Bộ trưởng Giao thông lập tổ điều tra độc lập vụ đứt cáp cầu
Cáp treo chịu được trọng tải 79 tấn, nhưng kết cấu neo không đồng bộ với cáp dẫn đến việc đứt ốc neo, gây tai nạn thương tâm tại bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu). Trước thực trạng này, Bộ trưởng Giao thông đã lập tổ điều tra độc lập.
Có mặt tại hiện trường sáng 25/2, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ đánh giá và nhận định nguyên nhân ban đầu vụ đứt cáp cầu treo làm 8 người chết.
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng đã quyết định thành lập một tổ công tác độc lập gồm những chuyên gia đầu ngành để giám định và tìm nguyên nhân đứt cáp cầu. Ảnh: Sơn Thủy |
Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, cáp treo chịu được trọng tải 79 tấn, tải trọng của cầu cũng tương đối lớn, nhưng kết cấu neo không đảm bảo có thể là nguyên nhân dẫn đến việc ốc neo bị đứt. Một tổ điều tra độc lập gồm các chuyên gia hàng đầu của Bộ đã được thành lập để tìm nguyên nhân vụ việc.
Quá trình, khắc phục, điều tra và sửa chữa cầu bị sập, tỉnh Lai Châu lên phương án xây dựng một cây cầu tạm, cách vị trí cây cầu cũ 30 m.
Hơn 12h trưa nay, hai máy bay chở 25 giáo sư, bác sĩ và 4 điều dưỡng viên của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đã tới Lai Châu.
Máy bay trực thăng đáp xuống Lai Châu, đưa các chuyên gia y tế đến cứu chữa nạn nhân vụ sập cầu treo. Ảnh: Sơn Thủy |
Có mặt tại bệnh viện đa khoa Lai Châu, bác sĩ Đào Xuân Cơ, khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện mang theo 55 kg dụng cụ phẫu thuật và 100 đơn vị máu, chế phẩm máu; kèm theo thuốc cấp cứu về hô hấp, tuần hoàn, hồi sức, sọ não và một cơ số thuốc giảm đau. Các bác sĩ sẽ ở lại đến khi bệnh nhân ổn định.
Trong khi đó, Trưởng đoàn Bệnh viện Việt Đức là Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tiến Quyết cho biết 28 bệnh nhân đang nằm viện thì có 3 ca chấn thương sọ não; số còn lại các bác sĩ có thể mổ xử lý tại chỗ mà không cần chuyển về Hà Nội.
Cấp cứu nạn nhân ở bệnh viện Lai Châu: Ảnh: Sơn Thủy |
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Lai Châu quan tâm hỗ trợ các gia đình có người bị chết, điều trị cho những người bị thương và yêu cầu cơ quan công an điều tra nhanh chóng, chính xác nguyên nhân dẫn đến tai nạn đau lòng này để có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Theo Sở Y tế Lai Châu, có 31 nạn nhân bị thương nặng, trong đó, hơn 20 bệnh nhân bị đa chấn thương như: dập gan, thận, lá lách, gãy xương đùi, vỡ hộp sọ, 3 người nguy kịch. |
Bá Đô - Nam Phương - Đoàn Loan
Thêm 2 bé sơ sinh có ngực dính nhau
Giữa hai xương ức dính nhau có một lỗ lớn khiến một phần tim của bé thứ nhất chui vào lồng ngực của bé thứ hai và ngược lại.
Trao đổi với VnExpress ngày 25/2, gia đình sản phụ ở An Giang cho biết, quá trình mang thai, mẹ của bé vẫn đi khám thai định kỳ nhưng chỉ phát hiện song thai chứ không biết hai bé dính nhau. Đến ngày lâm bồn, sản phụ bất ngờ được bác sĩ thông báo hai cậu con trai của chị bị dính nhau ở phần ngực.
Hai bé dính nhau ở phần ngực và bụng. Ảnh: B.S.B |
Chào đời ngày 23/2, mội bé nặng 2 kg, một ngày sau, hai bé được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM với mong muốn được mổ tách rời.
Thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết, các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy, phần xương ức của hai bé dính nhau, giữa hai xương ức có một lỗ lớn chứ không có vách ngan riêng biệt. Lỗ này khiến một phần tim của bé thứ nhất chui vào lồng ngực của bé thứ hai và ngược lại, một phần tim của bé thứ hai cũng chui sang ngực bé thứ nhất.
Cũng qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ còn phát hiện cả hai bé mắc bệnh tim bẩm sinh. Riêng bé thứ nhất có mạch máu từ tim bị hẹp, chỉ có một thận, không có hậu môn và cột sống bất thường ở cổ và xương cụt. Bé thứ hai thận bị ứ nước, bất thường niệu quản.
“Sau khi làm tất cả các xét nghiệm và chẩn đoán, chúng tôi nghĩ nhiều đến việc phẫu thuật tách rời hai cơ thể, bởi bé thứ nhất không có hậu môn, nếu không mổ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ phân gây nhiễm trùng”, bác sĩ Hiếu nói.
Thiên Chương
Chuyên gia hội chẩn, điều trị cho 2 bé tý hon
Hay tin cậu bé K'Rể 5 tuổi nhưng chỉ cao nửa mét, nặng 3 kg và Khít 9 tuổi cũng chỉ 8 kg, Sở Y tế Quảng Ngãi đã điều động xe đưa các cháu đến bệnh viện, mời chuyên gia hội chẩn, tìm giải pháp điều trị.
K'Rể 5 tuổi nhưng chỉ cao 50cm, nặng 3 kg bằng trọng lượng trẻ sơ sinh. Ảnh: Trí Tín. |
Sáng 24/2, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Quảng Ngãi, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đã đưa cháu Đinh Văn K’Rể (ngụ ở thôn Gò Da, xã Sơn Ba) về Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi khám, tìm giải pháp điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi của bệnh viện này cho biết, cháu K'Rể đã tròn 5 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 50 cm, nặng 3 kg như một trẻ sơ sinh. Trước mắt, cháu bé sẽ được điều trị bằng cách bổ sung đa vi chất để nâng sức đề kháng và bổ sung dinh dưỡng. Sau đó, bé sẽ được chuyển đến các trung tâm y tế lớn tại TP HCM, Hà Nội để được các chuyên gia đầu ngành điều trị.
Cũng được đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi trong sáng nay, cháu Đinh Văn Khít (ngụ thôn Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng) có thể tạng nhỏ bé tương tự như K'Rể. Cậu bé này đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 78 cm và nặng 8 kg.
*Video: 2 bé tý hon
Hai cháu bé tý hon trong vòng tay cha. Ảnh: Trí Tín. |
"Lúc mình 57 tuổi thì vợ sinh cháu Khít. Chào đời cháu chỉ khoảng 800 gram. Suốt 9 năm qua con mình ăn uống rất ít, chậm lớn. Cháu học suốt 4 năm mẫu giáo rồi nhưng chưa thể lên học lớp 1. Trong khi đó, anh trai của nó 13 tuổi phát triển bình thường, hiện học lớp 8", ông Đinh K'Tênh (cha của Khít) cho biết.
Theo bác sĩ Phụ, qua thăm khám chưa phát hiện bệnh lý nội khoa nào ở hai bé tý hon. Nhiều khả năng nguyên nhân khiến các cháu chậm phát triển như vậy là do rối loạn nhiễm sắc thể hoặc rối loạn nội tiết tố tăng trưởng ở tuyến yên.
Ông Nguyễn Tấn Đức, giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho hay, tỉnh sẽ mời các chuyên gia về địa phương hoặc chuyển các bé lên các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ hội chẩn, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp điều trị giúp hai cháu K'Rể và Khít phát triển.
Khít 9 tuổi nhưng cao chỉ 78 cm, nặng 8 kg. Ảnh: Trí Tín. |
Các chuyên gia y tế cho biết, tỷ lệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính 1/4.000-1/10.000 trẻ sinh sống. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Dấu hiệu thiếu hoóc môn tăng trưởng là trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4 cm một năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì mới có thể mang lại hiệu quả.
Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh là bệnh nội tiết khi tuyến giáp của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu chuyển hoá và quá trình sinh trưởng của cơ thể. Đây là lỗi bẩm sinh trong chuyển hoá giáp trạng, hay thiếu iốt.
Trí Tín
Theo Vnexpress