Trở về sau 19 năm lưu lạc Trung Quốc
Sau bữa cơm tối, Hoa xây xẩm mặt mày rồi mê man. Tỉnh dậy cũng là lúc cô biết mình bị đưa sang Trung Quốc mở đầu cho chuỗi 19 năm lưu lạc. Sau hai đời chồng và có 3 đứa con, chiều 22/12, Hoa tìm về quê gặp lại người thân.
Gần một tuần nay, biết tin chị Hoa (39 tuổi) trở về, người dân làng Đông Du 1, xã Đông Hiếu, (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) bất chấp giá rét kéo nhau tới nhà chị. Tiếng cười xen lẫn tiếng nấc nghẹn cùng tiếng chuyện trò lao xao căn nhà nhỏ.
Chị Trần Thị Hoa (ở giữa) khóc nghẹn trong vòng tay của mẹ và người thân. Ảnh: Văn Hải |
Quấn quýt bên người mẹ già gần 70 tuổi, thỉnh thoảng chị Hoa lại cùng chồng tới bàn thờ thắp nhang cho người bố đã mất 5 tháng trước và than khóc: "Cha ơi, con biết lỗi rồi, con về không kịp để gặp cha".
Bà Bùi Thị Hạnh (mẹ chị Hoa) lập cập ôm lấy con gái. "Cha con bị bệnh ung thư, mẹ và các anh không cứu được. Trước lúc nhắm mắt, cha vẫn còn nhắc tên con. Tưởng con đã chết nên ngày lễ tết, gia đình vẫn thắp hương khấn vọng vì không biết làm giỗ cho con ngày nào", người mẹ già nghẹn ngào.
Là con thứ tư trong gia đình nghèo có năm người con, chưa hết lớp ba Hoa phải nghỉ học. Cha mẹ làm công nhân nông trường ở Nghĩa Đàn, Hoa chăn trâu, nuôi lợn, mò cua bắt ốc phụ thêm cha mẹ kiếm sống.
Theo lời Hoa, năm 19 tuổi cô được bố mẹ cho vào Bình Thuận, mưu sinh với hai người anh. Ở vùng đất mới, Hoa quen Bình, quê ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Hai người làm đám cưới vào giữa năm 1993. Cuộc sống khó khăn khiến mâu thuẫn giữa cặp vợ chồng trẻ nảy sinh và tái diễn như cơm bữa.
Bình đưa vợ về nhà bố mẹ đẻ rồi vào Nam tiếp tục làm thuê với lời hứa vài ba tháng sẽ gửi tiền về một lượt. Bặt đi gần nửa năm không thấy tin, Hoa quay vào Nam tìm Bình, khuyên nhủ chồng trở về quê sinh sống.
"Một chiều cuối tháng 6/1994, tôi và Bình cãi vã. Bình quát mắng, bắt tôi trả sợi dây chuyền đã trao trong lễ cưới. Bình đã đánh khi tôi nói không trả. Sau bữa cơm tối hôm đó, tôi thấy xây xẩm mặt mày rồi ngủ mê man. Tỉnh dậy, tôi thấy mình ngồi trong ô tô trên đường qua Trung Quốc", chị Hoa nhớ lại.
19 năm ở xứ người, Hoa cùng người chồng quốc tịch Trung Quốc (ngoài cùng bên phải) trở về đoàn tụ cùng người thân. Ảnh: Văn Hải |
Cùng đoàn với Hoa còn có 4 cô gái Việt Nam nữa. Bọn buôn người bắt Hoa và mấy người kia sống chui lủi qua nhiều nơi trước khi tách mỗi người một ngả. Hoa bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc già hơn tuổi bố của mình.
"Bọn chúng đưa tiền cho nhau rồi trao tôi cho một người đàn ông hơn 60 tuổi, lưng còng. Tôi muốn chạy trốn nhưng không có cơ hội nên đành sống chung với ông ta tại nhà riêng ở Quảng Châu chừng 2 tháng. Khi học lỏm được vài câu tiếng Trung, tôi quyết định chạy trốn. Nhà của ông chồng lúc đó nằm gần rừng nên tôi cứ thẳng đường rừng mà chạy. Được chừng nửa ngày, tôi kiệt sức", Hoa kể lần chạy trốn đầu tiên nơi xứ người.
Chị may mắn gặp một người phụ nữ tốt bụng tên là O Hì (hiện đã 70 tuổi) cứu giúp. Bà này cưu mang, tìm việc cho Hoa tại tiệm hớt tóc. Ngày đi làm, tối về chị ăn nghỉ tại nhà bà O Hì và nhận bà là mẹ nuôi.
Kể về mối tình với người chồng hiện tại tên Chung Đồi Hùng (43 tuổi), Hoa coi đấy là duyên phận. Chị gặp chồng mình trong một lần đi chợ mua rau. Hùng đã ly hôn và có một đứa con.
Biết Hoa là người Việt nhưng nói được tiếng Trung, Hùng bám đuôi, trêu chọc, rồi hẹn hò và đi đến hôn nhân. Hai vợ chồng có thêm với nhau 3 con, hai trai sinh đôi học lớp 8, cô con út học lớp 4.
Hoa tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại nơi đất khách dù lao động vất vả với công việc làm rừng. Từ mấy năm trước, Hoa đã tính chuyện về quê tìm lại gia đình và được chồng ủng hộ. Ngặt nỗi, hai vợ chồng cho hay không biết đường và vẫn sợ gặp lại bọn buôn người.
Gần đây tình cờ, Hoa gặp chị Điệp (quê Hải Dương) cùng cảnh ngộ bị bán sang Trung Quốc đã 11 năm và mới liên lạc được với người thân ở Việt Nam. Hoa nhờ Hùng - em trai chị Điệp từ Hải Dương vào Nghệ An tìm cha mẹ Hoa.
Gần 1 tháng trước, khi mẹ chị Hoa đang hái rau lợn ngoài vườn thì anh Hùng tìm được đến nhà. Nghe anh kể câu chuyện về con gái của mình bà Hạnh cứ ngỡ nằm mơ.
"Anh Hùng thông báo Hoa đang ở Trung Quốc, tôi không tin nổi đó là sự thật. Đến lúc Hùng bật điện thoại để hai mẹ con nói chuyện, tôi mới chắc chắn rằng con gái mình đang sống", bà Hạnh kể lại.
Chị Trần Thị Hương (chị gái Hoa) cho biết, từ lúc hay tin em còn sống, gia đình mới biết được bộ mặt thật của Bình (chồng cũ Hoa). "Hôm bố vợ mất, mọi người báo tin nhưng Bình không đến. Hiện tại, Bình đã có vợ con và sống huyện Diễn Châu", chị Hương khẳng định.
"Chuyện đã qua lâu rồi nên tôi không muốn nói tới chồng cũ tên Bình nữa. Vợ chồng tôi ăn Tết ở quê xong sẽ quay trở lại Trung Quốc để sinh sống", chị Trần Thị Hoa nói về tương lai của mình.
Sáng 26/12 trao đổi với VnExpress, ông Cao Văn Hướng - trưởng công an xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho hay, đã nắm được thông tin chị Trần Thị Hoa trở về và chưa nhận được đơn tố cáo người chồng cũ.
"Nếu xác minh đúng chồng cũ của chị Hoa đã lừa bán vợ sang Trung Quốc thì chúng tôi sẽ lập tức triệu tập. Nếu quá thẩm quyền thì sẽ chuyển cơ quan cấp trên", ông trưởng Công an xã cho biết thêm.
Văn Hải
Xe khách chở 33 người lao xuống vực sâu
Hơn 5h sáng nay, xe giường nằm 29 chỗ chở 33 hành khách từ Hà Nội đi Điện Biên đã mất lái ở khu vực đèo Pha Đin (xã Chiềng Ve, huyện Thuận Châu, Sơn La) và lao xuống vực khiến một người tử vong.
Sau khi đâm vào taluy trái, xe lao xuống vực và biến dạng. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ. |
4 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu, một hành khách tử vong tại chỗ. Hơn 20 người khác may mắn thoát ra ngoài và được chuyển sang xe khách khác. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ. |
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để điều tra vụ việc. Xe cứu hộ cũng được huy động để đưa xe khách gặp nạn lên bờ. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ. |
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Văn Quang, Phó văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Điện Biên cho biết, vụ việc xảy ra tại khu vực có khúc cua, vị trí xe rơi cách đỉnh đèo khoảng 60m nên việc cứu hộ gặp khó khăn. Nạn nhân tử vong tại chỗ là ông Nguyễn Văn Vệ, 67 tuổi, ở Lạng Sơn lên chơi với người thân bị ốm ở Điện Biên, còn 4 người khác bị thương đã qua cơn nguy kịch. |
Bá Đô
Miền Bắc tiếp tục rét hại
Không khí lạnh tiếp tục được tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc trong những ngày tới, khiến trời rét buốt về đêm và sáng, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.
Sáng nay, theo số liệu đo được của các trạm khí tượng đồng bằng Bắc Bộ, nhiệt độ vẫn ở mức rét đậm, rét hại. Ở Hà Nội, nền nhiệt đo được ở trạm Ba Vì là gần 7 độ C, Hà Đông 9 độ C và Láng 11 độ C. Trong khi trạm Cúc Phương (Ninh Bình) ghi nhận mức 6 độ C thì ở Chí Linh (Hải Dương) là 11 độ C.
Các tỉnh miền núi nhiệt độ nhích hơn so với những ngày trước nhưng vẫn ở mức thấp. Tại trạm Sapa là gần 4 độ C; Lạng Sơn 3,6 độ C; Sìn Hồ (Lai Châu) và Bắc Kạn gần 7 độ C; Cao Bằng gần 6 độ C...
Cái lạnh dưới 10 độ C ở Hà Nội khiến nhiều người phải đốt củi trên vỉa hè để sưởi. Ảnh:Nguyên Anh. |
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, miền Bắc tiếp tục rét đậm, rét hại trên diện rộng và có khả năng kéo dài đến ngày 29 - 30/12. Vùng núi Bắc Bộ cần đề phòng băng giá và sương muối.
Đêm nay, không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó đến Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp trường phân kỳ trên cao nên ở các tỉnh Bắc Bộ duy trì tình trạng ít đến quang mây, trời nắng.
Hương Thu
Theo Vnexpress