Ngoại trưởng Mỹ đến thành phố Hồ Chí Minh
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay bắt đầu chuyến công du tại Việt Nam với điểm đến đầu tiên là thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông dự kiến có bài phát biểu về sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Kerry có trong chuyến công du kéo dài 4 ngày tại Việt Nam. Theo kế hoạch, ông sẽ dự một lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Đức Bà, gặp mặt cán bộ, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, và chứng kiến lễ ký kết giữa công ty General Electric (GE) của Mỹ và một công ty Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: ABC |
Tại đây, ông Kerry sẽ "nhấn mạnh sự phát triển của quan hệ thương mại song phương và vai trò trao sức mạnh của giáo dục", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trước chuyến thăm.
Sau thành phố Hồ Chí Minh, ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Cà Mau để nói chuyện về biến đổi khí hậu. Tại Hà Nội, vào ngày 16/12, ông sẽ hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dù đã từng đến Việt Nam với tư cách thượng nghị sĩ, đây là lần đầu tiên ông Kerry tới trên cương vị ngoại trưởng Mỹ kể từ ông khi nhậm chức hồi tháng hai. Ông từng làm lính hải quân trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1968-1969, chỉ huy tàu tuần tra sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hồi hương, Kerry trở thành người phản chiến quyết liệt.
Sau Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Philippines, thăm Tacloban, thành phố chịu thiệt hại nặng do siêu bão Haiyan vừa qua.
Đây là chuyến công du châu Á lần thứ 4 của Ngoại trưởng Kerry. "Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt, và chuyến thăm của ngoại trưởng tới Việt Nam và Philippines thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực", bà Psaki tuyên bố.
Trọng Giáp
Phản ứng của Trung, Mỹ về vụ xử tử ở Triều Tiên
Trung Quốc tuyên bố vụ xử tử ông Jang Song-thaek là công việc nội bộ của Triều Tiên, trong khi Mỹ mô tả vụ này là tàn bạo và lo ngại tình hình bất ổn gia tăng sau cuộc thanh trừng bất ngờ.
Hong Lei, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: mofa.cn |
Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua khẳng định việc hành quyết Jang Song-thaek là "chuyện nội bộ" của Triều Tiên. Với tư cách là quốc gia láng giềng, Trung Quốc luôn hy vọng tình hình ở Triều Tiên ngày một ổn định, người dân Triều Tiên được sống cuộc đời yên ổn, hạnh phúc, ông nói.
Ông Hồng cho biết Trung Quốc và Hàn Quốc có mối quan hệ kinh tế thân thiết và chia sẻ nhiều lợi ích chung. Trung Quốc mong rằng các diễn biến mới đây không phương hại đến việc giao lưu buôn bán, hợp tác làm ăn song phương sẽ ngày một phát triển trong tương lai.
Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên có dấu hiệu không êm đẹp kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất hồi tháng hai. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn là đồng minh số một của Bình Nhưỡng. Mối quan hệ thương mại giữa hai nước hết sức quan trọng đối với chính phủ Triều Tiên bởi đây vừa là bạn hàng vừa là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Trung Quốc cũng có cam kết viện trợ dài hạn cho quốc gia láng giềng.
Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Theafghanistanexpress.net |
Sau khi tin về vụ xử tử ông Jang được loan báo, Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tránh những hành động khiêu khích. Theo Mỹ, quyết định của chính phủ Triều Tiên đã làm dấy lên nhiều lo ngại của các nước đối với tình hình bất ổn tại quốc gia có chương trình hạt nhân gây tranh cãi này.
BBC dẫn lời Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết bà không phỏng đoán gì về tình hình sắp tới ở Triều Tiên. Tuy nhiên, việc xử tử người chú của Kim Jong-un là "hành động tàn bạo đến kinh ngạc", và nó "làm nổi rõ vấn đề nhân quyền nhức nhối ở Triều Tiên".
"Bình Nhưỡng có thể chọn lựa giữa việc tiếp tục bị thế giới cô lập và để người dân sống trong cảnh bần cùng, hoặc thực hiện tốt các cam kết để được thế giới đón nhận", Harf nói.
Việc xử tử Jang Song-thaek, người đàn ông quyền lực thứ hai ở Triều Tiên, được dư luận thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, hết sức quan tâm. Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó đã cho thấy sự lo ngại sẽ theo dõi sát sao các biến động ở Triều Tiên nếu có.
Trần Trang
Con đường đến án tử hình của Jang Song-thaek
Chỉ hai năm sau khi leo lên đỉnh cao quyền lực với nhiệm vụ phò tá người cháu Kim Jong-un, sự nghiệp chính trị tưởng không thể lung lay của Jang Song-thaek bất ngờ sụp đổ và kết thúc bằng cái chết bi thảm.
Sự nghiệp của ông Jang lên như diều gặp gió từ ngày kết hôn với bà Kim Kyong-hui, là con gái của nhà lập quốc Kim Il-sung và em gái của cố chủ tịch Kim Jong-il. Ông được giao nắm giữ nhiều chức vụ cấp cao, trong đó có chức phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, cơ quan quyền lực nhất Triều Tiên, năm 2010. Trong ảnh, ông Jang (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến thị sát với cố chủ tịch Kim Jong-il (ngoài cùng bên trái) năm 2009. Ảnh: AFP |
Sau khi ông Kim Jong-il qua đời năm 2011 và Kim Jong-un lên nắm quyền Triều Tiên thay cha, ông Jang trở thành "cánh tay phải" hỗ trợ đắc lực cho người cháu trẻ tuổi. |
Ông Jang, lúc đó là Bộ trưởng Hành chính của đảng Lao động Triều Tiên, bắt tay chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 17/8/2012. Ảnh: China Daily |
Hôm 9/12, sau những thông tin mập mờ từ phía tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên lên tiếng xác nhận ông Jang đã bị cách chức và khai trừ đảng vì "phản đảng, phản cách mạng, tham nhũng, đồi trụy, sử dụng ma túy, có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và tham gia đánh bạc tại nước ngoài". |
Ngay sau đó, truyền hình quốc gia Triều Tiên công bố hình ảnh hai cảnh vệ mặc đồng phục áp giải ông Jang ngay giữa phiên họp mở rộng của Bộ chính trị đảng Lao động. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng công bố hình ảnh bắt giữ một quan chức cấp cao kể từ những năm 1970. Ảnh: Yonhap |
Hình ảnh của ông cũng bị xóa bỏ trong các bài báo và phim tài liệu liên quan. Ảnh: AFP |
Bộ phim "The Great Comrade" (Người đồng chí vĩ đại), bộ phim tài liệu nói về Kim Jong-un, được phát lại trên kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên KCTV hôm 7/12 với phần hình ảnh đã được biên tập không còn ông Jang. Ảnh: Yonhap |
Hôm qua, Triều Tiên xác nhận ông Jang đã bị xử tử, vì vi phạm "tội ác ghê tởm khi có âm mưu lật đổ chính phủ bằng nhiều mưu đồ và biện pháp đê hèn, với tham vọng điên cuồng là thâu tóm quyền lực tối cao của đảng và nhà nước". Ảnh: Xinhua |
Ông bị xử tử hình ngay sau một phiên tòa quân sự đặc biệt ngày 12/12, trong đó Jang "thừa nhận đã cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính bằng cách tập hợp các cộng sự trong lực lượng quân đội", hãng thôn tấn chính thức của Triều Tiên cho hay. Ảnh: EPA |
Các chuyên gia phân tích, sau cái chết của ông Jang, một cuộc thanh trừng rộng rãi có thể sẽ được tiến hành đối với những người có liên quan đến ông, đặc biệt là những thành viên trong Bộ Hành chính, cơ quan mà ông Jang đứng đầu. Dư luận quốc tế cũng lo ngại nguy cơ Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân sau động thái trên để chuyển hướng sự chú ý ra ngoài nước. Ảnh: AFP |
Anh Ngọc
Theo Vnexpress