Khám nhà cơ trưởng máy bay MH370
Cảnh sát hôm nay khám xét và điều tra nhà của cơ trưởng trên chuyến bay mất tích MH370, sau khi thủ tướng Malaysia xác nhận thông tin chiếc phi cơ có thể đã bị chuyển hướng có chủ đích.
Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah. Ảnh: Facebook |
Reuters cho hay, cảnh sát đã đến nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah từ chiều hôm nay. Công cuộc điều tra bắt đầu không lâu sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak kết thúc cuộc họp báo về vụ mất tích chiếc máy bay mang số hiệu MH370.
Trong cuộc họp báo, ông Razak cho biết các thông tin được kiểm chứng cho thấy quá trình di chuyển của MH370 "phù hợp với giả thiết "là hành động có chủ ý của một người nào đó trên máy bay. Vì vậy, giới chức đang chuyển hướng điều tra trở lại đối với các phi công và hành khách.
Các phi công trên chuyến bay MH370 đang trở thành mối nghi ngờ lớn của các nhà điều tra, khi các dấu hiệu cho thấy một người có kiến thức về hàng không có thể đã cố tình vô hiệu hóa hệ thống liên lạc của máy bay.
Theo ông Razak, hệ thống liên lạc trên chuyến bay đã bị vô hiệu hóa ngay trước khi nó bay tới bờ biển phía đông Malaysia. Máy bay sau đó quay trở lại Malaysia, rồi đi theo một trong hai hành lang. Hành lang nam có thể dẫn nó đến Ấn Độ dương, hành lang bắc có thể dẫn tới tận phía Kazakhstan. Malaysia đã ngừng tìm kiếm ở Biển Đông.
Các nhà điều tra xác nhận rằng một chiếc máy bay được theo dõi bằng radar quân sự chính là chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines. Quá trình trao đổi thông tin dường như bị ngừng hẳn trước khi phi cơ bay đến bờ biển phía đông của Malaysia.
Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, gia nhập hãng hàng không Malaysia năm 1981 và trở thành cơ trưởng vào đầu những năm 1990. Ông được Cục Hàng không Dân sự Malaysia (DCA) cấp chứng nhận là một thẩm tra viên, cho phép ông chấm điểm các phi công.
Zaharie đã có kinh nghiệm 18.365 giờ bay, được coi là một người yêu nghề và từng chế tạo thành công hệ thống bay giả lập tại nhà. Cơ trưởng Zaharie là một người đam mê máy bay điều khiển từ xa và thường dành thời gian rỗi để mày mò các mô hình phi cơ, trực thăng. Trong căn hộ hai tầng ở vùng ngoại ô giàu có của Kuala Lumpur, ông còn dựng một mô hình mô phỏng Boeing 777.
Thùy Linh
Nga bác nghị quyết của LHQ về Crimea
Nga vừa phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc về cuộc trưng cầu dân ý ở nước cộng hòa Crimea của Ukraine, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Một người dân Crimea cầm lá cờ của nước cộng hòa tự trị này tại quảng trường Lenin ở thủ phủ Simfer0pol hôm 15/3. Ảnh: AFP. |
Bản dự thảo nghị quyết, có nội dung khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập vào Nga là vô giá trị, đã nhận được 13 phiếu thuận từ 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA). Nga là thành viên thường trực duy nhất sử dụng quyền phủ quyết, AFP đưa tin.
"Ai cũng biết rằng Nga sẽ bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết đó", đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói ngay trước cuộc bỏ phiếu của HĐBA. Ông cho biết thêm rằng Moscow sẽ tôn trọng sự lựa chọn của người dân Crimea.
"Chúng tôi không thể chấp nhận luận điệu cơ bản của nó (bản dự thảo nghị quyết), đó là tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3, dịp mà những người dân của nước cộng hòa Crimea nên quyết định tương lai của họ, là không hợp pháp", RTdẫn lời ông Churkin lý giải quyết định phủ quyết của Moscow.
"Quan điểm của những người soạn bản dự thảo nghị quyết đi ngược lại với một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của người dân đã được nêu rõ trong Điều 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc", đại sứ Nga cho hay.
Tuy nhiên, Trung Quốc, nước thường ủng hộ Nga tại Hội đồng Bảo an, đặc biệt trong những lần bỏ phiếu về vấn đề Syria, đã bỏ phiếu trắng. Các nhà ngoại giao phương Tây coi đây là kết quả có lợi cho những người phản đối cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Liu Jieyi, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho rằng việc thông qua một nghị quyết liên quan đến Ukraine vào lúc này sẽ chỉ gây nên đối đầu và làm tình hình thêm phức tạp.
Đại sứ Mỹ, Samantha Power thì bày tỏ sự thất vọng trước việc Nga phủ quyết bản dự thảo nghị quyết. "Đây là một khoảnh khắc buồn và sẽ còn được nhớ tới", bà Power nói tại phiên họp khẩn cấp lần thứ bảy của HĐBA về Ukraine kể từ khi cuộc khủng hoảng ở nước này bắt đầu.
Cuộc họp hôm qua được diễn ra theo yêu cầu của Mỹ và bản nghị quyết được dự thảo bởi Washington. Hôm nay, người dân Crimea sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về việc có sáp nhập vào Nga hay không, một động thái có thể khiến căng thẳng gia tăng giữa Moscow với Kiev, Washington và Liên minh châu Âu.
Hà Giang
Ukraine chỉ trích Nga vì bạo lực ở miền đông
Ukraine cho rằng Nga có liên quan tới những cuộc đụng độ chết người ở miền đông nước này những ngày qua, trong khi Moscow bác bỏ điều này.
Cuộc đụng độ ở thành phố Donetsk hôm 13/3. Ảnh: AFP |
Reuters cho hay, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov hôm nay cáo buộc các "đại diện của Kremlin" có hành động xúi giục bạo lực gây chết người ở khu vực miền đông Ukraine. Phát biểu từ quốc hội, ông Turchinov nhắc đến hai vụ việc khiến ba người thiệt mạng ở Donetsk, Kharkov trong tuần này.
Cảnh sát Ukraine cho biết hai người đàn ông 20 và 31 tuổi thiệt mạng, 5 người bị thương trong cuộc đụng độ đẫm máu xảy ra ở thành phố Kharkov, miền đông Ukraine, tối qua.
Cuộc đối đầu nổ ra giữa những người biểu tình thân Nga và những người theo chủ nghĩa nghĩa dân tộc ủng hộ Ukraine. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cho biết cảnh sát đã bắt giữ 30 người có liên quan thuộc cả hai bên. Họ đều sử dụng vũ khí.
"Vụ việc là hành động khiêu khích có kế hoạch của những người thuộc nhóm thân Nga", Ihor Baluta, thống đốc vùng Kharkov, cho hay.
Hôm 13/3, cuộc đụng độ ở thành phố Donetsk, nơi phần lớn cư dân nói tiếng Nga, đã khiến một người ủng hộ Kiev thiệt mạng. Trước sự việc này, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng Moscow có quyền bảo vệ công dân ở Ukraine.
Tổng thống tạm quyền Ukraine cũng cảnh báo rằng với sự can thiệp ở khu vực bán đảo Crimea, quân đội Nga đang tập trung ở biên giới phía đông để "sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào".
Giới chức Ukraine kêu gọi người dân ở những thành phố ở miền đông, nơi có cư dân phần lớn nói tiếng Nga, không được có hành động khiêu khích đề phòng trường hợp Nga có thể can thiệp bằng cách đưa quân sang.
Trước thông tin trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua lên tiếng bác bỏ. "Nga không có và không thể có bất kỳ kế hoạch nào nhằm xâm lược các khu vực phía nam của Ukraine", ông Lavrov nói.
Các vụ việc chết người xảy ra ngay trước cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập nước cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine vào Nga. Trước viễn cảnh Crimea có thể bị chia tách khỏi Ukraine, những người ủng hộ chính quyền mới ở Kiev cũng tổ chức biểu tình để phản đối cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ngày mai.
Thùy Linh
Theo Vnexpress