Tình hình chính trị ngày cuối năm tại vài quốc gia
Hà Minh Thảo
Những ngày giờ cuối cùng năm 2013 đang đi dần vào quá khứ, chúng ta lướt nhanh tình hình chính trị vài quốc gia trước khi bước vào tân niên 2014.
Trưa ngày 20.01.2013, ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang HOA KỲ, nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng 2013-2017, chiếu theo Hiến pháp năm 1787, lâu đời nhất thế giới. Đây là nước có nền dân chủ theo nguyên tắc phân quyền hoàn bị, nhưng các cơ quan công quyền đã phải đóng cửa từ ngày 01.10.2013, lúc bắt đầu ngân sách tài khóa 2014 đến ngày 16.10.2013. Biến cố này đã gây ra những hậu quả không nhỏ:
- về kinh tế : nhiều trăm ngàn nhân viên Liên bang đã nghỉ việc không lương, các dịch vụ bị ngưng cung cấp làm tăng trưởng kinh tế mất đi 0,6% trong tam cá nguyệt 04.2013, tương đương với khoảng 24 tỷ đô la ;
- về ngoại giao, việc Tổng thống Mỹ đã vắng mặt tại các Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng APEC tại Bali (Indonesia) hay Đông Á và Mỹ-ASEAN ở Brunei. Kết quả, Hoa kỳ mất đi trọng lượng cần thiết để thúc đẩy một số hồ sơ gai góc mà nước Mỹ hết sức quan tâm ;
- về nguyên nhân gây cuộc khủng hoảng, đây là cuộc đọ sức về ngân sách liên bang, giữa Tổng thống Obama và đảng Dân chủ, nắm Thượng viện, với đảng Cộng hòa, đa số tại Viện dân biểu, định chế có thẩm quyền ngân sách. Đảng Cộng hòa muốn buộc ông Obama phải nhượng bộ trên đạo luật bảo hiểm y tế xã hội (Obamacare), bằng đẩy lùi thời hạn áp dụng luật này vốn có hiệu lực vào đầu tháng 10.
Ngày 26.12.2013, Tổng thống Barack Obama đã ký thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng do Quốc hội thương lượng trong tháng, giúp Hoa kỳ có được hai năm không phải tranh cãi về ngân sách. Theo đó, Viện dân biểu đề nghị khoản nợ quốc gia hiện là 17.000 tỷ mỹ kim sẽ giảm bớt 23 tỷ trong vòng 10 năm tới đây. Các vị dân cử Mỹ (dù là Tổng thống, nghị sĩ hay dân biểu) đều phải hành động theo nguyện vọng của người dân (cử tri) đơn vị đầu phiếu, qua đó, quyền lợi quốc gia được tôn trọng. Ngày 04.11.2014, cử tri người Mỹ được mời tham gia đầu phiếu để bầu lại toàn thể Dân biểu của Viện (435 ghế) và 1/3 số nghị sĩ Thượng viện (35 vị). Đây là dịp để đồng bào chế tài các dân cử bằng lá phiếu.
Khi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 01.09.2013, trước đe dọa Hoa kỳ tần công Syria để trừng trị chính phủ Bashar al-Assad, do Nga cung cấp chiến cụ, dùng võ khí hóa học tàn sát đối lậngười dân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ kêu mời : « Chúng ta muốn có một thế giới hòa bình, chúng ta muốn là những người nam và nữ kiến tạo hòa bình, chúng ta muốn hòa bình sẽ bộc phát trong xã hội mình đang bị xâu xé bởi những chia rẽ và tranh chấp. Không bao giờ còn chiến tranh ! » và mời tín hữu Giáo Hội Công Giáo và mọi người thiện tâm hãy ‘tạo thành một vòng giây kết nối cho hòa bình’ và sống một Ngày Ăn chay và Cầu nguyện cho hoà bình tại Syria, Trung đông và Thế giới ngày 07.09.2013. Trong thư gởi Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch Hội nghị khối 20 cường quốc kinh tế, khai mạc ngày 05.09.2013 tại San Pietroburg (Nga), Đức Thánh Cha yêu cầu lãnh đạo các quốc gia tìm cách đối thoại, thương thuyết hơn là chọn giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria.
Tối ngày 07.09.2013, khoảng 100 ngàn người thiện chí tham dự Đêm canh thức cầu nguyện cho hoà bình với Đức Thánh Cha trước Thánh Thể trong 4 giờ và chấm dứt sau khi Đức Thánh Cha ban Phép Lành Mình Thánh Chúa. Sau ngày nghỉ Chúa Nhật, hôm 09.09.2013, sau khi tiếp Ngoại trưởng Syria, đồng vị Nga Serguei Lavrov phát biểu : « Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Syria không chỉ chấp nhận đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát quốc tế, và sau đó, hủy kho vũ khí này, mà còn tham gia đầy đủ vào Tổ chức cấm vũ khí hóa học. »… Cuộc ‘trừng trị’ được tránh khỏi.
Tại Cộng hòa PHÁP, tối ngày 31.12.2012, trong thông điệp chúc truyền thanh và truyền hình để mừng Năm Mới, Tổng Thống François Hollande đã nói quyết tâm huy động toàn bộ sức lực để giảm thất nghiệp và phục hồi kinh tế Pháp : « Tất cả sức lực chúng ta được huy động hướng tới một mục đích duy nhất : Đảo ngược khuynh thế thất nghiệp trong vòng một năm… Từ nay đến năm 2014, chánh phủ tạo ra 150 000 việc làm, như ‘việc làm tương lai’ (emploi d’avenir), triển khai ‘hợp đồng liên thế hệ’ (contrat de génération)- tuyển dụng lao động trẻ dưới sự dìu dắt của những lao động cao tuổi, có kinh nghiệm và cải cách đào tạo nghề nghiệp cho những người không có việc làm ». Hai loại hợp đồng này do ngân sách quốc gia đài thọ nhiều ít tùy điều kiện, gọi là contrats aidés).
Ngày 26.12.2013, Bộ Lao động Pháp công bố số liệu thất nghiệp tháng 11.2013. Theo đó, số thất nghiệp toàn thời gian (loại A) ở Pháp đã gia tăng 17.800 người so với tháng 10.2013, tháng có số này giảm 20.500 so với tháng trước đó. Như vậy, tổng số người thất nghiệp loại A là 3,29 triệu, tức 10,50% dân Pháp trong tuổi lao động. Nếu cộng thêm số thất nghiệp các loại (catégories) khác, làm việc trên 72 giờ trong tháng hay đang được huấn nghệ, tổng số người thất nghiệp ghi danh tại sở Tìm Việc làm (Pôle Emploi) Pháp là 5,249 triệu người.
Dựa vào số liệu đó, cuộc tranh luận báo chí diễn ra ngày 27.12.2013. Báo kinh tế Les Echos có tựa đề ‘Lời hứa của Tổng thống Hollande tiêu tan’, nhưng nhận nhận định, trên thực tế, các ủng hộ viên Tổng thống có lý khi cho là mức tăng thất nghiệp có giảm dần trong các tam cá nguyệt gần đây. Báo Le Figaro thì viết ‘Hollande hoàn toàn tự phủ nhận về mình’ khi nhận định rằng lời bảo đảm việc làm gia tăng của Tổng thống hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Tờ Libération, đảng Xã hội, biện luận rằng năm 2013 chưa kết thúc ‘Phải đợi đến 27.01.2014, khi có con số chính thức về tình trạng thất nghiệp tháng 12, chúng ta mới có thể kết luận chính phủ có đảo ngược được đồ thị thất nghiệp trong năm 2013 hay không’.
Tháng 11.2013, khi số bách phân tín nhiệm nơi Tổng thống Hollande xuống mức kỷ lục cho một Tổng thống đệ ngủ Cộâng hòa 24% số người trả lời cuộc thăm dò dân ý thực hiện bởi LH2 cho tuần báo Le Nouvel Observateur ngày 12.11.2013, một thăm dò dân ý khác do OpinionWay khảo sát cho báo Le Figaro ngày 23.11.2013 báo động Tổng thống cần phải chọn một Thủ tướng mới thay thế ông Jean-Marc Ayrault. Kết quả một thăm dò dân ý cho thấy :
- 39% số người được phỏng vấn yêu cầu giải tán Quốc hội ;
- 33% cải tổ chính phủ kể cả Thủ tướng ;
- 5% cải tổ chính phủ và lưu nhiệm ông Ayrault ;
- 22% tiếp tục như hiện tại :
- 1% không ý kiến.
Kết quả cho thấy có đến 77% số người được phỏng vấn muốn nước Pháp có một chính phủ mới qua một Quốc hội tân cử (với 39%) hay, ít nhất, một cuộc cải tổ chính phủ. Tổng thống Hollande tính sao ?
Giải tán và bầu lại Quốc hội là giải pháp dân chủ nhất vì là cơ hội để hỏi ý kiến người dân, chủ Đất Nước. Nhưng, căn cứ vào kết quả những cuộc tuyển cử lập pháp từng phần (élections législatives partielles) gần đây, các ứng cử viên đảng Xã hội không vô được vòng hai thì làm sao có thể nói đến thắng cử. Tổng thống không muốn có thêm một cuộc ‘sống chung chánh trị’ (Tổng thống khác đảng với Thủ tướng). Còn cải tổ nội các thì ông cố gắng chờ sau cuộc tuyển cử Hội đồng Thành phố (élections municipales) sẽ được tổ chức vào ngày 23 và 30.03.2014 (vòng hai, nếu cần). Theo kết quả các cuộc thăm dò dân ý cho thấy sự tín nhiệm của cử tri nơi những liên danh đảng Xã hội không được ‘hồng’ lắm. Khi đó, theo truyền thống bầu cử Pháp, Thủ tướng trách nhiệm kết quả đầu phiếu và phải tự xử…
Sau khi đã tăng thuế trực thu (như thuế lợi, thuế công ty…) hơn năm rưỡi qua, từ ngày 01.01.2014, chánh phủ, với sự chỉ đạo của Tổng thống và ủng hộ của đa số dân cử Lập pháp), sẽ tăng Thuế Trị giá Gia tăng (TVA, Taxe sur Valeur Ajoutée) với các thuế suất như sau :
- 19,60% lên tròn 20% ;
- 7% lên 10% ;
- 5,50% không thay đổi (Hành pháp đề nghị làm tròn thành 5%, nhưng các Dân biểu thân chính không đồng ý).
Đây là loại thuế gián thu (ít ai cảm thấy) nhưng đem lại số thu lớn nhất cho Ngân sách quốc gia. Thuế tiếp tục tăng, mãi lực (sức mua, pouvoir d’achat) người dân giảm thì tăng trưởng kinh tế không đủ mạnh để giảm số người thất nghiệp. Đó là lý do tại sao, ngày 06.05.2012, cử tri Pháp chọn ông Francois Hollande vào ở Điện Elysée.
Tại Vương quốc THÁI LAN, một nước luôn được độc lập nhờ sự nhân nhượng lẫn nhau giữa hai đế quốc Anh và Pháp, nhưng, rất tiếc, thường rơi vào các cuộc khủng hoảng chính trị. Năm 2006, vì bị cáo buộc tham nhũng, Thủ tướng Thaksin Shinawatra tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ. Đối lập tẩy chay và ông được tái đắc cử. Mâu thuẫn gia tăng, đưa đến cuộc đảo chính quân sự ngày 19.09.2006. Kết quả, Hiến pháp bị huỷ bỏ, giải tán Quốc hội và Tòa án,… và bắt giữ một số thành viên chính phủ. Tướng Surayud Chulanont, thành viên Hội đồng cơ mật hoàng gia, lên làm Thủ tướng. Sau đó, Hiến ước tạm thời được Hội đồng quân sự ban hành để lập một hội thẩm đoàn để soạn thảo Hiến pháp mới. Hội đồng quân sự có quyền truất nhiệm Thủ tướng. Cuộc bầu cử ngày 03.07.2011 đưa bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành Thủ tướng.
Sau khi các nhóm chống chánh phủ chiếm các cơ sở công quyền mà lực lượng cảnh sát không chận được, Thủ tướng Yingluck Shinawatra xin Quốc Vương Bhumibol Adulyadej, 86 tuổi, 60 năm tại ngôi, giải tán Quốc hội và bầu lại các Dân biểu vào ngày 02.02.2014. Đối lập tẩy chay và ngăn cản ghi danh tranh cử. Như đã nói trên, giải tán và bầu lại Quốc hội là những hành động dân chủ cao nhất. Nhưng tại sao bà Yingluck tỏ ra bất lực trong việc sử dụng cảnh sát để bảo vệ các cơ quan công quyền và bị nghi ngờ trong việc tổ chức bầu cử và, hiện nay, lại phải nhờ đến sự can thiệp của Quân đội, theo nguyên tắc đây là lực lượng chống ngoại xăm. Nhờ đến Quân đội, Thủ tướng lại sợ họ đảo chính.
Bước sang Vương quốc CAMPUCHIA, hiện nay, những cuộc biểu tình ngày càng thường xuyên và càng đông đảo. Cuộc bầu cử ngày 28.07.2013 đem lại kết quả cho phép ông Hun Sen (đảng Nhân dân) tiếp tục nhiệm vụ Thủ tướng, nhưng đảng Cứu nguy Dân tộc do ông Sam Rainsy phản đối vì có sự gian lận. Oâng Hun Sen, thân đảng cộng sản Việt Nam, đã liên tục cầm quyền từ gần 30 năm và đang chuẩn bị để con là Hun Manet nối ngôi. Khởi đầu, đảng đối lập đòi mở một cuộc điều tra độc lập về cuộc bầu cử. Nhưng ông Hun Sen từ chối. Do đó, những cuộc biểu tình đòi ông này từ chức đã hình thành. Ngày 10.12.2013, những cuộc tuần hành lớn được tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền. Từ đó, sự phản đối của phe đối lập được tăng cường bởi nhiều thành phần xã hội khác, từ các công nhân không chấp nhận mức lượng thấp cho đến những người dân chán nãn vì tham nhũng...
Theo Vietcatholic.