Hà Nội cấm ông đồ cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu
Cho rằng hoạt động tự phát này gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan và giá cho chữ bị chặt chém, Sở Văn hóa Hà Nội quyết định chuyển "Phố ông Đồ" vào khu vực hồ Văn vốn khá chật chội.
Dịp Tết, "Phố ông Đồ" trên vỉa hè quanh Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) năm nào cũng tấp nập người mua - bán chữ. Tuy nhiên, do đây là hoạt động tự phát, tổ chức ngoài đường nên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, nó đã nảy sinh một số rắc rối.
"Phố ông Đồ tự phát không đảm bảo an ninh trật tự, gây ách tắc giao thông, chất lượng 'ông đồ' không được kiểm soát, giá cả bị thương mại hóa, việc đóng đinh, căng lều bạt gây mất mỹ quan...", ông Tiến nói.
Để khắc phục tình trạng trên, năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lần đầu trực tiếp tổ chức "Phố ông Đồ" cùng Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam tại hồ Văn thuộc Văn miếu Quốc Tử Giám.
Hơn 30 nhà khung sắt, mái vải với bàn ghế đẹp được dựng lên để các ông ngồi sáng tác thư pháp. Những người này đều được chọn lọc và cấp thẻ hoạt động. Giá bán chữ cũng được niêm yết rõ ràng, tránh tình trạng "chặt chém", vòi vĩnh khách hàng. Xe của người dân đến "Phố ông Đồ" được đưa vào các điểm trông giữ...
Không được dựng lều, một số ông đồ vẫn bày bàn, viết chữ trên vỉa hè và sẵn sàng "chạy" khi an ninh phường đi tuần tra. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tuy nhiên, quy định này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi diện tích hồ Văn khá nhỏ chỉ cho phép tối đa 70 ông đồ hoạt động, trong khi mọi năm có trên 150 người viết chữ tại đây.
Là một "tay viết" không có tên ở danh sách được hoạt động tại hồ Văn, "dị nhân" Văn Thùy (quê Hưng Yên) tỏ ra khá bức xúc. "Ông đồ" có kinh nghiệm cho chữ hơn 10 năm này chia sẻ, hoàn toàn không được thông tin về việc chuyển vào hồ Văn. Do đó, ông và nhiều người khác (hầu hết từ các tỉnh về Hà Nội) không có tên trong danh sách được cấp thẻ và chỗ hoạt động.
Mấy ngày nay, những người này chỉ dám trải thảm, đặt chiếc bàn nhỏ, treo một, hai câu đối ngoài vỉa hè Văn Miếu để "tranh thủ kiếm chút tiền trả phòng trọ, cơm ăn" và sẵn sàng "chạy" khi có an ninh phường tuần tra.
"Tôi lên Hà Nội viết chữ đã được một tuần nhưng 3-4 lần bị an ninh phường xua đuổi. Ông đồ viết chữ cầu may mà giờ phải làm chui lủi như người phạm pháp, thật đau lòng quá", ông Văn Thùy nói.
"Dị nhân" Văn Thùy buồn và bức xúc khi không có tên trong danh sách hoạt động ở "Phố ông Đồ". Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một ông đồ khác cũng cho rằng, quyết định này chưa hợp lý bởi những người viết chữ luôn ngồi sát tường bao, người dân vẫn đi lại trên vỉa hè được nên không gây ách tắc giao thông. Chuyện lều bạt làm mất mỹ quan đô thị, theo ông, "chỉ cần chính quyền yêu cầu, chúng tôi sẽ làm gian hàng đẹp đẽ đúng quy định".
Vấn đề "hét giá", ông này khẳng định, đó là hiếm xảy ra bởi trước khi mua chữ khách đều hỏi giá, thuận lòng thì mới lấy chữ. "Những ông đồ đang vất vưởng chỉ mong chính quyền tạo điệu kiện cho hoạt động tiếp trên phố hoặc một địa điểm nào đó được quy hoạch", ông nói.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phú (phố Cát Linh, Hà Nội) cho rằng, việc ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ trên phố là nét đẹp trong văn hóa xin - cho chữ đầu năm của người Việt, đã đi vào thơ ca. Bà kiến nghị cần duy trì "Phố ông Đồ" ở vỉa hè Văn miếu một cách có quy củ, tổ chức chứ không nên xóa bỏ. Hơn nữa, "Phố ông Đồ" vỉa hè còn thuận tiện cho người dân đang tất bật chuẩn bị Tết.
Ghi nhận các ý kiến trái chiều, song Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định, sẽ tiếp thu và cải tiến khâu tổ chức trong những năm sau, riêng năm 2014 kiên quyết không cho phép ông đồ viết chữ trên vỉa hè Văn Miếu.
"Giờ đã cận Tết, việc thay đổi quyết định là không thể vì khâu bàn tính đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, môi trường cho 'Phố ông Đồ' khá mất thời gian, cần nhiều bên tham gia. Ý kiến của người dân, chúng tôi sẽ tiếp nhận và sang năm rút kinh nghiệm để có phương án tổ chức hợp lý. Riêng năm nay, chắc chắn sẽ không có ông Đồ nào được hoạt động ngoài Văn miếu", ông Tiến nói.
Ông Phó giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, sau khi được vận động, ông đồ nào còn cố tình làm sai quy định hoạt động ở vỉa hè, sẽ cưỡng chế dừng hoạt động. Những ai chưa có chỗ hoạt động trong Văn Miếu có thể đăng ký thêm với ban tổ chức để được cấp thẻ. Nếu số lượng quá tải, ban tổ chức có thể phân chia ngày hoạt động theo chẵn, lẻ để các ông đồ đều được tham gia viết chữ trong Tết này.
Quỳnh Trang
11 đường dây nóng xử lý xe nhồi khách dịp Tết
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cùng nhiều cơ quan đồng loạt đưa ra các số điện thoại tiếp nhận và giải quyết thông tin của hành khách về an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 20/1, tại cuộc họp của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị các cơ quan chức năng bảo đảm việc đi lại cho người dân thuận lợi, an toàn trong dịp Tết, tránh trường hợp đêm Giao thừa vẫn còn người chờ ở bến xe.
Hành khách có thể phản ánh, khiếu nại, yêu cầu xử lý các xe chở quá tải, thu quá giá vé, bán khách dọc đường, xe chở hàng trái phép, tai nạn giao thông... theo đường dây nóng của các cơ quan có chức năng giải quyết.
Cụ thể, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia số: 0989088719, 0913227844, 0995918666; Bộ Giao thông Vận tải: 0913228315, 0903232654, 0903465896; Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt: 069.42608; Tổng cục Đường bộ: 0916908085, 0913432383, 0917908085; Ban An toàn Giao thông TP HCM: 0903700843.
Xe khách tại các bến Hà Nội đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển khách, song giá vé một số tuyến tăng 10 - 60% so với ngày thường. Ảnh: ĐL |
Bộ trưởng Thăng cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm trật tự giao thông, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM. Tổng cục Đường bộ phải có phương án cụ thể ứng trực, xử lý kịp thời các sự cố trên cao tốc, quốc lộ… Bộ Công an được đề nghị chỉ đạo lực lượng tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, đặc biệt trên tuyến giao thông nông thôn.
Lãnh đạo Bộ Giao thông cũng tuyên truyền tới người dân cách phòng tránh tai nạn, thương tích như đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; lái xe tuân thủ tốc độ quy định; không lái xe khi đã uống rượu bia; không chở 3, 4 người trên xe máy, quan sát an toàn khi qua đường sắt...
Đoàn Loan
Ca đầu tiên tử vong vì cúm H5N1 trong năm 2014
Sau một tuần có biểu hiện bệnh, người đàn ông 52 tuổi ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã tử vong.
Đây là ca nhiễm cúm A(H5N1) đầu tiên trong năm, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh trên người.
Theo thông báo chiều 20/1 của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ngày 11/1, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở, được đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bù Đăng với chẩn đoán viêm phổi nghi do virus. 6 ngày sau, bệnh nhân được đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bình Phước.
Do tổn thương phổi tăng nặng rất nhanh, ngày 18/1 gia đình xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và người này tử vong chiều cùng ngày.
Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A (H5N1). Điều tra dịch tễ cho thấy gia đình bệnh nhân có giết mổ, ăn thịt vịt. Khu vực xung quanh có hiện tượng gà ốm, chết không rõ nguyên nhân.
Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước đã xử lý ổ dịch và theo dõi sức khỏe người tiếp xúc nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.
Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm trên người, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Bình Phước điều tra dịch tễ và tăng cường giám sát, phòng chống cúm. Viện Pasteur TP HCM đã lập đoàn điều tra ca bệnh, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương.
Bộ Y tế cũng đề nghị Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm; đồng thời, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Để chủ động phòng chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: 1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. 4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị. |
Nam Phương
Theo Vnexpress