Tin Thế Giới

Các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã tiến hành sơ tán hơn 19.000 hộ dân với gần 79.000 người từ các vùng ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp... đến nơi ở an toàn. Riêng Quảng Ngãi di dời hơn 16.000 hộ với gần 67.000 người...

Mưa lũ miền Trung vẫn diễn biến phức tạp

Cơn lũ lịch sử đã làm hàng chục người chết, trên 100 nghìn ngôi nhà bị ngập... và được đánh giá đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực vẫn bị cô lập.  

MG-1582-1971-1384618838.jpg

Mưa lũ đổ về bất ngờ, nhiêu nơi ở miền Trung bị cô lập, người dân phải dùng thuyền đi lại. Ảnh: Nguyễn Đông

Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, tính đến 22h ngày 16/11, đã có 24 người chết do lũ. Trong đó, riêng tỉnh Bình Định đã có đến 12 người; 8 người ở Quảng Ngãi, 2 người ở Quảng Nam, 1 người ở Kon Tum và 1 người ở Gia Lai. Con số này chênh lệch so với ghi nhận của VnExpresstại các địa phương là 29 người.

Ngoài ra, cơn lũ vượt mốc lịch sử năm 1999 đã làm đổ sập và cuốn trôi 53 ngôi nhà ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa; 166 ngôi nhà bị tốc mái, khoảng 110.000 nhà từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận bị ngập; hơn 1.000 ha lúa và 691 ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng.

Các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đã tiến hành sơ tán hơn 19.000 hộ dân với gần 79.000 người từ các vùng ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp... đến nơi ở an toàn. Riêng Quảng Ngãi di dời hơn 16.000 hộ với gần 67.000 người.

Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhận định hiện mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp. Bình Định là tỉnh gánh chịu nặng nề nhất với hơn 98.000 nhà bị ngập. Trong đó, huyện Tuy Phước ngập 80% diện tích, nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Mưa lớn cũng gây lũ quét tại các xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang (huyện An Lão). Toàn bộ hệ thống đê Đông bị ngập (42/47km), độ sâu ngập trung bình 0,5 m, chỗ sâu nhất 1 m.

Tại Quảng Nam, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An ngập trên diện rộng. Ở Quảng Ngãi, 40 xã tại lưu vực các sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thành phố Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn chìm trong nước, nhiều nơi bị cô lập.

cau-La-Hai-ngap-nuoc-7346-1384610891.jpg

Cầu đường bộ La Hai bị chìm sâu trong nước lũ, giao thông ngưng trệ hoàn toàn. Ảnh: Chí Phan

Tại Phú Yên, đến chiều 16/11, lượng mưa đã giảm nhưng lũ vẫn còn uy hiếp vùng hạ lưu sông Ba. Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng hơn 3.700 m3/giây. Ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết đã sẵn sàng bố trí người và phương tiện chủ động di dời dân vùng ven sông Ba đến vùng cao toàn khi có lũ quét xảy ra. Trong đó đặc biệt chú ý đến các khu dân cư Thạnh Hội (xã Sơn Hà) và Bãi Điều (thị trấn Củng Sơn). Lực lượng xung kích được phân công ứng trực tại các cầu tràn, khu vực thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá để kiểm soát người và phương tiện qua lại.

Theo Phó chủ tịch huyện Sông Hinh Trần Thanh Định, lực lượng cứu hộ vẫn thường xuyên trực chiến tại các điểm xung yếu, chủ động hỗ trợ dân khi có lũ lớn. “Huyện đã bố trí người, ca nô và các phương tiện cứu hộ ứng trực 24/24 tại các khu dân dân cư gần bờ sông Ba, như Sơn Giang, Đức Bình Tây, Đức Bình Đông để sẵn sàng di dời người và tài sản của dân đến nơi an toàn. Đài Truyền thanh huyện và xã liên tục phát đi các bản tin dự báo tình hình mưa lũ và phương án phòng chống để nhân dân chủ động nắm bắt”, ông Định cho biết.

Tại huyện Đồng Xuân, nước sông Kỳ Lộ từ từ rút chậm ở mức an toàn nên 531 hộ dân trong vùng sạt lở, trũng thấp di dời từ ngày hôm trước lần lượt trở về nơi ở. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, nhiều cầu tràn trên các con đường bê tông đấu nối giữa ĐT641 với các thôn của các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc nước vẫn ngập sâu gần 1 m, một số khu dân cư chưa hết cô lập. Cầu La Hai (cũ) ngập hơn 0,5 m, nước lũ chảy xiết nên giao thông ngừng trệ; người và phương tiện phải lội nước vòng qua đường Lương Văn Chánh về cầu La Hai (mới) để ra vào trung tâm huyện lỵ.

quoc-lo-19-3508-1384621928.jpg

Sạt lở ăn sâu vào lòng Quốc lộ 19 của Gia Lai. Ảnh: Chí Dũng

Đến cuối ngày, trên địa bàn Gia Lai mưa đã giảm nhưng tình hình lụt vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Quốc lộ 19, đèo An Khê, đoạn đường dài khoảng 500 m nằm phía địa phận Bình Định bị sạt lở nhiều điểm, ăn sâu vào lòng đường. Hàng ngàn m3 đất đá đổ ập xuống dưới, bờ kè bê tông và taluy chắn hai bên của quốc lộ 19 đèo An Khê cùng nhiều bảng hiệu bị chôn vùi dưới đất đá nham nhở.

Trên đèo An Khê có tất cả 21 điểm sạt lở, trong đó có 6 điểm nghiêm trọng nên việc lưu thông của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, chỉ lưu thông một chiều. Từng đoàn xe dài vẫn nối đuôi nhau khi qua đây.

Hiện lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến bắc Khánh Hòa đang xuống chậm và còn ở mức từ báo động 2 đến báo động 3. Riêng hạ lưu sông Ba (Phú Yên), do xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ nên mực nước đang lên lại. 

r-7880-1384618838.jpg

Nhiều nơi ở miền Trung vẫn bị chia cắt. Ở phố cổ Hội An, người dân phải vất vả trèo qua hàng rào về nhà ngập nước lũ. Ảnh: Nguyễn Đông

Các hồ thuỷ điện đã giảm lượng xả. Lúc 21h ngày 16/11 đã có 13 hồ thủy điện xả tràn, 6 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s. Cụ thể, Sông Tranh 2 xả 1.682m3/s; Sông Ba Hạ xả 3.500m3/s; Ya Ly xả 1.096m3/s; Sê San 3 xả 1.013m3/s; Sê San 4 xả 1.273m3/s; Sê San 4A xả 1.724m3/s.

Nguyễn Đông - Chí Phan - Chí Dũng

Đại lễ cầu siêu cho 8.000 nạn nhân tai nạn giao thông

Trong 10 tháng đầu năm 2013, Việt Nam có gần 8.000 người tử vong, hàng chục nghìn người bị tàn phế vì tai nạn giao thông,  gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước...

Nghin-tang-ni-JPG-8125-1384585560.jpg

Sáng nay, tại chùa Bái Đính (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Hàng chục nghìn tăng ni, phật tử và nhân dân trên khắp cả nước đã về tham dự buổi lễ này.

Bo-truong-Dinh-la-thang-JPG-1426-1384585

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2013, cả nước có gần 8.000 người chết, hàng chục nghìn người  tàn phế do tai nạn giao thông. Tính trung bình, mỗi ngày trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 30 người chết, hàng trăm người bị thương, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Cac-cu-ba-JPG-8831-1384585560.jpg

Đây là lần thứ 2, Việt Nam tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông với quy mô quốc gia. Sự kiện này nhằm chia sẻ mất mát đau thương với thân nhân những người bị nạn, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức và người dân chung tay chia sẻ khó khăn, tổn thất và nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông.

Cac-nha-su-JPG-6817-1384585560.jpg

Buổi lễ diễn ra thành kính trang nghiêm và đầy xúc động...

Cu-ba-ngoi-cau-nguyen-JPG-2976-138458556

Sau chặng hành trình dài đến dự lễ cầu siêu, hai cụ bà này ngồi ngay bậc tam cấp ở chùa Bái Đính lần tràng hạt cầu nguyện cho vong linh người thân đã sớm lìa cõi thế.

Cac-chau-be-JPG-7856-1384585560.jpg

Nhiều đứa trẻ cũng theo cha mẹ đến dự lễ cầu siêu.

Nguoi-phu-nu-khoc-JPG-7381-1384585560.jp

Cô con gái mất cách đây 2 năm khi vừa bước sang tuổi 21 nên hôm nay, chị Phạm Thị Vị (trú xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đến chùa từ sáng sớm. Trong suốt buổi lễ, người phụ nữ dáng khắc khổ liên tục gào khóc, những giọt nước mắt tiếc thương lăn dài trên gò má khiến những người có mặt không khỏi xúc động. Chị Vị bảo, đã nhiều năm trôi qua nhưng khoảnh khắc mất đi người con gái trinh trắng vẫn luôn ám ảnh tâm trí mình.

Ngoi-ngoai-san-co-JPG-2998-1384585561.jp

Không vào được hội trường bên trong, nhiều người ngồi xếp hàng bái vọng từ phía xa.

quy-phuc-JPG-8973-1384585561.jpg

Kết thúc buổi lễ, nhiều người ùa vào khu chính điện chùa Bái Đính phủ phục.

quy-phuc-dong-nguoi-JPG-8249-1384585561.

...và cầu nguyện giờ lâu, mong linh hồn người thân sớm được siêu thoát nơi chín suối.

Viet-so-JPG-9093-1384585561.jpg

Hàng chục nghìn lá sớ được viết rồi gửi lại nơi cửa phật để dâng tâm nguyện cầu an...

Viet-tren-ngoi-JPG-2581-1384585561.jpg

Nhiều gia đình còn chọn cách viết tên người thân lên những viên ngói được chuẩn bị sẵn, sau đó gửi nhà chùa đem lợp lên mái bảo tháp để cầu an bình, hạnh phúc.

Den-hoa-dang-JPG-2458-1384585561.jpg

Trong khuôn khổ buổi lễ, tối cùng ngày, chương trình nghệ thuật dưới hình thức sân khấu hóa nhằm tái hiện những vụ tai nạn giao thông thảm khốc sẽ được dàn dựng, đồng thời nghi thức thả gần 8.000 chiếc đèn hoa đăng tượng trưng cho gần 8.000 người đã chết vì tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay tại hồ phóng sinh trong khuôn viên chàu Bái Đính.

Lê Hoàng

Người đàn bà lấy chồng điên

Hơn 13 năm chung sống và có hai đứa con với chồng, chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Văn Hội, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) lý giải cuộc hôn nhân của mình là do duyên số.
chi-hang-1-8135-1384491011.jpg

Vợ chồng chị Hằng và đứa con thứ hai trong căn nhà bừa bộn. Cô con gái này hiện cũng phát bệnh ho ra máu giống bố. Ảnh: Bình Minh.

Người phụ nữ xộc xệch đội chiếc nón mê, mặc bộ quần áo tuềnh toàng bỏ dở xe rác đang thu gom ở cuối thôn, bế đứa con chạy về nhà. Trông già hơn so với tuổi ngoài 40, chị Hằng ngại ngùng mời khách vào căn nhà bừa bộn quần áo, đồ đạc để la liệt trên sàn nhà lát đá hoa. Ngoài cổng, những người hàng xóm tò mò nhìn ngó, bàn tán vì chẳng mấy khi thấy nhà chị Hằng, anh Đăng có người tới thăm. Anh Đăng lầm lũi bước vào nhà và ôm đứa con gái nhỏ, hôn hít, xoa đầu khiến cô bé cười khanh khách. Bé ngoan ngoãn ngồi trên giường ăn kẹo cùng bố.

Nghe vợ nói nhà có khách, anh Đăng ngừng ăn, ra bể rửa tay và thay chiếc áo khoác cáu bẩn bằng áo sơ mi đã mất vài cái cúc rồi bẽn lẽn ngồi cạnh vợ. Bình thường vào giờ này, chị Hằng đang đẩy xe rác hay còng lưng mò cua, bắt ốc ngoài đồng, còn chồng chị lang thang khắp làng, chán mới mò về nhà.

Hơn chục năm qua, cuộc hôn nhân của chị Hằng và anh Đăng vẫn là câu chuyện lạ gây bàn tán khắp thôn. Nhắc đến họ, người làng tỏ ý khâm phục người phụ nữ lấy chồng điên và thương cảm hoàn cảnh nghèo khổ của đôi vợ chồng ấy. Trong mắt người làng, chị Hằng được xem là dũng cảm, đảm đang, chịu khó lo cho chồng con ngày ba bữa.

Ngày chị về làm dâu thôn Văn Hội, cả làng hiếu kỳ kéo đến xem mặt. Người đoán chị chắc cũng "đơ đơ", người lại kết luận "nồi tròn úp vung tròn", còn chị giữ riêng cho mình lý do đến với người chồng từng đi bộ đội. Sau khi giải ngũ, anh Đăng mới phát bệnh.

chi-hang-3891-1384491011.jpg

Chị Hằng lý giải mình đến với anh Đăng vì muốn 'gánh cái nặng cho anh ấy'. Ảnh: Bình Minh.

Đan hai bàn tay vào nhau, chị Hằng hồi tưởng lại cái ngày được mai mối với anh Đăng. Nói chuyện hồn nhiên, dân dã, chị hay cười kể cả khi nhắc đến những nỗi vất vả. Chiếc áo mặc bên ngoài có phần tay áo rách toạc thỉnh thoảng lại vướng vào mặt mỗi khi chị lấy tay vén mớ tóc lòa xòa.

Một lần lên Văn Hội cắt lúa và vào nhà em chơi, chị được chị dâu của anh Đăng ướm hỏi cho người chồng tương lai. Không lâu sau, người chị đó cùng gia đình sang xin cau nhà chị Hằng. Ngày ấy, bệnh tình anh Đăng chưa nặng như bây giờ. Lúc anh đến, trông thấy lù rù, nghĩ chắc cũng chẳng được nhờ nhưng chán cảnh sống cùng mẹ kế và bị gia đình giục, chị đã đồng ý. "Tôi thấy anh Đăng khổ, không làm được gì nên tôi lấy coi như gánh cái nặng cho anh ấy", chị Hằng nói.

Anh em và bạn bè đều ngăn cản vì cho rằng chị "không đến nỗi nào" tội gì phải lấy người dở hơi. Họ sợ chị khổ, không dựa dẫm được mà phải hầu hạ, chăm sóc người chồng bệnh tật suốt đời. Nhiều người chê chị điên và cười nhạo quyết định dại dột ấy.

Lúc đầu, chị nghĩ thà chăm sóc anh còn hơn là sống chung với mẹ kế, nhưng rồi cuộc sống khó khăn làm chị nhiều đêm nằm khóc một mình. Chồng không biết làm việc gì ngoài đi lang thang khiến gánh nặng cơm áo dồn cả lên vai chị. Những lúc ốm đau, chị nhờ bố đẻ mua thuốc và sang chăm sóc.

Để có tiền, chị nhận dọn vệ sinh ở thôn với mức lương hơn một triệu đồng một tháng. Chị cũng tranh thủ mò cua, bắt ốc và làm vàng mã ở nhà. Cùng với khoản trợ cấp của chồng, thu nhập gia đình chị mỗi tháng ngót nghét khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền ấy chẳng đủ để chị lo thuốc men, ăn uống và quà bánh cho chồng con hàng tháng.

Lúc biết mang thai đứa con thứ hai, chị Hằng từng muốn bỏ vì nghĩ không thể nuôi được. Đứa con đầu đã 13 tuổi cũng ngơ giống bố nên chị không muốn cuộc đời đứa thứ hai cũng khổ như vậy. Suy đi tính lại, cuối cùng chị không đành lòng bỏ con.

"Suốt ba tháng sau khi đẻ đứa thứ hai, mẹ con tôi chỉ ăn rau má độn với sắn bào. Không vay được ai tiền, tôi bò dậy ngày hai bữa đi đào rau má", chị Hằng kể.

chi-hang-4-6006-1384491011.jpg

Ngoài đi thu gom rác ở thôn, hàng ngày chị Hằng đi mò cua, bắt ốc và làm vàng mã ở nhà. Ảnh: Bình Minh

Nhắc lại những ngày khốn khổ, đôi mắt của người đàn bà này đỏ hoe, mọng nước. Chị bảo có người chồng điên dại khổ lắm nhưng nếu được quyết định lại, có khi chị vẫn làm như vậy. Giờ thì chị không nỡ bỏ người chồng điên bởi ngoài việc ngây dại, anh chẳng khi nào đánh chửi vợ con. Chị Hằng tâm sự, những hôm ngồi yên ở nhà, anh Đăng rất yêu con và thích chơi đùa cùng chúng. "Lúc tỉnh táo, biết mình không làm được gì, anh ấy bảo vợ 'chăm sóc tôi với nhé'. Nghe câu ây, tôi không cam tâm bỏ được", chị Hằng chia sẻ.

Từ ngày đi làm dâu, thỉnh thoảng chị mới về đằng ngoại vì "đi vắng thì ai kiếm gạo cho chồng con ăn". Cách đây ba, bốn năm, nhờ xã hỗ trợ, chị cất được căn nhà ngói lát đá hoa và cả công trình phụ để cả nhà có chỗ trú mưa nắng. Căn nhà rộng khoảng 30m2 có duy nhất chiếc giường, giữa nhà là vài bao tải thóc ai đó gửi trở thành chỗ chơi cho hai đứa trẻ.

Không mong muốn gì cho mình, chị chỉ lo cho sức khỏe của chồng con. Gần đây, bệnh tình trở nặng, anh Đăng hay ho ra máu. Nhiều đêm, anh vừa đi vừa hét khắp làng. Có đợt anh đi xa cả tháng trời rồi tự tìm được đường về nhà. Giờ nỗi lo lớn nhất của chị là vẫn chưa chuyển được khẩu về đây để yên tâm chăm nuôi chồng con.

Theo ông Nguyễn Đình Thế, trưởng thôn Văn Hội, gia đình chị Hằng, anh Đăng thuộc diện hộ nghèo và luôn được ưu tiên hưởng mọi chế độ theo quy định. Hàng tháng, anh Đăng được hưởng trợ cấp hơn 300.000 đồng, con cái đi học không mất tiền. "Trước đây anh Đăng từng đi chiến đấu và phát bệnh sau khi xuất ngũ. So với người bình thường, chị vợ cũng không được nhanh nhẹn bằng nhưng bù lại chịu khó, biết vun vén. Cuộc sống khó khăn nên hàng xóm rất thương hoàn cảnh của họ", ông Thế nói.

Bình Minh

Theo Vnexpress