Cảnh sát Thái vứt bỏ hơi cay, nhận lấy hoa hồng
Hàng nghìn người biểu tình Thái Lan hôm qua bá vai và tặng hoa hồng cho cảnh sát, khi hai bên nhất trí tạm dừng xung đột và gác lại căng thẳng để mừng sinh nhật của quốc vương.
Sau cuộc đàm phán thành công giữa các lãnh đạo biểu tình và cảnh sát, hàng trăm người biểu tình được cho phép tiến vào các trụ sở chính phủ mà không vấp phải sự kháng cự của lực lượng an ninh. Họ tập trung tại đó trong khoảng một giờ rồi rời đi. Ảnh: AFP |
Những rào chắn bên ngoài tòa nhà chính phủ, tâm điểm xung đột giữa hàng nghìn người biểu tình và cảnh sát suốt vài ngày qua, cũng được dỡ bỏ. Không còn hơi cay, vòi rồng, đạn cao su, khu vực quanh tòa nhà chính phủ và sở cảnh sát Bangkok tràn ngập màu cờ, tiếng reo hò của người biểu tình. Ảnh: AFP |
Đoàn người biểu tình tiến đến chắp tay chào cảnh sát. Lực lượng an ninh nhất trí không sử dụng vũ lực để trấn áp họ nữa. Xung đột lên cao từ hôm 1/12 đã khiến 4 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Ảnh: AFP |
Người biểu tình vui vẻ bá vai và tạo dáng chụp hình cùng cảnh sát chống bạo động. Bầu không khí thân thiện được lập lại để chuẩn bị đón chào sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào ngày mai 5/12. Ảnh: AFP |
Người biểu tình nam tặng hoa hồng đỏ cho một loạt các nữ cảnh sát. Ảnh: AFP |
Hoa hồng găm đầy trên ngực áo cảnh sát. Ảnh: AP |
Những cái ôm thân tình giữa cảnh sát và người biểu tình. Ảnh: AFP |
Người biểu tình ôm cảnh sát khi vẫn còn đeo mặt nạ và kính chống hơi cay. Phe đối lập tuyên bố việc vào được tòa nhà chính phủ là một thắng lợi. Ảnh: AFP |
Một nam cảnh sát trẻ tuổi thân thiện giơ tay chào người biểu tình qua cửa sổ từ bên trong tòa nhà chính phủ. Ảnh: AP |
Sau hai ngày vất vả chống đỡ với làn sóng biểu tình lớn nhất tại Thái Lan từ năm 2010, những nhân viên cảnh sát tạm nghỉ ngơi và xách hành lý rời khỏi tòa nhà chính phủ. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng cuộc chiến với chính phủ vẫn chưa kết thúc và căng thẳng sẽ còn tiếp diễn sau sinh nhật nhà vua. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, không khí hòa bình hiện tại vẫn được hy vọng là một dấu hiệu tích cực cho cuộc khủng hoảng ở Thái Lan, và mở ra khả năng đàm phán sau ngày sinh nhật Quốc vương. Trong hình, người biểu tình để lại hoa trên nòng pháo bên trong khuôn viên tòa nhà chính phủ. Ảnh: AP |
Anh Ngọc
Người chú quyền lực của Kim Jong-un có thể đã mất chức
Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm qua cho biết ông Jang Song-thaek, người được coi là có quyền lực lớn trong chính quyền Triều Tiên, bị cách chức, còn các trợ lý bị tử hình.
Ông Jang Song-thaek (trái) đi ngay sau Kimg Jong-un trong đám tang của nhà lãnh đạo Kim Jong-il năm 2011, thể hiện vị trí chính trị đặc biệt của ông. Ảnh: KCNA |
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm qua thông báo trước quốc hội rằng họ có được thông tin ông Jang Song-thaek đã bị cách chức phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên, cơ quan quân sự hàng đầu của Bình Nhưỡng.
Theo NIS, ông Jang "mới bị mất chức gần đây, còn hai trợ lý thân cận là Ri Yong-ha và Jang Soo-kil được cho là đã bị tử hình giữa tháng 11", AFP dẫn lời nghị sĩ Jung Cheong-rae nói.
Nếu được xác nhận, đây là sự thay đổi nhân sự cấp cao nhất của Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên từ tháng 12/2011.
Ông Jang, 67 tuổi, là chồng của cô ruột của Kim Jong-un, bà Kim Kyong-hui. Trước đây, ông Jang được coi là một trong những nhân vật thân cận, "cánh tay phải" của Kim Jong-un khi nhà lãnh đạo trẻ lên nắm quyền sau khi ông Kim Jong-il qua đời.
Ông Jang thường được biết đến là nhân vật số hai của đất nước, và nhiều nhà phân tích coi ông là người thực sự nắm quyền đằng sau danh xưng của người cháu trẻ tuổi.
"Tôi chỉ có thể đoán rằng vai trò của Jang đã gây ra một số căng thẳng trong quá trình lãnh đạo đất nước cho Kim Jong-un", Kim Yong-hyun, giáo sư tại Đại học Dongguk ở Seoul, nói.
Những chuyên gia khác cho rằng có thể Jang được thay thế bởi Choe Ryong-hae, một quan chức thân cận với ông Kim, người đang là phó nguyên soái, giám đốc Cơ quan Chính trị Quân đội Triều Tiên. Hồi tháng 5, Choe chính là đặc sứ tới Bắc Kinh trao tận tay bức thư của Kim Jong-un cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Jang Song-thaek từng bị thất sủng trong quá khứ. Năm 2004 ông được cho là phải đi cải tạo ở một nhà máy thép vì bị nghi ngờ tham nhũng. Ông lại trở lại chính trường những năm sau.
Jang mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng sau khi nhà cựu lãnh đạo Kim Jong-il bị đột quỵ năm 2008 và được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia năm 2010.
Vợ của ông, bà Kim Kyong-hui cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Bà được phong hàm tướng 4 sao cùng đợt với ông Kim Jong-un năm 2010, thể hiện vai trò quan trọng của bà trong gia đình và đất nước. Năm ngoái, bà ít xuất hiện trên truyền thông Triều Tiên và được cho là bị ốm và trải qua những đợt điều trị ở Singapore.
Vũ Hà
Cụ ông 72 và vợ 27 tuổi sinh con
Một cụ ông 72 tuổi ở Trung Quốc vừa lên chức bố sau khi người vợ 27 tuổi của ông sinh hạ cậu con trai kháu khỉnh.
Cô Zhang Feng và ông Wen Changlin hạnh phúc bên cậu con trai nhỏ hơn 3 tháng tuổi. Ảnh: People.com.cn |
Đám cưới của cô Zhang Feng, 27 tuổi, với người đàn ông lớn hơn mình 45 tuổi tên Wen Changlin diễn ra hôm 17/4. Chưa đầy 4 tháng sau, Zhang sinh hạ con trai đầu lòng. Cặp vợ chồng hiện sống ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Hồ Nam.
Ông Wen, một thầy thuốc trong làng và đã có ba con trai cùng một con gái với người vợ đầu quá cố, cho biết được nhìn thấy con trai chào đời là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông.
Mùa hè năm 2001, cô Zhang, khi đó mới chỉ 15 tuổi, gặp người chồng hiện tại khi bố cô bị lên cơn đột quỵ và phải nằm một chỗ. Biết gia đình Zhang nghèo khó, không có tiền chạy chữa thuốc thang nhưng ông Wen, khi đó đang sống một mình, đồng ý ở lại nhà Zhang để chữa trị cho bệnh nhân. Năm 2006, bố Zhang qua đời. Nhưng do cô gái trẻ thường xuyên bị đau đầu nên ông Wen vẫn tiếp tục sống cùng gia đình.
Đến năm 2009, khi sức khỏe của Zhang đã ổn định, ông Wen mới dọn đi. Do đã quen được ông Wen chăm sóc tận tình trong suốt 8 năm đau ốm, cùng với lòng cảm mến và biết ơn, Zhang quyết định kết hôn với ông.
Theo China.org.cn, trước đám cưới này, dân làng có nhiều phản ứng khác nhau. Một số người lo lắng trước khoảng cách về tuổi giữa hai người, trong khi những người khác lại cho rằng tuổi tác không phải là trở ngại lớn đối với tình yêu.
Do hơn vợ đến 45 tuổi, ông Wen trông chẳng khác gì ông nội của con trai mình. Tuy nhiên, Zhang Feng cho biết cô không cảm thấy hối hận khi quyết định về làm vợ của Wen.
Khi được hỏi về tương lai, Zhang lạc quan nói: "Anh ấy rất khỏe mạnh và chẳng ốm đau bao giờ. Chúng tôi chắc chắn sẽ chung sống với nhau một thời gian dài".
Cô con gái 42 tuổi của ông Wen thì chia sẻ: "Gia đình tôi không phản đối gì cuộc hôn nhân này. Miễn sao họ cảm thấy hạnh phúc khi sống bên nhau".
Hướng Dương
Rũ án oan biển thủ 1 USD sau gần 30 năm
Một nhân viên bưu điện người Ấn Độ bị buộc tội ăn cắp chưa đến một USD từ năm 1984 cuối cùng cũng được minh oan vào tuần trước.
|
Umakant Mishra sau 29 năm đòi công lý. Ảnh: BBC |
Vụ việc bắt đầu vào 23/7/1984 tại một bưu điện khu vực Harjinder Nagar, thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh, nơi Umakant Mishra làm nhân viên chuyển phát.
BBC dẫn lời ông kể rằng, ông có nhiệm vụ chuyển 697 rupee và 60 paise (tương đương 11,19 USD) và đến cuối ngày đã giao xong 300 rupee. Đến tối, ông ký gửi phần còn lại cho một nhân viên cấp trên.
"Khi kiểm kê, người ta phát hiện thiếu mất 57 rupee và 60 paise (chưa đến một USD). Tôi bị buộc tội gian lận và đình chỉ công tác, bị tố cáo lên cảnh sát", ông nói.
Ngay sau đó, Mishra bị tống giam. Tuy được tại ngoại nhưng cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài mới bắt đầu với Mishra.
"Tôi bị tòa án triệu tập 348 lần cả thảy, phải bán cả căn nhà ở Kanpur, cuối cùng bán luôn miếng đất ruộng ở khu Hardoi. Tôi phá sản", ông nói.
Mishra phải làm rất nhiều việc vặt để giúp đỡ gia đình, đồng thời đấu tranh tìm công lý cho bản thân. Ông nhận được sự giúp đỡ tận tình từ gia đình và người thân. Theo Mishra, nếu không có họ, gia đình ông đã phải chết đói.
Cuối cùng, sau gần 350 phiên tòa, bên công tố vẫn không thể tìm ra nhân chứng vật chứng xác thực để có thể kết tội Umakant Mishra. Ông được tuyên bố trắng án vào tuần trước, vụ việc chính thức khép lại.
"Tôi phải nghỉ việc khi mới chỉ hơn 30 tuổi. Giờ tôi đã được chứng minh vô tội, tôi muốn được nhận bồi thường. Tôi phải được nhận lại số tiền mà đáng lẽ ra mình kiếm được trong chừng ấy năm", Umakant Mishra kiến nghị.
Ông Umakant Mishra không phải là trường hợp duy nhất phải chờ hàng chục năm để được minh oan. Các vụ kiện diễn ra tại tòa án Ấn Độ có thể kéo dài từ vài năm đến vài thập kỷ. Theo số liệu chính thức, ở quốc gia này còn khoảng hơn 30 triệu vụ việc chưa được xử xong, thậm chí có vụ bắt đầu từ năm 1950 đến nay vẫn chưa có kết quả.
Trần Trang
Theo Vnexpress