Tin Thế Giới

Vào ngày 10.11, người sống sót sau bão tại thành phố Tacloban phải bịt mũi khi đi ra ngoài đường vì thi thể những nạn nhân xấu số vẫn chưa được đem chôn dù siêu bão đã đi qua được 3 ngày...

Người dân Philippines sống chung với xác chết sau siêu bão Hải Yến

(TNO) Ngoài việc thiếu thốn thức ăn, nước uống và thuốc men, người dân tại thành phố Tacloban (Philippines), nơi bị siêu bão Hải Yến tàn phá nặng nề nhất, còn phải chịu đựng mùi tử khí bốc ra từ các xác chết nằm la liệt trong thành phố.

Reuters và AFP ngày 11.11 đã đăng tải loạt ảnh cho thấy đời sống cơ cực của người dân Tacloban.

 

 
Vào ngày 10.11, người sống sót sau bão tại thành phố Tacloban phải bịt mũi khi đi ra ngoài đường vì thi thể những nạn nhân xấu số vẫn chưa được đem chôn dù siêu bão đã đi qua được 3 ngày 

 
Thi thể của những nạn nhân xấu số tại thành phố Tacloban đã bốc mùi. Ảnh chụp hôm 10.11, 3 ngày sau khi siêu bão Hải Yến đi qua vùng này 

 
Thi thể một người chết sau cơn bão tại thành phố Tacloban 

 
Xác người chết nằm la liệt bên vệ đường trong thành phố Tacloban 

 
Hai người dân thành phố Tacloban kéo một cái xác đem chôn 

 
Một gia đình tại thành phố Tacloban khiêng xác người thân, thiệt mạng vì siêu bão Hải Yến, đi chôn

 
Hai cỗ quan tài đặt trên đường phố Tacloban

 

 
Người dân thành phố Tacloban xếp hàng trước sân bay địa phương chờ được phát thực phẩm và thuốc men. Nhiều người phải đi bộ vài cây số để rồi lại phải về tay không vì lượng hàng viện trợ không đủ

 
Người dân Tacloban giành giật thức ăn cướp được từ một cửa hàng địa phương 

 
Một người Philippines viết lời kêu cứu “Cứu SOS Chúng Tôi Cần Thức Ăn” bằng sơn lên mặt sân bóng rổ 

 
Vào hôm 10.11, quân đội Philippines được điều động đến thành phố Tacloban, nơi được cho là đang bất ổn về an ninh sau khi siêu bão Hải Yến đi qua 

 
Một người dân Philippines đứng giữa đống hoang tàn tại thành phố Tacloban. Xen lẫn trong đống đổ nát là xác những nạn nhân xấu số 

Hoàng Uy
Ảnh: Reuters, AFP

 

Tòa Công lý quốc tế: Vùng đất quanh đền Preah Vihear thuộc Campuchia

(TNO) Vùng đất quanh ngôi đền Preah Vihear là lãnh thổ thuộc Campuchia và Thái Lan phải rút khỏi vùng đất này, đó là phán quyết của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) đưa ra hồi chiều nay (11.11).

 Binh lính Thái Lan ở vùng biên giới Thái Lan - Campuchia
Binh lính Thái Lan ở vùng biên giới Thái Lan - Campuchia

Vùng đất rộng 4,6 km2 xung quanh ngôi đền hồi giáo có từ thế kỷ 11 Preah Vihear bị cả Campuchia và Thái Lan tranh chấp từ nhiều năm nay.

Đây là phán quyết mới nhất và là phán quyết lần thứ 2 của ICJ đối với vụ tranh chấp ngôi đền giữa Thái Lan và Campuchia.

Hồi năm 1962 ICJ cũng đã từng có phán quyết ngôi đền Preah Vihear thuộc Campuchia.

Như vậy theo phán quyết của ICJ cả ngôi đền và vùng đất xung quanh thuộc chủ quyền của Campuchia và Thái Lan không có quyền đòi hỏi quyền lãnh thổ đối với toàn bộ khu vực này.

Quân đội Campuchia và Thái Lan nã đạn pháo vào nhau trong nhiều tháng liền hồi năm 2011, khiến hàng chục người thiệt mạng phần lớn là binh lính của cả hai nước.

Cuộc đấu pháo giữa binh lính hai nước căng thẳng đến mức Phnom Penh và Bangkok không thể kiểm soát được phải nhờ đến ICJ.

Chính phủ Campuchia đưa vụ việc ra tòa ICJ và hồi năm 2012, khi đó ICJ đã có phán quyết ban đầu buộc hai nước phải rút quân khỏi khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, quân đội vẫn được chính phủ hai nước huy động để trấn giữ vùng biên giới.

Ngôi đền Preah Vihear là một biểu tượng của người Khmer cổ, được công nhận là di sản thế giới hồi năm 2008.

Chính khi ngôi đền được công nhận di sản thế giới đã châm ngòi cho cuộc tranh chấp của hai nước.

Tin, ảnhMinh Quang
(Văn phòng Bangkok)

 

Bé gái 'diệu kỳ' ra đời trong đống đổ nát sau siêu bão Hải Yến

Bé gái Beatriz Joy được đặt theo tên của bà ngoại, người đã mất tích sau siêu bão Hải Yến - Ảnh: AFP

(TNO) Emily Sagalis sung sướng đến bật khóc sau khi sinh hạ một bé gái tại thành phố Tacloban (Philippines) - nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ siêu bão Hải Yến. Cô quyết định đặt tên con theo tên của người mẹ của mình đã mất tích trong siêu bão.

Bé gái được sinh ra vào ngày 11.11, trong một tòa nhà đầy những mảnh vỡ vụn ở sân bay Tacloban, được biến thành trung tâm y tế dã chiến sau khi siêu bão Hải Yến tàn phá thành phố này, theo AFP.

“Con tôi thật đẹp. Tôi sẽ đặt tên con là Beatriz Joy để tưởng nhớ mẹ của tôi”, Sagalis, 21 tuổi, nói với AFP.

Cô Sagalis cho biết mẹ của cô đã bị cuốn trôi bởi dòng nước lũ chảy xiết do siêu bão Hải Yến gây ra.

"Đứa con gái này là một phép màu đối với tôi. Tôi tưởng tôi và con đã bị dòng nước xiết cuốn trôi đi khi bé còn nằm trong bụng”, cô Sagalis nói.

Trong khi đó, chồng của cô, anh Jobert, rơi nước mắt khi nghĩ về những ngày đã qua. Jobert cho biết dòng nước lũ đã cuốn trôi căn nhà và tất cả thành viên trong gia đình của họ.

Đội ngũ quân y đỡ đẻ cho Sagalis đang lo ngại cô có thể bị nhiễm trùng do sinh nở trong điều kiện thiếu thốn thuốc men và kém vệ sinh.

 
Đội ngũ quân y Philippines đỡ đẻ cho Emily Sagalis ngay trên đống đổ nát ở sân bay Tacloban - Ảnh: AFP

Em bé chào đời ngay trên máy bay quân sự trong siêu bão Hải Yến

Trước đó, vào ngày 9.11, một phép màu cũng đã diễn ra. Bà mẹ trẻ Riza Jaro, 18 tuổi, đã chuyển dạ và hạ sinh một bé gái ngay trên một chiếc máy bay quân sự sau khi siêu bão Hải Yến tràn về tàn phá thành phố Tacloban, theo trang tinPhilippines Star ngày 10.11.

Jaro quyết định đặt tên cho con là Yoonadale, gần giống như tên siêu bão Yolanda.

Mẹ của Jaro và người thân của cô đã không thể tìm được bất kỳ bệnh viện, cơ sở y tế nào còn hoạt động để giúp cô vượt cạn, do siêu bão Hải Yến đã làm tê liệt mọi hoạt động tại thành phố Tacloban.

May mắn thay, một nhóm binh sĩ đã dùng máy bay vận tải quân sự C-130 (vừa hoàn thành sứ mạng chở hàng hóa viện trợ) chở cô đến một trung tâm y tế dã chiến tại sân bay thành phố để giúp cô sinh nở.

Trên đường đến sân bay thành phố Tacloban, Jaro chuyển dạ và có dấu hiệu vượt cạn ngay. Các binh sĩ trên máy bay không còn lựa chọn nào khác ngoài quyết định “đỡ đẻ” cho bà mẹ trẻ.

Các binh sĩ Philippines đã đỡ đẻ rất "mát tay", kết quả là "mẹ tròn con vuông" ngay trên không trung.

Hải Yến là cơn bão mạnh nhất năm 2013 cho đến thời điểm này và là một trong bốn siêu bão mạnh nhất lịch sử nhân loại, có sức gió lên đến 314 km/giờ và giật đến 379 km/giờ đã hoành hành tại Philippines trong ngày 8.11, ước tính đã cướp đi sinh mạng của trên 10.000 người.

Phúc Duy

Theo Baomoi.com