Tin Thế Giới

Chiếc Boeing 777-200 của hàng không Malaysia mất tích sáng sớm qua trên đường đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Các trạm theo dõi không nhận được bất kỳ tín hiệu báo nguy cấp nào trước khi máy bay mất tích. Thời tiết khu vực không có biến động bất thường. Trên máy bay có 239 người, trong đó có 227 hành khách mang 13 quốc tịch khác nhau...

Vé máy bay của hai người mang hộ chiếu giả được mua cùng lúc

Hai hành khách mang hộ chiếu giả của quốc tịch Áo và Italy trên chuyến bay mất tích của Malaysia đã mua vé cùng một thời điểm và có hành trình gần giống nhau.

Theo BBC, hai người có số xuất vé liên tiếp nhau là 99 và 100, hạng Q, của hãng Southern China Airlines. Chuyến bay mất tích MH370 share code giữa hãng hàng không của Trung Quốc và Malaysia.

Hành trình của "người Italy" là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Copenhagen. Hành trình của "người Áo" là Kuala Lumpur - Bắc Kinh - Amsterdam - Frankfurt.

Hai người thực sự có các hộ chiếu Italy và Áo nói trên vẫn sống an toàn và cho biết hộ chiếu của họ bị mất cách đây nhiều tháng. Thế nhưng tên và số hộ chiếu của họ có trong danh sách hành khách chuyến bay MH370. Điều này làm dấy lên nghi ngờ có kẻ xấu đã dùng giấy tờ ăn cắp để lên chuyến bay.

Giới chức Malaysia đang điều tra danh tính thực của tổng cộng 4 hành khách trên chiếc phi cơ chở 239 người bị mất tích. Ngoài hai người trên còn có hai người dùng hộ chiếu Trung Quốc giả.

bo-truong-7259-1394341101.jpg

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishamuddin Hussein phát biểu tại cuộc họp báo sáng nay ở sân bay tại Kuala Lumpur. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, các nhà điều tra đang xác minh danh tính của những hành khách trên qua các Đại sứ quán liên quan ở Malaysia. Giới chức Malaysia từ chối hé lộ chi tiết. Một người trong các hành khách này mua vé thông qua China Southern Airlines - hãng hàng không Trung Quốc, bay code share với Malaysia Airlines.

Trong khi đó, Fujian Evening đưa tin công an thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nghi vấn hai hành khách người nước này trên chuyến bay MH370 sử dụng hộ chiếu giả. Các hộ chiếu này ghi do công an Phúc Kiến cấp nhưng mã số và danh tính cá nhân trong đó không khớp nhau. 

Trước đó, hai người châu Âu là Christian Kozel, 30 tuổi, người Áo, và Luigi Maraldi, 37 tuổi, người Italy, đã bác bỏ việc có mặt trên chuyến bay bị mất tích, dù họ có tên trong danh sách bay. Hai người cho biết hộ chiếu của họ bị ăn cắp tại Thái Lan lần lượt vào năm 2012 và 2013. Họ đã gọi điện cho gia đình xác nhận rằng họ vẫn bình an.

Hiện Bộ trưởng Giao thông Malaysia đã yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ hành khách có tên trong danh sách bay của hãng Malaysia Airlines.

"Tôi đã nắm được cả 4 cái tên trên", ông Hishamuddin Hussein, người cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, nói.

Ông Hussein xác nhận giới chức trong nước đã gặp các đặc viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để phối hợp việc điều tra. Họ không loại trừ khả năng máy bay bị khủng bố và không loại trừ còn nhiều người khác cũng sử dụng hộ chiếu giả.

Trang Twitter của BBC vừa đăng tin Cục trưởng hàng không dân dụng Malaysia cho biết có 5 hành khách đã không lên chuyến bay MH370, và hành lý của họ đã bị bỏ xuống.

Cựu đại tá quân đội Anh Richard Kemp nhận định trên Mirror rằng giả thuyết chuyến bay bị tấn công cần được xem xét nghiêm túc.

"Chúng ta đã chứng kiến những vụ khủng bố gần đây ở Trung Quốc", ông Kemp, người từng đứng đầu đội chống khủng bố của Ủy ban Tình báo Liên minh của Anh, nói. "Chúng ta biết một số phần tử khủng bố có xuất phát từ tộc người Duy Ngô Nhĩ. Họ là những phiến quân ly khai Hồi giáo và từng gây ra nhiều vụ tấn công trong suốt thời gian dài".

Tuần trước, một nhóm người Duy Ngô Nhĩ thuộc vùng bất ổn Tân Cương được cho là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng mã tấu làm 29 người chết ở nhà ga Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 

Theo Wall Street Journal, trong số 154 hành khách Trung Quốc trên máy bay mất tích của Malaysia, có một họa sĩ nằm trong đoàn sang Malaysia tham dự triển lãm cũng là người Duy Ngô Nhĩ.

Chiếc Boeing 777-200 của hàng không Malaysia mất tích sáng sớm qua trên đường đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Các trạm theo dõi không nhận được bất kỳ tín hiệu báo nguy cấp nào trước khi máy bay mất tích. Thời tiết khu vực không có biến động bất thường. Trên máy bay có 239 người, trong đó có 227 hành khách mang 13 quốc tịch khác nhau. 

Anh Ngọc

Máy bay Malaysia có thể đã quay đầu trước khi mất tích

Radar theo dõi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cho thấy máy bay có thể đã quay ngược hành trình đến Bắc Kinh trước khi mất tích. 

Một máy bay của Malaysia Airlines. Ảnh: malaysiaairlines.vn 

Một máy bay của Malaysia Airlines. Ảnh: malaysia airlines

"Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu trên radar mà chúng tôi có và phát hiện có khả năng máy bay đã quay đầu", Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia nói.

Các nhóm cứu hộ của nước này đang mở rộng vùng tìm kiếm máy bay ra bờ biển phía tây, sau khi có giả thuyết máy bay đã quay đầu về hướng sân bay Kuala Lumpur trước khi biến mất.

Hiện thông tin về quãng thời gian mà máy bay đã bay trước khi mất tích đang có sự khác biệt. Một phát ngôn viên của hãng hàng không tối qua cho hay cuộc trao đổi cuối cùng giữa phi hành đoàn và đài kiểm soát không lưu ở Malaysia là vào khoảng 1h30 sáng 8/3 và lặp lại rằng máy bay mất tích khỏi hệ thống vào 2h40 sáng. Báo cáo ban đầu của Malaysia Airlines cho thấy, chuyến bay MH370 mất liên lạc hai tiếng sau khi rời Malaysia.

Tuy nhiên, theo dữ liệu trên trang web theo dõi máy bay  Flight Radar 24, chiếc máy bay đã mất tích sớm hơn nhiều, chỉ khoảng 40 phút sau khi cất cánh.

Giới chức Malaysia cũng cho biết đang điều tra thông tin có tới 4 người mang hộ chiếu giả lên máy bay. "Bốn cái tên đó đang được xem xét", Hishamuddin Hussein, Bộ trưởng Giao thông Malaysia cho biết. "Tôi đã chỉ đạo các cơ quan tình báo và tôi cũng yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan tình báo quốc tế trong vấn đề này".

Malaysia cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp của FBI Mỹ. Tuy nhiên, bị tấn công cũng chỉ là một trong số các khả năng dẫn đến vụ việc của chuyến bay MH370, ông cho biết.

"Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng", ông nói. "Chúng ta không thể vội vàng. Điều quan trọng bây giờ là tìm chiếc máy bay".

Hàng chục tàu và máy bay của các nước Malaysia, Việt Nam, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan đã và sẽ tham gia chiến dịch tìm kiếm tung tích chiếc máy bay của Malaysia Airline trên Biển Đông. Lực lượng Việt Nam đã phát hiện hai vết dầu  loang trên biển gần khu vực nghi có sự cố của chiếc Boeing và đang tích cực tìm kiếm.

Anh Ngọc

Mỹ muốn kìm chế Nga thông qua xuất khẩu khí đốt

Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) e ngại Nga vì lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ nước này, nhưng Mỹ cũng có thể thông qua việc xuất khẩu khí đốt để phá thế thượng phong của Moscow. 

obama-bohner-8297-1394255437.jpg

Chủ tịch Hạ viện John Boehner (trái) đang hối thúc Tổng thống Barack Obama đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn xuất khẩu khí đốt của Mỹ. Ảnh: Reuters

Từ năm 2011, bộ Ngoại giao Mỹ từng đề nghị tận dụng nền công nghiệp khí đốt phát triển của nước mình như một quân bài ứng phó với Nga. Đề xuất này ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, khi Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga gần đây tuyên bố chấm dứt cơ chế ưu đãi giá cho Ukraine. 60% lượng khí đốt của quốc gia cựu thành viên Liên bang Xô viết này là do Gazprom cung cấp.

Giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện và các doanh nghiệp dầu khí hàng đầu Mỹ đồng loạt hối thúc Tổng thống Barack Obama tăng tốc tiến trình xuất khẩu khí đốt. Điều này vấp phải sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường, một bộ phận thành viên đảng Dân chủ và giới doanh nghiệp chế tạo hưởng lợi từ ưu thế năng lượng bản địa. Tuy nhiên, cục diện hiện nay tại Crimea làm giảm sức ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trên.

Theo nhiều chuyên gia, sách lược của chính phủ Obama là giảm thiểu lượng xuất khẩu khí đốt của Nga một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, từ đó kiềm chế hành động của Moscow trong tương lai. Washington hoàn toàn có ưu thế, bởi Mỹ đang áp sát Nga để trở thành nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Nga hiện vẫn là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất toàn cầu.

"Vị thế để chúng tôi can thiệp vào đã khác, bởi nguồn năng lượng mà chúng tôi sản xuất hiện nay đã nhiều hơn", New York Times dẫn lời ông Jason Bordoff, người từng phụ trách vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC).

Mỹ hiện vẫn chưa xuất khẩu khí đốt bản địa, nhưng bộ Năng lượng nước này đã cấp giấy phép cho một số doanh nghiệp trong nước, cho phép xuất khẩu khí đốt bắt đầu từ năm 2015.

Ngày 4/3, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố: "Tổng thống có thể và hoàn toàn nên thực thi ngay lập tức biện pháp dưới đây. Đó là tăng tốc hết mức quá trình phê chuẩn xuất khẩu khí đốt của Mỹ. Mỹ có nguồn dự trữ khí đốt rất dồi dào, và đồng minh của chúng ta lại rất cần nguồn năng lượng này".

Ông cũng chỉ ra Moscow đang lợi dụng ưu thế trên để đạt được mục tiêu địa chính trị của mình. "Chúng ta không thể để đồng minh tiếp tục phụ thuộc vào Putin. Cần chấm dứt ngay tình trạng trừng phạt trên thực tế này, tăng tốc tiến trình phê chuẩn xuất khẩu khí đốt. Đây là biện pháp rõ ràng để Mỹ ủng hộ đồng minh".

Ukraine-Russia-1515-1394250596.jpg

Hợp đồng khí đốt năm 2009 giữa chính phủ Ukraine và Gazprom khiến Kiev càng yếu thế trước Moscow. Ảnh: Financial Times

Ngoài ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử, khí đốt chính là mối liên hệ quan trọng hàng đầu trong quan hệ Nga-Ukraine. Đây vừa là ưu thế, mà cũng là điểm yếu của cả hai nước.

Đối với Moscow, nguồn cung khí đốt có vai trò quan trọng không kém gì quân đội trong việc duy trì sức ảnh hưởng với các quốc gia từng thuộc Liên Xô. Nếu như không có nguồn năng lượng này, Ukraine sẽ lập tức rơi vào bế tắc. Nhưng đây cũng là nguồn thu quan trọng của Nga, bởi nước này phải cung cấp khí đốt cho châu Âu theo hợp đồng ký kết từ trước. 63% lượng khí đốt xuất khẩu phải đi qua hệ thống ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine.

Nga là một quốc gia dầu khí, bởi một nửa thu nhập của chính phủ nước này phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, trong đó khí đốt chiếm một phần ba. 13% lượng khí đốt của Gazprom do Ukraine tiêu thụ. Tiền thân của công ty này là bộ Khí đốt Liên Xô.

Ukraine đang nợ Gazprom khoảng 4,6 tỷ USD, bao gồm tiền khí đốt và tiền công ty này cho Kiev vay để trả nợ, chuyên gia phân tích Dmitri Petrov thuộc công ty chứng khoán Nomura chi nhánh London cho biết.

"Nga luôn coi khí đốt là công cụ để gia tăng sức ảnh hưởng. Bạn nợ Gazprom càng nhiều tiền, thì họ càng cho rằng có thể tăng cường sức ép lớn hơn nữa", ông David Dalton, Tổng biên tập tờ Economist Intelligence, bình luận.

Hôm qua, ông Alexey Borisovich Miller, Giám đốc điều hành Gazprom, tuyên bố Nga không thể cung cấp khí đốt cho Ukraine miễn phí và cảnh báo nếu Kiev không thanh toán các khoản nợ thì quốc gia này có thể trở lại tình hình giống như cuộc khủng hoảng khí đốt đầu năm 2009.

Năm 2009, vì mâu thuẫn trong vấn đề nợ khí đốt, Nga đã cắt nguồn cung của Ukraine và khu vực đông nam châu Âu trong vòng hơn hai tuần. Theo ông Dalton, từ đó đến nay, Kiev tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc trên và Moscow cũng tìm đường vận chuyển khác.

Cuộc đối đầu năm 2009 kết thúc với một bản hợp đồng gây tranh cãi giữa cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko và Gazprom. Theo đó, trong thời gian 10 năm. Ukraine phải trả tiền cho 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, bất kể có sử dụng hết hay không. Năm 2011, quốc gia này chỉ sử dụng hết 44 tỷ mét khối, và giảm xuống còn 28 tỷ mét khối trong năm 2013.

Cũng chính vì bản hợp đồng trên, mà ông Viktor Yanukovych chiến thắng trước bà Tymoshenko trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Năm sau, nữ hoàng khí đốt chịu án tù với tội danh lạm quyền.

khi-dot-Nga-EU-9290-1394250595.jpg

Khoảng 30% nguồn cung khí đốt của châu Âu là từ Nga. Đồ họa: CNN

Giống như Ukraine, châu Âu cũng lệ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Theo một quan chức thuộc ngân hàng Commerz của Đức, ít nhất 22% lượng khí đốt của EU đến từ Nga, còn theo CNN con số này có thể lên đến 30%.

Mặc dù EU đã và đang triển khai các kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung khí đốt và phát triển nguồn năng lượng thay thế, nhưng sự lệ thuộc trên vẫn còn rất lớn. 35% lượng khí đốt của Đức là do Gazprom cung cấp. Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Angela Merkel không mong muốn một lệnh trừng phạt vội vàng.

"Chúng tôi đã tuyên bố rõ rằng chúng tôi mong muốn đạt được mục tiêu thông qua đàm phán. Nhưng nếu hy vọng không còn, thì chúng tôi đã chuẩn bị để áp đặt lệnh trừng phạt, căn cứ theo tình hình tại Crimea", bà Merkel nói.

Gazprom là một công ty cổ phần, với cổ đông rải rác khắp thế giới. Nhưng đây cũng là một thực thể bao gồm cả lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia. Chính phủ Nga nắm một nửa cổ phần của Gazprom, nhưng có quyền điều hành tuyệt đối lên công ty này. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định Gazprom là công cụ ngoại giao đắc lực của Nga trên ván bài địa chính trị với phương Tây.

“Gazprom đã gia tăng thị phần tại thị trường châu Âu do sức sản xuất nội địa tại một số quốc gia châu Âu như Anh và Na Uy đã giảm sút. Chúng tôi không thấy có các dấu hiệu cho thấy tình hình tại châu Âu sẽ thay đổi", Phó Chủ tịch Gazprom Alexander Medvedev cho biết.

Đức Dương (theo New York Times)

Theo Vnexpress