Tin Tức tổng hợp

"Nhờ thể thao mà mình được hồi sinh lần nữa. Không được bay lượn trên bầu trời nhưng được đi khắp đất nước và ra cả nước ngoài thi đấu cũng là niềm an ủi lớn"...

 

Hạnh phúc của vận động viên bị liệt hai chân

Bị tai nạn đứt tủy sống, liệt hai chân, anh Đỗ Đại Dương (Long Biên, Hà Nội) phải nhờ đến khoa học can thiệp mới có được hai cô con gái xinh xắn.

Đang ngồi nói chuyện, anh Dương nghe tiếng con gái khóc liền di chuyển xe lăn vào dỗ dành con. Em bé dụi mắt cho tỉnh ngủ rồi ngồi nô đùa, bẹo má cha. Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay, người đàn ông 45 tuổi trải qua rất nhiều thử thách của số phận.

a1-3839-1394599689.jpg

Niềm vui có con đến với anh Dương sau nhiều nỗ lực. Ảnh: Hoàng Phương.

Năm 1988, anh Dương mới18 tuổi, là một trong hai người trúng tuyển vào lớp huấn luyện phi công 4 năm ở Liên Xô. Trong thời gian chờ đi học, anh gặp tai nạn khi dự đám cưới người bạn. Bị đứt tủy sống, mang thương tật 95%, anh đành vuột mất cơ hội được nhìn ngắm bầu trời qua khoang lái máy bay.

5 năm nằm viện biến anh Dương từ chàng trai cao 1,8 m, nặng gần 70 kg thành người chỉ còn da bọc xương, phải gắn bó với chiếc xe lăn suốt đời. "Đang ở tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, tương lai rộng mở lại gặp cú sốc quá lớn khiến tôi hoàn toàn ngã quỵ, sống vật vờ như chiếc bóng và hầu như không ra khỏi nhà", anh nhớ lại những ngày đen tối nhất.

Nhưng nghĩ mình còn thanh niên mà phải ngồi một chỗ, anh lại không cam lòng. Cộng với sự động viên nhiều lần từ mẹ, anh tìm đến CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội và chơi các môn như cử tạ, cầu lông, bóng bàn. Thể thao giúp anh lấy lại được một phần sức khỏe, trở nên nhanh nhẹn hơn và có thể tự sinh hoạt cá nhân, không cần sự trợ giúp của người nhà.

Từ chỗ chỉ tập cho khỏe, anh Dương dần bộc lộ khả năng và chuyển sang thi đấu ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật. Căn nhà trên phố Nguyễn Sơn lưu giữ nhiều tấm huy chương qua các kỳ đại hội anh tham gia. Những huy chương được xếp theo thứ tự vàng, bạc, đồng, treo trang trọng bên cạnh ảnh cưới và hình hai con gái.

"Nhờ thể thao mà mình được hồi sinh lần nữa. Không được bay lượn trên bầu trời nhưng được đi khắp đất nước và ra cả nước ngoài thi đấu cũng là niềm an ủi lớn", anh tâm sự. Hàng ngày, anh vẫn tự lái chiếc xe ba bánh đến CLB để luyện tập như thói quen khó bỏ.

a2-1129-1394599689.jpg

Hạnh phúc của cả gia đình trong ngày anh chị kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Ảnh:NVCC.

Mặc cảm ngồi xe lăn, anh từ bỏ ý định lập gia đình bởi suy nghĩ không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Nhưng rồi duyên số đưa đẩy, anh gặp được chị Lương, hai người có thời gian quen nhau 6 năm trước khi trở thành vợ chồng.

Ngày đó, chị từ quê Hà Nam ra ngoài Hà Nội học nghề may và ở nhờ nhà bác. Sáng nào ngồi trước cửa nhà, anh cũng trông thấy một cô gái đi ngang cổng. Qua sự giới thiệu của họ hàng, anh chị bắt đầu quen nhau rồi nảy sinh tình cảm. Chị thường qua nhà chơi, đỡ đần và động viên anh.

Dù có tình cảm với chị Lương, nhưng anh sợ người con gái kém anh 13 tuổi không chịu nổi vất vả khi hai người đến với nhau. Thấy chị Lương vẫn quyết tâm, anh để cho chị theo mình đến nơi ăn ở, luyện tập của các vận động viên trước kỳ Para Games 2003 trong vòng 2 tháng.

"Mình muốn cho cô ấy được thấy tận mắt cuộc sống của những người không còn lành lặn. Đó cũng là thử thách cho tình yêu của hai người. Bởi khi yêu là một chuyện, lúc trở thành vợ chồng lại hoàn toàn khác, ngoài tình yêu thương còn phải gắn liền với trách nhiệm nặng nề lắm", anh Dương kể lại.

Còn chị khi chứng kiến những người vợ, người chồng chăm sóc cho bạn đời kém may mắn, chị thấy thương anh hơn nên đồng ý về làm vợ. Đám cưới của hai người tổ chức vào đầu năm 2004. Hai vợ chồng học nghề làm vàng mã từ một người bạn khuyết tật của anh để duy trì cuộc sống gia đình.

Cuộc sống như muốn thử thách anh lần nữa khi hai người lấy nhau vài năm mà chưa có con. Vợ chồng đưa nhau đi khám ở nhiều bệnh viện thì bác sĩ kết luận anh bị đứt tủy sống, liệt đáy xương chậu nên rất khó có con. Khao khát được làm cha mẹ khiến vợ chồng anh phải nhờ đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Năm 2008, anh đồng ý trở thành ca bệnh đầu tiên cho công trình nghiên cứu vô sinh ở người liệt bán thân của tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tháng 5/2008, chị Lương sinh được cô con gái rất kháu khỉnh. Năm 2011, mong muốn có thêm con nên vợ chồng anh lại đến bệnh viện thụ tinh trong ống nghiệm lần nữa dù biết chi phí rất tốn kém. Con gái thứ hai chào đời khiến hạnh phúc gia đình viên mãn.

a3-1494-1394599689.jpg

Lần đầu tiên tham gia ASEAN Para Games II tổ chức tại Việt Nam năm 2003, anh giành 2 HC bạc bóng bàn nội dung đơn và đôi. Ảnh: NVCC.

"Các em bé chào đời bằng phương pháp này đều khỏe mạnh bình thường, không có sự khác biệt so với nhóm sinh thường", tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ cho hay. Đến nay, con gái đầu của anh Dương học mẫu giáo còn cháu thứ hai tròn 18 tháng tuổi, đang bi bô tập nói.

Chị Lương kể, dù không đi lại được bình thường nhưng anh chăm lo cho vợ chẳng kém ai. Thời gian chị mang thai con gái đầu lòng, hạnh phúc được làm cha ở tuổi 40 khiến anh hồi hộp, lo lắng tính từng ngày con chào đời. Anh tự chở vợ đi khám định kỳ trên chiếc xe ba bánh.

Cũng với chiếc xe đó, giờ đây anh thường xuyên chở hai cô con gái ra vườn hoa Gia Lâm chơi. Anh bảo, nhìn các con chạy nhảy, nô đùa là bao mệt nhọc tan biến hết. Mỗi lần chị Lương đưa con về quê ngoại chơi, anh lại buồn vì nhớ con.

Khi con gái chập chững bước đầu tiên trong đời, anh không tự mình cầm tay dắt được nhưng luôn đứng ở phía trước, dang rộng tay để đón con bước đến. Con gái út tên Minh Ngọc mới biết chạy lon ton, thường bám vào xe lăn của bố để đẩy đi.

"Chính mình cũng không ngờ được có ngày ngồi được xe lăn, đi được xe máy, chơi thể thao, có vợ và hai con gái xinh xắn, tạm cất được căn nhà không kém gì những người bình thường khác. Phía trước còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng sẽ cố gắng để các con được hưởng những điều tốt nhất", anh nói về những trải nghiệm đã qua.

Hoàng Phương

Hoàng PhươngThi thể 5 học sinh vùi trong hố cát

5 thi thể đang phân huỷ được tìm thấy trong hố cát tại bờ suối gần cầu treo của buôn Cư Đrăm (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk).

ho-cat-1294-1394711586.jpg

Khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân tử vong của các nạn nhân. Ảnh: V.L

Sáng 13/3, một người đi đánh cá thấy nhiều quần áo bên bờ suối chảy qua địa phận buôn Cư Đrăm tại khu vực gần cầu treo. Đi thêm một đoạn ngắn, người này phát hiện cánh tay người nhô lên từ bãi cát.

Nhận được tin báo, Công an Đăk Lăk và lực lượng chức năng khác đã đến hiện trường, khai quật hố cát, phát hiện 5 thi thể đang phân huỷ. Các nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng nằm cạnh nhau trong phạm vi gần 3 m, xung quanh ít người ở.

ho-cat-1-4749-1394711586.jpg

Hố cát nơi tìm thấy thi thể các nạn nhân. Ảnh: V.L

Người nhà nhận ra các nạn nhân là Ma Văn Bình (19 tuổi), Giàng Văn Bàng và Lý Seo Hùng (cùng 18 tuổi) học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk), ở nhà trọ tại buôn Cư Đrăm. Hai em còn lại là Lý Seo Phong (13 tuổi) và Vàng Quang Vinh (17 tuổi) học trường THCS Cư Đrăm (buôn Tràm, xã Cư Đrăm). Các em đều là người dân tộc Mông, do nhà xa nên trọ học tại xã Cư Đrăm.

Gia đình Vinh cho biết em ra khỏi nhà từ hôm thứ 3, cứ tưởng đi học nên ở nhà rất yên tâm. Không ngờ đến sáng nay thì nhận được tin đau đớn. Tương tự, cha mẹ Phong cũng nghĩ là con đang ở trọ và đi học như ngày thường.

hoc-sinh-chet-vui-4175-1394711586.jpg

Bãi cát cạnh suối nơi tìm được nhiều quần áo và thi thể các học sinh. Ảnh: V.L

Lãnh đạo trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, 3 học sinh của trường nghỉ học bất thường 3 ngày nay, sự việc đã được báo với Phòng giáo dục huyện Krông Bông.

Đến trưa cùng ngày, cơ quan điều tra tiến hành mổ khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân.

Võ Lan - Tây Nguyên

 

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) xây dựng từ thời Lý, được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày 12/3, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La, chùa La).

vinhnghiem-7407-1394685022.jpg

Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Chùa Vĩnh Nghiêm được xây từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ 13 thời Trần. Chùa thờ Phật và ba vị Trúc Lâm tam tổ là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang. Ngôi chùa này được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Hiện chùa còn lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với 3.050 bản khắc ván chữ Hán được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Do chứa đựng những giá trị đặc sắc, độc đáo về văn hóa, ngày 9/9/2013 Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/2 âm lịch hằng năm, cũng là ngày giỗ tổ chùa. Lễ hội này thu hút được đông đảo dân cư trong khu vực và du khách thập phương.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm 2014, ngoài lễ đón bằng công nhận di sản còn có các hoạt động sôi nổi như: Rước lễ vật; niệm hương; đại lễ Cầu an; trưng bày hình ảnh, tư liệu về bộ Mộc bản kinh Phật; các trò chơi dân gian…

Quỳnh Trang

Theo Vnexpress