Thủ tướng Thái đương đầu với bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Sinawatra hôm qua bắt đầu trải qua vòng bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, trong khi hàng trăm nghìn người Thái Lan đổ xuống đường biểu tình đòi bà từ chức.
Thủ tướng Yingluck trả lời phỏng vấn trước phiên thảo luận tại Hạ viện hôm qua. Ảnh: AFP |
Các nghị sĩ sẽ thảo luận trong hai ngày trước phiên bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày mai. Đây là nỗ lực nhằm hạ bệ bà Yingluck của đảng Dân chủ, phe đối lập với liên minh cầm quyền.
Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Abhisit trong phiên thảo luận cho biết, số người biểu tình tăng cao trong những tuần trở lại đây bởi họ không thể chấp nhận việc Thủ tướng Yingluck "chỉ chăm lo cho lợi ích cá nhân và phe phái mình".
Cựu thủ tướng cáo buộc sự không minh bạch và biển hiện tham nhũng của chính phủ, cũng như thái độ phản kháng trước việc Tòa án Hiến pháp phủ quyết Đạo luật ân xá do Thượng viện Thái Lan thông qua. Đây là đạo luật được cho là mở đường cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck, về nước sau nhiều năm sống lưu vong. Trong phiên thảo luận, các nghị sĩ của phe đối lập thậm chí còn chê trí thông minh của thủ tướng.
Thủ tướng Yingluck cho rằng, cáo buộc của ông Abhisit là rất nghiêm trọng và không công bằng. Bà cũng chế giễu nhận xét của các nghị sĩ. "Đối với những ý kiến cho rằng tôi thiếu kiến thức và trí khôn, hay nói cách khác là tôi ngu dốt, thật khó để giải thích cho các vị (đối lập), bởi cho dù tôi nói bất cứ điều gì các vị cũng sẽ không tin, bởi chúng ta chưa bao giờ cùng làm việc", bà Yingluck nói.
"Nhưng các bộ trưởng và quan chức chính phủ, những người làm việc cùng tôi thì hiểu rất rõ, bởi chúng tôi sử dụng cái đầu để giải quyết vấn đề".
Những ngày qua hàng trăm nghìn người đã đổ ra các đường phố Bangkok, thậm chí chiếm trụ sở công quyền, thề lật đổ chính phủ bị cho là quá thân với cựu thủ tướng Thaksin của bà Yingluck. Bà là em gái của ông Thaksin, người đã sống lưu vong nhiều năm qua để tránh án tù hai năm vì tội tham nhũng.
Trước làn sóng biểu tình lớn, bà Yingluck quyết định ban hành Luật An ninh Nội địa trên toàn thủ đô, nhưng nhấn mạnh chính phủ sẽ không dùng vũ lực với người dân, đồng thời khẳng định bà "không có ý định từ chức hay giải tán Quốc hội".
Đức Dương
Nhật Bản thành lập cơ quan an ninh kiểu Mỹ
Quốc hội Nhật Bản hôm nay thông qua dự luật thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia phỏng theo mô hình của Mỹ, nhằm ứng phó thách thức trong việc cân bằng quyền lực tại khu vực Đông Á.
Thủ tướng Shinzo Abe (đứng) có nhiều quyền lực hơn sau khi Quốc hội Nhật quyết định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Ảnh: AFP |
Theo AFP, cơ quan an ninh mới này sẽ đặt dưới sự chỉ đạo của thủ tướng. Với tư cách là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, Chánh Văn phòng nội các, bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng sẽ có quyền đưa ra những quyết sách trung và dài hạn trên lĩnh vực đối ngoại cũng như an ninh quốc gia.
Quyết định này của Quốc hội Nhật Bản tăng cường thêm quyền lực của Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông lên cầm quyền tháng 12/2012, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng xoay quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc trước đó cũng tuyên bố thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản nước này. Mặc dù chi tiết về cơ cấu của cơ quan này chưa được công bố, giới học giả Trung Quốc cho rằng đây là phiên bản phỏng theo mô hình Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), với quyền hạn bao gồm cả an ninh trong nước và chính sách đối ngoại.
Trung Quốc lập cơ quan an ninh đầy quyền lực
Tại Mỹ, NSC có chức năng cung cấp cho tổng thống những kiến nghị trên lĩnh vực an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, phối hợp hoạch định chính sách với các cơ quan chính phủ khác.
Hội nghị của NSC do tổng thống chủ trì, với sự góp mặt của phó tổng thống, ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng, bộ trưởng Tài chính. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ là cố vấn quân sự, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) là cố vấn tình báo của NSC.
Đức Dương
Bom nổ gần nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ấn Độ
Một quả bom phát nổ gần nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ấn Độ hôm qua, khiến 6 người chết và cảnh sát phải mở cuộc điều tra.
Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam do Nga xây dựng ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Ảnh: AP |
Quả bom tự chế đêm qua phát nổ tại một ngôi làng gần nhà máy điện hạt nhân Kudankulam, ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ.
"Quả bom ngẫu nhiên phát nổ trong một ngôi nhà. 6 người chết và ba người khác bị thương nghiêm trọng", tờ SCMP dẫn lời sĩ quan cảnh sát Vijayendra Bidari nói. Ông cho biết có một số nhà hoạt động phản đối hạt nhân sống trong ngôi làng. "Ngôi nhà này đang được sử dụng để làm cơ sở chế tạo bom. Chúng tôi đang điều tra từ mọi góc độ", sĩ quan cho hay.
Ngôi làng ven biển chỉ cách nhà máy hạt nhân do Nga xây dựng 4 km. Nhà máy mở cửa hồi tháng 10, sau nhiều lần trì hoãn và các cuộc biểu tình bạo lực của người dân địa phương vì lo ngại rò rỉ phóng xạ. PTI dẫn lời một quan chức cấp cao tại Cục Năng lượng nguyên tử cho biết nhà máy vẫn an toàn và hoạt động bình thường.
Những cảnh quay trên truyền hình cho thấy ít nhất ba ngôi nhà bị sập do sức nổ tại một khu của làng Idinthakarai, nơi bắt nguồn của hầu hết các cuộc biểu tình trong những năm gần đây.
Phong trào Nhân dân Chống Năng lượng Nguyên tử, tổ chức đứng đầu các cuộc biểu tình chống nhà máy, bác bỏ thông tin cho rằng những người ủng hộ họ tham gia vụ nổ. Theo Times of India, một số cư dân tích trữ những quả bom nhỏ bởi họ có mâu thuẫn với những người khác trong làng. Bom nổ khi người dân đang trong quá trình lắp ráp.
Những người phản đối nhà máy này cho rằng nó được xây dựng trên khu vực nhạy cảm về địa chấn và họ lo ngại về một thảm họa kiểu Fukushima của Nhật.
Kudankulam nằm trên chính bờ biển từng bị trận sóng thần năm 2004 tàn phá. Nó được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu về điện của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, nơi những vụ mất điện xảy ra thường xuyên.
Hiện trường vụ nổ gần nhà máy điện hạt nhân Ấn Độ
Trọng Giáp (Video: YouTube)
Theo Vnexpress