Tin Trong Nước

Cậu bé có gương mặt bụ bẫm nói mô hình này được chế tạo từ năm lớp 5, giờ đã bị hư nên phải sửa lại. Cứ thế Hảo kiên trì ngồi nối lại từng sợi dây, chỉnh lại từng con chíp, lâu lâu lại đưa tay quệt mồ hôi hay chỉnh lại chiếc kính cận để nhìn rõ hơn...

'Thần đồng' tin học 13 tuổi giành hàng chục giải thưởng

Nam sinh lớp 7 đã chế tạo rất nhiều phần mềm công nghệ tin học, "ẵm" trên 20 giải thưởng từ các cuộc thi trong và ngoài nước, trong đó có sáng chế đạt giải của Viện Hàn lâm Hàn Quốc.

 

Trong căn phòng chỉ 20 m2 của hai mẹ con Nguyễn Dương Kim Hảo (13 tuổi) - người vừa được giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 - ở quận Tân Bình (TP HCM) la liệt các thiết bị điện tử của cậu học sinh lớp 7 và những bao tải đựng quần áo. Mẹ Hảo, chị Dương Trần Thanh Thảo, cho biết gia đình ở Tiền Giang nhưng vì chiều theo đam mê của con nên chị đã cùng con khăn gói lên thành phố trọ học. Một người thân tốt bụng đã cho hai mẹ con Hảo mượn kho hàng này làm nơi tá túc.

Đã gần giờ cơm trưa nhưng ở một góc nhỏ của căn phòng, Hảo vẫn miệt mài hàn nối các vi mạch để lắp ráp lại mô hình Bảng điểu khiển thông minh. Ngày mai, Hảo mang mô hình này ra Hà Nội để giao lưu với các anh chị sinh viên. Cậu bé có gương mặt bụ bẫm nói mô hình này được chế tạo từ năm lớp 5, giờ đã bị hư nên phải sửa lại. Cứ thế Hảo kiên trì ngồi nối lại từng sợi dây, chỉnh lại từng con chíp, lâu lâu lại đưa tay quệt mồ hôi hay chỉnh lại chiếc kính cận để nhìn rõ hơn.

*Video: Những thao tác thuần thục của 'thần đồng' tin học

1-1-JPG-4752-1395311775.jpg

Ngoài thời gian học ở trường, lúc rảnh rỗi Hảo thường mày mò các các thiết bị điện tử theo sở thích của mình. Ảnh: Nguyễn Loan

Kể về sở thích với tin học của con trai, chị Thảo nói dường như đó là niềm đam mê bẩm sinh của Hảo. Khi còn là học sinh mầm non, khi cha mua máy tính về làm việc cậu cứ lân la sờ nắn. Không như các bạn đồng trang lứa thích đọc truyện tranh, phim hoạt hình... Hảo chỉ thích được ngồi cạnh cha hàng giờ bên chiếc máy tính cũ kỹ để xem cha làm việc. Cha cậu vốn là giáo viên Toán - Lý.

Lúc Hảo học lớp 2, thấy cha đi học thêm tin học, cậu cũng đòi theo. Dù không đồng ý nhưng thấy con thích nên mỗi ngày học về cha cậu lại tỉ mỉ chỉ con những kiến thức vừa học được. Năm đó, hai cha con vượt gần 30 km để lên thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thi lấy bằng, cậu bé xuất sắc vượt qua "thầy" của mình khi đạt bằng A Tin học loại giỏi.

Từ việc dùng Word, Exel và các phần mềm cơ bản, cậu bé lớp 2 bắt đầu tò mò và tự mình lấn sân sang lập trình các phần mềm tin học. Không có người hướng dẫn, lại ở vùng quê không có thiết bị thực hành nên Hảo tự lên mạng tìm hiểu. "Lúc đó em không biết mình học cái đó để làm gì, chỉ thấy rất tò mò vì sao các phần mềm này lại hoạt động được như thế. Để tìm được câu trả lời em phải tự mình tìm hiểu lấy, dần dần thấy yêu thích từ khi nào không hay", Hảo nói và cho biết tất cả các sản phẩm đều được em xây dựng từ ý tưởng giúp những người trong gia đình làm việc tốt hơn. 

Một lần, thấy cha vất vả khi phải chấm và cộng điểm cho rất nhiều học sinh, Hảo lẳng lặng chế tạo ra phần mềm cộng điểm trên máy tính. Với phần mềm này cha cậu chỉ việc nhập số liệu, ấn vài thao tác đơn giản là máy tính cho ra kết quả. Sáng tạo này của Hảo khiến không ít người ngạc nhiên và sau đó giành giải nhất khối tiểu học hội thi Tin học trẻ tỉnh Tiền Giang cùng nhiều giải thưởng khác.

Hay lần khác Hảo qua nhà chị họ chơi, thấy chị ngồi dò tìm các phương trình, công thức hóa học, Hảo đã nghĩ đến việc chế tạo ra Máy tính hóa học. Dù chưa hề được học qua môn Hóa, song chỉ mấy tháng sau Hảo đã chế tạo thành công máy tính nhỏ gọn giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm, cân bằng các phương trình hóa học theo vế trái vế phải hoặc cả hai vế.

1-2-JPG-7628-1395311775.jpg

Để thỏa mãn đam mê của con, chị Thảo đưa con lên Sài Gòn trọ học. Ảnh: Nguyễn Loan

Thấy mẹ có tính hay quên, mỗi lần ra khỏi phòng quên tắt điện phải quay lại rất mất công, Hảo lại bắt tay vào mày mò, lên mạng lục tìm kiến thức. Sau nhiều tháng nối từng con chip, từng vi mạch điện tử để thử nghiệm, Hảo đã chế tạo thành công Bảng điều khiển thông minh. Với sản phẩm này người sử dụng có thể tắt/mở các thiết bị điện trong nhà bằng máy tính, điện thoại di động hay bất cứ thiết bị nào có kết nối mạng.

Bảng điều khiển thông minh này sau đó được cậu bé mang đi nhiều cuộc thi quốc tế và giành về không ít huy chương vàng cùng các giải thưởng cao quý khác. Có lần ban giám khảo vì quá sửng sốt đã bắt Hảo thực hiện lại để chắc chắn đây là sáng chế của một cậu học trò tiểu học. 

Ngoài ra, cậu trò lớp 7 này còn sáng tạo ra phần mềm Sổ tay lịch sử giúp người dùng lưu trữ các bài học lịch sử trên lớp vào máy tính một cách có hệ thống, dễ tìm kiếm. Hảo cũng lập ra trang web biendaoquehuong.info có các trò chơi tìm hiểu về biển đảo.

Không chỉ đam mê tin học, sáng tạo ra các phần mềm, Hảo còn được biết đến là một học sinh giỏi toàn diện  6 năm liền. Cậu còn là sinh viên của Trường đại học FPT khi giành được học bổng từ các cuộc thi. Cậu cho biết đang được học rất nhiều về các kiến thức tin học, lập trình, viết phần mềm...

"Em chỉ tranh thủ mày mò vào lúc rảnh rỗi như một cách để thỏa mãn sở thích của bản thân. Thời gian còn lại em vẫn dành cho việc học trên lớp và phụ giúp mẹ việc vặt trong nhà", Hảo nói.

Nguyễn Loan

10 dấu hiệu của người cha, mẹ tốt

 

 
Dù con có cư xử thế nào, bạn đừng để mất bình tĩnh và đánh con. Ngay cả khi tâm trạng không tốt, bạn đừng bao giờ trừng phạt con những hình phạt thể chất.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách và bản chất của con. Một người cha, mẹ tốt sẽ truyền đạt lẽ phải và đạo đức cho con. Bạn sẽ là người cha, mẹ tốt nếu...

1. Thể hiện tình yêu với con

Điều đầu tiên và quan trọng nhất một đứa trẻ mong đợi từ cha, mẹ là tình yêu. Trẻ nhỏ hiểu ngôn ngữ của tình yêu chỉ qua những cái ôm, những nụ hôn và âu yếm. Vì vậy, hãy thể hiện tình cảm của bạn thường xuyên hơn, nó sẽ làm con bạn cảm thấy an toàn và đủ tự tin để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

giadinh-8112-1395308229.jpg

Ảnh: azfamilycounseling.

2. Dành nhiều thời gian với con

Món quà tốt nhất mà bạn có thể tặng con là dành thời gian ở bên con. Mặc dù công việc gia đình và văn phòng làm việc đã ngốn mất nhiều thời gian trong ngày, nhưng bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho con. Điều này càng quan trọng khi con lớn lên và cần sự giúp đỡ của bạn. Đối với con, sự gần gũi, vỗ về của bạn là giải pháp cho mọi vấn đề.

3. Tập cho con cách chịu trách nhiệm

Khi mới biết đi, con bắt đầu cuộc hành trình mới. Cha mẹ chính là người tập cho con cách chịu trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi, ví dụ giữ gìn và xếp gọn đồ chơi. Biết tự chịu trách nhiệm sẽ giúp con hoàn thành những trách nhiệm lớn hơn đang chờ đợi trong tương lai.

4. Thưởng cho con vì những việc làm tốt

Bất cứ khi nào con ngoan, làm được việc tốt, hãy thưởng để khích lệ con. Khen thưởng sẽ giúp củng cố hành vi đúng đắn của con trẻ. Ví dụ, bất cứ khi nào con dọn nhà, hãy dành cho con nhiều thời gian chơi trong vườn, đừng cho con chơi trò chơi điện tử vì sẽ ảnh hưởng đến mắt.

5. Không chỉ trích con

Nếu trẻ làm điều gì đó sai, bạn không nên đổ lỗi hoặc tỏ ra khó chịu. Thay vào đó, bạn làm cho con nhận ra sai lầm của mình. Bạn nên dạy con cách làm đúng, ví dụ nếu con đánh một đứa trẻ khác trong một cơn giận dữ, thay vì nói rằng con thật hư, hãy làm cho con hiểu việc làm của con là sai.

6. Không đánh con

Dù con có cư xử thế nào, bạn đừng để mất bình tĩnh và đánh con. Ngay cả khi tâm trạng không tốt, bạn đừng bao giờ trừng phạt con những hình phạt thể chất. Nếu bạn làm như vậy, trẻ có thể lắng nghe bạn ngay, vì sợ hãi. Tuy nhiên, nó sẽ dẫn đến hậu quả xấu khi trẻ đạt đến tuổi vị thành niên.

7. Tha thứ cho sai lầm của con

Là người cha, mẹ tốt, bạn sẽ tha thứ cho sai lầm của con. Là con người, ai cũng từng mắc một sai lầm nào đó, và con bạn cũng vậy. Tốt nhất là tha thứ cho những điều trẻ đã làm và dạy cho con những điều đúng đắn.

8. Giữ kỷ luật với con

Giữ kỷ luật với con ngay từ đầu rất quan trọng. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống sau này. Ví dụ, bạn phải dạy cho trẻ sử dụng tiền chỉ khi cần thiết. Bằng cách này, trẻ có thể xử lý tài chính tốt hơn khi chúng bắt đầu sống độc lập.

9. Giải thích quy tắc cho con

Gia đình bạn là tập hợp của các quy tắc, bạn nên dạy cho con biết. Nhưng, hãy chắc chắn rằng bạn cũng giải thích cho trẻ về mục đích của những quy tắc. Bạn phải giải thích cho trẻ rằng có bữa ăn tối lúc 6h và ngủ lúc 9h giúp trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra, ăn cơm cùng nhau là một nguyên tắc của gia đình, vì đó là thời điểm cả gia đình có thể ngồi xuống và cùng trò chuyện, chia sẻ và dùng bữa với nhau.

10. Hành động trung thực

Bạn nên hành động trung thực trước con. Đừng nuôi hy vọng cho trẻ rằng bé sẽ là họa sĩ xuất sắc nhất. Mặt khác, đánh giá cao nỗ lực và nói về những thiếu sót của con, hướng dẫn con vượt qua. Ví dụ, nói với trẻ rằng “Con chịu khó vẽ như vậy là rất ngoan, nhưng mẹ sẽ thích hơn nếu con vẽ màu xanh lá cho cây. Có lẽ lần sau con sẽ có bức vẽ đẹp hơn và mẹ sẽ dán nó lên tường”.

Quỳnh Trang (theo magforwomen)

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường các tàu cá

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc phản đối việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền ở biển Đông và yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.

Theo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), từ đầu năm đến nay một số tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị phía Trung Quốc ngăn chặn, truy đuổi và gây thiệt hại về tài sản.

Cụ thể, vào 14h45 ngày 7/1, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90055 TS cùng 7 ngư dân bị tàu Trung Quốc số hiệu 1239 truy đuổi và đập phá tài sản. Tiếp đó ngày 1/3, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96074 TS cùng 12 ngư dân bị tàu Ngư Chính 02 của Trung Quốc khống chế, tịch thu một số tài sản.

Ngày 17/3, đại diện Cục Lãnh sự đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối phía Trung Quốc về những vụ việc này. Việt Nam cho rằng những hành động trên của các lực lượng chức năng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, xâm phạm tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.

“Chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc điều tra vụ việc, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự”, vị đại diện Cục lãnh sự cho biết thêm.

Theo TTXVN

Theo Vnexpress