Đụng độ ở Tân Cương khiến 16 người chết
Một vụ đụng độ giữa cảnh sát và nhóm người tại khu tự trị Tân Cương khiến 16 người thiệt mạng tối qua, chỉ chưa đầy hai tháng sau vụ khủng bố ở Thiên An Môn, Bắc Kinh.
16 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ tối qua tại khu tự trị Tân Cương, trong bối cảnh xung đột bạo lực tăng cao tại địa phương này. Ảnh minh họa: AFP |
Trang tin Thiên Sơn thuộc chính quyền khu tự trị Tân Cương hôm nay đưa tin, cảnh sát huyện Shufu, gần thành phố Kashgar, bị một nhóm khủng bố tấn công vào 23h đêm qua, trong lúc đang bắt giữ tội phạm.
Những kẻ phạm tội ném về phía cảnh sát chất gây cháy và dùng dao tấn công, khiến hai nhân viên cảnh sát thiệt mạng. Cảnh sát nổ súng đáp trả, 14 kẻ tấn công chết tại hiện trường, cảnh sát bắt giữ hai nghi phạm nữa. Trang tin không nêu rõ danh tính của nhóm tấn công, chỉ cho biết vụ việc đang trong quá trình điều tra.
Trong tháng 11, một vụ tấn công đồn cảnh sát cũng diễn ra tại thị trấn Serikbuya, huyện Bachu, thuộc thành phố Kashgar. 9 kẻ cầm dao và rìu bị bắn chết, sau khi tấn công và sát hại hai nhân viên đang làm việc ở đây. Ít nhất hai cảnh sát bị thương.
Các cuộc đụng độ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu tự trị Tân Cương, sau vụ tấn công ở quảng trường Thiên An Môn hồi cuối tháng 10. Khi đó một chiếc xe lao qua rào chắn trên quảng trường, ngay trước cổng Tử Cấm Thành, rồi bốc cháy, làm 5 người chết và 40 người bị thương. Chính phủ Trung Quốc cho rằng những kẻ khủng bố đến từ Tân Cương được phiến quân Hồi giáo nước ngoài hỗ trợ đã thực hiện việc tấn công.
Tân Cương là một khu tự trị rộng lớn, giàu tài nguyên ở miền tây bắc Trung Quốc. Nhiều cuộc đụng độ bạo lực vẫn thường xảy ra ở đây do mâu thuẫn sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ bản địa và người Hán. Hơn 190 cuộc xung đột bạo lực diễn ra ở khu tự trị này năm ngoái.
Đức Dương
Phu nhân Kim Jong-un tái xuất trên truyền hình
Bà Ri Sol-ju, vợ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, xuất hiện trên truyền hình nước này hôm 13/12, một ngày sau phiên tòa xử tử Jang Song-thaek.
Bà Ri Sol-ju tháp tùng chồng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Thái dương cung. Ảnh:Chosun Ilbo |
Trong bộ phim tài liệu sản xuất năm 2012 của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên phát hôm 13/12, bà Ri Sol-ju tháp tùng chồng tới Thái dương cung trên núi Kumsusan, Bình Nhưỡng. Đây là nơi đặt thi hài nhà lập quốc Kim Il-sung và cố lãnh đạo Kim Jong-il. Bà Ri xuất hiện trên truyền hình trong khoảng 20 giây.
Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của bà Ri từ sau 58 ngày không xuất hiện trước mắt công chúng từ hôm 16/10. Theo trang tin Chosun Ilbo của Hàn Quốc, động thái này có thể nhằm mục đích dẹp bỏ tin đồn bà Ri Sol-ju bị liên lụy trong vụ án Jang Song-thaek. Các hình ảnh của ông Jang đã bị xóa bỏ trên các phim tài liệu tương tự khi chiếu cho công chúng những ngày gần đây.
Trang tin Uriminzokkiri thuộc Đài truyền hình trung ương Triều Tiên hôm qua đăng bài chỉ trích truyền thông Hàn Quốc có những phát ngôn "làm ô nhục sự tôn nghiêm tối cao" và coi đây là "hành động điên cuồng của những kẻ phản dân tộc độc ác, nhằm làm tăng thêm thù hận dân tộc".
Trang Chosun Ilbo nhận định, việc bà Ri Sol-ju có thể hay không có thể xuất hiện trong lễ tưởng niệm hai năm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong-il, diễn ra ngày mai, là mối quan tâm lớn của giới quan sát chính trị Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến khác, bà Kim Kyong-hui, vợ ông Jang Song-thaek, hôm 14/12 được bổ nhiệm làm thành viên ban lễ tang cấp nhà nước, chịu trách nhiệm về lễ tang của ông Kim Kuk-tae, cố chủ tịch Ủy ban Thanh tra trung ương thuộc đảng cầm quyền. Điều này cho thấy bà Kim vẫn được người cháu ruột ưu ái, bất chấp việc chồng bà, chú dượng của Kim Jong-un, vừa bị xử tử cách đây ít hôm.
Đức Dương
Đức đòi bản quyền ông già Noel
Một bảo tàng ở Đức vừa nộp đơn xin công nhận ông già Noel là di sản văn hóa của nước này và cho rằng hình ảnh ông già tuyết kiểu Mỹ bị sai lệch so với truyền thống.
Hình ông già Noel trên thiệp Giáng sinh Đức năm 1906. Ảnh: Telegraph |
Bà Felicitas Höptner, giám đốc Viện bảo tàng Giáng sinh tại thành phố Rothenburg khẳng định ông già tuyết đích thực đang "gặp nguy hiểm". Theo bà, giới trẻ Đức không còn hiểu gì về truyền thống, thậm chí không phân biệt được sự khác nhau giữa ông già Noel Đức và ông già Noel Mỹ.
Ông già Noel trước kia mang vẻ ngoài dữ tợn, bằng chứng là một tờ báo ở Munich thế kỷ 19 xuất bản bức ảnh người đàn ông choàng chiếc áo có mũ, vác một cây thông lấp lánh bước đi giữa màn tuyết. Vài thập kỷ sau, Thomas Nast, một họa sĩ biếm họa gốc Đức, đem ông già tuyết Đức đến Mỹ, thay cái áo choàng dài bằng chiếc mũ, tạo nên hình ảnh ông già Noel hiện đại.
Theo Hoptner, ông già Noel bắt đầu mặc áo đỏ và có vẻ mặt tươi cười sau một chiến dịch quảng cáo của Coca Cola vào thập niên 30. Thực tế, mặt mũi ông già Noel bản gốc thường xuyên cau có và hung dữ, không chỉ có nhiệm vụ mang quà đến cho trẻ em, mà còn có quyền phạt chúng nếu lũ trẻ chưa ngoan.
Ngoài ông già tuyết, bảo tàng của Hoptner còn xin Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO ghi tên Saint Nicholas vào danh sách những di sản văn hóa phi vật thể. Saint Nicholas là giám mục người Hy Lạp ở thế kỷ thứ 4 và được xem là tổ tiên của ông già tuyết.
Trong đơn, bảo tàng Đức đồng thời muốn đăng ký bản quyền hầu hết các truyền thống của ngày Noel, bao gồm cây thông, đồ kẹp quả hạch, đồ trang trí thủy tinh, lịch Mùa Vọng và chợ Giáng sinh, Telegraph cho hay.
Trần Trang
Theo Vnexpress