Tin Trong Nước

Chiều 20/12, nằm trên giường bệnh viện Chợ Rẫy với vết thương ở đầu, xây xát đầy người, chân trái được nẹp cố định, anh Bùi Tuấn Vũ (22 tuổi), nạn nhân trên xe cứu thương đâm vào đuôi xe tải trên cao tốc Trung Lương, đã tỉnh táo kể lại giây phút bị nạn...

Tiếng kêu cứu trong chiếc xe cứu thương bẹp dúm

"Chiếc xe cứu thương bẹp nát. Hai người phía trước bị kẹp chặt, phía sau là 3 người, trong đó một thanh niên ú ớ kêu cứu", người tham gia cứu hộ xe cứu thương đâm ôtô tải trên cao tốc Trung Lương kể.

Anh Vũ cùng anh trai đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: An Nhơn

Anh Vũ cùng anh trai đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: An Nhơn

Chiều 20/12, nằm trên giường bệnh viện Chợ Rẫy với vết thương ở đầu, xây xát đầy người, chân trái được nẹp cố định, anh Bùi Tuấn Vũ (22 tuổi), nạn nhân trên xe cứu thương đâm vào đuôi xe tải trên cao tốc Trung Lương, đã tỉnh táo kể lại giây phút bị nạn.

Tối 19/12, anh đi xe máy một mình ở huyện An Phú (An Giang) bất ngờ bị choáng và té ngã, bị thương. Anh Vũ được xe cấp cứu của Bệnh viện ở đa khoa Nhật Tân ở Châu Đốc đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Trên xe, dượng anh Vũ ngồi ở phía trước cùng tài xế, anh nằm trên băng ca, ở bên cạnh là anh trai Bùi Văn Cảnh (27 tuổi) và nữ điều dưỡng ngoài 50 tuổi.

"Tôi đang ngủ thì nghe một tiếng động lớn và không biết gì. Tỉnh dậy, dưới ánh đèn đường mờ mờ, tôi thấy xung quanh nhiều kim tiêm, bình oxy, các vật dụng trên xe ngổn ngang, trên người đầy vết thương, vết máu đã khô. Kế bên là anh trai nằm bất động, dưới chân là cô y tá bị kẹp chặt", anh Vũ kể.

"Tôi cố gượng dậy nhưng hai chân không còn cảm giác, chỉ biết ú ớ kêu cứu nhưng xung quanh không có ai", anh Vũ nhớ lại.

Nằm bất động một trên xe cứu thương khoảng 30 phút, anh Vũ được người dân xung quanh đưa đi cấp cứu. 3 người chết được xác định là tài xế xe cứu thương Trần Minh Hiếu (27 tuổi), nữ điều dưỡng Lâm Thị Lan (61 tuổi) và người đàn ông khoảng 40 tuổi.

Chưa kịp thay bộ áo dính đầy máu do tham gia cứu hộ cứu nạn nhóm người trên xe cứu thương, ông Nguyễn Văn Thườn Em, Ca trưởng đội tuần tra đảm bảo an toàn giao thông cao tốc Trung Lương cho biết, khoảng 4h30, ông nhận tin nhắn có vụ xe cứu thương đâm vào xe tải, thuộc địa phận huyện Bến Lức (Long An), cách Trạm thu phí đầu TP HCM 9km. Ông huy động cứu hộ cứu nạn cao tốc, lực lượng y tế, sau 20 phút đã tiếp cận hiện trường.

"Đập vào mắt tôi đó là xe cứu thương biến dạng hoàn toàn. Phía trước cabin, tài xế và người đàn ông khoảng 40 tuổi đã chết bị kẹt chặt. Phía sau, một người bất tỉnh, một thanh niên khác máu me đầy người kêu cứu yếu ớt, cạnh đó là một phụ nữ mặc áo điều dưỡng cũng đã chết. Cảnh tượng thật thảm khốc", ông Em nhớ lại.

Ông Em cùng mọi người dùng nhanh chóng kéo hai người nam bị thương ra ngoài chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Sau đó, êkip cứu hộ của ông Em tiếp tục quay trở lại hiện trường cùng cảnh sát để đưa 3 thi thể ra ngoài.

"Phần đầu xe bẹp dúm, kẹp chặt 2 nạn nhân. Chúng tôi phải dùng xà beng để cạy những phần dúm lại và mất nhiều giờ mới có thể đưa nạn nhân ra ngoài", ông Em cho biết.

Chiếc xe cứu thương bẹp dúm phần đầu. Ảnh: An Nhơn

Chiếc xe cứu thương bẹp dúm phần đầu sau khi đâm vào đuôi xe tải. Ảnh: An Nhơn

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ trực Khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Vũ bị chấn thương đầu, chấn thương chân phải, xuất huyết não. Riêng nạn nhân Cảnh bị thương nặng hơn khi nứt sọ, tụ khí trong não, gãy xương đòn và sườn trái, tổn thương phổi, mắt trái hiện không nhìn thấy..."Hiện hai nạn nhân vẫn chưa phải mổ, chúng tôi tiếp tục theo dõi", bác sĩ trực cho biết.

An Nhơn

 

Hàng chục nhà hoang mang vì giếng đầy xăng

Nhiều hộ dân thôn 9, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) mấy hôm nay sống trong cảnh hoang mang bởi giếng nước của gia đình họ có thể phát cháy bất cứ lúc nào vì... đầy xăng.

Nhieu-ho-dan-lo-lang-vi-tram-x-9270-7361

Hơn chục giếng nhà dân gần cây xăng bị ô nhiễm. Ảnh: Chế Bắc

Ngày 20/12, Phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với công an xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, đã lập biên bản hiện trường, lấy mẫu nước giếng của các hộ dân sống xung quanh trạm kinh doanh xăng dầu Hồng Hạng (ở thôn 9, xã Long Hà) gửi cơ quan chức năng phân tích, xét nghiệm mức độ ô nhiễm do xăng tràn vào. Ban đầu cơ quan chức năng xác định bồn xăng bị rò rỉ sâu dưới lòng đất khoảng 10-15m, với bán kính khoảng 70m2 và tràn vào giếng của hơn 10 hộ dân.

Trước đó, một số hộ dân sống xung quanh trạm kinh doanh xăng dầu Hồng Hạng phát hiện nước giếng nước của gia đình chứa đầy xăng nên đã báo với Công an xã Long Hà. Họ cũng không dám nấu nướng vì sợ nhà sẽ bốc cháy bất cứ lúc nào.

Nhieu-ho-dan-lo-lang-vi-tram-x-4271-1481

Có ngày anh Yên hớt được chả chục lít xăng. Ảnh: Chế Bắc

Anh Hoàng Tiến Yên, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nhiều nhất cho biết, khoảng 20 ngày trước, khi bơm nước lên sử dụng anh ngửi thấy mùi xăng rất nặng, ngủ cũng ngửi thấy mùi này nên không dám sử dụng. Khi trao đổi với hàng xóm, anh mới biết họ cũng gặp cảnh tương tự. Do vậy, để có nước dùng, hàng ngày anh Yên phải đi xin nước của người quen ở cách xa trạm xăng hàng km để đảm bảo an toàn.

“Những ngày qua chúng tôi mất ăn mất ngủ, lo sợ không biết xăng trong giếng nhà mình phát cháy lúc nào”, anh Yên nói.

Nhieu-ho-dan-lo-lang-vi-tram-x-7595-9820

Nhiều hàng xóm của anh cũng bị tương tự. Ảnh: Chế Bắc

Tương tự, chị Cấn Thị Ngãi sống gần trạm xăng cho hay giếng của gia đình cũng bị nhiễm xăng rất nặng. Cái giếng đã được sử dụng hàng chục năm, bỗng dưng 3 tuần nay múc lên toàn xăng, khi bật hộp quẹt nước cháy phừng phực. "Chúng tôi đề nghị chính quyền sớm xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm nguồn nước để người dân có nước sạch dùng vì không thể đi xin nước mãi được", bà Ngãi nói.

Nhiều hộ dân khác cũng bức xúc không kém: "Chúng tôi đang phải sống chung với tử thần, chỉ cần một mồi lửa vô tình là có thể thiêu rụi cả một khu vực, chạy làm sao thoát".

Nhieu-ho-dan-lo-lang-vi-tram-x-1916-8295

Nước múc từ giếng tạt ra đường bốc cháy phừng phực khi gặp lửa. Ảnh: Chế Bắc

Trạm xăng dầu Hồng Hạng nằm sát trung tâm xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập. Bà Nguyễn Thị Thủy, em chủ cây xăng thừa nhận việc xăng rò rỉ tràn vào giếng nước của các hộ dân xung quanh. Trạm xăng Hồng Hạng đã đến gia đình các hộ dân để xin lỗi và hứa khắc phục hậu quả.

Cũng theo bà Thủy, nguyên nhân có thể là do lúc bơm xăng vào bồn, trạm đã quên mở nắp thông hơi nên xăng bơm xuống bị bí và bị bục bồn, rò rỉ ra ngoài, ngấm vào lòng đất rồi ngấm vào các giếng của các hộ dân. "Bồn bị rò rỉ chứa khoảng 7.000 lít xăng và mới được bơm vài ngày. Trạm đã hút số xăng còn lại trong bồn được 4.100 lít sang bồn chứa khác", bà Thủy cho biết.

Nhieu-ho-dan-lo-lang-vi-tram-x-6552-6385

Chủ trạm xăng đang liên hệ với các hộ dân để xử lý, giải quyết. Ảnh: Chế Bắc

Ông Lê Văn Toàn, Phó trưởng Công an xã Long Hà cho biết, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ trạm xăng niêm phong, ngưng hoạt động để khắc phục hậu quả. Mặt khác khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước ô nhiễm, không được bơm nước, sử dụng điện, lửa gần giếng nước nhằm tránh xảy ra cháy nổ. “Việc khắc phục hậu quả sẽ rất khó khăn và sẽ mất thời gian dài vì lượng xăng rò rỉ quá lớn và ăn sâu dưới lòng đất”, ông Toàn cho biết.

Chế Bắc

Người Việt chưa tin thuốc nội

Tại các bệnh viện tuyến trung ương, tỷ lệ thuốc nội được kê chỉ khoảng 12%, tuyến huyện cao nhất 62%. Lý do vì số thuốc thiết yếu chưa nhiều, niềm tin của người sử dụng với thuốc nội chưa cao, tâm lý sính ngoại...

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước có hơn 200 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt). Nhiều sản phẩm dược đã được xuất đi các nước. Doanh số thị trường dược đạt gần 3 tỷ USD, nhưng giá trị tiền thuốc nội sử dụng cả ở các bệnh viện cũng như trên thị trường tự do chỉ chiếm gần 48%.

Theo ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý Dược, hiện tỷ lệ thuốc nội được kê ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ khoảng 12%, ở tuyến tỉnh là 34% còn tuyến huyện khoảng 62%. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước đã sản xuất được hầu hết mặt hàng thuốc theo phân nhóm dược lý nhưng xét về việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu thì chưa đạt. Đây là một khó khăn trong việc nâng tỷ lệ thuốc nội vào bệnh viện.

nhathuoc1-1351753180-500x0-4687-13875327

Tâm lý người dân khi đi mua thuốc vẫn thích chọn thuốc ngoại hơn thuốc nội. Ảnh:H.H.

Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua có một mục riêng về đấu thầu thuốc, trong đó, có quy định giao Bộ Y tế ban hành danh mục những thuốc nào trong nước sản xuất đã đáp ứng nhu cầu thì không được nhập thuốc ngoại. Theo ông Lâm, quy định này nhằm ưu tiên, tạo điều kiện cho thuốc nội vào bệnh viện nhưng việc ban hành không hề đơn giản. Nó chỉ có thể thực hiện được khi các doanh nghiệp đảm bảo được nguồn thuốc, chất lượng thuốc và các bác sĩ cũng tin tưởng chất lượng thuốc đó.

Chung quan điểm này, tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để một ngày nào đó các bác sĩ đều kê đơn thuốc nội cho chính người thân của mình thì quan trọng nhất là sản phẩm phải có chất lượng. Điều này phụ thuộc vào vai trò của nhà sản xuất. 

"Cơ chế đấu thầu thuốc không cản trở nhưng niềm tin của người sử dụng với thuốc Việt chưa cao. Những mặt hàng của mình còn đang hạn chế nên nếu muốn đứng trên thị trường thì doanh nghiệp phải chứng minh được thuốc của mình chất lượng tốt, hiệu quả điều trị tốt, ít tai biến", tiến sĩ Hải nói.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân khiến thuốc nội khó vào tuyến trung ương như: tuyên truyền chưa sâu rộng; tâm lý sính ngoại, có những thuốc tương đương sản xuất trong nước rất tốt nhưng vẫn dùng thuốc ngoại. Ngoài ra, kinh phí để quảng bá, giới thiệu thuốc vẫn còn hạn chế nên người dân ít biết đến.

Phát biểu tại lễ ra mắt chương trình truyền thông Con đường thuốc Việt diễn ra ngày 20/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, luật Dược sửa đổi sắp tới cũng như các thông tư đấu thầu thuốc, quy trình đăng ký thuốc, quy chế kê đơn... sẽ được biên soạn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho thuốc nội. Dù vậy, để người dân lựa chọn thuốc sản xuất trong nước, các nhà sản xuất cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm...

"Quan trọng là phải chứng minh thuốc nội sản xuất có chất lượng cao, hình thức đẹp không thua kém gì thuốc ngoại trong khi giá thành lại rẻ, phù hợp với phần lớn người dân Việt Nam, nhất là cộng đồng dân cư nghèo sống ở nông thôn, vùng sâu/xa. Mỗi năm Bộ Y tế sẽ bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt tốt về chất lượng, đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn trong sử dụng", Bộ trưởng Tiến nói. 

Nam Phương

Theo Vnexpress