Tin Trong Nước

Ông Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng. Bị cáo Chiều bồi thường hơn 39 tỷ đồng, Sơn 46 tỷ đồng, Khang 12 tỷ đồng, Loan 6 tỷ đồng, Dương 15 tỷ đồng. Đức, Triện, Lừng mỗi bị cáo 9 tỷ đồng...

Ông Dương Chí Dũng lĩnh án tử hình

Chiều nay, xác định cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng không hối cải, khai báo quanh co về việc gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ đồng, TAND Hà Nội đã tăng nặng hình phạt, tuyên án tử hình với ông này.

Buổi tuyên án muộn khoảng một tiếng so với dự kiến. Sau hơn 2 tiếng đọc bản án, 17h30, chủ tọa tuyên ông Dũng phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Khung hình phạt với tội Tham ô tài sản ở mức cao nhất - tử hình. Ở tội Cố ý làm trái, ông Dũng bị phạt 18 năm tù. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

dung11.jpg

Hội đồng xét xử tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Ảnh: Việt Dũng.

Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) bị phạt cùng mức án như ông Dũng về cả hai tội danh.

Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) bị kết án 10 năm tù về tội Tham ô, 9 năm tù do Cố ý làm trái; tổng hợp là 19 năm. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) chịu 22 năm tù.

Ở tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) bị phạt 4 năm tù; Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines) lĩnh 7 năm tù, Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) lĩnh 7 năm. Ba bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa, kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa), Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong) mỗi người 8 năm tù.

Vợ và người thân của cả 10 bị cáo khóc lớn giữa tòa sau khi các hình phạt được đọc xong.

HĐXX kiến nghị, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ sai phạm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Citibank; nếu có dấu hiệu hình sự phải khởi tố để xử lý. Tổng Cục Hải quan phải kiểm điểm trách nhiệm trong vụ án này.

Ông Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng. Bị cáo Chiều bồi thường hơn 39 tỷ đồng, Sơn 46 tỷ đồng, Khang 12 tỷ đồng, Loan 6 tỷ đồng, Dương 15 tỷ đồng. Đức, Triện, Lừng mỗi bị cáo 9 tỷ đồng.

Theo bản án sơ thẩm, Dương Chí Dũng được xác định là chủ mưu, ký quyết định phê duyệt đầu tư Nhà máy, chỉ đạo Phúc, Chiều mua ụ nổi gây thiệt hại 366 tỷ đồng, chỉ đạo tham ô 1,66 triệu USD, riêng bị cáo chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Mai Văn Phúc cầm đầu, chỉ đạo Chiều , Sơn lập khảo sát không đúng thực tế, ký hợp đồng thanh toán mua ụ nổi gây thiệt hại 366 tỷ đồng. Thông qua việc mua bán này, bị cáo đồng phạm tham ô 28 tỷ đồng, chiếm riêng 10 tỷ đồng.

Chiều ký các văn bản dự án, trình Phúc để mua ụ nổi, thành viên đoàn khảo sát, báo cáo không đúng thực tế, ký nháy thanh toán hợp đồng mua ụ nổi, gây thiệt hại 366 tỷ đồng, qua đó tham ô hơn 28 tỷ, được chia 340 triệu.

dung10.jpg

Dương Chí Dũng cùng đồng phạm nghe tuyên án.

Sơn tham gia khảo sát, ký nháy, để Chiều trình Phúc mua ụ nổi, gây thiệt hại 366 tỷ đồng, đồng phạm tham ô 28 tỷ, hưởng lợi hơn, 7,8 tỷ,

Mai Văn Khang, cùng Sơn ký nháy, báo cáo khảo sát ụ nổi không đúng, giúp Sơn mua ụ nổi gây thiệt hại 366 tỷ, vai trò thấp hơn.

Loan, không ký yêu cầu thanh toán nhưng chỉ đạo cấp dưới làm các thanh toán, giải ngân 900.000 USD. Bà Loan biết lãnh đạo sai nhưng không ý kiến, thể hiện ý thức bỏ mặc cho hậu quả thiệt hại 366 tỷ đồng, giúp sức thấp nhất.

Lê Văn Dương, lập biên bản theo đề nghị Chiều, Sơn không đúng thực tế, giúp Vinalines mua ụ nổi gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.

Huỳnh Hữu Đức, cho thực hiện làm thủ tục hải quan, tạo điều kiện cho Vinalines nhập khẩu ụ nổi vào Việt Nam, nên phải chịu trách nhiệm gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng

Lê Ngọc Triện, kiểm tra chi tiết, phát hiện ụ nổi quá tuổi, nhưng vẫn tính thuế để chuyển cho Lê Văn Lừng, ký xác nhận, nhập khẩu ụ nổi. Các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều là người lãnh đạo nhưng cố ý làm trái gây thiệt hại kinh tế lớn cho Nhà nước. Sơn không phải lãnh đạo Vinalines nhưng tiếp nhận ý chí của cấp trên, gây thiệt hại.

HĐXX nhận định, hành vi xâm phạm tài sản nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo bị áp dụng tình tiết tăng nặng. Riêng bị cáo Dũng còn bỏ trốn, thể hiện ý thức trốn tránh trách nhiệm, phải áp dụng tăng nặng. Tuy nhiên, khi xem xét bản án, HĐXX cũng xét tới các tình tiết giảm nhẹ như Dũng được tặng nhiều huân chương lao động, chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen về các hoạt động khác về sản xuất, có bố mẹ được tặng nhiều huân huy chương kháng chiến, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ

Phúc có nhiều thành tích, chiến sĩ thi đua cơ sở, có bố mẹ tặng thưởng huân huy chương kháng chiến. Chiều được tặng huân chương lao động hạng 3, chiến sĩ thi đua cơ sở… Sơn thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, có bố đẻ tặng huân huy chương kháng chiến. Khang, nhiều năm được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Loan được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT… Dương, có bố đẻ tặng huân chương kháng chiến. Đức nhiều năm được tặng thưởng giấy khen. Triện, được tặng thưởng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tham gia quân đội. Lừng, tham gia quân đội, có nhiều bằng khen, vợ mắc bệnh hiểm nghèo

dung9.jpg

Dương Chí Dũng nghe Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Việt Dũng.

Căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các bị cáo từng là đảng viên nhưng đã tha hoá biến chất, trong đó có 4 bị cáo tham ô tài sản.

Với các bị cáo làm trái, Dũng và Phúc có vai trò cao nhất, ngang nhau, có tình tiết tăng nặng. Nhưng cả hai cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt. Chiều có vai trò sau Dũng và Phúc. Dương không làm tròn trách nhiệm của đăng kiểm viên, quanh co chối tội. Đức, Lừng, Triện, nếu làm đúng thủ tục thì Vinalines không thể nhập khẩu ụ nổi và có vai trò ngang nhau.

Dũng và Phúc có vai trò ngang nhau trong việc tham ô, nhưng không thừa nhận hành vi nên không khắc phục hậu quả. Cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất trong khung hình phạt mới có sức răn đe.

Diễn biến vụ án

Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an  khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines.

Ngày 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines.

Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải. Tuy nhiên, ông Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.

Ngày 25/9/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội Tham ô tài sản với các ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều.

Việt Dũng

Cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi

Những ngày gần đây, phía thượng nguồn sông Bưởi, đoạn chảy qua xã Thạch Lâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) người dân địa phương vớt được hàng tấn cá chết nổi trắng mặt nước.

Theo người dân xã Thạch Lâm, hiện tượng cá chết bất thường bắt đầu xuất hiện vào đêm 7/12 và kéo dài suốt những ngày qua. Thấy cá chết, người dân ở thôn Biện, thôn Đồi và thôn Thống Nhất đã dùng thuyền đi vớt cá. Loại lớn được mang bán ngoài chợ, còn loại nhỏ, người dân đem nấu làm thức ăn cho gia súc.

“Những con cá lăng nặng 2 - 3 kg cứ ngấp ngoải ngoi lên mặt nước rồi chết chìm lơ lửng, người dân chỉ cần dùng tay không cũng có thể bắt được loài cá vốn rất khỏe và khó đánh bắt này. Không riêng cá lăng bị chết, cá leo, trạch làn, cá trắm… cũng chết nổi trắng cả một khúc sông”, ông Bùi Văn Quyết, thôn Biện kể.

Theo người dân địa phương, hiện tượng này chưa từng xảy ra ở đây. “Sáng hôm 8/12, dân làng ra bờ sông thì thấy cá chết nổi trắng bến sông, mắc đầy các lùm cây. Bà con hò nhau dùng thuyền nan đi vớt cá, nhiều người vớt được cả tạ cá”, ông Quyết nói thêm.

1-8298-1387119767.jpg

Cá lăng là đặc sản vùng núi phía Tây Thanh Hóa. Giống cá này có sức sống rất mạnh mẽ nhưng cũng bị chết nổi trên sông Bưởi khiến người dân lo ngại nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hoàng

Người dân địa phương cho biết, trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, nước trên sông Bưởi bỗng có màu đen kịt bất thường, bốc mùi hôi thối khó chịu. 

Ông Lê Huy Dương, Chủ tịch xã Thạch Lâm xác nhận, hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi những ngày qua là chính xác. “Rất kì lạ, nhiều con cá to 3 – 4 kg cũng bị chết, bà con bắt được đến mấy tấn đem bán”, ông Dương nói. Theo ông Dương, sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường, xã đã báo cáo UBND huyện phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường đến địa bàn kiểm tra, lấy mẫu nước nhằm xác định nguyên nhân.

Hiện dưới sông vẫn còn rất nhiều loài cá chết nổi trên mặt nước. Dọc theo triền sông, mùi thối và tanh nồng bốc lên nồng nặc.

3-1468-1387119767.jpg

Nước thải từ bể biogas của nhà máy được dẫn về hồ chứa chuẩn bị thải ra môi trường, nhưng vẫn có màu đen kịt, hôi thối. Ảnh: Lê Hoàng

Chủ tịch xã Thạch Lâm nhận định, hiện tượng cá chết hàng loạt trên thượng nguồn sông Bưởi có thể do nước thải từ nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Hòa Bình nằm cách xã Thạch Lâm chừng 7km. “Tôi cũng đến điểm xả thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình (đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) xuống sông Bưởi. Nếu cứ xả thế này thì hệ thống sinh vật, thủy sản ở dòng sông này sẽ bị tận diệt và sức khỏe người dân đang bị đe dọa”, ông Dương lo lắng.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Hải, phụ trách kỹ thuật nhà máy khẳng định, việc cá chết trên sông Bưởi không phải do nhà máy xả thải vì nước thải đều được đưa vào bể biogas (với dung tích 80 nghìn m3) để tái tạo quay trở lại phục vụ sản xuất. “Mỗi ngày, nhà máy chỉ thải khoảng 1.000m3 nước. Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm luật bảo vệ môi trường, nguồn nước được xử lý an toàn trước khi xả ra sông”, ông Hải nói.

4-8242-1387119300.jpg

Đây là cửa xả nước thải ra sông Bưởi từ nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình, nước ngầu đục và sủi bọt rất nặng mùi. Ảnh: Lê Hoàng

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình có 4 hồ chứa nước thải. Tuy nhiên, các hồ chứa này không có mái che, nước ở đây luôn có màu đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối. Hệ thống đường ống và máng dẫn nước thải được làm tạm bợ. Ngoài ra, có một dòng nước chảy từ bên trong nhà máy ra hồ chứa sau đó xả thẳng ra sông Bưởi. Điều này được ông Hải lý giải, “đây chỉ là nước rửa sắn không có ảnh hưởng gì đến môi trường”.

Sáng 16/12, trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên Môi trường Thanh Hóa), cho biết, đang yêu cầu UBND huyện Thạch Thạch báo cáo cụ thể về vụ việc đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình kiểm tra, rà soát tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất phía thượng nguồn sông Bưởi để làm rõ nguyên nhân.

"Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm nhưng hiện chưa thể đánh giá mức độ và nguyên nhân cụ thể vì phía đầu nguồn ngoài nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình và một số nhà máy sản xuất bột giấy...", ông Thái nói và cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết ở đầu nguồn con sông Bưởi.

Lê Hoàng

Du khách Hà Nội đổ lên Sapa ngắm tuyết 

Nghe tin Sapa có tuyết rơi 'đẹp như châu Âu', nhiều bạn trẻ và người dân đã mua vé tàu, ôtô từ Hà Nội lên Lào Cai ngay trong đêm 15 và ngày 16/12.

Hiện tượng tuyết bất ngờ rơi dày ở Sapa hôm 15/12 sau nhiều năm khu vực này chỉ có băng giá vào mùa đông đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Trên các diễn dàn du lịch, nhiều bạn trẻ đã lập nhóm rủ nhau lên Tây Bắc tận hưởng cơ hội "ngắm tuyết đẹp như châu Âu".

9-6145-1387122412-3120-1387174672.jpg

Giới trẻ hào hứng chụp ảnh giữa tuyết rơi. Ảnh: Văn Thắng

Tối 15/12, bốn chuyến tàu khách xuất phát từ Hà Nội đi Lào Cai đã kín chỗ, đa phần là giới trẻ. Theo ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội, lượng khách đặt mua vé tuyến Lào Cai từ chiều 15/12 và sáng nay tăng cao hơn ngày thường, song ngành đường sắt vẫn đủ đáp ứng nhu cầu mà chưa phải tăng toa.

Một số đại lý bán vé xe khách cũng cho biết, chiều 15/12 nhiều hành khách đã dồn dập hỏi vé lên Sapa. Hôm nay, nhiều hãng xe đã hết chỗ ngồi và chỗ nằm tầng 1, chỉ còn một vài chỗ tầng 2.

Giám đốc một hãng xe cho hay, cả 5 xe khởi hành từ Hà Nội đi Sapa tối 15/12 đều kín chỗ, với khoảng 300 hành khách. Hôm nay, lượng khách có thể tăng nên hãng đã chuẩn bị 2-3 xe dự phòng. Giá vé Hà Nội - Sapa vẫn được cam kết giữ nguyên để đảm bảo quyền lợi cho du khách.

Dọc tuyến đường về Sapa, những hàng dài xe chở khách và có thể tiếp tục tăng vì theo dự báo thời tiết tuyết sẽ tiếp tục rơi nhiều và dài ngày.

Ông Lê Mạnh Hảo, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Sapa, cho biết mỗi ngày có khoảng 3.000-4.000 khách ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đổ về Sapa, tăng cao so với ngày thường. Tuy nhiên, các nhà nghỉ, khách sạn, hàng quán tại đây vẫn đáp ứng được nhu cầu. Cơ quan chức năng vẫn tăng cường kiểm tra để ngăn chặn tình trạng tăng giá phòng, ăn uống.

 

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch UBND huyện Sapa, khoảng 9h sáng nay, lực lượng chức năng cùng cảnh sát giao thông địa phương đã cấm một số ôtô lên đèo Ô Quý Hồ, chỉ cho phép xe máy qua lại. Huyện cũng huy động nhiều máy xúc để dọn dẹp tuyết.

"Do tuyết dày, đường trơn trượt sẽ gây nguy hiểm, nên lực lượng chức năng đã tới khu vực đèo Ô Quý Hồ phân luông, xử lý ách tắc, tạm thời cấm xe tải, ôtô chở 26 đến 34 người trở lên. Riêng xe máy có thể đi nhưng chúng tôi khuyến cáo cần đề phòng ở mức cao nhất, đề phòng trơn trượt", ông Hinh nói và cho biết thêm, dự kiến chiều tối nay các phương tiện có thể lưu thông bình thường trên đèo.

Một số công ty lữ hành cũng nhanh chóng mở tour Sapa ngắm tuyết. Tour ngắm tuyết 2 ngày 3 đêm được một công ty lữ hành đưa ra mức giá hơn 3 triệu đồng.

Sáng 16/12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng kết hợp với rãnh gió tây trên cao gây mưa cho các tỉnh miền Bắc. Nhiệt độ thấp nhất đo được tại trạm Sapa (Lào Cai) chỉ 0,7 độ; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 2,4 độ C; Sìn Hồ 3,3 độ C; Cao Bằng 8,5 độ C; Mù Cang Chải 6,1 độ C; thành phố Lạng Sơn 8,5 độ C; Sơn La 8,6 độ C.

Nhiệt độ xuống thấp khiến một số huyện miền núi xuất hiện hiện tương băng tuyết, mưa tuyết phủ trắng đường như Sapa, xã Ý Tý (Bát Xát), Tả Ngải Chồ, Cao Sơn (Mường Khương). Mưa tuyết còn xuất hiện ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) tại các huyện Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là đợt mưa tuyết đầu tiên xuất hiện ở các khu vực này trong mùa đông năm nay.

Đoàn Loan - Hương Thu

Theo Vnexpress