Tu sĩ Phật giáo Campuchia công khai ủng hộ nhân quyền
Phu Hong, với dáng vẻ cô đơn, chăm chú nhìn chỗ đất đầy bụi tại ngôi chùa Phnom Penh nơi hàng chục nhà sư vừa rời khỏi.
“Tôi thật sự cũng muốn tham gia, nhưng tôi sợ trụ trì”, nhà sư vừa nói vừa quét dọn rác do những người biểu tình dựng trại ăn trưa và nghỉ ngơi tại chùa hôm thứ Hai xả ra.
Nhà sư 32 tuổi này đi tu gần nửa đời mình, nhưng mãi đến gần đây Hong, cũng như nhiều tu sĩ bạn trên cả nước, mới tham gia chính trị nhiều.
Thậm chí cách đây một năm, người ta hiếm thấy các nhà sư có mặt trong các cuộc biểu tình phản đối hay đình công. Tuy nhiên, giữa cảnh lộn xộn sau bầu cử, giới giáo sĩ này đã trở thành một lực lượng hùng mạnh. Bất chấp mệnh lệnh của bề trên, các nhà sư đã đương đầu với cảnh giam cầm và bạo lực khi kịch liệt công kích quang cảnh nhân quyền u ám của đất nước này.
Mặc dù Hong và những người khác tại chùa có thể nghe theo yêu cầu của vị trụ trì không tham gia các cuộc biểu tình, nhưng nhiều người đã bất chấp.
Hôm sáng thứ Ba, khoảng 300 thầy tu như thế đã tiến vào Phnom Penh cùng với hàng ngàn người ủng hộ. Nhóm người này từ biên giới diễu hành 10 ngày trên 5 quốc lộ, một số đi hơn 1.000 km để đến Phnom Penh.
“Chủ đề của cuộc diễu hành này là hòa bình và công lý. Dọc đường chúng tôi thấy rõ ràng là Campuchia không có hòa bình và công lý”, hòa thượng But Buntenh dùng loa nói với người biểu tình tụ tập trước quốc hội kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế.
Buntenh, một người trực tính dùng sự hiểu biết và tài hùng biện trên các phương tiện truyền thông xã hội lôi kéo hàng ngàn người ủng hộ trên cả nước, tin rằng đã đến lúc các nhà sư ra mặt.
“Hiện nay tại Campuchia sự kiện hai chính đảng đang bị bế tắc chính trị cần các nhà sư đứng ra can thiệp. Tôn giáo là thành phần trung lập duy nhất có thể giải quyết vấn đề này”, ông nói với các phóng viên sau khi đám đông giải tán. “Chúng tôi làm việc cho đất nước”.
“Những người nói nhà sư không nên tham gia các sự kiện chính trị, là không hiểu nguyên tắc đích thực trong giáo huấn của Đức Phật”.
Quan điểm đó đã khiến ông xung đột với chính quyền và các chức sắc cấp cao. Các chức sắc cấp cao, được mọi người biết có quan hệ với đảng cầm quyền, đã bỏ công ra lệnh cho các nhà sư không được tham gia các cuộc biểu tình. Các trụ trì dọa sẽ cho các nhà sư hồi tục nếu họ tham gia các cuộc tập trung phản đối. Và khi Buntenh nhóm họp với các thành viên trong Mạng lưới Nhà sư Độc lập của ông, cảnh sát đã để ý tới, nhưng những người tham dự vẫn ủng hộ.
Công chúng ủng hộ các nhà sư trong quốc gia đa số Phật giáo này cho thấy vai trò lên tiếng nói được nhiều người ủng hộ hơn.
“Tôi ấn tượng về việc họ tổ chức cuộc diễu hành này”, Hem Sopheap, một quả phụ 57 tuổi đứng xem đoàn người diễu hành bên ngoài ngôi nhà bà ở chung với hai người con đã lớn.
“Tôi muốn họ lên tiếng cho người nghèo. Chính quyền địa phương luôn cố tình gây áp lực và bóc lột chúng tôi, vì thế có tiếng nói là tốt”.
Hàng chục ngàn người xuống đường trong 10 ngày qua, dâng cúng cho các nhà sư và nhận sự chúc lành. Khi một đoàn hộ tống từ từ đi xuống Quốc lộ 5 hôm 10-12, các nhà sư lái xe ba bánh có gắn loa phát thanh khuyến khích công dân sử dụng quyền của họ.
“Bà con có quyền nói về bất cứ điều gì, quyền đi đến bất cứ nơi nào”, họ hô vang trước những người đứng xem ở mọi lứa tuổi và tầng lớp.
“Tôi không những ủng hộ mục đích của họ, tôi còn hỗ trợ vật chất cho họ như quyên góp lương thực và nước uống”, Hok Chhay nói. Đứng gần cửa hiệu bán vật liệu xây dựng của mình, Chhay và những người hàng xóm tập trung lắng nghe các nhà sư thuyết trình về nhân quyền.
“Thông thường thì nhà sư là người hỗ trợ hay giúp đỡ người dân. Khi thấy nhân quyền bị vi phạm hay người dân bị áp bức, họ cũng không vui. Họ phải đứng ra để giúp”, Chhum Sokha, người bán đá dạo, nói.
“Nếu đó là một cuộc biểu tình hòa bình thì tốt”, Chhay nói.
Trong cuộc biểu tình hôm thứ Ba, các nhà sư đọc lớn một danh sách các vụ vi phạm nhân quyền mà người dân Campuchia kể lại với họ trên đường đi. Đây là một cuộc biểu tình hòa bình nhưng các vụ khác thì không được như thế.
Tháng trước, cuộc đình công tại nhà máy may mặc biến thành bạo lực, khiến một người ngoài cuộc bị thiệt mạng. Hơn chục nhà sư bị bắt trong cuộc hỗn chiến đó, theo nhóm nhân quyền Licadho. Nhóm này đã đăng các hình ảnh chụp cảnh sát đá một nhà sư không có vũ trang đang đứng ôm đầu. Trước đây, các nhà sư trực tính từng bị cho hồi tục, bị bắt giam và thậm chí có trường hợp còn bị bắn chết trong những tình huống khó hiểu. Năm 1998, lần gần đây nhất người ta thấy các nhà sư có mặt trong các cuộc biểu tình, hàng chục người bị bắn trong khi dẫn đầu cuộc diễu hành vì hòa bình.
Những người tham gia cuộc diễu hành trong tuần này không còn bị những hình ảnh như thế ám ảnh.
“Có lúc tôi nghĩ như thế, nhưng tôi phải tham gia”, Kosal Son, nhà sư 20 tuổi tham gia hầu hết các cuộc biểu tình lớn được tổ chức trong sáu tháng qua, nói.
“Cảnh sát cầm tấm chắn bảo vệ và roi điện. Nếu chỉ có tôi và các bạn tôi thì tôi e sợ, nhưng hiện nay có nhiều tu sĩ và người dân, vì thế chúng tôi vững chắc và mạnh hơn”.
UCANews