Tin Trong Nước

Các chuyên gia cũng đặt giả thiết bệnh nhân bị ngộ độc super warfarin - một chất có thời gian tác dụng kéo dài, sức mạnh gấp nhiều lần warfarin. Warfarin là thuốc kháng đông dùng cho các bệnh nhân tim mạch, những người có nguy cơ huyết khối cao...

Xác định chất độc gây chảy máu không cầm

Kết quả xét nghiệm mẫu máu của 2 bệnh nhân chảy máu không cầm tìm thấy warfarin - chất chống đông máu kháng vitamin K. Nhiều loại thuốc chuột trên thị trường có thành phần này.

 

Ngày 11/12, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xét nghiệm do Viện Hàn Lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện. Như vậy, có thể khẳng định bệnh nhân chảy máu không cầm là do ngộ độc warfarin, còn từ nguồn ô nhiễm nào (thức ăn, nước uống, đất…) thì chưa xác định được. Độc tố có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường.

hieu1-4365-1386755608.jpg

Ông Nguyễn Văn Hiệu, 51 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang bị xuất huyết tiêu hóa. Ảnh: Nam Phương. 

“Chúng tôi nghĩ nguy cơ cao nhất là từ nguồn nước uống. Thực tế ở khu vực Tân Yên, Bắc Giang nơi có 9 bệnh nhân, một số gia đình có sử dụng bả chuột. Rất nhiều loại thuốc chuột trên thị trường có thành phần warfarin. Vì thế, không loại trừ khả năng chuột chết do ăn phải bả gây nhiễm độc nguồn nước. Chúng tôi đang chờ tiếp kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất”, thạc sĩ Mai nói.

Các chuyên gia cũng đặt giả thiết bệnh nhân bị ngộ độc super warfarin - một chất có thời gian tác dụng kéo dài, sức mạnh gấp nhiều lần warfarin. Warfarin là thuốc kháng đông dùng cho các bệnh nhân tim mạch, những người có nguy cơ huyết khối cao. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc loại thuốc này thì chỉ sau vài ba ngày là chất độc bị thải trừ hết. Trong khi các bệnh nhân nhập viện vừa qua có biểu hiện lặp đi lặp lại, liều điều trị cũng cao hơn liều thông thường được khuyến cáo. Điều đó đồng nghĩa chỉ đến khi độc chất được thải trừ hết thì bệnh nhân mới có thể dừng điều trị.

Thạc sĩ Mai khuyến cáo, để không có người nhiễm mới thì cần loại trừ được tác nhân gây bệnh. Khi chưa xác định được thì người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng bệnh; đồng thời sử dụng các loại thuốc diệt chuột đúng cách. Những người đã mắc bệnh thì cần tuân thủ điều trị để ngăn ngừa biến chứng. 

Từ tháng 11/2012 đến nay Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận khoảng 20 trường hợp có biểu hiện chảy máu bất thường như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng lâu không cầm. Bệnh nhận rải rác từ nhiều nơi: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên... Đáng chú ý có 9 người cùng đến từ thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang; trẻ 13 tháng tuổi đang ăn dặm cũng mắc. 

Nam Phương

Khai quật mộ cổ 300 năm ở Hà Nội

Mấy ngày nay, người dân thôn Phú Mỹ (Ngọc Mỹ, Quốc Oai) bàn tán xôn xao về ngôi mộ có niên đại khoảng 300 năm, bên trong có quan tài chứa thi thể người phụ nữ còn khá nguyên vẹn, thể hiện kỹ thuật mai táng công phu của người xưa.

mo4-8580-1386818774.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cùng đồng nghiệp xem xét thi thể. Ảnh do tiến sĩ Cường cung cấp.

Ngôi mộ trên được cho là của dòng họ Doãn. "10h đêm ngày 10/12, chúng tôi đã mang thi thể cụ đi mai táng ở gò Đìa Đanh trước sự chứng kiến của chính quyền và bà con. Họ Doãn dự định sẽ xây dựng cho cụ một khu mộ mới và khang trang", ông Doãn Mạnh Hà, hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Doãn cho biết.

Chiều 7/12, trong lúc thi công xúc đất hạ đường để làm giao thông thủy lợi nội đồng trên cánh đồng Chằm, thì bất ngờ chiếc máy xúc đụng phải ngôi mộ mất nấm và để lộ ra chiếc quan tài. 

Theo yêu cầu của địa phương, Bảo tàng Hà Nội cùng PGS, TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký hội khảo cổ học Việt Nam đã tới tìm hiểu sự việc. Sau khi làm thủ tục tâm linh, 15h15 chiều 10/12, ông Cường cùng đồng nghiệp đã mở nắp quan tài cổ trong sự chứng kiến của khoảng ba đến bốn nghìn người địa phương. 

Thi thể bên trong quan tài khá nguyên vẹn, hai ngón chân được buộc vào nhau và lồng trong tất làm bằng vải thô. Phần quách của quan tài, bị vỡ gần hết do tác động của máy xúc, có màu cà-phê sữa và rất mịn. "Các quách khác thường còn rõ hạt gạo rang hay vôi vữa xung quanh còn thô, nhưng cái này rất mịn và rắn chắc", ông Cường nói.

mo1-4490-1386818774.jpg

Thi thể còn nguyên tóc và là một khối nguyên vẹn. Ảnh do tiến sĩ Cường cung cấp.

Lật nắp, nhóm khoa học thấy lớp ván trên nối với phần thân của quan tài bằng chốt gỗ chắc chắn, bên dưới còn lớp ván mỏng. Mở lớp ván mỏng thì thấy xác được bọc bằng ba chiếc chăn vải gai và buộc nút trên bụng. "Vì máy xúc tác động mạnh nên nước bên trong đã chảy ra ngoài, tấm vải bị ướt và dễ rách. Chúng tôi đã mang về bảo tàng để phơi khô và nghiên cứu mẫu nước", ông Cường cho biết.

Chuyên gia khảo cổ nhận định, thi thể là của người phụ nữ cao khoảng 1m65, được mặc khoảng 10 cái áo và một chiếc quần, tóc dài, răng nhuộm đen, trong miệng ngậm đồng tiền rỉ nên các chuyên gia không nhìn thấy chữ viết trên đồng tiền.

Trong quan tài, người xưa chèn thêm mấy chục cuộn giấy bản; hai bên thái dương là hai gối vải, bên trong có bông. Một gối vải khác dài 60 cm, đường kính 10 cm đặt ở giữa hai chân thi thể.

"Theo chúng tôi, kỹ thuật mai táng đó chỉ có ở thời Hậu Lê, không thể ở đời Lý hay Trần, với niên đại cách đây khoảng 300 năm. Trong miền nam có thể kéo dài muộn hơn tức là thời Nguyễn vẫn còn hình thức mai táng này", ông Cường nói. 

Có điểm chú ý khác, theo ông Cường là các mộ thường có hiện vật, nhưng ngôi mộ ở Quốc Oai thì không. "Loại hình mai táng này thường là của người theo đạo Phật, hoặc người giàu có, hay vua chúa, chứ dân nghèo không thể mai táng như thế", ông Cường nhấn mạnh.

Trước khi ngôi mộ được cho là thuộc dòng họ Doãn, có rất nhiều người ở nơi khác cũng đến nhận, trong đó có dòng họ Đặng Trần, Nguyễn Lương... Tuy nhiên các dòng họ này không có căn cứ vì vậy đã tự rút lui.

Ông Hà tìm trong gia phả có ghi chép và chứng minh ngôi mộ là của dòng họ Doãn. Ảnh: Hương Thu.

Ông Hà tìm trong gia phả có ghi chép và chứng minh ngôi mộ là của dòng họ Doãn. Ảnh: Hương Thu.

Theo ông Mạnh Hà, dòng họ Doãn có đầy đủ ghi chép trong gia phả. Nhiều người cao tuổi trong làng cũng nói rõ, khu ruộng có ngôi mộ ngày xưa là của dòng họ. "Ngoài ra, các cụ cao tuổi vẫn nhớ khu mồ mả của dòng họ ở khu vực đó", ông Hà nói thêm. Mặt khác, kết luận của các nhà khoa học về niên đại ngôi mộ cũng tương ứng với thời gian mất của cụ bà.

Theo gia phả, cụ bà có tên là Nguyễn Thị Rạ, thuộc đời thứ 4, hiệu là Kiệu Kiên, được phong là tiết phụ. Chồng bà là người thuộc dòng họ Doãn có tên tự Đặng Khoa, hiệu là Thái Hoa, thọ 31 tuổi và giỗ ngày 3/8.

Về cụ bà, gia phả có viết: "Năm tuổi trẻ (28 tuổi) gặp lúc khốn ách (chồng bị người mưu hại), người thân thuộc không có ai, các con bé dại. Bà hết sức sửa sang việc gia đình, thờ chồng nuôi con. Con cả cho đi học, con thứ cho đi cày, con nào cũng đều làm nên cả. Thọ được 70 tuổi, giỗ cụ về ngày 9 tháng 12".

mo8-2781-1386818775.jpg

Gia phả dòng họ Doãn có ghi chép đầy đủ về cụ bà Nguyễn Thị Rạ. Ảnh: Hương Thu.

Về vấn đề xác định thi thể cụ bà là của dòng họ nào, theo tiến sĩ Nguyễn Lân Cường không khó, chỉ cần mang mẫu tóc đi xét nghiệm DNA là có thể đưa ra kết luận chính xác. 

Hương Thu

 

800 tấn rác trong kho cà phê đại gia thế chấp ngân hàng

Cưỡng chế thi hành án kho chứa 3.360 tấn cà phê Công ty Trường Ngân cầm cố các ngân hàng, ngoài việc không trùng khớp số lượng, lực lượng chức năng còn phát hiện, khoảng 800 tấn rác được độn trong các bao cà phê.

truong-ngan-4-9378-1386764193.jpg

Chiều 11/12, lực lượng chức năng đã hoàn thành việc cưỡng chế thi hành án đối với kho được cho là chứa 3.360 tấn cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương).

truong-ngan-3-1947-1386764194.jpg

Trao đổi với VnExpress, ông Trương Công Hân, Phó chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An cho biết, qua kiểm tra, tổng lượng hàng lưu kho chỉ có khoảng 1.500 tấn chứ không như con số 3.360 tấn mà Công ty Trường Ngân đã khai báo để cầm cố cho các ngân hàng.

truong-ngan-2-8504-1386764194.jpg
truong-ngan-1-9878-1386764194.jpg

"Đáng lưu ý, trong đó có chỉ khoảng 700 tấn cà phê, còn lại có khoảng 800 tấn rác gồm sỏi, vỏ cà phê, tro trấu… được ngụy trang trong các bao tải trộn lẫn trong kho", ông Hân nói.

ngan-hang-tranh-gianh-ca-phe-4.jpg

Liên quan đến việc tranh chấp một kho khác của Trường Ngân được cho là chứa 600 tấn cà phê, chiều nay, xe tải do một ngân hàng điều động đến chặn cửa kho từ hôm 6/12 vẫn còn án ngữ, phòng ngừa đơn vị khác đến phát mãi trong khi đang có tranh chấp giữa các ngân hàng.

Nguyệt Triều

Theo Vnexpress