Tin Trong Nước

Ở môn Toán, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) dẫn đầu với điểm số trung bình 613. Việt Nam cao hơn mức trung bình (494 điểm) và có thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Anh (494 điểm, xếp thứ 26), Pháp (495 điểm), và Mỹ (481 điểm, xếp thứ 31)...

Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 vừa công bố kết quả khảo sát, theo đó, học sinh Việt Nam xếp thứ 17 về Toán trên tổng số 65 nước tham gia. Vị trí này cao hơn nước Mỹ và Vương quốc Anh. 

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, rất bất ngờ khi nhận được kết quả khảo sát PISA 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào ngày 3/12. Theo đó, OECD đã tiến hành khảo sát hơn 510.000 học sinh ở 65 quốc gia và nền kinh tế về khả năng ở các môn: Toán, Đọc hiểu và Khoa học, trong đó tập trung chủ yếu vào môn Toán.

toan-7687-1386140759.jpg

Bảng xếp hạng môn Toán của khảo sát PISA 2012.

Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm). Khu vực Đông Nam Á có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì Việt Nam đứng thứ 2 sau Singapore.

Ở môn Toán, học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) dẫn đầu với điểm số trung bình 613. Việt Nam cao hơn mức trung bình (494 điểm) và có thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Anh (494 điểm, xếp thứ 26), Pháp (495 điểm), và Mỹ (481 điểm, xếp thứ 31).

"So với kỳ vọng đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình thì vị trí thứ 17 môn Toán của học sinh Việt Nam trong lần đầu tiên tham gia khảo sát PISA là kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước tham gia nhưng chất lượng học sinh đã gây bất ngờ cho cả thế giới", ông Hiển nói.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, kết quả khảo sát PISA rất đáng cổ vũ bởi đây không phải là kỳ thi mà là kỳ kiểm định chất lượng. PISA không lựa chọn ai đỗ, ai trượt mà xem xét trình độ, mức độ của học sinh Việt Nam như như thế nào so với với khu vực và thế giới.

thay-Hien-9064-1386140759.jpg

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ông rất bất ngờ khi nhận được kết quả khảo sát PISA 2012 bởi khi tham gia chỉ kỳ vọng đạt mức trung bình hoặc dưới trung bình. Ảnh: HT.

OECD lựa chọn mẫu trường và học sinh tham gia PISA một các ngẫu nhiên trên cơ sở nguồn dữ liệu học sinh toàn quốc do Việt Nam cung cấp. Theo đó, Việt Nam có 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố tham gia PISA 2012. Có 4 tỉnh, thành phố không có trường rơi vào mẫu khảo sát là Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn và Cần Thơ. Đối tượng tham gia PISA ở Việt Nam là học sinh 17 tuổi, chủ yếu rơi vào lớp 10 THPT chính quy, ngoài ra còn có học sinh trường nghề, trường THCS, trung tâm GDTX.

"Việt Nam xác định tham gia PISA trước tiên để học hỏi kinh nghiệm đánh giá giáo dục của quốc tế và biết giáo dục nước ta ở đâu so với các nước phát triển trên thế giới. OECD sẽ phân tích kết quả, các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả và đưa ra các khuyến nghị về chính sách giáo dục cho các quốc gia, qua đó, Việt Nam sẽ biết mình nên làm gì để hội nhập quốc tế và phát triển giáo dục", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

PISA (Chương trình quốc tế đánh giá học sinh) là chương trình nghiên cứu so sánh, đánh giá chất lượng giáo dục lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. PISA được triển khai với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) và các nước khác trên thế giới. Chương trình này được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, và năm nay là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.

Hoàng Thùy

Người mẹ gần 40 năm vá xe đạp nuôi con khôn lớn

Cái nghề vất vả vốn chỉ dành cho đàn ông đã gắn chặt với bà Trần Thị Ly (60 tuổi) kể từ ngày bà lấy chồng.

60 tuổi, bà Ly sống ở lô F19 khu tái định cư Phú Hiệp, thành phố Huế, đã có gần 38 năm làm nghề bơm vá xe vỉa hè. Người dân lao động quanh chợ Đông Ba đã quen hình ảnh người phụ nữ với làn da ngăm đen cặm cụi sửa xe cho khách qua đường. Những công việc bơm vá săm lốp được bà Ly làm thuần thục không kém gì thợ sửa xe lành nghề.

Bà Ly lấy chồng từ năm 20 tuổi, gia cảnh khó khăn nên bà thường theo chồng vá xe ở vỉa hè chợ Đông Ba. Chồng bà tranh thủ thuê xích lô chở khách vào ban đêm. Khi mới vào nghề, vợ chồng bà Ly không đủ tiền mua nổi chiếc bơm nên phải đi thuê của tiệm khác với giá 5 hào bạc mỗi ngày. Sau vài tháng làm ăn tích cóp, nhà bà mới sắm được chiếc bơm tay.

Dù các con đã trưởng thành nhưng bà vẫn cặm cụi làm việc, không chịu ở nhà ngồi chơi.

Các con đã trưởng thành nhưng bà vẫn cặm cụi bơm vá xe, không chịu ở nhà. Ảnh: Phúc Nguyễn.

Lúc bà mới đi làm, nhiều người khuyên ngăn, bảo học làm gì cái nghề vốn chỉ dành cho đàn ông ấy. Muốn kiếm thêm tiền lo cho các con nên bà cứ lao vào làm mà không hề để ý những lời bàn tán và ánh mắt hiếu kỳ của mọi người xung quanh nhìn mình. Để có thể làm thuần thục các thao tác cạy vành, vá ruột xe… đã không ít lần bà Ly bị dập tay, chảy máu nhưng vẫn không nản lòng. Ngày ngày, bà cùng chồng thức dậy từ 3h sáng, đạp xe lên chợ tranh thủ làm thêm nghề bốc vác, trông giữ xe quanh chợ. Đợi trời sáng, hai người lại bắt tay vào bơm vá đến khi tối mịt mới về nhà.

Tiệm sửa xe của bà nằm nép ở góc nhỏ sát bên cổng chợ và không có lấy tấm bạt che mưa nắng. "Trời mưa thì tui thu dọn đồ nghề vào nhà xe của chợ trú tạm đợi lúc tạnh mưa lại ra làm tiếp. Bơm vá xe vỉa hè không cần phải che bạt làm gì cho tốn", bà Ly cười bảo.

Giỏ đồ nghề và chiếc bơm cũ kỹ đã gắn liền với vợ chồng bà như một thứ kỉ vật từ những ngày đầu hành nghề.

Hộp đồ nghề và chiếc bơm cũ kỹ đã gắn liền với vợ chồng bà từ ngày mới cưới. Ảnh: Phúc Nguyễn.

Vừa sửa xe, bà Ly vừa tâm sự, nghề này lúc đầu thấy cũng khó khăn lắm nhưng làm nhiều quen tay nên giờ bà thao tác cũng nhanh hơn. Mỗi chiếc xe nếu chỉ vá săm và bơm hơi mất tầm 30 phút. Bao năm trôi qua, bà vẫn giữ cách vá xe cũ: Cạy vành, tháo săm, bơm hơi rồi đặt ruột xe vào chậu nước để tìm lỗ hở, dán miếng vá lên và bơm. Bà làm gọn gàng đến nỗi ai cũng ngạc nhiên.

Gần 38 năm trong nghề, bà Ly đã không ít lần bơm vá miễn phí cho nhiều khách. Có những người đi vội không mang theo tiền bị thủng săm giữa đường, em học sinh không có tiền để bơm nổi một cái lốp, bà vẫn vui vẻ giúp mà không đòi hỏi tiền công. "Người ta không may gặp nạn mà mình không giúp thì thấy khó chịu lắm. Mình giúp người ta không chừng sau này khi cần lại có người khác giúp mình", bà Ly tâm sự.

Nghề bơm vá mỗi ngày chỉ thu được vài ba chục nghìn đồng, bà Ly cũng đã nuôi được 4 người con khôn lớn. Thấy mẹ vất vả, suốt ngày cứ hì hụi với cái bơm xe để mưu sinh, các con của bà cứ ngăn cản không cho mẹ làm nữa. Vậy mà ngày mưa cũng như ngày nắng, bà Ly vẫn xách hộp đồ nghề đi làm. "Tui đi làm quen rồi, bây giờ mà nghỉ ở nhà là trong người lại bứt rứt ngồi không yên. Thà làm một chút rồi quay về tui cũng cảm thấy vui”, bà Ly chia sẻ. 

Phúc Nguyễn

 

Tìm xác nạn nhân vụ Cát Tường bằng địa bức xạ

Các nhà khoa học và lực lượng cảnh sát đang tiếp tục tìm kiếm xác chị Huyền trên sông Hồng bằng phương pháp đo địa bức xạ (bức xạ dưới lòng đất).

 
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng và thiết bị đo địa bức xạ. Ảnh: GTVT.

Tiến sĩ Vũ Văn Bằng và thiết bị đo địa bức xạ trên sông Hồng. Ảnh: GTVT.

Hôm nay là ngày thứ ba, ông Vũ Văn Bằng, chuyên gia tia đất cùng các đồng nghiệp tình nguyện tham gia cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác khách hàng. Khu vực tìm kiếm là dọc sông Hồng dài khoảng 10 km từ cầu Thanh Trì đến địa phận Văn Giang (Hưng Yên) và dự kiến kéo dài trong ba ngày nữa.

"Phương pháp dùng máy địa bức xạ là phương pháp dựa trên cơ sở khoa học, không phải mới. Nó từng được sử dụng để tìm những thứ ở dưới mặt đất như khoáng sản có ích, quặng mỏ, kể cả khảo cổ, đặc biệt là tìm mồ mả, hài cốt", ông Bằng cho hay.

Tia đất - địa bức xạ là một dạng vật chất bao gồm tất cả những tia phát ra từ vỏ cứng của Trái đất và lan tỏa lên mặt đất dưới dạng bức xạ - dạng trường, nói cách khác, đó là những tia được sản sinh bởi hiện tượng bức xạ của những vật chất khác nhau từ dưới đất. Đó chính là một trong những thành phần của môi trường sống.

Theo ông Bằng, mỗi dạng vật chất đều sản sinh từ trường, xác người càng có bức xạ từ trường lớn, vì thế máy đo bức xạ sẽ phát tín hiệu nếu thấy xác người.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, cả nhóm đã phát hiện ra khá nhiều thi thể dưới lòng sông và rất khó xác định đâu là thi thể của chị Huyền.  "Trên đoạn sông Hồng chúng tôi phát hiện tới 30-40 cái xác bằng máy đo địa bức xạ, vì vậy, nhóm phải xác lập hành trình tìm kiếm để tìm chính xác mục tiêu", ông Bằng nói. 

Ông Bằng nhận định, đây là phương pháp rất khả quan vì còn kết hợp với hiểu biết về tự nhiên, vật lý cơ học của dòng chảy bồi lắng.

Phương pháp này trước đây từng tìm ra xe khách bị trôi tại Hà Tĩnh và xác của lái xe năm 2010; hay tìm ra thi thể thanh niên bị vùi trong cát vụ nhảy cầu tự tử ở Vĩnh Phúc.

Hương Thu

TP HCM siết quảng cáo thực phẩm chức năng

Để quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm chức năng, UBND TP HCM yêu cầu chỉ cho phép quảng cáo mặt hàng này khi nội dung đã được cơ quan y tế thẩm định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn. Theo đó, thành phố chỉ cho phép quảng cáo khi nội dung quảng cáo loại hàng này đã được cơ quan y tế thẩm định.

thuc-pham-chuc-nang-9185-13858-6916-5336

Người dân cần có kiến thức đúng về thực phẩm chức năng trước khi chọn mua. Ảnh minh họa: Foodnagivator

Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở trên địa bàn cung cấp thông tin, tư vấn về thực phẩm chức năng theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận huyện thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, kinh doanh buôn bán hàng đa cấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thực phẩm chức năng xuất hiện khoảng 12 năm trước và chủ yếu là hàng nhập khẩu), sau này sản xuất trong nước dần phát triển và hiện chiếm khoảng 60% thị trường. Việc hiểu chưa đúng, sản xuất và tiêu dùng không đúng đã dẫn đến có nơi "thần thánh hoá", có nơi lại tẩy chay thực phẩm chức năng. Tại Việt Nam, thực phẩm chức năng tồn tại trên cơ sở người dân có nhu cầu và nhà sản xuất quảng cáo công dụng sản phẩm. Hiện vẫn chưa có cơ quan hữu quan nào đứng ra tư vấn cho người tiêu dùng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục phó An toàn thực phẩm, trong số 98 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng bị kiểm tra vừa qua, có đến 47 cơ sở vi phạm và lỗi chủ yếu thuộc về nội dung quảng cáo sản phẩm. Trong đó rất nhiều cơ sở quảng cáo nhưng không đăng ký kiểm duyệt nội dung, số khác có đăng ký nhưng khi quảng cáo thì phần nội dung đều nói quá công dụng của sản phẩm khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm.

Trung Sơn

Theo Vnexpress