Tin Thế Giới

Bên trong bệnh viện, mọi khoảng không khô ráo và sạch sẽ đều được tận dụng làm chỗ nghỉ ngơi cho các bệnh nhân. Ở hành lang của khoa nhi, các sản phụ phải kê nệm ở ngay trên sàn nhà và cố gắng làm mát bằng cách phe phẩy những tấm bìa.

Những em bé giành giật sự sống ở Tacloban

Cuộn mình trong tấm nilon mỏng, Kyrie Boniface, một cậu bé bị sinh sớm 7 tuần, nhẹ nhàng thở trước ánh mắt lo lắng của các y tá tại Tacloban, Philippines, nơi vừa bị siêu bão Haiyan tràn qua hai tuần trước.

tre-so-sinh-afp-1-7651-1385112522.jpg

Tình trạng mất điện kéo dài đã lấy đi sinh mạng của nhiều em bé sơ sinh tại Tacloban, Philippines. Ảnh minh họa: AFP

Mẹ của Kyrie, một cô gái mới 21 tuổi, đang trong tình trạng rất yếu và phải nằm nghỉ trên một chiếc nệm được đặt ngay trên sàn nhà của căn phòng bên cạnh. "Tôi đang rất hạnh phúc", cô nói, những giọt nước mắt lăn dài trên má. "Nhưng việc này thật quá khó khăn".

Y tá Jerbies Lames, người trực tiếp chăm sóc cho Kyrie, nói cậu bé cần thuốc kháng sinh để tránh bị nhiễm trùng. "Chúng tôi phải lấy máy trợ thở từ các lồng ấp khác để cung cấp thêm oxy cho thằng bé", Lames nói về tình trạng của Kyrie, nhưng cho biết thêm rằng "những đứa trẻ khác cũng cần loại máy đó". 

Lames, người phải làm việc liên tục theo ca suốt 24 giờ, vừa được chuyển tới bệnh viện này vài ngày trước khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Tacloban. Anh cho biết, Trung tâm Y tế Khu vực Đông Visayas là bệnh viện duy nhất tại thành phố 220.000 dân này vẫn tiếp tục nhận bệnh nhân. Mặc dù cơ sở hạ tầng vẫn còn nguyên vẹn, nhưng lượng người cần sự giúp đỡ quá đông đã vượt khả năng ứng phó của đội ngũ y bác sĩ. 

Bên trong bệnh viện, mọi khoảng không khô ráo và sạch sẽ đều được tận dụng làm chỗ nghỉ ngơi cho các bệnh nhân. Ở hành lang của khoa nhi, các sản phụ phải kê nệm ở ngay trên sàn nhà và cố gắng làm mát bằng cách phe phẩy những tấm bìa. 

Lames, người đã có 24 năm kinh nghiệm, là một trong số 4 y tá được giao nhiệm vụ chăm sóc 36 đứa trẻ sơ sinh. Cách làm việc theo ca kéo dài 24 giờ đã được đội ngũ y tá và bác sĩ ở đây duy trì từ ngày 8/11, thời điểm cơn bão đổ bộ vào miền trung Philippines. 

Nằm kế bên Kyrie là một cô bé mang họ Uotuhan. Em cũng mới chỉ được 32 tuần tuổi trước khi sinh và phải đấu tranh rất nhiều để giành sự sống từ tay tử thần. Tuy nhiên, Uotuhan và Kyrie vẫn được cho là may mắn hơn rất nhiều so với những người bạn cùng lứa. Đó là những đứa trẻ đã qua đời vì bị hạ thân nhiệt hoặc hạ đường huyết. Theo Lames, nguyên nhân của tình trạng này là bởi các y tá không đủ khả năng chăm sóc các em một cách cẩn thận vào ban đêm vì thiếu điện. 

Cũng theo Lames, điều kiện đã được cải thiện sau khi bệnh viện nhận được một số máy phát điện và đoàn hỗ trợ từ Tây Ban Nha. "Nhờ họ mà giờ đây chúng tôi đã có thêm thuốc", anh nói, "nhưng vì đây là bệnh viện duy nhất còn mở cửa đón tiếp bệnh nhân, vì thế thật khó để có thể dự đoán rằng liệu chúng tôi còn cầm cự được thêm bao lâu nữa". 

Ngoài trẻ sơ sinh, bệnh viện cũng phải tiếp nhận thêm rất nhiều em bé, và một trong số đó là Princess Balisal, một bé gái mới hai tháng tuổi. Cô bé phải nhập viện vì bị tiêu chảy và đang được truyền một dung dịch màu vàng vào cơ thể. 

Gần đó, Cynthia Pontejos đang quạt mát cho cậu con trai hai tuổi, Kim, bằng một tấm bìa mỏng. Cậu bé được xe cứu thương đưa tới đây vì bị lên cơn hen suyễn giữa đêm. "Chiếc mặt nạ oxy của thằng bé đã bị nước lũ cuốn trôi", Cynthia nói trong cuộc phỏng vấn với AFP.

Cả Kim và anh trai cậu bé đều được ra đời tại một bệnh viện tư. Cả gia đình đang sống trong garage, bởi nhà của họ đã bị nước lũ nhấn chìm. 

Tuy nhiên, Cynthia, 28 tuổi, vẫn tỏ ra khá lạc quan về tương lai của gia đình. "Chúng tôi không còn nhà, không còn quần áo, không còn tiền, và cũng không biết phải làm lại từ đâu. Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất ổn", cô nói. "Bởi chúng tôi vẫn còn sống".

Tại khu lồng ấp, Lames đang trao đổi công việc với một tình nguyện viên đến từ Tây Ban Nha. "Chúng tôi khuyến khích các sản phụ tự cho con bú", anh nói. "Vậy nên một số bà mẹ mới sinh con lần đầu cần sự giúp đỡ và hướng dẫn của các y tá."

Sau đó, anh quay lại chỗ của Kyrie để đảm bảo lượng oxy dành cho cậu bé vẫn ổn định, trước khi bước về phía hành lang, nơi có những bà mẹ trẻ, rồi mỉm cười và chạm nhẹ vào cánh tay họ. 

Lames kết thúc ca làm việc của mình bằng cách cập nhật các thông tin vào các tài liệu và chuyển giao nó cho người trực ca sau. "Mô hình này không ổn lắm", anh nói, "Nhưng đó là cách duy nhất chúng tôi có thể làm". 

Quỳnh HoaSập nóc siêu thị ở Latvia, 43 người chết

Ít nhất 43 người thiệt mạng sau khi phần nóc của một siêu thị ở thủ đô Riga của Latvia bị sập.

22-6569-1385109549.jpg

Hiện trường vụ sập nóc siêu thị Maxima XX ở thủ đô Riga, Latvia. Ảnh: RIA Novosti.

Vụ việc xảy ra tối ngày 21/11 theo giờ địa phương còn khiến hàng chục người bị thương, một vài người trong số này được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

RIA Novosti dẫn lời thị trưởng Riga, Nils Uaakovs, cho hay ít nhất 70 người có thể còn bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

"Chúng tôi chưa thể nói gì về nguyên nhân, nhưng đó là một buổi tối kinh hoàng", nữ phát ngôn viên Viktorija Sembele của cơ quan cứu hộ khẩn cấp nói với AFP. "Ba lính cứu hỏa tại hiện trường đã thiệt mạng trong lúc tìm kiếm người còn mắc kẹt, 10 nhân viên cứu hộ bị thương".

"Chúng tôi đang làm việc với hết khả năng nhưng tình trạng bây giờ của tòa nhà rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ phải làm việc trong cả ngày tiếp theo", Giám đốc sở cứu hỏa Riga, Oskars Abolins nói. Khoảng 200 nhân viên cứu hộ cùng quân đội đã tìm kiếm những người có thể còn kẹt trong đống đổ nát suốt đêm qua.

Thủ tướng Latvia Valdis Dombrovskis xác nhận cảnh sát nước này đang điều tra nguyên nhân sự việc, trong đó việc trồng cỏ để phủ xanh siêu thị được chú ý nhất.

Siêu thị Maxima XX có diện tích 500 m2 được hoàn thành vào năm 2011 và từng được đề cử cho một giải thưởng về kiến trúc. Đây là hệ thống bán lẻ lớn thứ hai ở Latvia. Maxima, công ty điều hành siêu thị, bị sốc sau khi biết thông tin vụ việc, và cho biết sẽ cung cấp tất cả thông tin cần thiết phục vụ quá trình điều tra.

Video hiện trường vụ sập nóc siêu thị

 

Nguyễn Tâm (Video: RT Ruptly)

Triều Tiên bắt công dân Mỹ 85 tuổi

Giới chức Triều Tiên thông báo với các quan chức ngoại giao Thụy Điển việc nước này đang bắt giữ một công dân Mỹ, cựu binh trong chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.

AP-merrill-newman-jef-13112-9471-1385200

Ông Merrill Newman, cựu binh Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, bị Bình Nhưỡng bắt giữ. Ảnh:ABC News

"Chúng tôi đang phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển để giải quyết vấn đề này",CNN dẫn lời bà Jennifer Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết. 

Washington hiện chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, nên buộc phải làm việc thông qua Thụy Điển để cập nhật tình hình công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ.

Mặc dù, bà Psaki từ chối tiết lộ danh tính người bị bắt, gia đình ông Merrill Newman, 85 tuổi, cho rằng ông chính là người bị Triều Tiên giam giữ từ 26/10. Ông Newman sống tại California, từng là sĩ quan bộ binh thuộc quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Bà Lee Newman, vợ cựu bình này, cho biết chồng bà bị giới chức Triều Tiên bắt giữ vào ngày cuối cùng tại nước này, trước khi chuyến bay từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh cất cánh. "Ông ấy đã bị bắt giam ở đâu đó tại Triều Tiên từ ngày đó đến giờ", bà Lee nói.

Newman có bạn đồng hành là ông Bill Hamrdla. Hai người lên kế hoạch đi thăm Triều Tiên với hình thức du lịch tự tổ chức trong thời gian 10 ngày.

Jeff Newman, con trai cựu binh này, cho biết bố anh và Hamrdla cùng hướng dẫn viên du lịch đã gặp các quan chức Triều Tiên một ngày trước khi rời Bình Nhưỡng. Lý lịch của Newman được đưa ra thảo luận trong buổi gặp mặt.

"Tôi hiểu rằng cha có một chút bận tâm, nhưng có lẽ ông và bạn đồng hành không nghĩ sự việc sẽ diễn ra như thế này", Jeff cho biết.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần này khuyến cáo công dân nước này không nên đến Triều Tiên.

Một công dân Mỹ khác hiện bị Triều Tiên bắt giữ là ông Kenneth Bae. Ông Bae bị bắt từ tháng 11/2012 và hồi tháng 5, bị kết án 15 năm lao động khổ sai cho tội danh âm mưu lật đổ chính phủ.

Đức Dương

Theo Vnexpress