Tin Tức tổng hợp

Hiện lực lượng tìm kiếm của Việt Nam đã dừng công tác tìm kiếm đồng thời có thông báo lực lượng tìm kiếm của các nước được Việt Nam cấp phép rút khỏi vùng biển nước ta và giám sát các phương tiện rút về...

Việt Nam dừng tìm kiếm MH370

Chiều 15/3, Bộ Quốc Phòng Việt Nam quyết định chấm dứt mọi hoạt động tìm kiếm ở vùng biển Việt Nam, sau khi Thủ tướng Malaysia tuyên bố ngừng tìm kiếm chiếc máy bay MH370 ở Biển Đông.

Quyết định dừng các hoạt động tìm kiếm của Việt Nam được đưa ra sau cuộc họp của các bên liên quan do Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chủ trì. Theo thông báo sau cuộc họp, các lực lượng tham gia tìm kiếm tạm giữ vị trí như cũ để nắm tình hình và thông báo cho các nước bạn được cấp phép tìm kiếm rút ra khỏi vùng biển và không phận Việt Nam.

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Thủ tướng Malaysia quyết định dừng tìm kiếm tại Biển Đông. Theo đó, MH370 có thể đã thay đổi đường bay và nhiều khả năng do có người can thiệp, máy bay chuyển về hướng tây tới khu vực sa mạc Kazakhstan.

anh-tuan-3192-1394877218.jpg

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam.

Phía Malaysia thông báo, nước bạn sẽ tiếp tục tìm kiếm theo 2 hướng. Hành lang thứ nhất sẽ tìm kiếm từ Malaysia qua Thái Lan sang hướng Kazakhstan, Trung Á. Còn hành lang thứ hai kéo về hướng bờ biển Indonexia.

Hiện lực lượng tìm kiếm của Việt Nam đã dừng công tác tìm kiếm đồng thời có thông báo lực lượng tìm kiếm của các nước được Việt Nam cấp phép rút khỏi vùng biển nước ta và giám sát các phương tiện rút về.

Dù ngoài phạm vi quản lý, nhưng Việt Nam đã triển khai lực lượng tìm kiếm đầu tiên, lớn nhất với 11 máy bay và 7 tàu cùng lực lượng trên bộ như quân khu 5, 7, 9, lực lượng biên phòng, nhân dân địa phương, tàu đánh cá. 11 máy bay và 7 tàu của Việt Nam được huy động như DHC6 thủy phi cơ, Mi171 chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, máy bay vận tải AN26, máy bay tuần thám biển CASA, các loại tàu của Hải quân, cảnh sát biển trong đó có cả tàu nghiên cứu biển mang tên GS Trần Đại Nghĩa là tàu thăm dò các địa hình của biển, hiện đại nhất Đông Nam Á.

"Đây là lần mà Việt Nam triển khai lực lượng tìm kiếm với quy mô lớn nhất với phương tiện hiện đại nhất. Hiện chưa tính hết chi phí cho việc tìm kiếm lần này nhưng chúng ta đã hành động với mục tiêu cao nhất là làm sao nhanh chóng tìm kiếm được máy bay mất tích, cứu người", trung tướng Tuấn cho hay.

Trước thông tin Malaysia cung cấp thông tin nhỏ giọt, tướng Tuấn cho rằng, Malaysia là nước chủ phương tiện nên không thể đánh giá là nước bạn bất hợp tác.

"Ngay hôm có thông tin dò được tín hiệu cuối cùng của máy bay mất tích ở eo biển Malacca, tùy viên Malaysia, Singapore đã có mặt ở trung tâm điều hành của Việt Nam để họp và thống nhất có bất cứ thông tin gì sẽ thông báo cho nhau. Việc tìm kiếm ở biển Đông không có dấu tích thì có thể tìm thấy chỗ khác, Việt Nam đã mở rộng ở cả đất liền, biên giới, rừng... thì nước bạn mở rộng ra eo Malacca là việc đương nhiên phải làm", tướng Tuấn nói.

Ở khu vực tìm kiếm, Việt Nam cấp phép cho mày bay, tàu của Trung Quốc, Singaopre, Hoa Kỳ và cách đây 2 ngày Malaysia cũng có công hàm đề nghị mở rộng vùng tìm kiếm trên biển Đông, sát với lãnh hải Việt Nam. 

Theo tướng Tuấn, hiện lực lượng của các nước bạn vẫn hiện diện tại vùng biển và không phận của Việt Nam vì chờ lệnh chính thức từ phía cơ quan quản lý của các nước. "Chúng tôi đã có thông báo gửi đến các phương tiện đang tham gia tìm kiếm được cấp phép trong vùng biển, không phận quản lý của Việt Nam về việc dừng tìm kiếm", trung tướng Võ Văn Tuấn cho hay.

Phó tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định, lực lượng nước ngoài vào vùng biển, vùng trời của Việt Nam là lực lượng phối thuộc, chịu sự hướng dẫn của nước chủ nhà.

Chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines hôm 8/3 đột nhiên biến mất khi đang trên đường tới Bắc Kinh, không lâu sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur. Chuyến bay mang theo 227 hành khách và 12 người thuộc phi hành đoàn, trong đó có 2 trẻ sơ sinh, 154 người mang quốc tịch Trung Quốc, 38 người Malaysia và các quốc gia khác như  Indonesia, Pháp, Mỹ, Australia, Canada...

Hiện vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về nguyên nhân mất tích của chiếc máy bay MH370.

Hoàng Thùy

3 cán bộ Sở Công thương Bình Định gặp nạn tại khu du lịch

Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng chỉ tìm thấy một trong số 3 cán bộ Sở Công thương Bình Định bị sóng biển cuốn trôi. 

chet-duoi-1-8654-1394878789.jpg

Phạm vi tìm kiếm đã mở rộng nhưng nhiều giờ qua vẫn không thấy dấu tích các nạn nhân. Ảnh: Minh Thuỳ

Sáng 15/3, 16 đoàn viên Sở Công Thương Bình Định dã ngoại cuối tuần tại Khu du lịch Bãi Bầu (thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Khoảng 10h, sau khi đá banh, chơi bóng chuyền, nhóm 5 người rủ nhau xuống tắm biển.

Được cho là tắm ở vị trí khá xa, nhóm này bất ngờ bị sóng biển cuốn trôi. Tuy nhiên, chỉ hai cán bộ trẻ của Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Trung tâm xúc tiến thương mại may mắn bơi được vào bờ.

Nghe tiếng tri hô, mọi người cùng lực lượng cứu hộ tại chỗ tìm cách ứng cứu 3 người gặp nạn còn lại là Nguyễn Anh Khoa (34 tuổi, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư) Đặng Lê Hoàng (29 tuổi, chuyên viên phòng Quản lý Công Nghiệp) và Đặng Ngọc Phước (25 tuổi, chuyên viên phòng kế hoạch tài chính).

Anh Khoa được tìm thấy ngay sau đó và được đưa vào Bệnh viện đa khoa Bình Định cấp cứu nhưng không qua khỏi.

chet-duoi-3-3244-1394878789.jpg

Bố và em trai Phước khóc ngất. Ảnh: Minh Thuỳ

Anh Nguyễn Hải Âu (26 tuổi), chuyên viên Trung tâm xúc tiến thương mại, một trong hai người may mắn thoát nạn kể, anh là người cuối cùng xuống biển trong nhóm 5 người. Bơi được vài mét, anh Âu thấy ngoài xa có những cánh tay chới với, cầu cứu của các đồng nghiệp.

"Tôi muốn bơi nhanh vào bờ kêu cứu nhưng không được. Vừa lúc đó cơn sóng cao khoảng 2m ập tới, tôi phải lặn xuống tránh sóng, lúc ngoi lên thì không thấy các anh đâu. Cố mãi mới bơi được vào bờ kêu cứu cũng là lúc anh Hùng (chuyên viên Phòng Xuất nhập khẩu) bò được lên bờ", anh Âu cho biết.

Thùy An – một người trong đoàn du lịch cho hay, khi các bạn nữ đang dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn thì phát hiện các đồng nghiệp nam gặp nạn nhưng không làm gì được. "Chúng tôi hô hoán mọi người ứng cứu. Có rất đông người ra biển nhưng tìm mãi chỉ thấy anh Khoa", chị này kể.

chet-duoi-5-8419-1394878789.jpg

Lập bàn thờ cầu nguyện mong sớm tìm được thi thể các nạn nhân xấu số. Ảnh: MInh Thuỳ

Lực lượng công an, bộ đội biên phòng phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), đội cứu hộ của khu du lịch sinh thái đã tổ chức tìm kiếm trên biển. Lãnh đạo tỉnh cũng có mặt tại hiện trường, điều động cứu hộ.

Hơn 20 chục thợ lặn cùng các ngư dân cứ 20 phút lại thay ca, khu vực tìm kiếm được nới rộng, song gần 5 tiếng trôi qua mà lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện được các nạn nhân. Trên bờ, người thân của các nạn nhân lập bàn thờ cầu nguyện, mong sớm tìm được con em mình.

Minh Thùy

Phát hiện chất độc trong nữ trang Trung Quốc ở Sài Gòn

Kim loại nặng cadimi và chì vừa được Quản lý thị trường TP HCM tìm thấy trong các mẫu trang sức xi mạ có xuất xứ Trung Quốc đang được bày bán tại quận 5.

Ngày 14/3, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, 3 mẫu trang sức nhiễm độc được lấy đại diện trong số 17.000 sợi dây chuyền lắc tay xi mạ mà cơ quan này thu được tại chợ An Đông, quận 5.

day-chuyen-1-5392-1394795853.jpg

Sản phẩm xi mạ xuất xứ Trung Quốc thường không trình được hóa đơn chứng từ. Ảnh:Thiên Chương

Cụ thể, các mẫu dây chuyền mang đi xét nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 đều có hàm lượng chì và cadimi. "Dù hàm lượng chất độc không cao nhưng sự có mặt của chúng trong sản phẩm tiêu dùng là không được phép", một cán bộ khẳng định.

Đại diện Đội quản lý thị trường quận 5 cũng cho biết, số trang sức xi mạ ghi xuất xứ Trung Quốc nhưng các chủ cửa hàng lại không trình được hóa đơn chứng từ. "Số trang sức này sẽ được tiêu hủy".

Theo khảo sát của VnExpress, loại trang sức xi mạ được bày bán ở hầu hết các chợ lớn nhỏ. Nhiều nhất là chợ An Đông, nơi vừa bị cơ quan chức năng tịch thu hàng hóa. Kế đến, khu vực xung quanh chợ Bình Tây (quận 6), các mặt hàng thường thấy như dây chuyền, lắc đeo tay, nhẫn đủ loại cũng được bày bán với giá từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng một chiếc.

"Mặt hàng ghi 'Made in Chinađược rất nhiều người ưa chuộng vì trông bắt mắt mà giá lại rẻ. Nếu nhìn qua có thể không biết hàng thật hay giả", một tiểu thương chuyên kinh doanh hàng trang sức xi mạ ở quận 6 nói.

day-chuyen-2-7222-1394795853.jpg

Tiếp xúc với trang sức xi mạ rẻ tiền có thể bị dị ứng da. Ảnh: Thiên Chương

Theo các chuyên gia ngành hóa, cadimi (viết tắt Cd) là một kim loại nặng, trong sản xuất dùng chế biến sơn, phẩm màu công nghiệp, mạ điện, là chất chống ăn mòn. Người ta cũng dùng cadimi làm vật liệu xi mạ đánh bóng.

Cadimi là một chất gây độc cho người. Nếu tiếp xúc (ăn uống) với lượng lớn, chất này có thể gây ngộ độc cấp. Biểu hiện thường thấy là đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì bị dị dạng thai. 

Với chì, nếu tiếp xúc thường xuyên qua đường ăn uống sẽ gây nôn mửa, táo bón, sụt cân. Trọng lượng cơ thể có thể giảm rất nhanh. Những trường hợp nghiêm trọng có thể gây co giật hoặc hôn mê.

"Đối với trang sức, việc tiếp xúc lâu ngày với những sản phẩm có hàm lượng cadimi hoặc chì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng có thể gây dị ứng da, ngứa hoặc có thể viêm loét nếu dùng lâu ngày", một kỹ sư ngành hóa nói.

Năm 2010, Quản lý thị trường TP HCM từng thu giữ và tiêu hủy gần 8.000 sản phẩm bao gồm dây chuyền, lắc tay, nhẫn xi. Nhiều mẫu sản phẩm mang đi xét nghiệm cũng phát hiện có chứa chất độc chì và cadimi.

Thiên Chương

Theo Vnexpress