Cảnh sát Thái bị bắn chết trong chiến dịch tái chiếm
Một cảnh sát và một dân thường thiệt mạng cùng ít nhất 58 người bị thương trong đụng độ ở trung tâm Bangkok, sau khi giới chức bắt đầu lấy lại những tòa nhà chính phủ bị người biểu tình chiếm giữ.
Một cảnh sát bị thương được đưa tới bệnh viện. Ảnh: BangkokPost |
"Một cảnh sát vừa thiệt mạng và 14 cảnh sát bị thương", Reuters dẫn lời ông Adul Saengsingkaew, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Thái Lan, hôm nay nói. "Nhân viên cảnh sát tử vong khi đang trên đường đến bệnh viện. Anh ấy bị bắn vào đầu".
Hơi cay, tiếng súng và tiếng nổ được nghe thấy trong cuộc đụng độ gần Trụ sở Chính phủ hôm nay. CNN dẫn lời trung tâm cấp cứu Erawan cho hay ít nhất 58 người bị thương, gồm cả người biểu tình lẫn cảnh sát. Các quan chức cũng cho biết một người đàn ông 52 tuổi tử vong do vết thương ở đầu.
Hàng nghìn cảnh sát, trong đó có các đội chống bạo loạn, mang theo khiên, đạn hơi cay, dùi cui, được triển khai tại ít nhất 5 địa điểm ở thành phố, trong chiến dịch chính phủ gọi là "Hòa bình cho Bangkok".
Khoảng 100 người biểu tình bị bắt tại khuôn viên của Bộ Năng lượng, do vi phạm tình trạng khẩn cấp. "Chúng tôi vừa lấy lại một trong 5 điểm biểu tình mà chúng tôi muốn tái chiếm, đó là Bộ Năng lượng", lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanathabutr, nói khi thông báo về vụ bắt giữ.
Đây là lần đầu tiên một lượng lớn người biểu tình như trên bị bắt kể từ khi làn sóng đòi Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức nổ ra cách đây ba tháng.
Cảnh sát Thái hôm nay chĩa vũ khí vào người biểu tình chống chính phủ, trong cuộc đụng độ gần Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok. Ảnh: Reuters |
Kể từ cuối năm ngoái, người biểu tình đối lập đã chiếm những khu đất của chính phủ và những giao lộ chính ở Bangkok, nhằm lật đổ chính phủ. Cảnh sát nói họ sẽ không dùng bạo lực, nhưng khẳng định sẽ dẹp ít nhất vài cuộc biểu tình vì vi phạm tình trạng khẩn cấp đã ban bố.
Trong khi đó, người biểu tình đã trở lại Tòa nhà Chính phủ ở trung tâm Bangkok, nơi cảnh sát dẹp bỏ cuối tuần trước. Những hình ảnh truyền hình hôm nay cho thấy cảnh sát đang đàm phán với lãnh đạo biểu tình.
Ít nhất 10 người thiệt mạng kể từ tháng 11, trong một chuỗi đụng độ quy mô nhỏ và các cuộc tấn công vào người biểu tình. Đây là bạo lực chính trị tồi tệ nhất Thái Lan kể từ năm 2010.
Người biểu tình đang cố buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức vì cho rằng chính phủ của bà tham nhũng và bị cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh bà, kiểm soát. Bà Yingluck giải quyết xung đột bằng những cuộc bầu cử sớm hồi tháng này, nhưng phe đối lập tẩy chay việc bỏ phiếu và làm gián đoạn hoạt động bầu cử tại một số khu vực.
Trọng Giáp
Bé 6 tuổi khổ luyện thành phi công trẻ nhất thế giới
Duoduo chỉ mới 4 tuổi khi mình trần chạy trong tuyết. Hai năm sau, cậu bé trở thành thủy thủ nhỏ tuổi nhất thế giới và thậm chí còn lái một chiếc máy bay trước khi bước sang tuổi thứ 6.
Duoduo và bố, He Liesheng, vui mừng sau chuyến bay dài 30 phút thành công của cậu bé. Ảnh: China Daily |
Duoduo gây chú ý cho toàn thế giới vào năm 2012, khi video quay lại cảnh cậu bé vừa chạy bộ vừa khóc giữa trời tuyết lan truyền trên mạng.
"Bố ơi bố, ôm con đi bố!", Duo khóc trước máy quay. Thân hình nhỏ bé của Duoduo chỉ được bảo vệ khỏi thời tiết -13 độ C ở New York bằng độc chiếc quần lót màu vàng và đôi giày thể thao trắng. Dù đang đi nghỉ ở Mỹ cùng gia đình, Duoduo ngày nào cũng phải luyện "mình đồng, da sắt" theo cách này dưới sự ép buộc của bố, He Liesheng.
Trong khi video trên thu hút cả những chỉ trích lẫn khen ngợi từ dư luận khắp thế giớim, He không mảy may quan tâm. Ông bố này khẳng định anh biết mình đang làm gì.
"Tôi luôn cảm thấy các bậc phụ huynh Trung Quốc nuông chiều đứa con duy nhất của họ quá mức", He nói với CNN lúc đó. "Chúng ta không cho chúng tiếp xúc nhiều với tự nhiên khiến chúng trở nên yếu đi và kém khả năng cạnh tranh so với trẻ em nước ngoài".
He, người tự mệnh danh mình là "người cha đại bàng", không chỉ muốn con trai thành công mà còn muốn cậu bé bay cao bay xa. "Giống như một con đại bàng, tôi đẩy con mình đến giới hạn để nó có thể học cách tự bay".
Hai năm sau, hai bố con Duoduo đã giữ đúng cam kết.
Trong căn hộ cao cấp tại thành phố Nam Kinh, các bằng chứng nhận của giới chức Trung Quốc dán đầy trên tường và còn có cả những kỷ lục thế giới: một trong những người nhỏ tuổi nhất khởi nghiệp một công ty đầu tư và một trong những phi công trẻ nhất. Kỷ lục thứ hai được ghi nhận sau chuyến bay dài 30 phút của Duoduo gần Bắc Kinh, ở độ cao hơn 300 mét.
Trên tường nhà còn có các bảng biểu và tài liệu ghi lại chi tiết lịch trình hàng ngày của Duoduo. Cậu bé 6 tuổi chỉ được thức dậy vào 7h trong những ngày nghỉ, còn bình thường, Duo phải ngủ dậy lúc 6h30.
Phi công nhỏ tuổi chỉ có một ngày được nghỉ ngơi. "Cháu có thể xem phim vào chủ nhật", Duoduo nói.
Duoduo bây giờ hoạt bát, trái ngược hoàn toàn so với hình ảnh run rẩy mà thế giới nhìn thấy cách đây hai năm. Duoduo vẫn còn nhớ cảm giác rét buốt của ngày hôm ấy, nhưng cậu bé cũng nhớ những gì xảy ra tiếp sau đó.
"Khi cháu ở trần chạy bộ, cháu khóc không ngừng. Sau đó, bố cho cháu tắm nước nóng", Duoduo nói.
Về phần mình, He nói rằng câu chuyện của họ không có gì hơn ngoài những hình ảnh khắc nghiệt. He đã bắt con trai cởi trần chạy bộ giữa trời tuyết, anh cũng bắt cậu bé trượt tuyết, leo núi và tắm nước lạnh. He khẳng định thử thách nào cũng có mục đích của nó.
"Một đứa trẻ không trải qua khó khăn thì không thể trở nên mạnh mẽ được", ông bố này nói. "Điều đó có nghĩa là từ khi con còn nhỏ, chúng ta nên để chúng chiến đấu nhiều hơn, cho phép chúng trải nghiệm nhiều hơn. Điều đó rất tốt cho sự phát triển của chúng".
Tuy nhiên, cuộc sống của Duoduo không hoàn toàn chỉ có những thử thách. Cậu bé sống rất thoải mái và hy vọng lớn lên sẽ trở thành một doanh nhân như Bill Gates, vì "lúc đó cháu có thể giúp đỡ người khác và mua nhiều thứ".
Nói về phương pháp dạy con của bố mình, Duoduo cho rằng nó có hai mặt tích cực và tiêu cực: "Mặt tích cực là cháu có thể học được rất nhiều thứ, còn mặt tiêu cực là bố cháu quá nghiêm khắc!".
Anh Ngọc (Video: NDTV, Jiangsu TV)
Một người gốc Việt bị đánh đến chết tại Campuchia
Một người đàn ông gốc Việt bị một nhóm người đánh đến chết, sau vụ xung đột trên đường quốc lộ ở Phnom Penh, Campuchia.
Gia đình Nguyen Yaing Ngoc/Tran Van Chien vái trước di ảnh của anh tại Phnom Penh. Ảnh:PhnomPenhPost |
Cambodia Daily hôm nay đưa tin Nguyen Yaing Ngoc, 28 tuổi, tối 15/2 đến giúp một người hàng xóm bị tai nạn xe máy ở Quốc lộ 2, quận Meanchey, Phnom Penh, thì gặp nạn.
Lúc Ngoc và một nhóm khoảng 8 người đến giúp người hàng xóm thì anh này đã được đưa tới bệnh viện, nhưng xe máy của anh này nằm chắn đường.
"Nguyen Yaing Ngoc cãi vã với một người và con trai ông ta vì họ không thể đi qua chiếc xe máy", Kong Samnang, người quản lý một quán karaoke bên đường chứng kiến vụ đánh hội đồng, cho biết. Nhân chứng này cho rằng Ngoc đánh hai bố con và rồi một nhóm đông người tụ tập xung quanh.
Tuy nhiên, phó cảnh sát trưởng khu vực, Huot Vanna lại có thông tin khác. Ông cho hay Von Chanvutha, một người xem vụ xô xát, đã kích động vụ đánh hội đồng khi hô to nguồn gốc quốc tịch của nạn nhân bằng một từ có ý xúc phạm. Von Chanvutha, 50 tuổi, vì thế đã bị bắt và thẩm vấn. Một lãnh đạo quận Meanchey cũng cho hay nạn phân biệt sắc tộc là nguyên nhân vụ việc, vì những kẻ giết người đã hô to gốc gác chủng tộc của nạn nhân khi đánh anh.
Tuy nhiên, quản lý quán karaoke lại nói ông không nghe thấy từ này. Các nhân chứng nói đòn đánh đầu tiên là một cú đấm vào đầu của Nguyen Yaing Ngoc. Ngoc cố bỏ chạy nhưng bị xô xuống đất. "Họ đánh anh ta trong 10 hoặc 15 phút", Leang Hy, người bán hoa quả và đồ uống ở đoạn đường nơi Ngoc tử vong, nói.
Hầu hết những người sống ở con đường nơi Ngoc bị giết không cho rằng đây là một vụ giết người vì phân biệt sắc tộc.
"Họ không giết anh ấy vì anh là người Việt. Có rất nhiều người đuổi và đánh anh, họ không thể biết anh ta là người Khmer hay Việt Nam", bà Hy nói.
Trong khi đó, Cambodia Post hôm nay lại đưa tin nạn nhân gốc Việt trên tên là Tran Van Chien, 30 tuổi. Báo này cho biết vợ anh là Mey Neth, người Khmer, đang mang thai 8 tháng đứa con đầu lòng của hai người.
Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập hôm qua cũng phải lên tiếng chỉ trích vụ bạo lực. "CNRP muốn kêu gọi tất cả mọi người chấm dứt mọi hình thức văn hóa bạo lực trong xã hội và thực hiện văn hóa tôn trọng nhân quyền, tình yêu, sự khoan dung lẫn nhau và tôn trọng cuộc sống, nhân phẩm của tất cả mọi người, bất kể tôn giáo, sắc tộc, dù họ là người Khmer hay người ngoại quốc", thông báo viết.
Trọng Giáp
Theo Vnexpress