xuống.
Theo RT, máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc Mig-23, gần biên giới ở tỉnh Latakia, Syria. Đây là nơi những cuộc giao tranh giữa quân đội Syria và phiến quân vũ trang kéo dài suốt ba ngày.
Trong thông cáo của Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, chiến đấu cơ bị bắn hạ đã bay 1,5 km vào không phận nước này bất chấp cảnh báo. Theo đó, hai chiếc Mig-23 tiếp cận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chúng đến biên giới trong phạm vi 18 km, Thổ Nhĩ Kỳ phát đi "4 tín hiệu cảnh báo". Một chiếc Mig bỏ đi, trong khi chiếc còn lại bị hai chiến đấu cơ F-16 đánh chặn sau khi xâm phạm không phận.
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ chụp được cảnh máy bay Syria bị bắn hạ. Ảnh: Anadolu
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chúc mừng quân đội nước này vì vụ bắn rơi máy bay Syria, đồng thời cảnh báo về đòn đáp trả thích đáng nếu không phận bị xâm phạm. "Sự đáp trả của chúng tôi sẽ rất mạnh mẽ nếu các người xâm phạm không phận của chúng tôi", ông Erdogan nói trong một cuộc vận động tranh cử, với ý nhắc tới chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong khi đó, SANA dẫn lời phát ngôn viên không quân Syria cho biết Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng "có hành động gây hấn" khi bắn vào một máy bay đang "đuổi theo nhóm khủng bố trên lãnh thổ Syria và không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ". Phi công máy bay đã kịp thoát ra đúng lúc, quan chức Syria nói thêm.
Trước đó, AFP dẫn lời tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho hay Thổ Nhĩ Kỳ nhắm bắn một phi cơ chiến đấu của Syria, khiến nó bốc cháy và rơi tại lãnh thổ Syria.
Trọng Giáp (Video: Haberturk)
Theo Vnexpress