Tin Thế Giới Tổng Hợp

"Thời tiết rất lạnh, nhưng ở đây có nhiều hoạt động giải trí", người phụ nữ họ Sara đến từ New Jersey nói. Cô tới khu vực quảng trường từ lúc 7h tối (giờ địa phương) để có được vị trí nhìn tốt nhất...

Biển người hò reo đón năm mới ở New York

Biển người thổi còi, reo hò, ôm hôn nhau ngay khi quả cầu pha lê nổi tiếng được thả xuống ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York, Mỹ, báo hiệu thời khắc bắt đầu một năm mới.

[Caption]

Quảng trường Thời đại trong thời khắc đầu tiên của năm mới. Ảnh: AFP.

Phó chánh án tòa án tối cao Mỹ Sonia Sotomayor là người đếm ngược 60 giây cuối cùng và ấn nút thả quả cầu pha lê nổi tiếng từ trên tháp xuống, AP cho biết. Quả cầu nổi tiếng này được ghép lại từ 2.688 mảnh pha lê và nặng khoảng 5 tấn.

Quảng trường Thời đại chìm trong ánh đèn neon với đám đông hân hoan đón chào năm mới, AFP mô tả. Ba nhà du hành vũ trụ đang ở Trạm Vũ trụ quốc tế ISS xuất hiện trên màn hình lớn và chúc một năm mới vui vẻ.

"Thời tiết rất lạnh, nhưng ở đây có nhiều hoạt động giải trí", người phụ nữ họ Sara đến từ New Jersey nói. Cô tới khu vực quảng trường từ lúc 7h tối (giờ địa phương) để có được vị trí nhìn tốt nhất.

Kerrie McConaghy, một sinh viên người Ireland, đội chiếc mũ lớn màu xanh và không ngừng nhảy lên nhảy xuống.

"Thật không thể tin được", McConaghy nói. "Được nhìn thấy ánh sáng, quả cầu pha lê, nghe nhạc, tất cả mọi người. Thật tuyệt vời".

Video màn đếm ngược trên Quảng trường Thời Đại

 

 

Sự kiện thường niên ở New York năm nay có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ như Miley Cyrus, Macklemore, Ryan Lewis và Blondie. Đây cũng là động lực giúp đám đông trải qua khoảng thời gian chờ đợi dài khi lực lượng an ninh yêu cầu khán giả vào quảng trường trước giao thừa tới 12 giờ đồng hồ.

"Lần nào tôi cũng nói là lần cuối, nhưng rồi tôi vẫn quay lại", Yasmina Merrir, 42 tuổi, đến từ thủ đô Washington, nói. Merrir cho biết đây là lần thứ 4 chứng kiến quả cầu pha lê trong sự kiện đếm ngược. Cô phải nhịn ăn và không uống bất cứ thứ gì để đối phó với tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng trong quảng trường.

Nguyễn Tâm (Video: CNN)

74 người đón năm mới giữa biển băng

Tàu phá băng Australia tiếp tục thất bại trong việc giải cứu con tàu Nga tại Nam Cực, dẫn đến khả năng 74 hành khách và thủy thủ đoàn của tàu bị kẹt sẽ đón năm mới giữa băng tuyết mênh mông.

Những người trên tàu Nga MV Akademik Shokalskiy cuối tuần trước vui vẻ tạo dáng trên băng tuyết khi con

Những người trên con tàu MV Akademik Shokalskiy cuối tuần trước vui vẻ tạo dáng trên băng tuyết khi nó bị kẹt giữa băng Nam Cực. Ảnh: AFP

Aurora Australis, tàu phá băng Australia hôm qua không thể tiếp cận tàu Nga MV Akademik Shokalskiy do gió mạnh và tầm nhìn kém, BBC dẫn lời cơ quan An toàn Hàng hải Australia cho biết. Con tàu Australia chỉ cách tàu bị nạn khoảng 18 km khi việc cứu hộ bị đình chỉ do vận tốc gió lên tới 55 km/h và tuyết rơi dày. Những cố gắng trước đó của tàu phá băng Trung Quốc và Pháp cũng không thành công do băng dày.

Ảnh đẹp tàu kẹt giữa biển băng

"Chúng tôi vừa đi đến quyết định sơ tán 52 hành khách và 4 thủy thủ bằng trực thăng của tàu Tuyết Long của Trung Quốc, nếu thời tiết cho phép", Bộ Ngoại giao Nga hôm qua tuyên bố. Tuy nhiên, các hành khách trên tàu Shokalskiy xác định họ sẽ vẫn phải ở lại tàu ít nhất là cho đến ngày đầu năm mới 2014 vì thời tiết xấu. 

Dự kiến, trực thăng Trung Quốc sẽ chở các nhóm nhỏ 15 người từ tàu Nga tới tàu phá băng Australia. Hầu hết thủy thủ đoàn sẽ ở lại trên tàu, để chờ Polar Star, tàu phá băng lớn của Mỹ, đến trong vòng một tuần hay 10 ngày nữa. Con tàu khổng lồ của Mỹ có thể phá được băng dày 6 m. 

Tàu Shokalskiy mắc kẹt trong băng Nam Cực gần một tuần qua, kể từ đêm Giáng sinh. Tàu chở 74 người, gồm các nhà khoa học, khách du lịch và thủy thủ đoàn. Tất cả hiện đều không bị nguy hiểm và con tàu vẫn đủ lương thực, không bị chìm.

Vị trí mắc kẹt của tàu du lịch Nga (vòng tròn đỏ), và hành trình của tàu từ New Zealand (đường xanh). Đồ họa: SMH

Vị trí mắc kẹt của tàu du lịch Nga (vòng tròn đỏ), và hành trình của tàu từ New Zealand (đường xanh). Đồ họa: SMH

Trọng Giáp

 

Năm 2013 thành công của Tổng thống Putin

Năm 2013 khép lại với Tổng thống Nga Vladimir Putin trọn vẹn với việc được tạp chí Times của Anh bình chọn là nhân vật của năm, khẳng định những thành tựu đối nội và đối ngoại của ông trong một năm qua

Obama-And-Putin-Break-The-0-8280-1388481

Tổng thống Putin (trái) đón tiếp Tổng thống Obama trước thềm Hội nghị G20. Ảnh: Guardian

Tổng thống Putin là chính khách được giới truyền thông quốc tế quan tâm nhiều nhất trong năm 2013. Tháng 1, tạp chí Foreign Policy bình chọn ông là người xếp hạng cao nhất trong danh sách các nhân vật quyết định đến sự phát triển của thế giới hiện đại. Tháng 10, Putin vượt người đồng cấp Mỹ Barack Obama, trở thành lãnh đạo quyền lực nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí danh tiếng Forbes. Và chỉ hai ngày trước, tạp chí uy tín Times của Anh vinh danh Putin là nhân vật của năm.

Tiêu chí bình chọn của các hãng truyền thông có những điểm khác nhau, nhưng khi đánh giá về Tổng thống Putin, báo giới đều nhận định ông thành công trong việc đưa nước Nga trở lại hàng ngũ các cường quốc có sức ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Chiến lược ngoại giao hiệu quả

Năm 2013 được cho là một năm thành công của Tổng thống Putin trên lĩnh vực đối ngoại, với chiến lược và phong cách ngoại giao hiệu quả. Đây chính là chìa khóa để Putin ứng phó với các vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp, như vụ bê bối tình báo Edward Snowden, nguy cơ phương Tây can thiệp quân sự vào Syria và khủng hoảng chính trị Ukraine, góp phần nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.

Quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng sau khi cựu nhân viên tình báo Snowden bay từ Hong Kong sang Moscow hồi đầu tháng 7 và lưu trú tại sân bay Sheremetyevo trong suốt nhiều ngày. 

Trước áp lực ngoại giao yêu cầu dẫn độ Snowden của Washington, Moscow vẫn hành động dựa trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, bởi giữa hai quốc gia không có hiệp định tương trợ tư pháp. Mặc dù việc Nga cấp phép tị nạn cho cựu nhân viên tình báo khiến Tổng thống Obama thẳng thừng đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh, ông Putin vẫn khẳng định quan hệ hai nước quan trọng hơn nhiều cuộc tranh luận trên. Thậm chí trong cuộc họp báo cuối năm, Putin còn nói đùa rằng, ông rất hâm mộ Tổng thống Obama bởi "ông ấy có quyền thực thi chương trình tình báo quy mô lớn".

Quan hệ hai nước tiếp tục đối diện với thách thức lớn trên vấn đề Syria. Mỹ chủ trương can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này, sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học với người dân, trong khi Nga và Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế.

Nhưng, Tổng thống Putin đã thuyết phục Damascus thừa nhận sự tồn tại của các kho vũ khí hóa học và chấp thuận đặt chúng dưới sự kiểm soát quốc tế, từ đó đẩy lùi một cuộc tấn công quân sự chống Syria. Thành công ngoại giao này chứng minh được rằng, tại Trung Đông bất ổn, Moscow vẫn đóng một vai trò quan trọng.

Tại Hội nghị Cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC ở Bali hồi tháng 10, ông Putin ca ngợi Tổng thống Obama vì đã có những hành động mà ông cho là giúp ngăn chặn một thảm kịch ở Syria. Động thái này được cho là nhằm xoa dịu căng thẳng và bất đồng giữa hai nước.

Một trụ cột quan trọng trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Putin là việc hình thành một liên minh Á-Âu trên cơ sở liên minh hải quan do Nga lãnh đạo, với thành viên là các nước trước đây thuộc Liên Xô.

Liên minh này được nhận định là một đối trọng với Liên minh châu Âu (EU) trong cán cân quyền lực khu vực Trung Á và Ukraine là một mắt xích quan trọng. Cuối tháng 11, hơn 100.000 người dân Ukraine xuống đường biểu tình chống chính phủ sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich từ chối ký kết một hiệp định thương mại với EU.

Người biểu tình đại diện cho một bộ phận người dân Ukraine cho rằng, hiệp định với EU sẽ giúp quốc gia này thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. New York Times dẫn lời các quan chức EU cho biết, Ukraine buộc phải từ bỏ hiệp định thương mại trên vì chịu sức ép từ phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định, Moscow buộc phải có hành động bảo vệ thị trường nội địa, một khi Kiev đạt được thỏa thuận với EU.

Trong chuyến thăm Moscow hôm 17/12, Tổng thống Yanukovich đạt được thỏa thuận với Tổng thống Putin, theo đó, Nga đồng ý chi 15 tỷ USD để mua trái phiếu của Ukraine và giảm giá gas tới một phần ba.

"Rõ ràng là ông ấy (Putin) đã thắng trong cuộc chiến tại Kiev", bình luận viên chính trị Clemens Wergin thuộc tờ Die Welt (Đức), nhận định.

Tăng cường nội lực quốc gia

Putin-3190-1388478882.gif

Phong thái tự tin của Tổng thống Putin trong cuộc họp báo cuối năm hôm 19/12. Ảnh: New York Times

Trong năm 2013, nền kinh tế Nga đã có những thành tựu khả quan, đặc biệt trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới không ổn định và nước Nga vừa kết thúc giai đoạn chuyển giao quyền lực Medvedev - Putin hồi tháng 5/2012. "Đây là một năm lao động, một năm làm việc thực chất", Tổng thống Putin phát biểu trong buổi họp báo cuối năm hôm 19/12.

Theo báo cáo tổng kết của tổng thống, GDP của Nga năm 2013 đạt mức tăng trưởng 1,5% và tỷ lệ lạm phát được khống chế ở mức 6,1%, giảm mạnh so với năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt trên 150 tỷ USD và ngành xuất khẩu dầu mỏ mũi nhọn đạt sản lượng 523,2 triệu tấn, tăng 1,2 % so với năm 2012.

"Tổng thống Putin thế hiện rất tự tin và thoải mái trong buổi họp báo cuối năm hôm 19/12", bình luận viên quốc tế Steven Myers của tờ New York Times nhận định. 

Một nội dung quan trọng khác trong nghị trình năm 2013 của Tổng thống Putin là ổn định chính trị trong nước và chống tham nhũng. Đây là nhiệm kỳ thứ ba của ông Putin trên cương vị tổng thống sau 4 năm làm thủ tướng. Với đường lối chính sách cứng rắn, nước Nga vẫn giữ được sự ổn định chính trị-xã hội bất chấp các diễn biến căng thẳng sau bầu cử, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế và hoạt động đối ngoại.

"Tinh thần trách nhiệm đối với đất nước không xuất phát từ khẩu hiệu và diễn văn, mà hình thành khi người dân công nhận chính phủ là minh bạch", Tổng thống Putin phát biểu trong một cuộc họp cuối tháng 12/2012. Đây được coi như sự mở màn cho chiến dịch chống tham nhũng tại Nga.

Đầu tháng 4, ông Putin ký điều luật quy định các quan chức hàng đầu nước này phải đóng tất cả tài khoản ngân hàng và thanh lý hết tài sản ở nước ngoài trong vòng ba tháng, nếu không muốn bị đuổi việc. 

Ông Konstantin Kostin, cựu phó giám đốc phụ trách chính sách trong nước của Điện Kremlin, bình luận: "Trong suốt một thời gian dài, rất nhiều người giàu coi Nga là nơi kiếm tiền, rồi sau đó lại gửi hết của cải đi và định cư ở nước khác. Dĩ nhiên, tình trạng này không thể giải quyết chỉ bằng một điều luật, mà phải bằng ý chí chính trị và sự đồng thuận của cả xã hội".

Tháng 12, cơ quan điều tra Nga khởi tố hình sự ông Anatoly Serdyukov, cựu bộ trưởng Quốc phòng, người bị sa thải cách đây một năm trong bê bối tham nhũng lớn. Động thái này cho thấy quyết tâm của Tổng thống Putin trong việc chống tham nhũng. Trước đó, ông cũng sa thải 8 quan chức cao cấp và 200 công chức vì hành vi khai man tài sản.

Trong một động thái bất ngờ, ngày 20/12, Tổng thống Putin ký lệnh đặc xá trả tự do cựu tỷ phú dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky, người từng là đối thủ chính trị của ông. Trong cuộc họp báo thường niên hôm 19/12, Putin ám chỉ khả năng trả tự do cho Khodorkovsky, khi nói về pháp lệnh ân xá được phê chuẩn trước đó.

"Quyết định này nhằm mục đích khiến hệ thống tư pháp của chúng ta nhân đạo hơn... Ông ta (Khodorkovsky) ngồi tù 10 năm rồi, đã chịu hình phạt nghiêm khắc. Mẹ của ông ấy đang ốm. Tôi nghĩ chúng ta có thể đưa ra quyết định", Tổng thống Putin nói.

Trong cuộc họp báo tại Đức sau khi được trả tự do, Khodorkovsky tuyên bố: "Tôi đã viết điều mà mình từng tuyên bố nhiều lần trước công chúng, rằng sẽ không bao giờ dấn thân vào chính trị và đòi quyền kiểm soát Yukos nữa".

Tờ Moscow Times nhận định: "Bằng cách trả tự do cho Khodorkovsky, Putin đang gửi đi thông điệp rằng, ông ấy có đủ quyền lực để khoan dung đối thủ chính trị". Ông Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Moscow Carnegie, tổ chức chuyên nghiên cứu về chính trị Nga, kết luận: "Putin là người thắng cuộc".

Đức Dương

Theo Vnexpress