Tin Thế Giới Tổng Hợp

"Hiếm khi nào một người mới xuất hiện trên vũ đài thế giới có khả năng thu hút được sự chú ý từ người già lẫn người trẻ, người sùng đạo lẫn người ngoại đạo, như Giáo hoàng Francis", bà Nacy Gibbs, thư ký tòa soạn của Time giải thích...

Giáo hoàng Francis là nhân vật của năm

Tạp chí Time vừa bình chọn Giáo hoàng Francis là nhân vật của năm với lời ca ngợi rằng chỉ trong 9 tháng đứng đầu giáo hội Công giáo, ông đem đến tiếng nói nhận thức mới. 

 

giao-hoang-4833-1386774379.png

Giáo hoàng Francis trên trang bìa tạp chí Time. Ảnh: Time

Theo Telegraph, Giáo hoàng Francis đánh bại các lãnh đạo thế giới và người làm rò rỉ bí mật động trời, Edward Snowden, để giảnh giải Nhân vật của Năm do tờ tạp chí danh tiếng bình chọn. Dù mới chỉ đảm nhiệm vai trò trong năm đầu tiên, cựu hồng y người Argentina đã được ban biên tập của tạp chí chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013. 

"Hiếm khi nào một người mới xuất hiện trên vũ đài thế giới có khả năng thu hút được sự chú ý từ người già lẫn người trẻ, người sùng đạo lẫn người ngoại đạo, như Giáo hoàng Francis", bà Nacy Gibbs, thư ký tòa soạn của Time giải thích. 

Giáo hoàng Francis năm nay 76 tuổi, có tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh tại Bunenos Aires, Argentina. Ông được tấn phong làm tổng giám mục Argentina năm 1998, trở thành hồng y năm 2001 và đắc cử chức giáo hoàng trong cuộc mật nghị tại Vatican ngày 13/3, thay cho Giáo hoàng Benedict XVI. Giáo hoàng Francis nổi tiếng vì sự khiêm nhường và cam kết vì người nghèo từ rất lâu trước khi trở thành lãnh đạo giáo hội Công giáo. 

Đầu tuần này, tạp chí Time thu hẹp danh sách chung kết gồm 5 người, trong đó có Tổng thống Syria Bashar Assad, thượng nghị sĩ bang Texas, Mỹ, Ted Cruz và nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính Edith Windsor. 

Người về nhì trong danh sách Nhân vật của Năm là Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), người tiết lộ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ, hiện tị nạn ở Nga. 

Tạp chí Time bình chọn "Nhân vật của Năm" lần đầu năm 1927. Các biên tập viên tạp chí lựa chọn người họ cho là ảnh hưởng nhiều nhất đến tin tức trong năm nay, bất kể xấu hay tốt. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama được Time bình chọn là Nhân vật của năm.

Trọng Giáp

Phiên dịch trong lễ tưởng niệm Mandela bị tố lừa đảo

Một thông dịch viên cho người khiếm thính tại lễ tưởng niệm cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hôm qua bị cáo buộc là giả mạo, khi liên tục lặp lại những động tác khua tay vô nghĩa.  

phien-dich-3427-1386815227.jpg

Phiên dịch viên bị tố giả mạo (phải) cũng dịch cả bài phát biểu của Tổng thống Obama. Ảnh: Telegraph

Với sự góp mặt của gần100 nguyên thủ và cựu nguyên thủ, những bài phát tại lễ tưởng niệm Mandela ở sân vận động FNB hôm 10/12 cũng được dịch sang ngôn ngữ ký hiệu để thuận tiện cho các khán giả khiếm thính.

Tuy nhiên, những ký hiệu của người phiên dịch trên sân khấu nọ hoàn toàn mâu thuẫn với các cử chỉ của phiên dịch viên được kênh truyền hình SABC chèn vào một góc màn hình suốt chương trình.

"Anh ta hoàn toàn là giả mạo", Cara Loening, giám đốc trung tâm Giáo dục và Phát triển Ngôn ngữ Ký hiệu ở Cape Town nói. "Anh ta thậm chí chẳng làm gì cả, không có ký hiệu nào ở đó cả. Không gì hết. Anh ta hoàn toàn là chỉ khua tay quanh người".

Loening mô tả phiên dịch viên da màu, người cũng phụ trách dịch cả bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cháu của Mandela, "trông như đang cố gắng đuổi mấy con ruồi khỏi mặt và đầu của mình".

VideoPhiên dịch viên bị tố giả mạo trên sân khấu

"Cộng đồng người khiếm thính ở Nam Phi thực sự phẫn nộ và không ai biết anh ta là ai", Loening nói thêm. "Chúng tôi không tìm thấy tên hay bất cứ thứ gì liên quan đến anh ta. Các tổ chức có phiên dịch viên được cấp bằng cũng không hề biết anh ta là ai".

Viện Phiên dịch viên Nam Phi cho hay, thực tế, họ đã để ý về phiên dịch trên, người từng tham gia tại các sự kiện của đảng cầm quyền ANC, trong đó có dịp kỷ niệm 100 năm thành lập hồi năm ngoái.

"Chúng tôi nghi ngờ có điều gì đó khuất tuất về anh ta", chủ tịch viện Johan Blaauw nói. "Làm sao anh ta lại được làm việc trong một sự kiện quan trọng như thế khi anh ta dường như không biết mình đang làm gì? Tôi e ngại rằng sự cố lần này đã làm ê mặt toàn bộ Nam Phi".

Ông cho hay đã có những khiếu nại về ngôn ngữ ký hiệu của người này tại những sự kiện ANC trước đây, nhưng đảng cầm quyền không phản ứng gì.

Delphin Hlungwane, phát ngôn viên Liên đoàn Người khiếm thính Nam Phi, cũng nhận xét rằng phiên dịch trên "chỉ đang khua tay trong không khí".

"Anh ta chẳng dịch gì cả, không có một phần trăm nào chính xác", bà nói. "Công chúng quốc tế cũng đang xem chương trình đó và không hiểu anh ta làm gì".

Loening cho biết tổ chức của bà đã nhận được rất nhiều email từ khắp thế giới "thắc mắc người đàn ông trên đang làm gì ở đó".

"Thật sự xấu hổ. Đó hoàn toàn là sự thiếu tôn trọng với cộng đồng người khiếm thính, cho những gì mà Nelson Mandela đấu tranh và cho sự ủng hộ của ông đối với người khiếm thính", bà nói.

Chính phủ Nam Phi cho hay họ đã tiến hành một cuộc điều tra sau những cáo buộc trên và kết quả sẽ được công bố với người dân.

Bộ trưởng thuộc phủ Tổng thống Nam Phi Collins Chabane cho biết trong một cuộc họp rằng, chính phủ "đang xem xét vụ việc này" nhưng không thể đưa ra kết luận điều tra ngay ngày hôm qua, do còn nhiều vấn đề cấp bách cần chuẩn bị trước tang lễ của Mandela vào cuối tuần này.

Trong khi đó, Nhà Trắng chuyển tất cả các câu hỏi về sự cố trên cho phía chính phủ Nam Phi, và cho hay họ lấy làm tiếc nếu sự cố này gây ảnh hưởng đến "bài phát biểu hùng hồn" của Obama tại buổi lễ.

Anh Ngọc (Video: World News)

Lãnh đạo quân đội Thái từ chối gặp thủ lĩnh biểu tình

Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha tối qua từ chối gặp thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, nhằm tránh gây hiểu nhầm rằng quân đội ủng hộ phe chống chính phủ.

Prayuth-Chan-ocha-8852-1386836263.gif

Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AP

"Thời điểm này quân đội đang đứng giữa hai phe đối lập. Nếu như chúng tôi không làm rõ lập trường trung lập của mình, thì sẽ rất nguy hiểm", Bangkok Post dẫn lời phát biểu của Tướng Prayuth. "Chúng ta phải kiên nhẫn, giữ bình tĩnh và làm mọi việc một cách cẩn trọng. Quyết định là do tất cả các chỉ huy quân đội cùng đưa ra".

Tổng Tư lệnh quân đội Prayuth từng đề xuất dàn xếp cuộc đàm phán giữa chính phủ và người biểu tình, nhưng nhấn mạnh hai bên trước hết cần kết thúc đối đầu.

Ông Suthep hôm qua yêu cầu được gặp các lãnh đạo quân đội và cảnh sát quốc gia, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ với chủ trương phế bỏ cơ chế bầu cử dân chủ và thành lập "Hội đồng Nhân dân". 

"Nhiều quan chức có lẽ chưa hiểu mục đích là cải cách đất nước, bởi họ chưa có cơ hội gặp chúng tôi. Vì vậy, cuộc hội đàm với lãnh đạo giới an ninh và quân sự là cần thiết để họ hiểu phương pháp tiếp cận vấn đề của chúng ta và đưa ra quyết định", ông Suthep hôm qua phát biểu trước hơn 1.000 người biểu tình tại Bangkok.

Suthep cũng cho biết, ông sẽ gặp mặt lãnh đạo các tập đoàn lớn, cũng như các nhân sĩ nổi tiếng trong nước như cựu thủ tướng Anand Panyarachun và học giả Prawase Wasi, để trưng cầu ý kiến về đường hướng cải cách chính trị.

Trong cuộc họp báo hôm qua với các phóng viên nước ngoài, Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho rằng quân đội sẽ không tiến hành một cuộc đảo chính như 7 năm về trước. Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck, bị phế truất trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2006, khi Thái Lan cũng ở trong tình trạng bất ổn chính trị và bạo lực đường phố.

Bà Yingluck hôm 9/12 tuyên bố giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử sớm, như một nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Thời gian bầu cử được ấn định vào ngày 2/2/2014 và bà Yingluck vẫn đảm nhiệm vai trò thủ tướng cho đến thời điểm trên.

Tuy nhiên, quyết định trên của bà Yingluck cũng không thể xoa dịu lãnh đạo biểu tình Suthep, bởi theo ông này, cơ chế bầu cử dân chủ hiện nay không thể tránh khỏi khả năng một chính phủ thân Thaksin được bầu lên cầm quyền.

Đức Dương

Theo Vnexpress