|
Ảnh: wordpress.com
|
Có lẽ một trong những điều khiến các bậc phụ huynh đau đầu nhất là khi đứa con tuổi teen nhiều lần vi phạm nội quy gia đình. Nếu gặp phải tình huống này, bạn đừng vội đổ lỗi cho trẻ. Hãy tham khảo ba lý do khiến bọn trẻ thường bỏ qua các quy tắc mà cha mẹ đưa ra theo các chuyên gia trên trang familyshare:
Các quy tắc được thiết lập mà không có sự tham gia của trẻ
Đứa trẻ sẽ giảm sự tôn trọng các quy định nếu chúng bị áp đặt phải tuân theo vô điều kiện. Nếu bạn muốn các nội quy của gia đình có hiệu quả với cả cha mẹ và con cái, việc thiết lập nội quy nên có sự tham gia của tất cả thành viên trong nhà. Khi đột ngột bị cha mẹ đặt ra một quy định nào đó, trẻ tuổi teen thường băn khoăn tự hỏi phải chăng là cha mẹ không còn tin tưởng mình nữa. Từ cảm giác bị mất lòng tin, trẻ dễ có xu hướng nổi loạn. Nếu bạn muốn tránh tình huống này, hãy đảm bảo rằng con bạn được tham gia tất cả khía cạnh của việc thiết lập quy tắc và những chế tài trừng phạt nếu vi phạm.
Các quy tắc được áp đặt mà không có thông báo
Một lý do con bạn có thể không tuân theo quy tắc gia đình là bé thậm chí không biết chúng tồn tại. Bạn không thể buộc bé phải tuân thủ một quy tắc mà bạn không nói hoặc viết ra, bởi như thế trẻ làm sao biết được và làm theo.
Nếu muốn những nội quy gia đình được thống nhất trước sau như một, bạn không chỉ nói miệng với trẻ mà hãy viết nội dung cụ thể của quy định đó ra giấy. Điều này cho phép tất cả thành viên gia đình có thể tham khảo quy tắc cũng như chế tài trừng phạt bất kỳ lúc nào, đặc biệt là khi có một nguyên tắc vừa bị vi phạm. Nếu trẻ vi phạm quy định, bạn có thể trỏ đến các quy định được ghi bằng văn bản mà cả nhà đã đồng ý và thảo luận về hậu quả. Bạn biết chính xác làm thế nào để xử lý và con bạn cũng nên biết chính xác những hậu quả bé sẽ phải gánh chịu khi vi phạm. Điều này sẽ ngăn ngừa sự tức giận hoặc thất vọng của trẻ khi bị xử lý do phá vỡ các quy tắc của cha mẹ.
Hậu quả không phù hợp với các quy tắc
Khi một đứa trẻ được đưa ra một quy tắc mà nó phải tuân theo, nó cũng nên được biết chính xác hậu quả phải gánh chịu nếu phá vỡ quy tắc đó. Hậu quả nên được giải thích đồng thời với các quy tắc lúc được lập ra. Nếu bạn nhận thấy một quy tắc đang dần dần bị phá vỡ, có thể tái lập lại quy tắc ấy cùng những hậu quả của nó và đảm bảo rằng sự điều chỉnh sẽ mang lại những tác động tốt hơn.
Tuy việc đặt ra các quy tắc rất quan trọng vì nó giúp thiết lập các chuẩn mực và kỳ vọng cho trẻ, nhưng điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là dù có hay không có các quy tắc, việc có thể đối thoại cởi mở và tin tưởng giữa cha mẹ và con cái sẽ giúp mối quan hệ của bạn tốt hơn đồng thời cũng giúp trẻ sống có trách nhiệm hơn.
Kim Kim (Theo Familyshare.com)
Nhiều đại học dùng kết quả tốt nghiệp để tuyển sinh
Đề án tuyển sinh riêng của nhiều ĐH, CĐ có sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT kết hợp với thi tuyển, phỏng vấn để lấy sinh viên đầu vào, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
- Học sinh hiện nay hướng tới sự phát triển toàn diện, nhưng dự thảo thay đổi thi tốt nghiệp THPT lại rút bớt môn thi, điều này có thể dẫn tới tình trạng học lệch các môn?
- Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi như hiện nay mà sử dụng cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%).
Muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể học lệch mà phải nỗ lực học tất cả các môn, nhất là ở lớp 12. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.
|
Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết kết quả PISA sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp ở các địa phương. Ảnh: Hoàng Thùy.
|
- Bộ quy định miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh, vậy tại sao không có tiêu chí xét cho tất cả học sinh mà lại khống chế tỷ lệ?
- Trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi, các trường có thể nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi. Việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc đánh giá nghiêm túc và chịu giám sát từ nhiều phía như học sinh, phụ huynh...
Tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi, khi kỷ cương được thắt chặt.
Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây sẽ công bố định kỳ. Kết quả PISA sẽ là căn cứ phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.
- Mối liên hệ giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng là gì, thưa ông?
- Các trường tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức như: thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển cùng các hình thức khác để đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào và ngành, nghề đào tạo của trường.
Họ có thể sử dụng kết quả học tập và thi tốt nghiệp ở THPT làm dữ liệu tuyển sinh. Nếu thi tốt nghiệp được tổ chức tốt, độ tin cậy cao, sẽ có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Như vậy, việc tuyển sinh sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp ở mức độ phù hợp, cùng các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn...
Thực tế, nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng có sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn.
- Theo Bộ, thay đổi trong kiểm tra đánh giá và thi cử có thể làm được ngay. Vậy sau năm 2014, sẽ tiếp tục có những thay đổi gì?
- Để đạt mục tiêu chuyển từ giáo dục coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực thì phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa, kiểm tra - thi - đánh giá. Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang xin ý kiến là phương án của giai đoạn quá độ, dùng cho học sinh học theo chương trình - sách giáo khoa cũ (có đổi mới).
Sẽ có phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hoàn chỉnh khi thế hệ học sinh học chương trình mới đến giai đoạn tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Hoàng Thùy
Theo Vnexpres
s