Dưới thời Saddam Hussein, Iraq có 1.5 triệu tín hữu Kitô. Ngày nay, 10 năm sau cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2013, chỉ còn khoảng 200,000 Kitô hữu tại nước này. Đông đảo các Kitô hữu đã lánh nạn sang các nước láng giềng trước làn sóng tiêu diệt các tín hữu Kitô của người Hồi Giáo tại Iraq. Một con số đông đảo các tín hữu lánh nạn đã chạy sang Syria, nơi một lần nữa họ phải gánh chịu làn sóng khủng bố của những người Hồi Giáo cực đoan tại nước này...
Ba quả bom phát nổ ở Baghdad vào ngày Lễ Giáng sinh, giết chết ít nhất 37 người
Đặng Tự Do
Thánh lễ Giáng Sinh tại Basra
Hai quả bom đã phát nổ trong một ngôi chợ thuộc khu phố Kitô giáo Athorien làm thiệt mạng 11 người và làm 20 người khác bị thương. Trong khi đó, một quả bom thứ ba đã phát nổ ngay bên cạnh một nhà thờ gần một đồn cảnh sát. Quả bom được đặt trên một chiếc xe hơi phát nổ ngay sau Thánh Lễ Giáng Sinh đã giết chết 26 người, và làm bị thương 40 người khác. Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Canđê đã cho biết như trên hôm 26 tháng 12.
Dưới thời Saddam Hussein, Iraq có 1.5 triệu tín hữu Kitô. Ngày nay, 10 năm sau cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq năm 2013, chỉ còn khoảng 200,000 Kitô hữu tại nước này. Đông đảo các Kitô hữu đã lánh nạn sang các nước láng giềng trước làn sóng tiêu diệt các tín hữu Kitô của người Hồi Giáo tại Iraq. Một con số đông đảo các tín hữu lánh nạn đã chạy sang Syria, nơi một lần nữa họ phải gánh chịu làn sóng khủng bố của những người Hồi Giáo cực đoan tại nước này.
Trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công hôm 25 tháng 12, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad nói: “Cộng đồng Kitô hữu tại Iraq đã phải chịu đựng những vụ tấn công cố ý và vô nghĩa bởi những kẻ khủng bố trong nhiều năm qua, cùng với nhiều người Iraq vô tội khác. Hoa Kỳ ghê tởm tất cả các cuộc tấn công như vậy và cam kết hợp tác với chính phủ Iraq để chống lại tai ương của chủ nghĩa khủng bố.”
Ngoài những thông báo như trên, Hoa Kỳ không có những hành động và chính sách cụ thể nào để bảo vệ các Kitô hữu tại nước này.
Trước cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq ngày 19 tháng Ba năm 2003, Tòa Thánh đã tìm mọi cách để ngăn cản cuộc tấn công này vì thấy trước những hệ quả tàn khốc mà các Kitô hữu và những thường dân vô tội khác sẽ phải gánh chịu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã khăng khăng xua quân vào Iraq để thiết lập “một nền dân chủ” tại đất nước này mà thực tế cho thấy xã hội Iraq ngày nay tan nát và khốn cùng gấp nhiều lần dưới thời Saddam Hussein.
Kitô hữu Ai Cập đón Giáng Sinh trong âu lo trước vụ nổ bom kinh hoàng tại Mansoura
Đặng Tự Do
Đặng Tự Do
Rạng sáng ngày 24 tháng 12, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo Ai Cập đã đặt bom phá huỷ một tòa nhà của cảnh sát tại thành phố Mansoura, ở phía bắc thủ đô, làm 15 người chết và làm bị thương hơn 100 nhân viên cảnh sát.
Thủ tướng Chính phủ lâm thời, Hazem Beblawi gọi cuộc tấn công - gây ra bởi một xe bom là "một hành động khủng bố" nghiêm trọng.
Bạo lực đối với các lực lượng an ninh và cảnh sát đã gia tăng kể từ khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi tháng Bảy năm ngoái.
Thủ tướng Hazem Beblawi nói bất chấp vụ khủng bố kinh hoàng này tiến trình dân chủ tại Ai Cập là không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, rõ ràng là vụ khủng bố này đã khiến cho các Kitô hữu chào đón Giáng Sinh trong âu lo tột độ.
Tưởng cũng nên nhắc lại hôm 14 tháng 8, một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội tại Ai Cập đã phát đi lời kêu cứu khẩn cấp trước cơn cuồng nộ của người Hồi Giáo khi 23 nhà thờ bị đồng loạt tấn công và đốt phá ngay tại thủ đô Cairo.
Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ai Cập, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng rằng ít nhất 60 nhà thờ đã bị đốt phá trong đó có 14 nhà thờ Công Giáo, 1 nhà thờ Tin Lành, số còn lại thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic.
Trong một tháng trời sau đó, các nhà thờ Kitô Giáo hầu như phải tạm ngưng hoạt động để tránh bị đặt bom khủng bố.
Cử hành thánh lễ Giáng Sinh trước dinh tổng thống Nam Dương để phản kháng
Đặng Tự Do
Hình ảnh thánh lễ và biểu tình trước dinh tổng thống Nam Dương
Cảnh sát Nam Dương và các tình nguyện viên Hồi giáo đã hợp tác với các Kitô hữu bảo vệ các nhà thờ và các nơi thờ phượng trước những hăm doạ tấn công vào dịp lễ Giáng sinh. Thông tấn xã Fides của bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các dân tộc đã cho biết như trên.
Đích thân tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã thông báo rằng các cơ quan an ninh Nam Dương đã bắt được những tài liệu mật của các nhóm vũ trang Hồi Giáo tại nước này liên quan đến kế hoạch tấn công đồng loạt vào các mục tiêu Kitô giáo trong mùa Giáng sinh. Mức độ nguy hiểm nghiêm trọng nhất là tại Sumatra.
Tình trạng nghiêm trọng đến mức một khách sạn trong khu nghỉ mát lớn ở Banda Aceh thuộc đảo Sumatra, đã phải hủy bỏ kế hoạch đón năm mới. Khách sạn đã hành động như trên sau khi Hội đồng Hồi giáo địa phương nói rằng Giáng sinh và ngày đầu năm mới không nên được tổ chức bởi vì đó không phải là những ngày lễ Hồi giáo.
Bất chấp những hăm dọa khủng bố, trong Đêm Giáng Sinh đã không có cuộc tấn công nào được ghi nhận. Tuy nhiên, cảnh sát đã đóng cửa một số nhà thờ không cho cử hành thánh lễ.
Sáng thứ Tư 25 tháng 12, hàng trăm người Công Giáo thuộc hai giáo xứ Bekasi và Bogor, ăn mặc như Ba Vua, đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại trước dinh tổng thống Nam Dương như một cử chỉ phản kháng. Trước những hăm dọa của Hội đồng Hồi giáo địa phương, cảnh sát đã phong tỏa hai nhà thờ nói trên không cho các tín hữu cử hành thánh lễ Nửa Đêm với lý do là các cơ quan an ninh không có khả năng bảo vệ an toàn cho họ.
Kitô hữu đang chịu áp lực ngày càng tăng từ những nhóm Hồi Giáo cực đoan ở Indonesia, đất nước đông người Hồi giáo nhất thế giới, và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã bị chỉ trích vì không có phương cách giải quyết tình trạng bất khoan dung ngày càng tăng.
"Chúng tôi muốn nhắc nhở tổng thống của chúng tôi một lần nữa rằng ông vẫn chưa giải quyết được vấn đề bất khoan dung tôn giáo ở đất nước này”, Bona Sigalingging, một phát ngôn viên của hai giáo xứ nói.
Theo Vietcatholic