Tin Trong Nước

Hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp với nhà chức trách Đài Loan để làm rõ đường dây buôn lậu ma túy này. Chiều ngày 16/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước khẩn trương xác minh, làm rõ nguồn gốc số heroin được vận chuyển đi Đài Loan; tiến hành điều tra, mở rộng vụ án...

'Hải quan không kiểm tra lô hàng chứa 230 kg heroin'

Công ty đứng ra làm thủ tục hải quan được đánh giá có uy tín nên khi thông quan điện tử, 12 chiếc loa chứa 230 kg heroin đã được xếp vào luồng xanh và miễn kiểm tra thực tế. 

Sáng 2/12, trả lời báo chí về vụ 229 kg heroin bị bắt ở Đài Loan, ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết, chủ lô hàng trên là Công ty trách nhiệm hữu hạn và giao nhận vận tải Long Vân. Khi khai hải quan điện tử vào ngày 15/11, doanh nghiệp này báo đây là hàng loa thùng bình thường. Long Vân cũng là đơn vị uy tín nên hệ thống máy tính tự động xếp lô hàng này sang luồng xanh. Hải quan không có bất cứ kiểm tra nào đối với lô hàng kể cả sử dụng máy soi và chó nghiệp vụ (vốn dùng vào những vụ án, những tuyến đường và lô hàng trọng điểm).

Theo quy định, nếu hàng hóa của doanh nghiệp được xếp vào luồng xanh sẽ miễn kiểm tra hồ sơ giấy và thực tế hàng hóa. Luồng vàng sẽ kiểm tra hồ sơ hải quan. Riêng luồng đỏ, doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ giấy và hàng hóa.

Đại diện Cục hải quan TP HCM cho rằng, việc kiểm tra lô hàng này thuộc về an ninh hàng không. Nếu nghi ngờ hàng có vấn đề, an ninh phải có trách nhiệm soi chiếu. "An ninh hàng không đã đình chỉ một số lãnh đạo có liên quan đến lô hàng để điều tra. Còn cán bộ hải quan đã thực hiện đúng theo quy trình và không sai phạm", ông Thông nói. Tuy nhiên ông này khẳng định Cục Hải quan TP HCM sẽ xử lý nghiêm nhân viên dưới quyền nếu công an kết luận điều tra có dính líu.

ma-tuy-5889-1385964824.jpg

Lô hàng 229 kg heroin được Hải quan xếp vào luồng xanh và được miễn kiểm tra. Ảnh: AFP.

Cũng theo ông Thông, việc lô hàng có dán nhãn nguy hiểm không tác động đến quyết định kiểm tra hàng của hải quan vì trên tờ khai hải quan không có hạng mục này để doanh nghiệp khai báo. Việc khai hàng nguy hiểm chỉ là yêu cầu từ phía hãng hàng không. Trước đó, khi làm thủ tục gửi hàng hãng China Airlines, đơn vị đứng tên người gửi không phải là Công ty Long Vân nói trên mà là Công ty Lê Hòa Trading & Forwarding. Lê Hòa đã khai báo lô hàng trên thuộc nhóm hàng nguy hiểm, có từ tính.

Là đơn vị đầu tiên tiếp nhận lô hàng tại sân bay, Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) cho rằng chỉ cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không quốc tế đi và đến theo hợp đồng phục vụ hàng hóa. TCS không có chức năng cung cấp dịch vụ soi chiếu an ninh an toàn hàng hóa cho chuyến bay. Phó tổng giám đốc TCS, Lew Yoong Fook, khẳng định: "Việc kiểm tra hàng hóa không thuộc trách nhiệm của TCS".

Hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp với nhà chức trách Đài Loan để làm rõ đường dây buôn lậu ma túy này. Chiều ngày 16/11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước khẩn trương xác minh, làm rõ nguồn gốc số heroin được vận chuyển đi Đài Loan; tiến hành điều tra, mở rộng vụ án.

Lô hàng chứa 229 kg ma túy được vận chuyển trên máy bay của hãng hàng không China Airlines cất cánh lúc 22h50 ngày 16/11. Sau khi hạ cánh tại Đài Bắc lúc 3h20 ngày 17/11, lô hàng này đã được cơ quan chức trách Đài Loan mở, cho chó nghiệp vụ kiểm tra và các nhà điều tra đã phát hiện 600 bánh heroin được giấu trong 12 dàn loa. Mỗi dàn loa rỗng chứa 50 bánh và các bánh được phủ chocolate nhằm tránh bị chó nghiệp vụ phát hiện.

Tại Đài Loan, 7 người bị bắt giữ, trong đó nghi phạm chính tên là Wong, một người nữa tên Chu, làm việc cho một công ty hậu cần kho vận, và một nghi phạm tên Yeh, được cử đến để nhận ma túy tại sân bay.

Hồng Châu

Công chức, viên chức nghỉ Tết Giáp Ngọ 9 ngày

Các thành viên Chính phủ đã tán thành với đề xuất nghỉ Tết 9 ngày của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thời gian nghỉ kéo dài từ 28/1 đến hết 5/2 (28 tháng Chạp đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ).

Phát biểu tại phiên họp ngày 2/12, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho hay, với lịch nghỉ được bố trí như hiện nay thì trước Tết chỉ được nghỉ ngày 30, sau Tết lại nghỉ dài dẫn đến áp lực giao thông rất căng thẳng, tai nạn giao thông vì thế tăng cao. Ngoài ra, việc bố trí lịch theo kiểu mất cân đối như vậy cũng gây khó cho người lao động trong khi công chức, viên chức thì cắt xén thời gian làm việc đi sắm Tết.

Ông Thăng đề nghị điều chỉnh lịch nghỉ theo hướng tăng thêm 2 ngày nghỉ trước Tết, từ 28 tháng Chạp cho đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng (ngày 28/1 đến hết 5/2). Hai ngày nghỉ thêm sẽ được bố trí làm bù ngay trước Tết - vào thứ 7, chủ nhật (25-26/1).

"Bố trí lịch nghỉ như vậy cũng có tác dụng kích cầu, người dân có thời gian mua sắm", Bộ trưởng Thăng nói. Năm ngoái, lịch nghỉ Tết Âm lịch cũng kéo dài 9 ngày, từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 8 Tết.

Lich-nghi-Tet-sua-2417-1385871-8097-9751

Lịch nghỉ Tết Giáp Ngọ bắt đầu từ ngày 28/1 đến hết 5/2 (tức là từ 28 tháng Chạp đến hết mùng 6 tháng Giêng).

Đề xuất của Bộ trưởng Giao thông được Bộ trưởng Lao động Phạm Thị Hải Chuyền và tất cả thành viên Chính phủ tán đồng.

Tuy nhiên, về thời gian làm bù, bà Chuyền lưu ý, không thể bố trí vào cả 2 ngày 25 và 26/1 vì như thế sẽ có 8 ngày trước Tết làm việc liên tục. "Việc này là vi phạm Luật Lao động", bà Chuyền nói và đưa ra phương án chỉ làm bù vào ngày thứ 7 (25/1), sau đó bố trí một ngày làm bù khác vào thứ 7 ngay sau Tết.

Phương án của Bộ trưởng Lao động được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tránh để việc nghỉ Tết ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác nước ngoài.

Nguyễn Hưng

'Cả 8 người đã lần lượt chìm xuống đáy biển'

Sau hàng chục giờ vật lộn với những cột sóng lớn trong khi chỉ có 2 áo phao và một tấm xốp nên 8 trong số 10 thuyền viên vụ đắm tàu đã lần lượt kiệt sức, buông tay và rơi xuống biển lạnh.

Cuối chiều 30/11, thuyền viên Hồ Vĩnh Lai (34 tuổi, xã An Hòa) và Vũ Viết Hà (31 tuổi, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sống sót trong vụ chìm tàu cá hai ngày trước đó đã được tàu của ông Nguyễn Văn Kính đưa về đất liền. Đón họ ở cảng Lạch Quèn là bố mẹ, vợ con, người thân cùng hàng trăm bà con, hàng xóm.

5h sáng 28/11, tàu đang cách bờ chừng 82 hải lý ở vùng biển Hà Tĩnh thì gặp gió mùa đông bắc lớn, trời đổ mưa. Một cột lưới bị gãy rồi rơi xuống biển, gió tiếp tục thổi mạnh khiến tàu nghiêng, nước tràn vào khoang. Các thuyền viên tìm cách tát nước, gỡ lưới để cứu tàu nhưng bất thành. Sau hơn một giờ, con tàu chìm phần lái.Vẻ mặt phờ phạc sau hành trình vượt sóng dữ, thuyền viên Lai và Hà nghẹn giọng khi thông báo việc 8 người còn lại đã không thể trở về. Sau khi cùng người thân và làng xóm làm lễ phát tang, lập bàn thờ cho người em trai nằm lại giữa biển khơi, anh Lai mới kể lại thời khắc kinh hoàng trên con tàu định mệnh ra khơi 10 ngày trước.

"Cả 10 người hô nhau nhảy xuống biển, chỉ kịp vớ 2 chiếc ao phao và một tấm xốp rộng hơn 2 mét. Trong cơn hoảng loạn mọi người bơi vòng quanh bấu víu vào tấm xốp để cầm cự, còn hai chiếc áo phao thì thay phiên nhau mặc. Ai có dấu hiệu kiệt sức thì được mặc áo phao để tiếp sức. Mọi người động viên nhau hãy lạc quan và sống thêm được phút nào thì có hy vọng được cứu sống phút đó", anh Lai kể.

IMG-5923-8981-1385862165.jpg

Ngày anh Lai trở về cũng là ngày anh và gia đình phát tang, lập bàn thờ cho người em ruột Hồ Vĩnh Thế. Ảnh: Nguyễn Quân.

Nhưng rồi miếng xốp, áo phao cũng không chống đỡ lại từng cột sóng cao lạnh buốt, gió giật mạnh chừng cấp 7. Dù được nhường áo phao nhưng Nguyễn Duy Khiêm (16 tuổi, thành viên trẻ nhất tàu) vẫn không trụ nổi. Tới khi không thể cố gắng được nữa, Khiêm cởi áo phao lại cho mọi người rồi buông tay và chìm dần.

"Vài giờ sau, người thứ hai hòa mình vào đại dương là thằng Thế em ruột tôi. Nó cũng kiệt sức rồi lịm dần, tôi và mọi người kéo em Thế nằm lên tấm xốp để hồi sức, rồi động viên em gắng thêm chút nữa nhưng nó thì thào nói không thể, rồi buông khỏi tay mọi người...", anh Lai kể, giọng nghẹn lại.

Cứ như thế từng người lần lượt đuối sức rồi chìm và người thứ bảy là anh Trần Văn Hùng (29 tuổi, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu). 19h ngày 28/11, chỉ còn 3 người bám vào miếng xốp gồm anh Hồ Vĩnh Lai, Vũ Viết Hà và Phạm Thanh Ngoan. Sóng vẫn đánh mạnh khiến mọi người trôi xa.

"3 người ở ba góc, trời tối không còn nhìn thấy mặt nhau nên anh Ngoan lặng lẽ ra đi khi nào tôi cũng không nhìn thấy. Đau xót lắm khi phải lần lượt chứng kiến từng người buông bay khỏi tấm xốp mà không thể cứu giúp được gì. Họ đã lần lượt chìm xuống biển cả rồi", anh Lai òa khóc trong vòng tay của người vợ đang mang bầu sắp sinh và hai đứa con nhỏ 4 và 10 tuổi.

Ngồi bên cạnh nghe con kể lại giây phút sinh tử, bà Hồ Thị Lài (70 tuổi, mẹ anh Lai và Thế) gào không ra tiếng: "Thế ơi, sao không cố sức mà về với anh con ơi, nằm ở biển lạnh lắm". Bà Lài có 5 người còn thì anh Thế là con thứ tư. Anh đã có vợ và hai con nhỏ, cháu sau mới 3 tuổi.

Cùng thoát chết trên chuyến tàu định mệnh, anh Vũ Viết Hà nhớ lại, lúc văng mình xuống biển trong cơn hoảng loạn nhưng không ai giành giật nhau áo phao để tranh sự sống, mà ngược lại còn động viên nhau cùng cố chờ cứu hộ.

"Gió, rét, đói nên mọi người còn bấu cả miếng xốp, thậm chí vớ lấy những thứ trôi xung quanh để bỏ vào miệng nhai cho đỡ cóng chân răng", anh Hà kể.

Anh-Ha-7086-1385879939.jpg

Anh Hà bần thần ngồi kể lại những giờ đối mặt với cái chết. Ảnh: Nguyễn Quân.

Sau hàng chục giờ vật lộn giữa đại dương, khi mà tưởng chừng như không giữ được sự sống cho mình nữa, Hà và Lai đã cố nắm chặt tay nhau để không ai có thể buông tay chìm xuống trước thì bất ngờ điều may mắn xuất hiện.

"Khoảng 15h ngày 29/11, tôi và Lai tưởng chừng như đã chung số phận với 8 anh em thì bất ngờ hướng mắt về phía xa chừng nửa cây số phát hiện một tàu cá. Hai anh em cố sức hét lên sống rồi - sống rồi, và cố ra hiệu cho tàu biết", anh Hà nói.

Rồi cả Lai và Hà dùng chút sức lực còn lại cố bơi về hướng con tàu mong được cứu giúp. Và họ được tàu QB 92287 TS của thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành vớt và đưa lên thuyền cấp cứu. Cuối ngày 29/11, hai người được tàu của ông Kính đón vào bờ, kết thúc chuyến ra khơi đẫm nước mắt.

Chiều 30/11, UBND huyện Quỳnh Lưu và xã An Hòa đã tới thăm gia đình các nạn nhân, hỗ trợ 1 triệu đồng cho thuyền viên trở về và 4,5 triệu đồng cho gia đình có người thân bị mất tích.

                                                                                    Văn Hải - Nguyễn Quân

Theo Vnexpress