Bà Obama thăm Trung Quốc
Đệ nhất phu nhân Mỹ hôm nay tới tham quan một trường học, điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài một tuần.
Bà Obama cùng hai con gái, Malia và Sasha, và mẹ, bà Marian Robinson, chiều qua tới Trung Quốc, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài một tuần, Xinhua cho hay. Bà sẽ thăm thủ đô Bắc Kinh, cố đô Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây và thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Xinhua. |
Ông Max Baucus (giữa), tân đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, cùng vợ chào đón bà Obama tại sân bay quốc tế Bắc Kinh. Bà Obama sau đó gặp bà Bành Lệ Viện, phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai người đã không có dịp gặp nhau khi bà Bành tháp tùng chồng đến Mỹ tháng 6/2013. Ảnh: AP. |
Chuyến thăm lần này của bà Obama tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ văn hóa giữa hai quốc gia. Hai người có chuyến thăm trường Trung học số 2 thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh vào 9h30 sáng nay theo giờ địa phương. Trong ảnh, đệ nhất phu nhân hai nước gặp mặt trước khi tới trường Trung học số 2. Ảnh: Reuters. |
Trường Trung học số 2 là đơn vị "kết nghĩa" với trường Sidwell Friends ở thủ đô Washington, nơi hai con gái của bà Obama theo học. Ảnh: Weibo. |
Tại đây, bà Obama tập viết chữ "vĩnh" bằng Hán tự dưới sự hướng dẫn của một học sinh 16 tuổi. Ảnh: Reuters. |
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc viết một bức thư pháp gồm 4 chữ tặng bà Obama. Photo:Weibo. |
Bà Bành tiếp chuyện đệ nhất phu nhân Mỹ cùng hai con gái tại trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ảnh: AFP. |
Hai bà sau đó tham quan Tử Cấm Thành với sự bảo vệ nghiêm ngặt. Bà Obama cùng hai con gái và mẹ tối nay sẽ tới dự bữa tối theo lời mời của bà Bành. Ảnh: Weibo. |
Như Tâm
Giám đốc Đài truyền hình Ukraine bị đánh
Quyền giám đốc Đài truyền hình Quốc gia Ukraine bị nhóm nghị sĩ cực hữu tấn công, yêu cầu phải từ chức, sau khi đài này phát hình ảnh lễ ký sáp nhập Crimea tại Moscow.
Chương trình phát sóng trên một kênh thuộc Đài truyền hình Quốc gia Ukraine (NTU) hôm 18/3, với hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga, Telegraph cho hay.
Ngay trong ngày, một nhóm nghị sĩ xông vào văn phòng ông Aleksandr Panteleymonov, quyền giám đốc điều hành của NTU, đòi ông từ chức. NTU là đài truyền hình nhà nước và quản lý kênh truyền hình Pershyi Natsionalnyi lớn nhất của Ukraine.
"Viết đơn xin từ chức đi! Ngồi xuống! Tôi nói ông ngồi xuống!", một người hét lên trong lúc vừa đấm vừa đẩy ông Panteleymonov. "Giấy bút đây, ông hãy viết đơn từ chức ngay bây giờ".
Theo RT, nhóm người này, trong đó có nghị sĩ Igor Miroshnynchenko thuộc đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine, tự xưng là thành viên của "ủy ban tự do thông tin và ngôn luận". Họ cáo buộc Panteleymonov "chống lại Ukraine", đồng thời yêu cầu ông từ chức.
Aleksandr Aronets, thư ký báo chí của đảng Svoboda, đăng trên Facebook cá nhân xác nhận rằng "những người này đã buộc lãnh đạo của Pershyi Natsionalnyi, Panteleymonov viết đơn từ chức" kèm theo bức ảnh chụp đơn từ chức làm bằng chứng.
Svoboda, đảng cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc, là một trong 5 đảng lớn nhất ở Ukraine. Sự việc xảy ra trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ của Ukraine bắt đầu xuất hiện tiếng nói của một số nhóm cực hữu.
Như Tâm (Video: Telegraph)
Nga trả đũa Mỹ
Moscow ra lệnh cấm nhập cảnh đối với một loạt quan chức Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain, nhằm trả đũa đòn trừng phạt của Washington sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Thượng nghị sĩ John McCain là một trong số 9 quan chức Mỹ vừa bị Nga cấm nhập cảnh. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi liên tục cảnh báo rằng việc trừng phạt là con dao hai lưỡi và có tác động ngược", RIA Novosti dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho biết khi công bố danh sách quan chức Mỹ bị trừng phạt.
9 quan chức Mỹ bị cấm nhập cảnh vào Nga bao gồm các phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes và Caroline Atkinson, các thượng nghị sĩ John McCain, Harry Reid, Robert Menendez, Daniel Coats và Mary Landrieu, chủ tịch Hạ viện John Boehner, và Dan Pfeiffer, cố vấn cấp cao của tổng thống Mỹ.
Trên mạng xã hội Twitter, ông McCain tuyên bố tự hào khi bị ông Putin trừng phạt.
"Tôi tự hào vì bị Putin trừng phạt. Tôi sẽ không bao giờ ngừng những nỗ lực và cống hiến vì tự do và độc lập của Ukraine, vốn bao gồm cả Crimea", ông viết.
Nhà Trắng đầu tuần này tuyên bố trừng phạt các quan chức Nga "tham gia trực tiếp vào việc làm bất ổn Ukraine". Những người này là các quan chức cấp cao thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, như trợ lý tổng thống Vladislav Surkov, chủ tịch thượng viện Valentina Matviyenko và phó Thủ tướng Dmitry Rogozin. Danh sách này tiếp tục được nối dài vào hôm qua.
Liên minh châu Âu (EU) hôm qua cũng nhất trí nâng tổng số quan chức Nga và Ukraine bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản lên 33, RT dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cho biết. EU còn hủy cuộc họp thượng đỉnh EU-Nga sắp tới cùng các cuộc gặp thượng đỉnh song phương khác.
Việc trừng phạt lẫn nhau diễn ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, gây phản ứng giận dữ từ Mỹ và EU.
Trọng Giáp
Thân nhân hành khách MH370 tuyệt thực
Một số thân nhân hành khách Trung Quốc trên chuyến bay MH370 mất tích bắt đầu tuyệt thực do giận dữ và thất vọng với chính phủ và hãng hàng không Malaysia.
Ông Wen Wancheng, người phát ngôn của các thân nhân hành khách Trung Quốc trên chuyến MH370, phản ứng khi phát biểu trước báo giới tại một khách sạn ở Bắc Kinh hôm 20/3. Ảnh: AFP |
Theo Straits Times, cuộc biểu tình tuyệt thực được một số người trong hơn 200 thân nhân tại 5 khách sạn ở Bắc Kinh tiến hành. Họ đã ở trong các khách sạn này kể từ khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 mất tích hôm 8/3.
Chỉ hai trong số những người được phỏng vấn nói rằng họ đang nhịn đói, nhưng một người dừng việc này sau vài giờ. Một phụ nữ tên Nan, ngoài 40, cho biết bà chỉ uống nước. "Đây là một cuộc biểu tình, chúng tôi cần một câu trả lời. Tôi sẽ biểu tình tuyệt thực lâu nhất có thể", bà nói.
Ông Jiang Cuiyan, cũng ngoài 40, chấm dứt tuyệt thực trước giờ ăn tối vì ông "không thể chịu được". "Nhưng nếu Malaysia Airlines và chính phủ không sớm cho chúng tôi câu trả lời, tôi sẽ lại bắt đầu", ông nói.
Wang Meng, 25 tuổi, nói các thành viên gia đình không bị ép tham gia tuyệt thực. Anh từ chối nói liệu anh đã tham gia tuyệt thực hay không. "Có những người già và những người vì điều kiện sức khỏe mà không thể làm điều đó, và không ai ép họ phải làm vậy", Wang nói. Mẹ anh là một trong số những hành khách mất tích. "Đây là điều một số gia đình muốn làm vì họ cảm thấy quá tuyệt vọng".
Nỗi thống khổ của thân nhân các hành khách MH370
Một số người khác nói họ sẽ tham gia nếu tình hình không được cải thiện. "Chúng tôi không thể hứa rằng sẽ không làm điều đó, bởi chúng tôi đã quẫn trí rồi", Chantel Qiu, người có bạn trên máy bay, nói.
Cuộc biểu tình được cho là do một phụ nữ trẻ khởi xướng. Hôm 18/3, cô nói với các phóng viên rằng nhiều gia đình "đang sắp không kiềm chế được nữa" và sẽ biểu tình tuyệt thực để buộc chính phủ Malaysia "nói ra sự thật".
Cả hãng hàng không và chính phủ Malaysia đang bị chỉ trích trong việc xử lý cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 mất tích. Nhiều người ở Trung Quốc nói họ bối rối sau những thông tin về vị trí máy bay và lần cuối liên lạc. Gần hai phần ba trong số 239 người trên máy bay là người Trung Quốc.
Trọng Giáp
Theo Vnexpress