Tin Tức tổng hợp

Tốt nghiệp thủ khoa Toán - Tin vào năm 2005, 5 năm sau, anh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. Anh đã làm nghiên cứu viên trẻ tại Viện nghiên cứu Toán - Lý Erwin Schrodinger (Áo) và giảng viên khoa Toán, ĐH Rochester (Mỹ). Anh có 35 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 16 bài được thực hiện trong 3 năm công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội...
Thứ bảy, 28/12/2013 10:18 GMT+7

Phó giáo sư trẻ nhất trở thành gương mặt thủ đô tiêu biểu 

Với nhiều thành tích nổi bật, Phó giáo sư trẻ nhất năm 2013 Lê Anh Vinh (30 tuổi) được lựa chọn là gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu. Thủ khoa ĐH Y Hả Nội Nguyễn Hữu Tiến cùng nhiều thanh niên khác cũng được vinh danh.

 

Nổi bật trong số các gương mặt tiêu biểu thủ đô là PGS Lê Anh Vinh - Phó phòng Khoa học - Quan hệ quốc tế của ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 2001, anh Vinh giành huy chương bạc Toán quốc tế và huy chương vàng Toán châu Á Thái Bình Dương. Sau đó, anh nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Australia tại ĐH New South Wales.

Tốt nghiệp thủ khoa Toán - Tin vào năm 2005, 5 năm sau, anh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. Anh đã làm nghiên cứu viên trẻ tại Viện nghiên cứu Toán - Lý Erwin Schrodinger (Áo) và giảng viên khoa Toán, ĐH Rochester (Mỹ). Anh có 35 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 16 bài được thực hiện trong 3 năm công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Le-Anh-Vinh-2003-1388166932.jpg

PGS Lê Anh Vinh - Phó giáo sư trẻ nhất năm 2013. Ảnh: VNU.

Chủ trì nghiên cứu hàng loạt đề tài khoa học, PGS Vinh còn là Phó đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2013 tại Colombia. Anh từng giành giải nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam cho giảng viên trẻ năm 2012, giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu của nhà khoa học trẻ ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2012, Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Là thủ khoa đầu vào ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Hữu Tiến đã vượt qua nhiều khó khăn để học tập trong kiều kiện gia đình eo hẹp. Trước đó, Tiến còn đạt giải nhì môn Toán cấp thành phố năm học 2012 - 2013...

Những gương mặt trẻ tiêu biểu còn lại gồm Phan Quang Dũng (lớp K58 Tài năng Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Trương Thị Ngân Hà (THCS Nguyễn Siêu), Nguyễn Sỹ Luận (Giám đốc Công ty CP và phát triển Bình Minh), Nguyễn Đăng Quang (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), thượng úy Nguyễn Văn Quyền (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Hà Nội), thượng úy Cấn Ngọc Sơn (Chỉ huy trưởng Đảo Đá Đông B, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), Nguyễn Hà Thanh (Vận động viên Thể dục dụng cụ Quốc gia) và Lại Mạnh Duẩn (Trưởng ban Phong trào Câu lạc bộ tình nguyện viên Thủ đô).

Gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô là giải thưởng hàng năm do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, lựa chọn những thanh niên trẻ, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo - phát triển kinh tế, văn hóa - nghệ thuật, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể dục - thể thao, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Lễ vinh danh diễn ra tối 29/12 tại Hà Nội.

Hoàng Thùy

Người Hà Nội 100 năm trước 

Qua ống kính của Leon Busy, một trung úy quân đội Pháp, Hà Nội ở thế kỷ 20 trong khi nhà giàu quần là áo lượt thì dân nghèo thiếu ăn thiếu mặc. 
33-1606-1388191553.jpg

Năm 1909, Albert Kahn, một chủ nhà băng người Pháp, tiến hành kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng kho tư liệu ảnh màu cho các dân tộc trên thế giới. Leon Busy, trung úy hậu cần quân đội Pháp, được giao chụp ảnh ở Việt Nam. Từ năm 1914 tới năm 1917, Busy đã chụp hơn 1.700 bức ảnh. Khoảng 60 bức ảnh của ông đang được trưng bày trong triển lãm Hà Nội sắc màu. Trong ảnh là một cô gái đang têm trầu.

6-4680-1388191554.jpg

Leon Busy khá ưu ái thiếu nữ đang soi gương trong hình, cô đã xuất hiện trong 16 bức ảnh màu của ông.

5-8368-1388191554.jpg

Trong từng bức ảnh, nổi bật lên sự khác biệt giai cấp qua trang phục, đồ đạc. Người nhà giàu mặc lụa là gấm vóc, đồ gỗ trong nhà được chạm khảm tinh xảo.

3-6808-1388191554.jpg

Một ông nhà giàu sửa soạn hút thuốc.

4-8050-1388191554.jpg

Quần áo và dép của một bà đồng có nét khác biệt rõ rệt với trang phục của các giai cấp tầng lớp trên.

32-3083-1388191554.jpg

Bốn mẹ con người ăn mày mù lòa ngồi cạnh hàng rào dứa gai xin lòng thương của phật tử tới chùa.

31-9481-1388191554.jpg

Người ăn mày bị bệnh phong mong manh trong chiếc khố ngồi nơi vệ đường.

ongdo-2735-1388191554.jpg

Leon Busy còn chụp nhiều ngành nghề khác như nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống. 

7-3822-1388191556.jpg

Ông đồ vận áo the nâu, quần trắng, khăn thếp có học trò mài mực giúp.

19-2574-1388191555.jpg

Những người buôn bán, dân thường ăn mặc giản dị, áo the khăn vấn gọn gàng. Từ xưa, người dân Hà Nội đã có thói quen ăn hàng dù quán rất đơn giản. Chiếu phủ lên nền đất làm chỗ ngồi, bàn được làm bằng tre, đồ ăn có mẹt đậy.

17-3599-1388191555.jpg

Người đứng bán hoa quả trước cửa đền Ngọc Sơn.

20-2346-1388191555.jpg

Nghề bật bông xưa được làm ngay ngoài trời. Thời kỳ người dân còn nghèo, nghề "làm mới" chăn bông rất phát đạt.

Phan Dương

 

Cá mập gần 200 kg xuất hiện ở bãi biển Nha Trang

Con cá nhám đuôi dài thuộc họ cá mập dài khoảng 2 m bị sóng biển đánh dạt vào bãi tắm ở Nha Trang.

Sáng 28/12, ông Chu Anh Khánh, cán bộ Phòng nuôi sinh vật biển Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, lần đầu tiên thấy loài cá nhám đuôi dài thuộc họ cá mập dài khoảng 2 m xuất hiện tại vịnh Nha Trang. Con cá này có vòng bụng 60-70 cm, nặng khoảng 180 kg bị sóng biển đánh dạt vào bãi tắm trước công viên Phù Đổng, TP Nha Trang vào chiều 26/12.

ca-map-3552-1388209090.jpg

Con cá mập được du khách kéo lên bờ rồi sau đó thả lại biển khơi. Ảnh: D.T.

Theo ông Khánh, khi bị du khách kéo lên bờ cá vẫn còn sống nhưng rất yếu, trên mình có nhiều vết thương. Ông báo cáo lãnh đạo Viện, dự định đưa về làm mẫu nếu cá chết nhưng du khách sau đó đã thả cá về với tự nhiên. "Khi đưa xuống biển cá bị sóng đánh mấy lần thì chìm mất. Có thể cá đã chết", ông Khánh cho biết thêm.

Theo tài liệu của Viện Hải dương học Nha Trang, loài cá nhám đuôi dài thường tập trung ở khu vực cách bờ 60-90 km, ở tầng nước mặt đến độ sâu 366 m. Miệng cá nhỏ, thức ăn chủ yếu là các đàn cá nhỏ như cá cơm, cá trích và không phải là loài cá nguy hiểm cho người.

Loài cá này được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào mức độ nguy cấp.

Hoàng Văn - Duy Thanh

Theo Vnexpress