Xe kẹt cứng nhiều ngày giữa đèo trắng tuyết
Tuyết phủ trắng đèo Ô Quý Hồ (Lào Cai) mấy ngày nay khiến hàng trăm xe tải, xe khách kẹt cứng. Tài xế và hành khách trải qua những ngày khó quên trên núi tuyết.
Dòng xe ùn tắc trên đèo Ô Quý Hồ sáng 18/12. Kể từ khi Sapa xuất hiện mưa tuyết hôm 15/12, xe ôtô không thể di chuyển qua con đèo nối liền Sapa (Lào Cai) và tỉnh Lai Châu do lớp tuyết đóng dày từ mấy ngày trước và lớp băng hình thành khi tuyết tan khiến đường trơn trượt rất nguy hiểm. |
Đèo Ô Quý Hồ nằm trên quốc lộ 4D - tuyến giao thông quan trọng qua hai tỉnh Lào Cai - Lai Châu. Do tuyết dày đặc, hàng trăm xe tải, xe khách kẹt lại trên đèo 4 ngày nay. |
Mặt đường trơn trượt khiến mọi nỗ lực di chuyển đều không thành. |
Chiếc Fortuner mới này cần tới sức người trợ giúp mới có thể tiến lên phía trước. |
Chiếc xe bồn chở nhiên liệu đã nằm lại trên đèo mấy ngày nay, tuyết phủ kín phía trên. Đường đèo dốc, quanh co, thêm tuyết trơn trượt phủ đầy mặt đường khiến đèo Ô Quý Hồ trở thành đoạn đường kinh hoàng đối với các tài xế. Ngay kể cả khi đã nằm bất động, chiếc xe bồn vẫn bị xe khác va phải. |
Người đi bộ cũng rất vất vả leo ngược con dốc phủ đầy băng tuyết. |
Hành khách phải qua đêm trên đỉnh Hoàng Liên Sơn phủ trắng tuyết. |
Vài ngày kẹt cứng trên đèo, cánh tài xế và hành khách trông chờ nhiều vào lượng đồ ăn, thức uống do những người bán hàng ở thị trấn Sapa mang lên. Món nướng bên lò than nóng hổi được nhiều người ưa chuộng. |
Lực lượng chức năng phải điều cả xe xúc lên đèo cào tuyết. Đường dốc đứng và quá trơn, chiếc xe xúc này phải chống gầu xuống đường để không bị trôi về phía sau. |
Một tài xế xe khách đắp người tuyết trong khi chờ đường thông. CSGT tại hai đầu đèo đã ngăn xe tải và xe khách lên đèo. Với thời tiết lạnh giá như hiện tại, cảnh ùn tắc nhiều khả năng vẫn tiếp diễn. |
Quý Đoàn
Nơi bảo mẫu bạo hành trẻ nằm khuất trong nhà bếp
Vị trí các bé bị bảo mẫu hành hạ đều nằm phía sau nhà bếp rộng chừng 10 m2 của cơ sở mầm non Phương Anh, xung quanh là vách tôn, cây cối um tùm.
Khu nhà bếp của cơ mầm non Phương Anh trên đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM - nơi diễn ra cảnh hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý đã hành hạ nhiều trẻ nhỏ. |
Phía sau nhà bếp là bãi đất trống, cây cối um tùm. Nơi đây, bảo mẫu Lý đã dùng hai tay xốc ngược bé gái lên cao rồi nắm tóc dúi đầu vào thùng đựng nước mặc cho bé la hét, hai tay bấu víu vào cô ta. Trong quá trình dìm đầu bé gái vào thùng phuy, bảo mẫu này luôn miệng quát: "Thấy không, sợ chưa?". |
Thùng phuy đầy nước, cao khoảng 1,5 m. |
Trong căn bếp còn chiếc ghế bảo mẫu Lý túm cổ các trẻ, đặt lên rồi đút liêp tiếp các muỗng thức ăn vào miệng. Khi một bé trai vừa ăn được vài muỗng và có dấu hiệu nôn ói, lập tức cô này trợn mắt, tay trái bóp mạnh vào đầu, ghì toàn thân em xuống sát đất, tay phải cô ta đập mạnh khoảng chục cái vào sống lưng, đầu và hông bé. |
Còn đây là nơi bảo mẫu Phương ngồi cho trẻ ăn và kéo bé trai tát bôm bốp vào mặt, sau đó dùng hai tay bóp cổ nạn nhân. |
Khu vực nhà bếp chỉ rộng khoảng 10 m2 được trang trí tranh, ảnh rất bắt mắt. |
Bảng phân công công việc được chủ cơ sở dán ngay khu vực cửa nhà bếp. |
Người dân cho biết cơ sở này được bà Phương thuê lại vừa là nơi gia đình ở vừa là chỗ hoạt động giữ trẻ hơn một năm nay. Thường ngày, sau khi nhận trẻ, cửa trước của cơ sở được đóng chặt. |
Ngày 13/12, sau khi công an phường này nhận được clip quay lại cảnh Phương và Lý bạo hành những đứa trẻ thì cơ sở này mới bị đóng cửa, tháo bảng hiệu. |
An Nhơn
Xóm chài nghèo phủ trắng khăn tang
Chiều mưa gió rét cắt da thịt, trên con đường nhỏ uốn quanh xóm chài Minh Thành (Quỳnh Lưu, Nghệ An) ken đầy cờ đám ma. Tiếng khóc xen lẫn tiếng kèn loa khiến cả xóm chìm trong bầu không khí bi ai.
Chiều 17/12, xóm chài Minh Thành (xã Quỳnh Long) làm tang cho hai trong số 7 ngư phủ cùng xóm mất tích trên con tàu NA 93240 hôm 10/12.
Cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu chừng hơn chục cây số, người dân Quỳnh Long xưa nay bám biển mưu sinh. Trai làng nhiều người học chưa hết phổ thông đã bỏ trường ra biển cùng cha anh đánh đu với ngọn sóng, cơn gió giữa trùng khơi.
Hơn một tuần trước, lúc 4h sáng 10/12, thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp cùng 7 ngư phủ còn gọi điện thoại về cho người thân, báo tin đang trở về sau một chuyến đi biển thắng lớn. Sau những cú điện thoại ấy, mọi nỗ lực để liên lạc với con tàu đều vô vọng.
Cho đến ngày 15/12, dân trong xóm mới quyết định báo vụ việc với cơ quan chức năng. Chỉ một ngày sau, người ta phát hiện thi thể anh Vũ Văn Biên (28 tuổi) và Bùi Văn Hoài (36 tuổi) trôi dạt tại bờ biển Hà Tĩnh. Họ là hai trong số 8 người có mặt trên tàu NA 93240 bị mất tích.
Ngôi nhà cấp 4 mái ngói lụp xụp của anh Hoài vẫn còn nguyên những bao cát vắt ngang để chống bão. Tổ ấm của vợ chồng cùng ba đứa con nhỏ và người mẹ già chỉ rộng ba chục mét vuông.
Cháu Đạt (6 tuổi, con đầu nạn nhân Hoài) và hai đứa em còn quá ít tuổi để cảm nhận được nỗi đau mồ côi bố qua sớm. Ảnh: Hùng Diễn |
Bàn thờ lập vội cho anh Hoài đặt giữ gian chính nhà, khói hương nghi ngút. Chị Bùi Thị Lý (29 tuổi, vợ anh Hoài) đứng không vững khi cắm nén nhang cho chồng. Ôm đứa con út mới 1 tuổi chị gào khóc: "Anh về đi, các con đang nhỏ lắm anh ơi!".
Chống chiếc gậy tre, lập cập bên quan tài con trai, bà Bùi Thị Cửu than: "Hoài ơi, mày đi rồi thì 3 đứa con thơ để lại cho ai Hoài ơi..!", rồi cố với lấy đứa cháu nội mới 5 tuổi ôm chặt vào lòng.
Không khí tang thương nơi xóm chài Minh Thành sẽ còn kéo dài trong mấy ngày tới. Ảnh:Hùng Diễn |
Cách nhà anh Hoài chưa đầy chục bước chân, bên nhà hàng xóm, là đám tang của anh Vũ Văn Biên. 17 tuổi Biên đã vào nghề đi biển. Nhà đông anh em, mãi năm ngoái, Biên mới lập gia đình với chị Bùi Thị Vân (24 tuổi), người cùng quê.
Sau ngày đầy tháng đứa con đầu lòng, Biên bảo vợ ở nhà tự chăm sóc bản thân để mình cùng với anh em trong xóm ra khơi kiếm tiền về mua sữa cho con và sắm Tết.
" Anh ơi, con nó đang nhỏ lắm chưa biết gọi tên bố. Anh đừng bỏ mẹ con em mà đi. Anh về với con đi!", chị Vân chỉ đủ sức thều thào gọi tên chồng và phải nhờ bác sĩ túc trực để tiêm thuốc trợ sức.
Từ hôm nhận được hung tin, cụ Nguyễn Thị Đừng ôm di ảnh con trai khóc: "Mi đi trước tau thì ai nuôi tau Xào ơi!". Ảnh: H. Diễn |
Chung ngõ với gia đình anh Biên là nhà ông Bùi Văn Xào (57 tuổi). Là cựu chiến binh, ông lớn tuổi nhất trên con tàu gặp nạn. Gia cảnh khốn khó, không có tiền đóng góp ông chỉ xin làm ghé một chân trên tàu để kiếm gạo nuôi mẹ già.
Cả ba người con trai của ông đều làm nghề đi biển, còn cô con gái út chính là vợ anh Biên.
Ngày nhận được tin con trai và cháu rể mất tích, cụ Nguyễn Thị Đừng (80 tuổi) chỉ biết ôm di ảnh của ông Xào, khóc đứng, khóc ngồi: " Mi đi trước tau thì ai nuôi tau Xào ơi!..". Ông Xào vẫn đang mất tích, nhưng cụ Đừng hiểu rằng hy vọng con trai còn sống khó hơn cả chuyện cổ tích.
Xa một đoạn nơi cuối xóm Minh Thành, chị Huế (22 tuổi) vợ của thuyền viên Bùi Hoàng Hiệp (đang mất tích) bế đứa con 4 tháng tuổi mà than: " Biển lạnh thấu trời thế này chồng em có còn sống nữa không?..".
Bầu không khí xót thương, u ám sẽ còn đeo đẳng xóm chài này thêm nhiều ngày nữa bởi mới chỉ có 2 trong 8 người mất tích được tìm thấy thi thể.
Văn Hải
Theo Vnexpress