Tin Trong Nước

"Chắc chỉ có gia đình tôi mới có chuyện hy hữu như vậy. Gần 5 năm trời thờ xương cốt người lạ chỉ vì tin lời nhà ngoại cảm", ông Tuynh tâm sự...

Liệt sĩ trở về sau khi nhà ngoại cảm tìm thấy mộ

Nhờ nhà ngoại cảm chỉ chỗ, gia đình đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ và đưa về quê an táng. Nhưng 5 năm sau, ông Nguyễn Viết Thuấn vẫn còn sống và trở về sau 42 năm biệt tích.

Bức ảnh ông Thuấn hồi còn trẻ đang được treo ở giữa nhà người em trai Nguyễn Viết Tuynh (làng An Thọ, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) để làm kỷ niệm, đó từng là ảnh thờ khi gia đình nhận được tin ông hy sinh.

"Chắc chỉ có gia đình tôi mới có chuyện hy hữu như vậy. Gần 5 năm trời thờ xương cốt người lạ chỉ vì tin lời nhà ngoại cảm", ông Tuynh tâm sự.

a1-2459-1385435596.jpg

"Chỉ vì tin lời nhà ngoại cảm mà gia đình tôi đưa xương cốt người lạ về thờ cúng suốt 5 năm trời", ông Tuynh cho biết. Ảnh: Thanh Hòa.

Trong ký ức của người em trai, ông Thuấn (sinh năm 1951) là anh cả không được học hành đến nơi đến chốn, không biết chữ nhưng lại cực kỳ lanh lợi và khẳng khái. Năm 1971, giữa lúc chiến tranh ác liệt, Thuấn nhờ một người bạn cùng làng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông Thuấn đi bộ đội được hai năm, gia đình mới nhận được thư của ông gửi về. Do không biết chữ, ông nhờ đồng đội viết vài dòng hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và dặn dò các em ở nhà ngoan ngoãn.

Đất nước giải phóng, những đứa con làng An Thọ lần lượt trở về còn ông Thuấn vẫn bặt tin. Ông Tuynh chạy khắp nơi dò la tin tức thì biết anh trai bị thương, được đưa về tuyến sau điều trị rồi từ đó đi đâu không rõ. "Cả nhà mong ngóng anh trở về. Mẹ tôi khóc hết nước mắt. Chiều chiều, mấy anh em thay nhau ra gốc đa đầu làng đứng ngóng. Thậm chí đang làm đồng, thấy ai đeo ba lô đi về là tôi vội vàng chạy lên, lật mũ xem có phải anh trai mình không", ông Tuynh nghẹn ngào nhắc lại.

Năm 1976, gia đình ông chết lặng khi nhận được giấy báo tử tin ông Thuấn hy sinh ở mặt trận phía Nam, hài cốt được mai táng tại khu vực riêng của mặt trận. Sau đó, gia đình và chính quyền tổ chức lễ tang cho ông Thuấn theo nghi thức liệt sĩ.

Trước khi qua đời, cha mẹ dặn ông Tuynh phải cố tìm bằng được hài cốt của anh để hương khói. Tháng 6/2008, gia đình ông Tuynh tìm đến nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng (Tây Hồ, Hà Nội) nhờ tìm mộ anh trai.

"Sau khi biết tên tuổi liệt sĩ, ông Phụng ngồi bóp trán và độc thoại như đang nói chuyện với một ai đó. Một lúc sau, ông ta đưa cho tôi một sơ đồ chỉ nơi có hài cốt anh tôi ở tận nghĩa trang huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Gia đình tôi vào đến nơi ấy để đưa hài cốt về", ông Tuynh kể.

Khi tìm thấy mộ, không ai mảy may nghi ngờ và cũng không đi kiểm tra ADN hài cốt mà tiến hành an táng luôn. Ngày ông Tuynh đưa hài cốt anh trai từ nghĩa trang Bình Long về, cả gia đình, xóm làng đều khóc đón đứa con đi xa trở về nhà. Hài cốt đặt trong nghĩa trang xã An Khánh và được thờ cúng cẩn thận.

a2-1433-1385435596.jpg

Bức ảnh ông Nguyễn Viết Thuấn hồi trẻ được gia đình dùng làm ảnh thờ khi hay tin ông hy sinh. Ảnh:Thanh Hòa.

Mọi việc tưởng xong xuôi, nhưng huyện An Phú, tỉnh An Giang, có người đàn ông tên Nguyễn Viết Thuấn luôn tự nhận mình quê ở miền Bắc, đi bộ đội rồi không nhớ quê quán nên không thể trở về. Anh Đinh Văn Toán (quê Nam Định) vào An Giang thăm em gái lấy chồng cạnh nhà ông Thuấn đã tìm cách giúp đỡ ông.

Tháng 5 vừa qua, anh Toán báo với chính quyền ở Hoài Đức nhờ tìm giúp. Khi anh Toán cho gia đình xem ảnh chụp chứng minh thư của ông Thuấn, người em trai ngỡ ngàng và vội khăn gói đi vào An Giang. Nhìn thấy người anh trai tóc bạc, gầy gò sau bao năm xa cách, ông Tuynh cố nén rồi gợi chuyện hỏi han. Ông giả vờ bảo có quen biết một gia đình ngoài Bắc đang tìm người thân đi bộ đội, bị thất lạc do chiến tranh.

Khi ông Thuấn nhận mình là người thất lạc, ông Tuynh yêu cầu kể lại chi tiết quê quán, họ hàng. Ông Thuấn nhớ rất rõ tên bố mẹ và các em, nhớ cả quê huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng không nhớ rõ mình ở làng, xã nào. Ông Thuấn miêu tả chính xác chi tiết: "Trước cửa nhà tôi là sân kho, bên trái là chùa, bên phải là đình. Anh em tôi thường hay đi trồng khoai, cắt cỏ ở nông trường. Trong nông trường còn có ngôi mộ của tổ tiên". Nghe đến đây, ông Tuynh òa khóc rồi ôm chầm lấy anh trai, trách còn sống sao không chịu về quê.

Ông Thuấn gạt nước mắt, cho biết ông bị thương ở gáy, suy giảm trí nhớ, ra quân không có tiền đành lang thang mấy tỉnh miền Nam. Ông lập gia đình và có con, gia cảnh khó khăn, lại không nhớ rõ quê nên không về nữa.

a3-1717-1385435597.jpg

Ông Thuấn (người mặc áo hồng) đoàn tụ với gia đình sau 42 năm xa cách. Ảnh:Gia đình cung cấp.

Sau khi anh em nhận mặt, ông Tuynh đưa anh trai trở về thăm quê sau 42 năm xa cách. Giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công của ông Thuấn đã được chính quyền địa phương thu lại. Gia đình cũng bỏ tấm bia khắc tên liệt sĩ trong nghĩa trang xã An Khánh, thay vào đó dòng chữ "Chưa biết tên" và tiếp tục lo hương khói cho người đã khuất. Về nhà một thời gian không có chỗ ở, ông Thuấn vào lại An Giang tiếp tục sinh sống cùng vợ con.

"Gia đình đều muốn anh ở lại quê, tiếp tục chăm lo hương hỏa tổ tiên nhưng không có chỗ ở. Gia đình tôi đã làm đơn lên chính quyền xã xin cấp đất, cấp hộ khẩu cho anh nhưng chưa có phản hồi", ông Tuynh kể.

Về trường hợp ông Thuấn, nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng cho biết, phía ban ngoại cảm cũng có trách nhiệm nhưng gia đình đã không làm đúng nguyên tắc. "Trong quá trình trắc nghiệm gọi vong, chúng tôi rà soát toàn bộ bên ngoài Quân khu 7 và các nghĩa trang thì phát hiện ngôi mộ nằm ở lô đằng sau của nghĩa trang Bình Long có vong trùng tên với liệt sĩ Thuấn, vẽ sơ đồ cho gia đình vào tìm. Nguyên tắc khi vào đến nơi, gia đình phải gọi điện ra cho chúng tôi xác định lại xem có đúng là mộ liệt sĩ Thuấn thì mới được cất bốc. Nhưng gia đình không có phản hồi mà đã tự ý đưa hài cốt ra".

"Tin tưởng vào phương pháp ngoại cảm tìm mộ mà bao năm qua tôi cứ ngỡ đã hoàn thành được tâm nguyện của mẹ cha. Anh em thay nhau hương khói hài cốt liệt sĩ mà không biết người nằm dưới mộ kia không phải anh mình", ông Tuynh nói.

Thanh Hòa

Nhà báo Phan Phú Khương từ trần

Tòa soạn VnExpress đau xót báo tin, nhà báo Phan Phú Khương, Trưởng ban tin Thể thao của báo, đã đột ngột từ trần ở tuổi 39 vào hồi 3h50 ngày 27/11 sau một tai nạn giao thông bi thảm.

Anh Khương là một trong những nhà báo đầu tiên của VnExpress. Anh công tác tại Ban tin Số hóa từ năm 2003 và giữ chức Trưởng ban trong 10 năm. Từ tháng 10/2013, anh đảm nhận chức Trưởng ban tin Thể thao.

anhkhuong6-8967-1385530117.jpg

Nhà báo Phan Phú Khương.

Anh Khương được biết đến là một nhà báo chính trực, có uy tín và chuyên môn cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh được đồng nghiệp nể trọng vì phong cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc và đáng tin cậy. Trong cuộc sống, anh là người nhiệt tình, thân thiện và hòa đồng.

Trong những giờ phút cuối được cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức, gia đình và các đồng nghiệp VnExpress đã luôn túc trực bên anh. Mặc dù được bác sĩ tận tình cứu chữa, anh Khương đã không qua khỏi.

Lễ viếng nhà báo Phan Phú Khương diễn ra từ 11h30 đến 13h30 thứ bảy ngày 30/11 và lễ truy điệu diễn ra vào lúc 13h30 tại nhà tang lễ Phùng Hưng. Lễ hỏa táng diễn ra lúc 15h cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.

VnExpress

Cấm trồng cây trứng cá trên đường phố Sài Gòn

Cây trứng cá nằm trong danh mục 28 loại cây cấm trồng ở vỉa hè và dải phân cách vì quả của nó khuyến khích trẻ em leo trèo cũng như ảnh hưởng vệ sinh đường phố.

UBND TP HCM vừa ban hành danh mục 28 loài cây cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố như: cây bã đậu, bàng, bồ kết, da (sung), dừa, điệp phèo heo, đủng đỉnh, gòn, keo lá tràm, lọ nồi (đại phong tử), lòng mức, mã tiền, me keo, sọ khỉ (xà cừ), thông thiên, trứng cá, trúc đào, xiro...

cay-trung-ca-1893-1385543566.jpg

Cây trứng cá cũng nằm trong danh mục 28 loại cây cấm trồng ở vỉa hè và dải phân cách. Ảnh: Trung Sơn.

Theo đánh giá của UBND TP, đây là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người hoặc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Vì vậy, thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân không trồng mới các loài cây thuộc danh mục này. Đồng thời giao các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh đô thị sẽ thay thế dần những cây hiện có trên đường phố.

Trước đó, hồi giữa tháng 10, UBND TP đã ban hành danh mục các loại cây cấm và hạn chế trồng trên vỉa hè, dải phân cách tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Theo đó, chỉ có 5 loại cây là bã đậu, cô ca cảnh, mã tiền, thông thiên và trúc đào bị cấm trồng vì trong thân, lá, vỏ cây hoặc hoa, hạt của chúng có chứa độc tố hoặc chất gây nghiện, gây nguy hiểm cho con người. Còn 23 loại cây còn lại chỉ hạn chế trồng vì có thể gây ảnh hưởng không tốt, nhánh giòn dễ gãy, có gai nhọn, hoa có mùi...

>> Danh mục 28 loại cây bị cấm trồng trên đường phố Sài Gòn

Trung Sơn

Theo Vnexpress