Tin Trong Nước

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM vừa có thông báo chính thức về việc cung cấp dịch vụ cấp thị thực (visa) cho các đương đơn theo quy định mới và thu phí thị thực qua đường bưu điện.

Nộp phí thị thực vào Mỹ qua đường bưu điện

Từ ngày 22/2, bưu điện sẽ triển khai cung cấp dịch vụ thu phí thị thực nhập cảnh Mỹ tại các bưu cục trên toàn quốc. Khách hàng không phải chịu phí.

 

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM vừa có thông báo chính thức về việc cung cấp dịch vụ cấp thị thực (visa) cho các đương đơn theo quy định mới và thu phí thị thực qua đường bưu điện.

Theo đó, kể từ ngày 22/2, Bưu điện Việt Nam sẽ triển khai cung cấp dịch vụ thu phí thị thực nhập cảnh Mỹ tại các bưu cục trên toàn quốc. Người nộp tiền (người xin cấp visa hoặc người nộp thay) cung cấp tờ hướng dẫn nộp tiền xin cấp visa trong đó có thông tin về số tham chiếu CGI-Reference Number, số tiền nộp, họ tên người nộp tiền, địa chỉ người nộp tiền. Khách hàng không phải chịu phí chuyển tiền.

Bưu điện có trách nhiệm chuyển đúng, đủ và kịp thời số tiền của khách hàng tới cơ quan được Chính phủ Mỹ cấp quyền thu phí thị thực nhập cảnh.

Quy định mới được áp dụng với việc cấp thị thực không định cư (non-immigrant visa, diện hồ sơ DS-160) dành cho những người đi du lịch, học tập, tiếp thị, dự hội nghị... và thị thực diện K (fiancé/fiance visa) dành cho những người sang Mỹ theo hôn thê/hôn phu (đã đính hôn nhưng chưa kết hôn) là công dân Mỹ.

Khách hàng xin cấp thị thực có thể vào trang web chính thức cung cấp thông tin về visa của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, điền và in phiếu nộp tiền ngân hàng. Sau đó mang phiếu này tới Ngân hàng HSBC hoặc các điểm giao dịch của Bưu điện Việt Nam để đóng phí xin cấp thị thực.

Cũng theo quy định mới này, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Mỹ sẽ tiếp tục chương trình cấp lại thị thực mà không phỏng vấn dành cho những đương đơn đủ điều kiện. Đơn xin thị thực phải được gửi qua đường bưu điện.

Từ ngày 1/4, việc xin cấp lại thị thực sẽ chỉ được nộp qua hệ thống bưu điện.

Theo chinhphu.vn

Cử nhân đại học xuất khẩu lao động làm công nhân thuỷ sản

Sau nhiều tháng đi tìm việc và nộp hồ sơ nhưng không được, Hiếu quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Hiện anh làm công nhân một nhà máy thủy sản với lương tháng 28-30 triệu đồng.
Nhận bằng cử nhân tại Đại học Công nghiệp Hà Nội từ năm 2011, nộp hồ sơ tới nhiều doanh nghiệp nhưng sau nửa năm, anh mới được nhận vào làm tại một công ty tư nhân với mức lương 3 triệu đồng, không có bảo hiểm. Với suy nghĩ ra trường có việc đã là tốt, Hiếu khấp khởi đi làm giờ hành chính, ngoài giờ vẫn phải đi chạy xe ôm, gia sư để có thêm thu nhập.
malay-Thuy-5698-1392977136.jpg

Nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học, không xin việc được ở trong nước đã quyết định đi xuất khảu lao động. Ảnh: Hoàng Thùy

Anh dự định làm vài năm bên Nhật để tích cóp tiền trả ngân hàng vay khi làm thủ tục. Sau đó, khi về nước, có thể xin vào làm việc tại một công ty của Nhật nhờ có vốn ngoại ngữ. 

"Tuy nhiên, vài năm nữa về, chữ nghĩa học ở trường chắc chẳng dùng được nữa, có khi vẫn phải làm công nhân. Sang Nhật, hiện mình chỉ làm những việc thủ công. Một thời gian nữa thạo tiếng và quen thuộc việc đi lại, có thể mình tìm việc làm thêm liên quan đến ngành đã học nhưng chắc cũng rất khó khăn", Hiếu cho hay.

Xuân, tốt nghiệp đại học chuyên ngành hành chính, nhân sự từ giữa năm ngoái. Số hồ sơ chị nộp cả bản cứng lẫn online cũng cũng lên tới vài chục bộ. Tuy nhiên, chỉ có vài nơi gọi đi phỏng vấn thì chủ yếu là công ty đa cấp hoặc cộng tác viên bán bảo hiểm, và đến nay chị vẫn chưa có việc làm mà phải đi gia sư. Thời gian tới, Xuân dự định mở một cửa hàng bán bún đậu mắm tôm cùng vài người bạn để có tiền trang trải cuộc sống và tiếp tục tìm việc làm.

Chị Bình cũng gặp tình cảnh bi đát không kém từ nửa năm nay. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2010 và có 2 năm kinh nghiệm làm tại công ty tư nhân. Sau khi nghỉ sinh và không được hưởng khoản bảo hiểm nào hồi tháng 4 năm ngoái, đơn vị đề nghị chị nghỉ việc. 

Chị rải hồ sơ xin việc khắp nơi đến nay ngót nửa năm. Có công ty nhận hồ sơ xong biệt tăm, một số đơn vị thì phỏng vấn và làm bài  rồi thi nhưng cũng "bặt vô âm tín". Ngày nào chị cũng mình cũng lên mạng tìm việc rồi đi nộp hồ sơ. 

"Chuyện tài chính là một phần nhưng mình còn sợ tình trạng thất nghiệp kéo dài sẽ làm những kiến thức mình đã học và thực tế bị mai một. Còn những kiến thức mới thì sẽ không cập nhật được, như vậy sẽ càng khó xin việc hơn", chị Bình lo âu. 

Gần đây, tại một buổi tọa đàm về việc làm, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội nhận định thị trường lao động hiện nay có một thực trạng là lao động phổ thông tìm việc dễ dàng, trong khi người đã qua đào tạo lại gặp khó. Nghịch lý trên xuất phát từ nền sản xuất chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông để trả mức lương thấp. 

Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở độ tuổi 15-24 trong năm 2013 ước tính là 6,36%, tuổi từ 25 tuổi trở lên khoảng 1,21%. Tỷ lệ này ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều tăng so với cuối 2012.

"Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động", Tổng cục Thống kê nhận định.

Trong khi đó, cũng theo cơ quan này, ước tính đến 1/1/2014, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tiếp tục tăng thêm 860.000 người so với cùng kỳ. 

Ngọc Tuyên

 

Cuộc đoàn tụ của người phụ nữ 39 năm lưu lạc

Nhờ những người tốt bụng cưu mang, cô gái ăn xin lạc gia đình từ năm 14 tuổi đã tìm lại được gia đình sau 39 năm. 

Sáng 22/2, trong căn nhà nhỏ nơi cuối xóm, bà Trần Thị Yến (thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) vỡ òa niềm vui sum họp với con gái sau 39 năm lưu lạc. 

Ông Võ Đức Minh (anh trai chị Bê) cho biết khi em gái thất lạc, cha anh ngược vào Nam tìm kiếm, cuối cùng bệnh nặng mất ở Vũng Tàu. Còn ông sau đó gửi hồ sơ đến cơ quan công an nhờ tìm giúp nhưng đều vô vọng. "Mọi người nghĩ trong lúc chạy giặc, em đã trúng đạn chết rồi. Giờ tìm được nó, hy hữu chẳng khác nào chuyện cổ tích", ông Minh thổ lộ.

22-2-Anh-2-Nguoi-phu-nu-3290-1393070241.

Giây phút đoàn tụ của cụ bà Trần Thị Yến (85 tuổi) với con gái Võ Thị Bê sau 39 năm thất lạc. Ảnh:T rí Tín. 

Quây quần cùng gia đình, chị Bê bảo còn nhớ như in vào một đêm tháng 3/1975, trong lúc cùng bạn trong thôn xem chiếu phim ở sân bãi của làng thì tiếng súng vang khắp nơi. Mọi người nháo nhào bỏ chạy. "Tôi vừa khóc vừa chạy thục mạng trong đêm và ngất xỉu, tỉnh dậy vào gần trưa thấy nằm ở miền quê lạ", chị Bê nhớ lại chuyện xảy ra khi mình 14 tuổi.

Sau đó chị lang thang hết nơi này đến nơi khác xin ăn. "Lúc đầu ngủ đêm ngoài đường, tôi sợ hãi tột cùng, lâu ngày riết rồi quen phó mặc cho số phận. Quần áo rách rưới, thiếu ăn nên thời gian ấy tôi đen đúa, gầy nhom", chị Bê mô tả. 

Sau hai năm vất vưởng khắp đầu đường, xó chợ, năm 1977 trong lúc kiệt sức nằm ở miệng cống nước, chị được bà Hai Tiên ở xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn đưa về nhà nuôi. "Buổi sáng hôm ấy, tôi đi chợ sớm thì phát hiện bé gái quần áo rách bơm nằm thở thoi thóp. Gặng hỏi thì mới biết cháu lạc nhà đã hai năm, thương quá tôi đưa về. Sống chung với gia đình khoảng 19 năm thì Bê xin phép đi tìm cha mẹ", bà Tiên thuật lại.

22-2-Anh-4-Nguoi-phu-nu-2394-1393070241.

Bà con lối xóm đến chia vui cùng gia đình bà Yến đoàn tụ cùng con gái sau 39 năm lưu lạc.Ảnh:Trí Tín.

Nắm tay mẹ nuôi, chị Bê tiếp lời, thời gian đó ban ngày chị đi giúp việc nhà cho một số gia đình, ban đêm đi nhặt phế liệu gom góp tiền cho hành trình tìm về làng.

Chị được nhiều tiểu thương ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, hiểu hoàn cảnh nên thường cho tiền, quần áo cũ. Sau đó chị được anh Trần Kim Hương (lái xe ôm) nhiệt tình chở đến đài truyền thanh, truyền hình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi gửi thông báo tìm người thân. 

"Nghe chuyện của chị Bê, tôi không thể cầm lòng, suốt từ tháng 6/2013 tôi tình nguyện chở về nhiều miền quê tìm người thân. May mắn, sau Tết qua thông báo trên truyền hình, người thân của chị đã liên lạc", anh Hương xúc động nói. Chiều tối 21/2, gia đình bà Yến đến đón chị Bê trở về.

22-2-Anh-1-Nguoi-phu-nu-8696-1393070242.

Sau chuỗi ngày dài mỏi mòn tìm con đẫm nước mắt, giờ đây bà Yến cười mãn nguyện.Ảnh: Trí Tín.

"Bao nhiêu năm vào Nam, ra Bắc tìm con khắp nơi, ở cái tuổi gần đất xa trời ngỡ tuyệt vọng vì mất con vậy mà giờ nó đã ở bên cạnh tôi, hạnh phúc nào sánh bằng", bà Yến ngồi bên con gái sau 39 năm thất lạc cười mãn nguyện. 

Chị Bê nắm chặt tay mẹ xin lỗi, đã 53 tuổi nhưng chị chưa một ngày hiếu nghĩa với mẹ cha. "Từ nay con sẽ ở bên phụng dưỡng mẹ đến cuối đời", chị trào nước mắt nói.

Chiều 22/2, trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết sẽ hỗ trợ thủ tục nhập hộ khẩu, hộ tịch, làm giấy chứng minh cho chị Bê. Về lâu dài, địa phương sẽ tạo điều kiện vay vốn ưu đãi giúp chị trồng trọt, chăn nuôi, sớm ổn định, hòa nhập cuộc sống mới cùng gia đình. 

Trí Tín 

 

Theo Vnexpress