Cuộc chiến cho người bị bóc lột

Đạo Công Giáo đã được truyền vào Ấn Độ từ năm 1510, hiện đã có 19,9 triệu tín hữu với 166 giáo phận trong 30 tỉnh. Nếu tính chung thì tổng số Kitô hữu hiện nay ở Ấn Độ là 24 triệu. Mặc dầu Hiến Pháp Ấn Độ công nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng hoạt động tôn giáo và xã hội ở đất nước này không phải là chuyện dễ dàng.
Cuộc chiến cho người bị bóc lột
Lữ Giang
Hôm 17.12.2013 bà Devyani Khobragade, 39 tuổi, Phó Tổng Lãnh Sự của Ấn Độ tại New York đã bị bắt tại New York vì bị cáo buộc khai man để xin thị thực nhập cảnh cho một người mang quốc tịch Ấn Độ mà bà đưa tới Hoa Kỳ để giúp việc nhà. Bà cũng bị cáo buộc là trả cho phụ nữ này mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu luật định. Một cuộc tranh luận đã xảy ra giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Từ vụ án này, chúng ta có thể nhìn thấy rằng từ dân chủ tự do đến giải phóng con người còn một khoảng cách khá xa.
 
Trước hết, chúng tôi xin trình bày những nét chính của vụ án, sau đó sẽ nói về tình trạng người bóc lột người rất nghiêm trọng ở Ấn Độ và con đường giải thoát.
 
NHỮNG TRANH LUẬN VỀ VỤ ÁN
 
1.- Tranh luận về đặc quyền ngoại giao
Phát biểu trước Thượng viện Ấn Độ, Thượng nghị sĩ Arun Jaitley lãnh đạo phe đối lập cho rằng vụ bắt giữ này là một sự vi phạm Công Ước Vienna. Nhưng Washington chỉ rõ rằng với vai trò là Phó Tổng Lãnh Sự Ấn Độ tại New York, bà Khobragade không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao toàn diện mà chỉ được hưởng quyền miễn trừ của lãnh sự khi thực thi nhiệm vụ lãnh sự mà thôi. Lời giải thích của chính phủ Hoa Kỳ rất chính xác. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá phức tạp nên chúng tôi xin nói rõ thêm.
Bà Devyani Khobragade
Theo điều 14 của Công Ước Vienna ngày 18.4.1961 về Quan Hệ Ngoại Giao, chỉ ba loại viên chức ngoại giao sau đây được miễn toàn diện về tài phán: các đại sứ (ambassadors), các sứ thần (envoys) và các tham vụ ngoại giao (charges d'affaires - Hà Nội thường gọi là các đại biện). Điều 29 quy định: “Thân thể của viên chức ngoại giao là bất khả xâm phạm. Họ không thể bị bắt hoặc bị giam giữ dưới bất cứ hình thức nào”. 
 
Các lãnh sự và nhân viên lãnh sự không được quyền đặc miễn toàn diện như các nhân viên ngoại giao nói trên. Điều 43 Công Ước Vienna ngày 24.4.1963 về Lãnh Sự chỉ cho các lãnh sự và nhân viên lãnh sự (consular officers and consular employees) được quyền đặc miễn tài phán “về các hành vi thực hiện khi thi hành chức năng lãnh sự” mà thôi. 
 
Vì biết các viên chức lãnh sự không được đặc quyền tài phán ngoài nhiệm vụ lãnh sự, nên khi được tin bà Devyani Khobragade bị rắc rối trong vụ xử dụng người giúp việc, Bộ Ngoại Giao Ấn Độ đã điều chuyển bà sang phái đoàn thường trực của nước này tại Liên Hiệp Quốc để được hưởng quyền đặc miễn tài phán, nhưng cơ quan tư pháp Mỹ vẫn truy tố bà ta vì sự việc đã xảy ra trước khi có quyết định thuyên chuyển của Bộ Ngoại Giao Ấn. 

2.- Tranh luận về bằng chứng tội phạm
Bà Khobragade giải thích rằng bà đã trả cho người giúp việc là Sangeeta Richard 9,75 USD/giờ, tương đương mức lương tối thiểu theo luật pháp Mỹ, nhưng Richard chỉ nhận một phần ở Mỹ, phần còn lại được trả cho thân nhân của đương sự ở Ấn Độ. Nhưng Richard đã phủ nhận điều này và bà Khobragade không xuất trình được bằng chứng nào để hỗ trợ cho lời khai của bà. 

Theo bà Biện Lý Bharara, bà Khobragade đã vi phạm luật pháp Mỹ vốn quy định rất rõ ràng việc cấm các nhân viên ngoại giao và lãnh sự bóc lột lao động nhập cư. Bà Khobragade đã không trả đúng khoản tiền lương tối thiểu theo quy định của Mỹ là 9,75USD/giờ cho Richard như đã khai trong đơn xin thị thực, mà bí mật dàn xếp để chỉ phải trả cho người giúp việc này có 1/3 khoản lương quy định trên. Nếu bị xác định có tội, bà Khobragade có thể phải chịu mức án tối đa là 10 năm tù vì gian lận thị thực và 5 năm tù vì khai báo gian dối.

Thật ra, đây không phải là viên chức ngoại giao đầu tiên của Ấn vi phạm tội bóc lột lao động. Năm ngoái, một viên chức lãnh sự Ấn Độ là Neena Malhotra và vợ của ông ta ở Lãnh Sự quán New York đã bị phạt gần 1,5 triệu USD vì đã xử dụng cô Shanti Gurung như là nô lệ lao động. Từ 2008 đến 2012, chính phủ Hoa Kỳ đã cấp 5.330 chiếu khán (visa) loại A-3 cho những người giúp việc của các nhân viên ngoại giao ngoại quốc ở Hoa Kỳ. Nhiều nhà ngoại giao đã lợi dụng loại chiếu khán này để đưa những người từ nước họ đến làm nô lệ lao động cho họ.

PHÁT XUẤT TỪ VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO

Báo cáo của Quỹ Walk Free công bố hôm 16.10.2013 cho biết trên thế giới vẫn còn có gần 30 triệu người đang bị đối xử như nô lệ, gồm cả người lớn và trẻ em. Những nạn nhân này bị biến thành nô lệ tình dục hoặc nô lệ lao động không có kỹ năng. Trong 10 nước đứng đầu chiếm đến hơn 3/4 trong tổng số nô lệ thì Ấn Độ đứng hàng đầu với đến 14 triệu lao động nô lệ, Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 3 triệu. Nga và Thái Lan cũng có tên trong 10 quốc gia đó.


 

Lao động nô lệ ở Ấn Độ

Lao động nô lệ ở Ấn Độ

Hoạt động bóc lột lao động trẻ em đã và đang diễn ra dai dẳng ở Ấn Độ. Trong bộ phim tài liệu mang tên “Stolen Childhoods” (Tuổi thơ bị đánh cắp), đạo diễn kiêm nhà quay phim Robin Romano mô tả thảm cảnh hết sức bi thương của các em nhỏ ở Ấn Độ. Các lò nung gạch và khu khai thác đá là những cảnh thường thấy tại Tây Bengal, Orissa và những bang vùng biên của Ấn Độ. Những em nhỏ làm việc ở đây bị bóc lột từ 12-16 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, 365 ngày một năm. Cảnh sát liên bang ở Ấn Độ ước lượng tại Ấn Độ hiện có khoảng 1,2 triệu trẻ em đang bị ép làm việc trong hoạt động mại dâm.

Một trẻ bị lao động nô lệ khai thác đá

Tại Ấn Độ hiện nay có 4 tôn giáo lớn là Ấn giáo chiếm 80,5%, Hồi giáo 13,4%, Kitô giáo 2,3%, đạo Sikh 1,84% và Phật giáo 0.76%. Lao động nô lệ phát xuất từ sự phân chia đảng cấp trong Ấn giáo. Truyền thừa từ Bà La Môn, Ấn giáo phân chia xã hội Ấn làm 5 đẳng cấp. Theo Ấn giáo, các đẳng cấp này do Nghiệp (Karma) tạo ra. Ai sanh ra trong đảng cấp nào thì phải ở mãi trong đảng cấp đó suốt đời. Chỉ có thể chuyển kiếp sau khi chết. Đẳng cấp thứ 5 là đảng cấp thấp kém nhất trong xã hội, gồm các người làm các nghề hèn hạ như ở đợ, làm mướn, chèo ghe, giết súc vật, v.v…Có khoảng 160 triệu người trong xã hội Ấn Đô bị coi là thuộc đảng cấp tiện dân (Dalit), bị gán cho là ô uế ngay từ khi lọt lòng mẹ và phải sống kiếp đời nô lệ.

Mặc dầu chế độ đẳng cấp đã bị Hiến Pháp Ấn Độ hủy bỏ, nhưng trong thực tế nó vẩn còn được duy trì để phục vụ cho giai cấp thống trị. 

CUỘC CHIẾN CHO NGƯỜI BỊ BÓC LỘT

Đạo Công Giáo đã được truyền vào Ấn Độ từ năm 1510, hiện đã có 19,9 triệu tín hữu với 166 giáo phận trong 30 tỉnh. Nếu tính chung thì tổng số Kitô hữu hiện nay ở Ấn Độ là 24 triệu. Mặc dầu Hiến Pháp Ấn Độ công nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng hoạt động tôn giáo và xã hội ở đất nước này không phải là chuyện dễ dàng. Để tranh ghế với Đảng Quốc Đại, Đảng Nhân Dân (Bharatiya Janata Party - BJP), một trong 2 đảng lớn nhất trong số 449 đảng của Ấn Độ, luôn chủ trương chống lại các tôn giáo khác với Ấn giáo và biến Ấn Độ thành một lò lửa của căng thẳng về tôn giáo.

Linh mục Anto Kudukkamthadam là cha sở giáo xứ Piploda thuộc bang Madhya Pradesh ở trung Ấn cho biết trong làng ông đang cai quản chỉ có từ 5 - 7% là người giàu có, 10% là giới trung lưu, còn 80% là người nghèo. Do đó, tình trạng bóc lột thường xảy ra. Thế nhưng, vị linh mục hay tu sĩ nào dám công khai lên tiếng tố cáo những bất công thì tính mạng bị lâm nguy. Nữ tu Rani Maria bị ám sát cách dã man chỉ vì Soeur hoạt động xã hội, khuyến khích các bà các cô biết tự tổ chức, phân định các hoàn cảnh và làm việc chung với nhau. Hoạt động của Soeur đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nhưng những kết quả này lại gây khó chịu cho giới giàu có trong làng và họ đã thuê người giết Soeur.

Linh mục Anto cho biết thời gian đầu mọi việc vô cùng khó khăn. Có một ngày, ông tưởng như giờ cuối cùng đã điểm. Một nhóm thanh niên thuộc phong trào chính trị Ấn giáo đến giáo xứ gặp ông và chất vấn ông đủ điều:
- Ông là ai mà dám ở đây? Ông đến đây để làm gì? Ông không phải dân địa phương, như thế có nghĩa ông nhận tiền viện trợ của Anh hoặc của Mỹ để làm những công việc này?

Sau khi giải thích mọi việc đang làm cho họ nghe, Linh mục Anto đã kết thúc:
- Các anh có thể giết tôi, tôi sẵn sàng chết vì Đức Giêsu Kitô!

Tự nhiên họ dịu lại. Một thời gian sau, khi họ thấy giáo xứ thật sự giúp đỡ dân làng, đặc biệt là mở các lớp học bình dân, chính những người từng dọa giết linh mục lại gởi con cái họ đến học trường của giáo xứ!

Theo bản tường trình của cơ quan từ thiện Misereor, chỉ trong một tuần lễ, các cuộc tấn công người Kitô hữu của các nhóm quá khích đã làm cho khoảng 15.000 Kitô hữu phải bỏ lại nhà cửa để chạy thoát thân, 1.500 ngôi nhà bị đốt phá hoàn toàn, 50 nhà thờ bị phá hủy hay chiếm giữ.

Mặc dù gặp sự chống đối mãnh liệt, Giáo Hội tại bang Arunachal Pradesh, miền đông bắc Ấn Độ, đã luôn đón nhận nhiều tân tòng trong 3 thập niên vừa qua, mỗi năm có đến 10 ngàn người. Ngày nay số Kitô hữu đã chiếm đến 40% dân số trong bang. Đức Giám Mục George Palliparampil nói rằng sở dĩ họ tìm đến với Giáo Hội vì ở đây có những người giúp đỡ, bênh vực và yêu thương họ.

Qua vụ án Devyani Khobragade, chúng ta thấy chế độ lao động nô lệ không những chỉ tồn tại ở Ấn Độ mà còn được đẳng cấp thống trị xuất cảng qua Hoa Kỳ!

Theo Vietcatholic