Ông Nguyễn Thanh Chấn được công nhận vô tội
Sau nhiều giờ họp kín, chiều 6/11, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy bản án phúc thẩm đã tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân về tội Giết người.
Theo nguồn tin của VnExpress, Hội đồng tái thẩm gồm nhiều thẩm phán có kinh nghiệm của TAND Tối cao đồng ý với kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Hai bản án tuyên ông Chấn tù chung thân về tội Giết người (đã có hiệu lực) bị tuyên hủy.
Luật sư Nguyễn Đức Biền (người bào chữa cho ông Chấn ở cả hai cấp xét xử) xúc động thốt lên: "Cuối cùng thì sự thật đã được chứng minh. Có người nói VKSND Tối cao đã dũng cảm nhận sai, nhưng theo tôi nói dũng cảm là hơi quá, bởi vì sự thật khách quan đã phơi bày ra trước mắt. Hung thủ thật sự đã ra đầu thú, Chấn không có tội thì đương nhiên phải hủy án oan, không thể làm khác".
Theo ông Biền, vụ án này là bài học cảnh tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng; cần tôn trọng sự thật, không áp đặt ý chí chủ quan vào vụ án.
Người thân òa khóc khi ông Chấn được xe công an đưa về nhà. Ảnh: Người Lao động |
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, với phán quyết trên, ông Chấn đã được công nhận là không phạm tội. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, cơ quan xét xử cuối cùng vụ án, sẽ phải bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Khi đó, ông Chấn có quyền đâm đơn kiện ra TAND huyện Việt Yên yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao bồi thường các khoản: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe.
Thiệt hại về tài sản và thu nhập được tính theo mức thiệt hại thực tế. Riêng thiệt hại do tổn thất về tinh thần, luật quy định cứ một ngày bị tạm giữ, tạm giam, ngồi tù oan thì được bồi thường số tiền tương đương ba ngày lương tối thiểu (hơn 52.000 đồng). Ví dụ, nếu bị giam oan 10 năm (tương đương 3.650 ngày), ông Chấn có thể đòi bồi thường hơn 190 triệu đồng.
10 năm trước, ngày 29/8/2003, ông Chấn bị bắt, khởi tố về tội Giết người do bị nghi là thủ phạm gây ra cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan. Tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm, ông không nhận tội và bị tuyên án tù chung thân. Trong khi thụ án, ông đã gửi một số đơn kêu oan.
Ở nhà, vợ ông Chấn là Nguyễn Thị Chiến cũng gửi đơn tới nhiều nơi. 4 tháng trước, trong đơn gửi về VKSND Tối cao, bà cho biết qua tìm hiểu thì thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xác minh. Ngày 25/10, Chung ra đầu thú, khai gây ra vụ giết người, cướp tài sản. Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, rời trại giam về nhà.
Việt Dũng
Áp thấp có thể không mạnh thành bão khi vào miền Nam
Dù dự báo chiều nay áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão và đổ bộ vào đất liền, song đến 17h, cơ quan dự báo kết luận khả năng này là 50 – 50.
Theo bản tin lúc 17h30 ngày 6/11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 16h chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới nằm ngay trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 7 (50 – 61 km/h), giật cấp 8.
Trong 12 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 25 – 30 km mỗi giờ và đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến 4h sáng mai (7/11) tâm áp thấp sẽ nằm trên đất liền các tỉnh miền Tây Nam Bộ với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49 km/h), giật cấp 8.
Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão khi vào đất liền là 50 - 50. Ảnh: NCHMF |
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, theo dự báo, khi đổ bộ, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão hoặc vẫn giữ nguyên là áp thấp nhiệt đới, tỷ lệ này là 50 - 50.
Tối và khuya nay, khu vực Nam Bộ có mưa và dông cần đề phòng lốc xoáy, gió giật mạnh. Riêng miền Đông Nam Bộ và TP HCM mưa to đến rất to. Đề phòng lũ quét ở vùng núi thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mưa lớn kết hợp với triều cường làm mực nước dâng cao gây ngập ở các vùng thấp trũng, ven biển, ven sông của TP HCM, Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, cơ quan dự báo cũng cho biết, bão Haiyan đang hướng vào biển Đông với sức gió mạnh nhất đạt cấp 17, có khả năng đi vào biển Đông vào đêm 8/11.
Tại TP HCM, để chủ động đối phó khả năng có bão, chiều nay, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường học trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện yêu cầu thông báo ngay cho giáo viên, học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ chiều nay cho đến hết ngày 6/11.
Hữu Nguyên
Bệnh viện Bạch Mai khẳng định không truyền nhầm máu
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai ngày 6/11 thông báo, sản phụ Loan nhóm máu B và kết quả xét nghiệm nhóm máu AB của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trước đó cũng không sai.
Trước nghi vấn truyền nhầm nhóm máu tại Bệnh viện Sơn Tây, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời điểm Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, kết quả định nhóm máu của sản phụ là AB (với các phương pháp thông thường). Tuy nhiên, khi xét nghiệm sâu hơn thì nhóm máu của bệnh nhân là B. Theo ông Hùng, kết quả xác định nhóm máu tại thời điểm đó của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không sai. Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cũng không sai.
Theo kết luận cuối cùng, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây không truyền nhầm máu. Ảnh: N.P. |
Lý giải về kết quả khác nhau của hai bệnh viện, tiến sĩ Hùng nói, bệnh nhân mất đến 1/3 lượng máu trong cơ thể nên phải truyền máu để bù. Lượng máu dự trữ tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây chỉ có 2-3 túi. Bệnh viện đã truyền hết số máu này nhưng tình trạng thiếu máu vẫn chưa được cải thiện.
“Không thể để bệnh nhân chết, Bệnh viện Sơn Tây đã huy động máu của người nhà và Bệnh viện 105. Không có thời gian đợi chiết tách hồng cầu (để hạn chế nguy cơ của việc truyền máu), Bệnh viện buộc phải truyền máu toàn phần, có cả huyết tương. Tổng lượng máu sản phụ Loan được truyền là hơn 5 lít (máu nhóm B), trong khi đó một người bình thường chỉ có 3,5-4 lít máu”, tiến sĩ Hùng nói.
Kết quả nhóm máu khác nhau theo ông Hùng, có nhiều khả năng. Thứ nhất là việc bệnh nhân này được truyền máu quá nhiều, thay hơn một lần máu cộng thêm việc truyền cả huyết tương (có nhiều thành phần) nên việc định máu khó chính xác. Thứ hai, trong y văn cũng ghi nhận khả năng con nhóm máu A, mẹ nhóm máu B, trong khi chuyển dạ, một lượng máu của con vào cơ thể mẹ nên xuất hiện máu A, tuy vậy khả năng này thấp.
“Xử trí của Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây về chuyên môn không sai. Truyền hơn 5 lít máu mà nhầm thì không ai cứu được. Kết quả định lại các túi máu phát ra để truyền do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương làm cũng đều là nhóm máu B”, tiến sĩ Hùng cho biết.
Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.P. |
Trước đó, sản phụ 22 tuổi Nguyễn Thị Loan đến Bệnh viện Sơn Tây để khám và sau đó nhập viện vì bị rau tiền đạo. Tối ngày 21/10, bệnh nhân được mổ lấy thai và bị băng huyết. Bệnh viện đã truyền 16 bịch máu nhóm B, sau đó chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tại đây, kết quả định nhóm máu lại là AB, nên chị Loan được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ do truyền nhầm máu.
Bệnh nhân Loan được chẩn đoán bị sốc mất máu do rối loạn đông máu nặng. Thời gian chảy máu dài, chảy tất cả mọi nơi: vết mổ, đường mổ, da, chỗ tiêm truyền. Trước đó, bệnh nhân được mổ lần đầu lấy thai, lần thứ 2 cắt tử cung bán phần để cầm máu. Ngày 31/10, bệnh nhân tiếp tục được mổ lần 3 vì có khối máu tụ thành bụng và hố chậu phải. Hiện, bệnh nhân tỉnh, ăn uống bình thường, không có biểu hiện xuất huyết, tập vận động nhẹ nhàng trong phòng bệnh. Sản phụ Loan vẫn đang được theo dõi sát.
Rau tiền đạo là tình trạng bánh rau không bám ở vị trí bình thường mà bám thấp xuống vùng eo tử cung, bịt một phần hoặc toàn bộ đường ra của thai nhi. Đặc biệt, rau tiền đạo dễ gây chảy máu khi có sự bong tách, xóa mở cổ tử cung và có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Vì vậy nếu không được chẩn đoán trước và theo dõi tại bệnh viện để phẫu thuật kịp thời khi chuyển dạ, sản phụ có thể tử vong do mất máu.
Nam Phương
Theo Vnexpress