Châu Âu chia rẽ về phương pháp giúp người chết một cách êm ả
Một ngày sau khi các nhà lập pháp Bỉ chấp thuận một dự luật có tính đột phá về việc giúp trẻ em chết không đau đớn, tòa án tối cao của Pháp đã hoãn một quyết định chấm dứt cuộc đời của một người 38 tuổi bị bại liệt tứ chi.
Cuộc biểu tình tại Bỉ về vấn đề giúp trẻ em chết không đau đớn
Tòa Phá án cao nhất của Pháp chọn ngày thứ Sáu để mưu tìm thêm ý kiến y học trước khi đưa ra phán quyết về việc kết thúc cuộc sống của Vincent Lambert. Người đàn ông 38 tuổi bị liệt tứ chi này đã sống trong tình trạng thực vật từ lúc bị tai nạn xe hơi năm 2008. Trường hợp của ông này không những gây chia rẽ trong gia đình ông, mà cả trong cả nước.
Bác sĩ Eric Kariger, người đứng đầu bộ môn chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh việm điều trị cho ông Lambert, đã hoan nghênh quyết định của tòa. Trong một cuộc phỏng vấn phát thanh, ông nói ý kiến y học bổ sung có thể giúp cho gia đình của ông Lambert đang đau khổ. Ông hy vọng quyết định sẽ thiên về phía chấm dứt cuộc sống của người đàn ông này.
Các bác sĩ của ông Lambert và một số thân nhân ủng hộ giải pháp giúp người chết êm ái, bằng cách chấm dứt việc đưa thức ăn và nước uống qua mạch máu, là lối điều trị hợp pháp trong những điều kiện gắt gao ở Pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình mới đây, một trong những người chị em gái của ông Lambert nói để cho ông chết còn kém độc ác hơn là để ông sống lay lất trong tình trạng thực vật nhiều năm rồi.
Nhưng cha mẹ ông Lambert là những tín đồ Công giáo thuần thành cực lực phản đối biện pháp giúp người chết một cách êm ái.
Việc Toà Phá án Pháp không đưa ra quyết định trái ngược hẳn với trường hợp tại nước láng giềng Bỉ, nơi các nhà lập pháp hôm thứ Năm đã bỏ phiếu hợp thức hóa việc giúp người chết không đau đớn cho những trẻ em bị bệnh không thể chữa khỏi ở bất cứ tuổi nào – nhưng trong những điều kiện gắt gao. Bỉ vốn đã hợp thức hóa việc giúp người chết êm ả vào năm 2002, ngay sau Hà Lan, là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra quyết định đó.
Khắp châu Âu, tình cảnh cũng lẫn lộn như thế. Luxembourg cho phép dùng biện pháp này cho người lớn. Và việc giúp tự tử bằng phương pháp y khoa là hợp pháp ở Thụy Sĩ. Nhưng các quốc gia khác, như Ba Lan, cực lực chống đối phương pháp giúp người chết một cách êm ả này.
Giúp người chết êm ả một cách gián tiếp – có nghĩa là rút ống trợ thở, không dùng thuốc, thực phẩm và nước – được Pháp coi là hợp pháp. Trực tiếp giúp người chết êm ả, có nghĩa là có hành động trực tiếp gây ra cái chết của người bị bệnh nan y, theo lời yêu cầu của đương sự, lại là bất hợp pháp.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhắc lại lời hứa đề xuất dự luật mới về việc kết thúc đời sống. Ông nói ông sẽ mưu tìm sự ủng hộ rộng rãi dành cho dự luật cho phép người trưởng thành mắc những bệnh không thể chữa được yêu cầu xin sự trợ giúp y tế để tự vẫn nếu họ bị đau đớn về thể chất và tâm lý không thể chịu đựng được.
Nhưng ông Jean-Luc Romero, người đứng đầu ADMD, một tổ chức ủng hộ biện pháp giúp người chết êm ả, lập luận rằng tổng thống không có biện pháp đủ nhanh chóng. Ông nói với đài phát thanh Pháp rằng giúp người chết êm một cách gián tiếp làm nhiều người Pháp sợ hãi bởi vì nó gợi ra ý tưởng một cái chết chậm chạp qua việc không ăn uống. Ngược lại, các cuộc thăm dò công luận cho thấy đa số người Pháp tán thành việc hợp thức hóa phương pháp trực tiếp giúp người chết một cách êm ả.
Tòa Phá án của Pháp sẽ đưa ra phán quyết về trường hợp của ông Vincent Lambert trong vài tháng nữa. Nhưng cuộc tranh luận lớn hơn về phương pháp giúp người chết êm ả vẫn tiếp tục.
Lisa Bryant
Nigeria: Trên 100 người chết trong vụ tấn công của các phần tử chủ chiến
Cảnh tàn phá trong một ngôi làng ở Nigeria sau khi bị các phần tử chủ chiến tấn công
Số tử vong đã lên tới 106 người trong cuộc tấn công tại một làng ở Nigeria do các nghi can tranh đấu Hồi Giáo thực hiện. Những người được chứng kiến nói rằng các tay súng mặc y phục giống như binh sĩ đã tấn công làng Izge tại bang Borno hồi tối thứ Bảy, nổi lửa đốt nhà cư dân và bắn vào những người tìm cách chạy trốn.
Hôm thứ Hai Nghị sĩ bang Borno, Ali Ndume, đã cung cấp số tử vong mới nhất cho ban tiếng Hausa đài VOA.
Tin tức ban đầu cho biết hầu hết các nạn nhân là tín đồ Cơ Đốc Giáo, nhưng, các cư dân địa phương nói rằng đa số cư dân làng này là tín đồ Hồi Giáo và người ta tin rằng hầu hết số tổn thất nhân mạng cũng là tín đồ Hồi Giáo.
Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này, nhưng giới hữu trách nghi là tổ chức tranh đấu Hồi Giáo Boko Haram hậu thuẫn cho cuộc tấn công này.
Tổ chức vừa kể bị quy trách nhiệm về hằng ngàn cái chết kể từ năm 2009, trong đó có các cuộc tấn công nhắm vào đền thờ, giáo đường, các làng, các chợ, và các cơ sở của chính phủ.
Những nỗ lực của quân đội Nigeria để diệt trừ tổ chức này đã không ngăn chặn được bạo động.
Quân đội đã triển khai binh sĩ tới Izge sau cuộc tấn công hôm Thứ Bảy, nhưng không đưa ra nhận định nào về tình hình vừa kể. Những người được chứng kiến nói rằng hôm thứ Hai, làng vừa kể phần lớn vắng vẻ.
Iraq: Tấn công bằng xe bom, 15 người thiệt mạng
Chiếc xe bị hư hại trong một vụ tấn công bằng bom trong thủ đô Iraq, 16/2/14
Các giới chức tại Iraq nói rằng ít nhất đã có 15 người thiệt mạng trong hai cuộc tấn công bằng xe bom tại Baghdad. Cảnh sát cho biết cuộc tấn công gây chết người nhiều nhất này xảy ra tại khu vực Ur mà đa số dân là người Hồi Giáo Shia, nơi một xe bom phát nổ giết chết ít nhất 8 người và làm 20 người khác bị thương.
Cảnh sát cũng cho biết một xe bom khác phát nổ tại quận Karrada ở trung tâm, cũng là một khu vực mà đa số dân là người Hồi Giáo Shia, giết chết ít nhất 7 người.
Hiện chưa có ai nhận trách nhiệm về những cuộc tấn công này, nhưng al-Qaida đã có một lịch sử về việc gây ra các cuộc tấn công nhắm vào người Shia và quân đội chính phủ.
Iraq đã trải qua các cuộc bạo động tệ hại nhất trong những năm gần đây. Tháng trước, theo ước tính có khảng 1.000 người bị giết trong những cuộc tấn công bằng xe bom và các vụ nổ súng.
Theo voatiengviet.com