Tin Trong Nước

"Lạnh và đói khát, ngỡ đời mình thế là hết. Trong lúc tôi tuyệt vọng sắp buông xuôi thì ghe của cha con ông Hồ Sở băng băng qua dòng nước lũ chảy xiết, đến ứng cứu kịp. Cả con bò cái của tôi cũng được lai theo ghe, thoát chết. Gia đình ông Sở đã đưa tôi từ cõi chết trở về", anh Phúc nói...

Những người đàn ông cứu 240 người trong lũ dữ

"Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao hôm đó sức chịu đựng của mình lại dữ vậy. Chỉ tới khi về nhà, đặt lưng xuống mới thấy cơ thể rã rời. Lũ đi qua, thấy bà con sống hết là tôi mừng lắm rồi", người đàn ông cứu 42 hộ dân bộc bạch. 

Lũ dữ vừa rút, đường về xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) bùn nhão ngập ngụa đến tận đầu gối. Dọc hai bên đường, nhà cửa hoang tàn, ngổn ngang sau cơn "đại hồng thủy" chưa từng có trong lịch sử. 

19-11-Anh-3-Tinh-lang-trong-lu-7211-8888

Anh Phúc kể lại giây phút sinh tử được gia đình ông Hồ Sở cứu sống giữa dòng nước lũ ngày 15/11. Ảnh: Trí Tín.

Đang tất bật dọn dẹp, anh Nguyễn Hồng Phúc bảo "không thể tin mình được sống thêm lần nữa". Vẫn còn thảng thốt, anh Phúc kể, sáng 15/11, hai vợ chồng đang chăm sóc đồng dưa ở bãi bồi giữa hai nhánh sông Vệ thì trời đổ mưa to kèm theo gió lớn. Lo sợ nguy hiểm cho vợ, anh chèo ghe đưa chị qua trú tạm ở xã Hành Tín Tây, sau đó quay lại bãi bồi tiếp tục công việc. Chưa đầy 1 tiếng sau, nước lũ đổ về cuồn cuộn cuốn trôi ghe, anh chới với giữa biển nước mênh mông.

"Lạnh và đói khát, ngỡ đời mình thế là hết. Trong lúc tôi tuyệt vọng sắp buông xuôi thì ghe của cha con ông Hồ Sở băng băng qua dòng nước lũ chảy xiết, đến ứng cứu kịp. Cả con bò cái của tôi cũng được lai theo ghe, thoát chết. Gia đình ông Sở đã đưa tôi từ cõi chết trở về", anh Phúc nói. 

Sau khi cứu được anh Phúc, gia đình ông Sở tiếp tục chèo ghe lần lượt đưa gần 100 người dân vùng trũng ven sông ở xóm Cát lên vùng cao Gò Chè, thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây trú tránh lũ an toàn.

Bà Phan Thị Thi ở thôn Phú Khương cho biết, khoảng 19h hôm 15/11, lũ rào rào đổ về rồi dâng rất nhanh không ai ngờ được. "Chưa kịp thu gom tài sản thì lũ đã ngập lên đến tận đầu người, vợ chồng tôi vội bắc thang leo lên nóc nhà. Lúc ấy sợ nhất là căn nhà sẽ đổ sập nên chúng tôi chỉ biết hợp sức kêu cứu", bà Thi kể.

19-11-Anh-2-Tinh-lang-trong-lu-6116-1836

Ông Hồ Sở (trái) cùng các thành viên tham gia cứu sống gần trăm người trong trận lũ kinh hoàng vừa qua. Ảnh: Trí Tín.

Nghe tiếng kêu gào thất thanh, ông Sở cùng những người con chèo ghe ngược dòng nước xiết đến cứu hai vợ chồng bà Thi đưa lên vùng cao. Lo cứu người mà không kịp di dời tài sản, trận lũ đã cuốn trôi của gia đình ông Sở 5 con heo cùng nhiều đồ đạc, vật dụng sản xuất, gây ngập nhiều lu bể đựng lúa, bắp.

"Lũ cuốn trôi hết, hư hại hết, nhưng tôi nghĩ còn người thì còn của. Chứ nghe bà con kêu cứu át cả tiếng ầm ầm nước lũ mà đau lòng quá. Biết là chèo ghe giữa biển nước lũ cuồn cuộn trong đêm có thể nguy hiểm tính mạng, nhưng thấy bà con đang đối mặt với cái chết mà không cứu thì lòng không chịu được", ông Sở lý giải.

Thiên tai tàn khốc cuốn trôi tất cả, song tình làng vẫn còn ở lại sưởi ấm lòng bà con ở vùng rốn lũ. Người dân xã Hành Tín Tây không chỉ nhắc nhở ơn cứu mạng của gia đình ông Sở mà còn cảm động trước nghĩa cử cao đẹp quên mình cứu người của ông Phan Thuận cùng hai thanh niên khác trong thôn Phú Khương. 

Sau ba ngày xảy ra trận lũ vượt đỉnh lịch sử, ông Thuận không thể nhớ mình cùng hai thanh niên trong thôn đã cứu biết bao nhiêu người ở vùng cô lập. Bà Bùi Thị Tuyết (vợ ông Thuận) cho biết, nghe lũ lớn tràn về lúc 8h ngày 15/11, ông Thuận rời nhà cùng anh Phan Văn Phát chèo ghe về xóm Cát, thôn Phú Khương giúp người dân sơ tán lên vùng gò Chè trú tránh.

"Tôi trùm nón, mặc áo mưa ra đầu dốc hồi hộp chờ mỗi chuyến ghe chở người trong vùng rốn lũ ra mà lo đến thót tim. Trời về đêm, nước lũ càng dâng cao, tôi càng sợ những chuyến ghe của chồng lỡ có gì bất trắc. Đến gần 1h sáng 16/11 ổng run bần bật về đến", bà Tuyết nhìn chồng đầy tình cảm.

19-11-Anh-1-Tinh-lang-trong-lu-9372-4102

Sau khi cứu hơn 140 người dân trong lũ dữ, ông Phan Thuận ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây trở về vui vẻ bên con cháu. Ảnh: Trí Tín. 

Suốt cả ngày đi cùng ghe ông Thuận, nhiều lúc anh Phát phải phá ron mè, dỡ ngói cứu hàng chục người đưa từ mái nhà xuống ghe nên đến trưa thì anh đã kiệt sức. Không thể yên lòng trước tình thế nguy cấp của bà con, ông Thuận đi gọi anh Phan Xuân cùng thôn tiếp tục lên đường. Hễ nghe tiếng ai kêu ở đâu là họ lại vội vàng lao ghe đến. 

"Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao trong hôm đó sức chịu đựng của mình lại dữ vậy. Chỉ tới khi về nhà, đặt lưng xuống giường mới thấy cơ thể rã rời. Lũ đi qua, thấy bà con còn sống hết là tôi mừng lắm rồi", ông Thuận bộc bạch. 

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Như, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho hay, ông Thuận đã cứu hơn 42 hộ dân, gia đình ông Hồ Sở cứu 25 hộ với tổng cộng 240 người bị cô lập. Mừng nhất là cơn lũ vượt đỉnh lịch sử hơn 1 m gây ngập sâu trên địa bàn toàn xã nhưng đã không gây thiệt hại về người.

"Có được niềm vui này là nhờ lòng quả cảm, nặng nghĩa tình làng xóm của những người tốt bụng như ông Thuận, ông Sở và đội thanh niên xung kích của xã", ông Như nói. 

Hiện, huyện Nghĩa Hành đang hoàn tất thủ tục để kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng bằng khen, tuyên dương ông Hồ Sở, Phan Thuận cùng một số thành viên tham gia cứu người thoát khỏi hoạn nạn trong trận lũ lịch sử vừa qua. 

Trí Tín

 

Đêm trắng của người nhà nạn nhân vụ cháy ở Zone 9 

Mắt nhòe nước, hai con gái của anh Chì - chị Bảy ngồi lặng im chờ đến giờ khâm liệm cha mẹ. Cạnh đó, vài người phụ nữ trẻ hết gào khóc, lại ngất đi bên xác 6 người thiệt mạng.

23h ngày 19/11, nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) yên ắng, không còn tiếng khóc than như vài giờ trước đó. Người nhà 6 nạn nhân vụ cháy khu Zone 9 ngồi tựa vào nhau, gương mặt thất thần. Phía trong, khoảng 30 người đứng quanh quan tài của vợ chồng anh Chí - chị Hạnh để làm lễ khâm liệm. Ba nạn nhân khác đã được thay áo xong, chỉ chờ giờ nhập quan. Người còn lại đã được gia đình chuyển về quê Hải Dương.

chay-zone-9-4207-1384904572.jpg

Người nhà nạn nhân khóc vật trước cửa phòng tang lễ. Ảnh: Quỳnh Trang.

"Hôm nay là buổi làm cuối rồi mà sao số các em tôi khổ thế, không thoát kiếp thiệt thân", anh Nguyễn Văn Cảnh (44 tuổi), anh ruột nạn nhân Hạnh than thở và cho hay, chị Hạnh mới làm ở Zone 9 cùng chồng được vài hôm. 

Do hoàn cảnh khó khăn nên cứ sáng sớm vợ chồng Chí - Hạnh lại rời làng ra thủ đô lao động, tối trở về ngôi nhà nhỏ ở Quốc Oai để chăm lo cho 2 con cùng mẹ già 70 tuổi. Con trai lớn của anh chị năm nay lên lớp 7, con gái học lớp 3. Kinh tế gia đình trông chờ vào đồng lương lao động chân tay "ba cọc, ba đồng" của cặp vợ chồng. Anh chị mới làm giỗ đầu cho bố.

"Bụi nhà chưa sạch, giờ lại thêm 2 cái tang, rồi đây bà cụ già và 2 đứa nhỏ biết sống ra sao", anh Cảnh gạt nước mắt nói.

Mấy công nhân cùng làng cho hay, tối 18/11, vợ chồng anh chị được đề nghị lên Zone 9 hoàn tất công trình. "Chẳng hiểu sao Chí kêu sợ, không đi. Giá mà nó lên làm luôn đêm qua thì hôm nay đã không gặp nạn", một người kể.

Có mặt tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn lúc 22h để chuẩn bị khâm liệm cho bố mẹ, hai con gái (13 và 16 tuổi) của vợ chồng anh Chì - chị Bảy mắt nhòe nước. Khoác bộ đồng phục học sinh mỏng manh, hai đứa ngồi lặng im tựa mình vào người bà con ở góc sân nhà tang lễ. Mẹ già của anh chị do sức yếu nên không thể vào viện nhìn con lần cuối.

Trước đó, khoảng 20h, các thi thể nạn nhân vụ cháy khu Zone 9 được đưa từ Viện 108 về nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây 50 người thân, bạn bè của 6 nạn nhân đứng đông kín trước cửa nhà cử hành tang lễ. Mấy phụ nữ ngất đi tỉnh lại nhiều lần, người gào khóc gọi tên nạn nhân, người được dìu từ phòng tang lễ ra khản tiếng xin "cho gặp mặt em tôi lần nữa thôi"...

DSC-7827.jpg

Nửa đêm, gần sáng nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn rất đông người tập trung. Ảnh:Nguyên Anh

Vật vã trong vòng tay của các thân nhân trước phòng tang lễ, chị gái nạn nhân Nguyễn Phú Hải (22 tuổi) than thở: "Sao em tôi khổ quá trời". Vừa khóc, chị vừa van lơn xin vào gặp em. Thi thoảng lấy lại sức, chị vùng ra khỏi vòng tay các thân nhân, cố lao đến phòng tang lễ.

Người thân cho hay, nhà Hải nghèo, bố mất từ sớm. Sau khi chị gái đi lấy chồng, Hải một mình chăm sóc người mẹ đau ốm triền miên. Do có quan hệ anh em, họ hàng với gia đình anh Chí - Hạnh và Chì - Bảy nên Hải hay được hai vợ chồng này rủ đi làm cùng.

Thương "thằng Hải còn chưa kịp lấy vợ" nhưng nhiều người còn xót xa hơn khi thấy người vợ mới cưới được một tháng của anh Phạm Công Huy (24 tuổi, quê Hải Dương) ngất lên ngất xuống. Mỗi khi tỉnh dậy, chị Quỳnh lại gào lên, kháng cự với những ai muốn đưa mình xa thi thể chồng. Khoảng 21h, thi thể anh Huy được chuyển về quê làm hậu sự.

1h sáng 20/11, xác 5 nạn nhân cuối cùng của vụ cháy Zone9 đã được nhập quan và sáng cùng ngày sẽ hoả táng rồi chuyển tro cốt về quê.

Trước đó, chiều 19/11, trong lúc thi công cải tạo bar Fuse nằm trong khu vực Zone 9, địa điểm vui chơi yêu thích của giới trẻ Hà thành, do bất cẩn, nhóm thợ hàn làm lửa bén vào đống vật liệu gồm nhiều tấm xốp và nhựa. Đám cháy tuy không lớn nhưng làm 6 người thiệt mạng vì ngạt khói trong bar.

Quỳnh Trang

Đúc súng thần công, kiếm lệnh dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hiện vật, do các nghệ nhân điêu luyện nhất xứ Thanh đúc theo phương pháp truyền thống, dự kiến được dâng lên Đại tướng tại khu lăng mộ ở Vũng Chùa (Quảng Bình).

Ngày 20/11, ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý để Liên chi hội cùng các nghệ nhân đúc đồng xứ Thanh thực hiện đúc 3 hiện vật gồm trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

11-9610-1384916527.jpg

Năm 2008, nhân kỉ niệm 60 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phong hàm đại tướng, Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa đã đúc một chiếc trống và một thanh kiếm lệnh dâng tặng ông. Ảnh: Lê Hoàng

Theo kế hoạch, lễ chập lò đúc các hiện vật nêu trên được thực hiện vào ngày 22/12. Lễ dâng linh khí sẽ diễn ra tại Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nhân dịp 100 ngày mất của Đại tướng.

Theo ông Hồ Quang Sơn, chiếc trống được đúc theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ với đường kính mặt trống 103 cm (tượng trưng cho tuổi thọ của Đại tướng), cao 91,1 cm (tượng trưng cho năm sinh của Đại tướng 1911).

Thân trống được trang trí bằng 5 hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp của Người gồm: ảnh chụp chung với Bác Hồ, ngôi nhà Đại tướng tại quê Lệ Thủy, buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, quốc kỳ bay trên nóc hầm tướng De Castries và xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập. Sau khi hoàn thành, chiếc trống có trọng lượng khoảng 400kg.

Hai khẩu thần công đại pháo được mô phỏng theo phiên bản súng thần công cổ của Việt Nam. Mỗi khẩu nặng gần 200 kg, trên thân khắc hoa văn thời Trần và hoa sen. Súng dài 103 cm, tượng trưng cho tuổi thọ Đại tướng.

Thanh kiếm lệnh được đúc theo phiên bản kiếm đồng Đông Sơn với chiều dài 65 cm (tượng trưng cho 65 năm từ khi Đại tướng được phong hàm cho đến khi từ trần). Tất cả hiện vật đều đúc theo phương pháp thủ công truyền thống.

"Trống đồng là linh khí quốc gia từ buổi Vua Hùng dựng nước. Trong các dịp quốc lễ, trống đồng hiện hữu như vật tối linh. Việc làm này của Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh xuất phát từ tấm lòng cảm kích và tri ân công đức của cố Đại tướng với nhân dân, với non song đất nước", ông Sơn nói.

Trước đó, năm 2008, Liên chi hội này từng đúc một chiếc trống đồng và một thanh kiếm lệnh dâng tặng Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ông thụ phong hàm Đại tướng.

Lê Hoàng

Theo Vnexpress