Xả súng ở sân bay Manila, 4 người chết
4 người, trong đó có vợ chồng thị trưởng của một thị trấn phía nam Philippines, thiệt mạng trong vụ xả súng vừa xảy ra tại sân bay quốc tế Manila.
Sân bay quốc tế Ninoy Aquino. Ảnh: philippinesflightnetwork. |
Sự việc xảy ra vào khoảng 11h20 sáng tại nhà ga số 3 của sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở thủ đô Manila, CNN dẫn thông báo của thông tấn xã PhilippinesPNA cho biết. Vụ xả súng làm 4 người thiệt mạng, trong đó có Ukol Talumpa, thị trưởng của một thị trấn phía nam Philippines và vợ ông.
"Thị trưởng, gia đình của ông ấy và một số người hộ tống bị tấn công", AFP dẫn lời Angel Honrado, tổng giám đốc sân bay Manila, nói. Họ bị bắn bởi ít nhất hai kẻ mang súng ngay khi bước ra khỏi nhà ga. Ngoài 4 người chết, vụ xả súng còn làm 4 người bị thương.
Lực lượng an ninh sân bay đã truy đuổi những kẻ tấn công. Tuy nhiên, chúng trốn thoát trên xe môtô nhờ tình trạng tắc đường nghiêm trọng ở phía ngoài sân bay.
"Đây là một vụ việc rất đáng tiếc xảy ra ở nhà ga số 3", Honrado nói. "Các cơ quan chính phủ đang làm tất cả để xác định danh tính thủ phạm và trừng trị chúng". Ông kêu gọi các hành khách chứng kiến sự việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho quá trình điều tra của cảnh sát.
Cảnh sát chưa công bố danh tính các nạn nhân còn lại và đợi thông báo từ thân nhân họ. Hiện vẫn chưa rõ động cơ của vụ tấn công này.
Ông Talumpa, một thành viên chính trị thuộc phe đối lập, chiến thắng trong cuộc bầu cử cam go cho chức thị trưởng thị trấn Labangan, tỉnh Zamboanga del Sur, phía nam Philippines, hồi tháng 5. Theo PNA, ông này từng thoát chết trong vụ ám sát ở Manila tháng 11/2010 và một vụ tấn công bằng lựu đạn tháng 9/2012 ở tỉnh Zamboanga del Sur.
Nguyễn Tâm
Phiên dịch trong lễ tưởng niệm Mandela nhập viện tâm thần
Phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu trong lễ tưởng niệm Nelson Mandela, người được cho là mắc chứng tâm thần phân liệt, đã nhập viện.
Phiên dịch viên bị tố lừa đảo trong lễ tưởng niệm cố tổng thống Nelson Mandela (phải). Ảnh:Telegraph |
Vợ của phiên dịch viên Thamasanqa Jantjie cho biết cô đã đưa chồng đến một bệnh viện tâm thần ở gần Johannesburg từ hôm 17/12 để tiến hành kiểm tra. Sau đó, chồng cô được bệnh viện giữ lại ngay lập tức.
"Những ngày vừa qua quả thật rất khó khăn. Chúng tôi động viên Jantjie nhiều vì anh ấy có thể đã bị suy sụp", cô nói.
AFP cho hay, đáng lẽ Jantjie đã có một buổi kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Tâm thần ở tây Johannesburg hôm 10/12. Tuy nhiên lịch kiểm tra phải dời lại vì Jantjie nhận được yêu cầu làm phiên dịch viên tại lễ tưởng niệm cố tổng thống Nelson Mandela vào ngày 11.
Jantjie từng tuyên bố anh là một phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu có bằng cấp, tuy nhiên những động tác khó hiểu của anh trong lúc đứng trên sâu khấu là do tác động bất ngờ của chứng tâm thần phân liệt, khiến anh bị mất tập trung và rơi vào tình trạng ảo giác.
Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết phiên dịch bị tố lừa đảo này từng tham gia hỏa thiêu hai người đến chết cách đây 10 năm, đồng thời bị cáo buộc tội hiếp dâm, bắt cóc và có hành vi trộm cắp. Tuy nhiên, người đàn ông này đã bác bỏ các cáo buộc.
Vào tuần trước, Jantjie đã hét vào mặt một phóng viên của hãng thông tấn AFP rồi bất ngờ gọi người này là một con quỷ, khi vừa dứt lời khen ngợi người phóng viên. Tại quê nhà, Jantjie cũng bị cáo buộc tự xưng là một luật sư và một thầy lang.
Tại lễ tưởng niệm cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hôm 11/12, trước mặt khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới, Jantjie liên tục lặp lại những động tác khua tay vô nghĩa.
Thùy Linh
Những bức ảnh giàu cảm xúc năm 2013
Hình ảnh của những lễ hội hay một đám cháy, một đám cưới tập thể hay cuộc giải cứu nghẹt thở, được các nhiếp ảnh gia thế giới lưu giữ bằng những khuôn hình sống động, nhiều màu sắc và cảm xúc.
Một thanh niên đu dây điện để vượt dòng nước lũ đang dâng lên từ sông Hằng, ở Allahabad, Ấn Độ ngày 6/8. Ảnh: AFP |
Bé trai nằm ngủ ngon lành trên xe đẩy ở một nhà máy gạch Kabul, Afghanistan, ngày 12/6. Các lao động nhỏ tuổi ở nước này vẫn phải đi làm ngay cả trong ngày mà nhiều nước trên thế giới xem là Ngày Chống Lao động Trẻ em. Ảnh: Zuma Press |
Người dân đổ ra xem cuộc chạy đua với bò tót trong lễ hội San Fermin ngày 7/7 ở Pamplona, bắc Tây Ban Nha. Nhiều người đã bị thương, thậm chí là thiệt mạng, khi tham gia lễ hội, nhưng không vì thế mà sức hút của nó giảm đi. Ảnh: AFP |
Giáo hoàng Francis cầu nguyện cho một người đàn ông bị dị tật ở quảng trường St. Peter tại Vatican ngày 20/11. Ảnh: Zuma Press |
Các cô dâu trước một đám cưới tập thể ở Bhopal, Ấn Độ hôm 13/5, ngày được tin là linh thiêng nhất trong đạo Hindu để tổ chức hôn lễ. Ảnh: EPA |
Em bé sơ sinh này được cứu sống từ ống thải bồn cầu ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 28/5. Một người hàng xóm đã nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ từ bên dưới bồn cầu của nhà vệ sinh công cộng trong khu chung cư và báo cho chính quyền. Lính cứu hỏa đã cắt đường ống theo hình chữ L và cứu được em bé. Ảnh: AFP |
Khách tham quan đi qua những khúc xương nhân tạo tại triển lãm "Một triệu mảnh xương" ở thủ đô Washington ngày 9/6. Chúng tượng trưng cho một ngôi mộ tập thể và lời kêu gọi chấm dứt tội ác diệt chủng hàng loạt. Ảnh: Zuma Press |
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama hôn nhau thắm thiết trước mặt hai con gái và các quan khách, trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai ở thủ đô Washington ngày 21/1. Ảnh: AP |
Lính cứu hỏa chiến đấu với ngọn lửa đang bao trùm một cánh rừng ở Moimenta da Beira, Bồ Đào Nha hồi tháng 8. Ảnh: EPA |
Một cô gái biểu tình ôm hôn một nhân viên cảnh sát hôm 16/11 ở Susa, Italy, cạnh một đường tàu cao tốc. Ảnh: AFP |
Người đàn ông này đứng giữa biển cá chết ở vịnh Kolgrafafjordur, bán đảo Snaefellsnes, Iceland hôm 5/2. Nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do thiếu oxy vì một vụ xả rác và việc xây dựng một cầu từ năm 2004. Ảnh: AP |
Cậu bé Miles Scott (phải), hùng dũng vào vai người Dơi ở San Francisco hôm 15/11. Quỹ Make A Wish (Thực hiện một ước mơ), cùng hàng nghìn người dân và Nhà Trắng đã cùng nhau giúp bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu 5 tuổi này được thỏa nguyện làm anh hùng trong một ngày. Ảnh: AP |
Nhân Mãh
Theo Vnexpress