Một phụ nữ Malaysia thắng kiện chính phủ Mỹ
Một nữ giảng viên kiến trúc người Malaysia hôm qua thắng kiện chính phủ Mỹ, theo đó tòa án cho rằng việc chính phủ Mỹ đưa bà vào danh sách cấm bay là sai trái.
Bà Rahinah Ibrahim, 48 tuổi, vừa thắng kiện chính phủ Mỹ sau 8 năm chiến đấu pháp lý. Ảnh: NewStraitsTimes |
Một thẩm phán liên bang tại San Francisco, bang California hôm qua cho biết việc chính phủ nước này đưa bà Rahinah Ibrahim, người Malaysia vào danh sách cấm bay là một sai lầm. Thẩm phán William Alsup ra lệnh loại tên bà ra khỏi danh sách, nếu nó vẫn còn ở đó.
Chính sách cấm bay của Mỹ không cho các cá nhân đi đường hàng không thương mại nếu họ bị tình nghi có dính líu tới khủng bố. Các nhà phê bình cho rằng trong thực tế, việc loại tên ra khỏi danh sách là điều không thể.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ Wyn Hornbuckle cho hay chính phủ đang xem xét lại phán quyết của tòa và từ chối bình luận thêm. Trong khi đó, bà Elizabeth Pipkin, luật sư của bà Ibrahim, mừng cho thân chủ sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 8 năm. "Công lý cuối cùng cũng được thực thi đối với thân chủ của chúng tôi, một phụ nữ vô tội bị rơi vào hệ thống theo dõi của chính phủ", Reuters dẫn lời bà Pipkin nói.
Danh sách cấm bay của chính phủ Mỹ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, nhưng trường hợp của bà Ibrahim có thể là vụ đầu tiên được xét xử. Phiên xử diễn ra hồi tháng trước.
Theo tài liệu tòa án, bà Ibrahim học đại học Stanford, Mỹ bằng visa sinh viên. Đầu năm 2005, bà bị giữ trong vòng hai giờ tại sân bay San Francisco vì chính quyền tin rằng bà nằm trong danh sách cấm bay. Dù cuối cùng bà được trở về Malaysia, visa Mỹ của bà bị hủy bỏ theo một điều khoản pháp lý liên quan đến các hoạt động tình nghi khủng bố. Bà không được giải thích về căn cứ cho hành động này và không được phép quay lại Mỹ.
Ibrahim gửi đơn thỉnh cầu chính quyền Mỹ nhằm đòi xóa tên bà nhưng chỉ nhận được một bức thư, trong đó không nói rõ liệu bà còn nằm trong danh sách cấm bay hay không. Năm 2006, bà mẹ 4 con, phó khoa Thiết kế và Kiến trúc của Đại học Putra Malaysia, kiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ để phản đối việc bà bị liệt vào danh sách theo dõi khủng bố. Ibrahim cho rằng việc không thể trở lại Mỹ làm tổn hại đến nghề nghiệp của bà.
Ibrahim còn cho biết bà bị liệt nhầm vào danh sách vì gốc gác quốc tịch và vì bà theo đạo Hồi. Trong lời khai, người phụ nữ cho hay Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đến căn hộ của bà tại Stanford một tháng trước vụ bắt giữ và hỏi liệu bà có dính líu tới nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah của Malaysia hay không. Bà bác bỏ sự liên quan tới nhóm này nói riêng và tới khủng bố nói chung.
Chính phủ Mỹ cho rằng lợi ích an ninh quốc gia có thể bị tổn hại nếu họ buộc phải hé lộ tại tòa việc bà Ibrahim bị liệt vào danh sách cấm bay như thế nào và liệu bà có còn nằm trong đó hay không.
Chính quyền Mỹ từ chối tiết lộ số người nằm trong danh sách cấm bay, được chọn ra từ danh sách 875.000 nghi phạm khủng bố của Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia Mỹ, theo số liệu công bố hồi tháng 5/2013.
Trọng Giáp
Thủ tướng Thái khẳng định sẽ không từ chức
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm nay tuyên bố sẽ không từ chức dù người biểu tình phong tỏa các con đường ở trung tâm Bangkok đã bước sang ngày thứ hai và đẩy cuộc khủng hoảng chính trị của nước này vào thế bế tắc.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đi giữa những người ủng hộ ở Chiang Mai hôm 12/12 vừa qua. Ảnh: AFP |
"Tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng tôi có nghĩa vụ hành động theo trách nhiệm của mình sau khi giải tán quốc hội", bà Yingluck nói hôm nay.
"Tôi muốn nói rằng tôi không tiếp tục nắm quyền để duy trì địa vị chính trị của mình mà tôi buộc phải giữ cho nền chính trị ổn định. Tôi phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ".
Nữ thủ tướng Thái cũng nói rằng tất cả các bên cần thảo luận về vấn đề cải cách bởi "đất nước đang chìm trong nỗi đau và mọi người phải chịu đau khổ", AP cho hay.
Những người biểu tình chống chính phủ thể hiện quyết tâm đóng cửa thành phố 12 triệu dân, tuy nhiên phần lớn các hoạt động ở thủ đô Thái Lan vẫn diễn ra như thường lệ. Các trường học đã mở cửa trở lại, các nhân viên vẫn đi làm và các cửa hàng vẫn mở cửa.
Hiện chưa rõ cuộc bầu cử theo dự kiến vào ngày 2/2 tới của chính phủ của bà Yingluck đề xuất có thể diễn ra hay không, khi những người biểu tình và đảng Dân chủ đối lập đều kêu gọi tẩy chay.
Các đối thủ của bà Yingluck yêu cầu bà từ chức và nhường chỗ cho một chính phủ không qua bầu cử và chính phủ này sẽ tiến hành cải cách trước khi bầu cử mới diễn ra.
Bà Yingluck được cho là đang làm việc từ một cơ sở của Bộ Quốc phòng ở ngoại ô Bangkok và điều hành một chính quyền lâm thời với quyền lực hạn chế. Trước đó, bà lên tiếng mời các lãnh đạo biểu tình và các chính đảng tới thảo luận về khả năng hoãn bầu cử tới tháng 5 nhưng bị từ chối.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài suốt 8 năm qua giữa tầng lớp trung lưu cùng phe bảo hoàng tại Bangkok, đối lập với những người nghèo ở vùng nông thôn.
Những người nghèo ở nông thôn ủng hộ thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006. Trong khi đó, những người biểu tình cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng và gia đình trị.
Nhiều người Thái Lan tin rằng quân đội sẽ sớm can thiệp để phá vỡ bế tắc chính trị này, đặc biệt nếu các cuộc biểu tình trở nên bạo lực hơn và đã xuất hiện tin đồn về khả năng xảy ra đảo chính.
Video thủ tướng Thái khẳng định tiếp tục tại vị
Vũ Hà (Video: Reuters)
Du khách Đan Mạch bị cưỡng hiếp tập thể ở Ấn Độ
Nữ du khách Đan Mạch bị một nhóm đàn ông lạ mặt dùng dao đe dọa sau đó cưỡng hiếp tập thể khi bà lạc đường ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Các nhà hoạt động biểu tình ở thành phố Kolkata phản đối vụ thiếu nữ 16 tuổi bị cưỡng hiếp rồi thiêu sống hôm 5/1. Ảnh minh họa: AFP. |
Sự việc xảy ra tối qua tại khu vực gần nhà ga New Delhi, Times of India cho biết. Nữ công dân Đan Mạch bị lạc khi trên đường trở về khách sạn ở Paharganj, gần trung tâm New Delhi. Sau đó, một nhóm đàn ông lạ mặt xuất hiện. Chúng dùng dao đe dọa, dẫn bà tới một khu vực vắng vẻ rồi cưỡng hiếp tập thể. Những kẻ tấn công còn cướp tiền cùng các tài sản giá trị của nữ du khách 51 tuổi.
Nạn nhân sau đó trở về khách sạn, thông báo với cảnh sát và đại sứ quán Đan Mạch ở Ấn Độ về vụ việc. Theo India Today, nạn nhân đã chuyển tới đại sứ quán Đan Mạch và về nước ngay sáng nay sau khi từ chối kiểm tra y tế.
Thông qua lời khai của nữ du khách, cảnh sát New Delhi đã bắt 6 nghi phạm. Họ đều là người vô gia cư. Cảnh sát đang truy lùng thêm các nghi phạm tại nhiều khu vực ở thủ đô.
Sự việc diễn ra chỉ hai tuần sau khi một phụ nữ Ba Lan 33 tuổi bị tấn công khi từ thành phố Mathura tới New Delhi. Nạn nhân này bị tài xế đánh thuốc mê, cưỡng hiếp trên taxi rồi bỏ lại trên ghế phía ngoài một trạm xe lửa.
Bất chấp những nỗ lực thắt chặt pháp luật của chính quyền, nạn cưỡng hiếp, tấn công và quấy rối tình dục phụ nữ ở Ấn Độ vẫn chưa được dập tắt. Các nhà hoạt động cho hay, nhiều nạn nhân ở nước này phải đối mặt với những mối đe dọa từ các thủ phạm sau khi bị tấn công, trong khi cảnh sát thường không khuyến khích họ đệ đơn kiện.
Nguyễn Tâm
Theo Vnexpress