Tin Trong Nước

Người đứng đầu Công an Hà Nội cho biết, không còn cách nào khác tìm xác nạn nhân ngoài biện pháp mò lặn, thả câu. “Chúng tôi quyết bằng mọi giá phải tìm được xác nạn nhân”, tướng Chung khẳng định...

Giám đốc Công an Hà Nội: Phải tìm bằng được xác bị phi tang

Theo Giám đốc Công an Hà Nội, lời khai của Nguyễn Mạnh Tường về việc ném xác chị Huyền xuống sông Hồng là "khả năng lớn nhất".

Hôm nay, sau một tuần tìm kiếm trong vô vọng xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, người bị ném xuống sông Hồng theo lời khai của nghi can Nguyễn Mạnh Tường (Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường), thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) cho biết cơ quan điều tra không bỏ cuộc. Hiện vẫn có 10 thợ lặn tìm kiếm xác chị Huyền dọc từ đầu cầu Thanh Trì (Hà Nội) đến cầu Yên Lệnh (Hưng Yên).

Tướng Chung nhận định khả năng lớn nhất là chị Huyền bị ném xuống sông theo lời khai của nghi can Tường vì ngoài tài liệu điều tra còn có nhân chứng về việc này.

Người đứng đầu Công an Hà Nội cho biết, không còn cách nào khác tìm xác nạn nhân ngoài biện pháp mò lặn, thả câu. “Chúng tôi quyết bằng mọi giá phải tìm được xác nạn nhân”, tướng Chung khẳng định.

Ông cho hay theo tổng kết kỹ thuật hình sự thế giới, với người chết đuối thường 5-7 ngày xác sẽ nổi lên, điều này tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nóng hay lạnh. Tuy nhiên, với những trường hợp xác bị ném, có thể phải từ 18 đến 25 ngày mới nổi.

Theo một số chuyên gia luật hình sự, trong vụ án này tài liệu, chứng cứ đủ cơ sở để xác định bị can đã phạm tội Giết người nên việc phải tìm thấy thi thể nạn nhận không còn là điều kiện bắt buộc.

nc2-6304-1383039213.jpg

Tại khu vực chân cầu Thanh Trì (Hà Nội), người nhà nạn nhân vẫn kiên trì tổ chức tìm kiếm. Ảnh: Hữu Nam

Vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường đã khiến dư luận bàng hoàng bức xúc. Hàng loạt các đơn vị chức năng đã vào cuộc điều tra xác minh vụ việc. Hôm qua, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Bộ Y tế, ngành y tế Hà Nội xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến thừa nhận thấy “đau đớn, xót xa và nặng nề” về vấn đề y đức.

Theo lời khai của ông Tường, sáng 19/10 chị Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường do ông ta làm chủ ở số 45 đường Giải Phóng để hút mỡ bụng và nâng ngực. Sau nhiều tiếng phẫu thuật, đến 16h cùng ngày, thiếu phụ 39 tuổi nặng 49 kg thấy chóng mặt, người tím tái, sùi bọt mép và tử vong. Tối hôm đó, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh bê nạn nhân ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì vứt phi tang.

Hiện, Tường và Khánh bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi giết người. Bệnh viện Bạch Mai đã đình chỉ công tác với Tường.

Theo điều tra, Tường làm bác sĩ khoa Ngoại chuyên ngành xương khớp, mở Thẩm mỹ viện Cát Tường khoảng 6 tháng, chưa được cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Rộ tin đồn thấy xác nạn nhân bị bác sĩ phi tang 

Nguồn tin của VnExpress cho biết, sáng 29/10 một người dân chài phát hiện bao tải nổi lên mặt sông Hồng, dưới chân cầu Yên Lệnh, giạt về địa phận tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, ông này không vớt lên.

Nghi trong đó có xác chị Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội Dương Văn Giáp và Phó phòng Cảnh sát đường thủy Nguyễn Văn Cương trực tiếp đến hiện trường kiểm tra. Cả nghìn người dân hiếu kỳ cũng đổ xô về đây.

Tuy nhiên, đến chiều nay, nhà chức trách địa phương đã phủ nhận việc tìm thấy xác chị Huyền tại đây. Lãnh đạo của một đơn vị công an đang phụ trách tìm kiếm xác chị Huyền cũng cho hay chiếc bao tải "không liên quan" vụ án do bác sĩ Tường gây ra.

Nhóm phóng viên

 

Không công nhận hài cốt 'cậu Thủy' cất bốc là liệt sỹ

Một ngày sau khi "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy bị bắt với nghi vấn lừa đảo, chiều 29/10 lãnh đạo Sở LĐTBXH khẳng định, 9 hài cốt chôn cất tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 không phải là liệt sỹ.

Chiều 29/10, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Quảng Trị cho biết, toàn bộ số hài cốt do "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy (tức Cậu Thủy) cất bốc đã được di dời khỏi Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 và bàn giao cho Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Trước đó, ngày 4/8, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) và Viện pháp y quân đội cũng đã lấy mẫu hài cốt để giám định ADN.

cauthuye-8361-1383038897.jpg

Nguyễn Thanh Thúy (ngồi giữa) chỉ đạo cất bốc hài cốt liệt sỹ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, Quảng Trị) vào ngày 25/7. Ảnh: Quang Hà

Chiều cùng ngày, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Quảng Trị cho hay đơn vị đang di lý đối tượng Nguyễn Thanh Thúy và Mẫn Thị Duyên vào Quảng Trị để mở rộng điều tra. Một nguồn tin cho hay Bộ Công an đã có cuộc họp bàn giải quyết vụ việc với các địa phương mà "cậu Thủy" từng cất bốc mộ được cho là của liệt sĩ như Bình Phước, Đắk Lắk. Qua đó, Bộ Công an quyết định giao toàn bộ hồ sơ mà các đơn vị thu thập được để công an Quảng Trị chịu trách nhiệm điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó ngày 28/10, công an Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên (51 tuổi) cùng trú ở thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Theo điều tra ban đầu, ngày 25/7, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam tiến hành cất bốc hài cốt được cho là liệt sỹ ở khu vực thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị). Chỉ đạo cuộc cất bốc là "nhà ngoại cảm" Nguyễn Văn Thúy. Thúy đã bốc được 9 hài cốt.

Tuy nhiên, hiện trường vụ cất bốc cho thấy nhiều nghi vấn khiến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Sở LĐTB&XH không chấp nhận đây là hài cốt liệt sỹ và đề nghị cần giám định ADN.

Theo báo Tuổi trẻ, trước sự thúc ép của đoàn cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội, tỉnh Quảng Trị tạm thời chấp nhận mai táng số hài cốt này ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9. "Hiện, khu vực mai táng các hài cốt này đã được trả lại hiện trạng ban đầu", một nhân viên quản trang cho biết.

Quang Hà

 

Quán trà xanh miễn phí của người phụ nữ nghèo ở Hà Nội

Đã hai năm qua, bên thúng lá trà xanh vừa bán vừa cho, bà Nguyễn Thị Hồng Sen (65 tuổi) phục vụ nước trà miễn phí trên vỉa hè phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Hơn 14h, người phụ nữ gầy còm một bên xách xô nước lã, tay còn lại xách ấm nước đun sôi bước thấp bước cao đi ra từ con ngõ nhỏ của phố Trần Xuân Soạn. Chợp mắt sau buổi sáng mệt nhoài, bà Sen lại bắt đầu buổi chiều bên chiếc bếp lò, thúng lá trà xanh và vài chiếc hộp xốp.

ba-sen-8510-1382978195.jpg

Bà Sen cho hay bà phục vụ trà miễn phí vì muốn làm phúc. Ảnh: Bình Minh.

Thấy bà Sen, những người bán hàng gần đó liền mang cốc sang lấy nước. Trước khi rót trà cho họ, bà lấy vài quả quất cọ qua cốc rồi tráng lại bằng nước sôi ủ trong hộp xốp. Nhận cốc nước trà tươi thơm phức, ai nấy đều nói "cháu xin" mà chẳng đưa tiền bởi họ biết có dúi thế nào bà Sen cũng không lấy.

Thấy có người đi xe máy chầm chậm tiến về phía mình, sẵn siêu nước trên tay, bà đon đả mời: "Uống trà nhé, ngon lắm, không mất tiền đâu, bà mời. Uống đặc hay loãng, mà đã ăn gì chưa? Chưa ăn thì uống loãng thôi không là say đấy". Vừa nói, bà vừa đưa cốc nước cho khách và rót một cốc cho mình. Nhâm nhi cốc trà xanh thơm phức, người khách cho biết hôm nào ngang qua đây cũng ghé vào uống nước vì "trà của bà sạch, không có váng". Trả tiền nhưng bà không lấy, chị đành để lại vài nghìn trong bao tải lúc bà Sen bận bốc lá trà cho một người khách khác.

Biết khách mua lá về tắm cho con nhỏ, bà Sen cho không và còn dặn dò: "Trẻ con mới sinh tắm nước lá trà xanh tốt lắm đấy. Bà chẳng có gì, chỉ có lá trà thôi". Thấy chị khách ngạc nhiên, những người bán hàng gần đó giải thích: "Bà ấy là thế đấy, vừa bán vừa cho".

Những tiểu thương ở chợ Hôm không còn lạ với kiểu buôn bán của bà Sen. Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ nhưng lúc nào trên môi cũng nở nụ cười đon đả sẵn sàng mời bất kỳ vị khách nào đến hàng của bà cốc nước thơm mát. Khách uống bao nhiêu tùy thích, thậm chí cho vào chai mang về, tất cả đều miễn phí.

"Cửa hàng" của bà không bàn, ghế, chỉ vỏn vẹn có chiếc bếp lò, chậu nước rửa cốc và chiếc thùng xốp bày trước cửa một hàng áo dài. Thấy hoàn cảnh bà khó khăn, cửa hàng này thuê bà Sen quét dọn, trông xe cho khách với tiền lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng và tạo điều kiện cho bà bán lá trà tươi.

Lý giải cho việc phục vụ nước miễn phí và bán hàng không lấy tiền, nếu có cũng lấy gọi là, bà Sen bảo vì mình muốn làm phúc. Với bà, khách thích uống trà của mình và quay lại thường xuyên là vui rồi. Quán của bà bán lá trà xanh là chủ yếu nhưng sẵn có bếp lò, bà phục vụ mọi người cả nước uống.

sen-2-3547-1382978195.jpg

Khách đến quán bà muốn uống trà bao nhiêu tùy ý và không phải trả tiền. Nhiều người ái ngại cố nhét tiền vào bao tải lá trà rồi phóng xe đi. Ảnh: Bình Minh.

Hàng ngày, có người mang trà từ Hòa Bình xuống bán lại cho bà. Mỗi lần lấy hàng, bà nhập tầm hơn 20 kg chất đầy trong hai bao tải với tổng số tiền 160.000 đồng. Hôm nào chậm, bà phải bán 2 ngày mới hết. Mua theo cân nhưng lúc bán lẻ, bà bốc vào túi bóng cho khách mà không cần cân lại. Khách đưa nhiều bà cũng chẳng lấy, thỉnh thoảng, "giằng co" mãi, bà cầm vài nghìn rồi "đuổi" khách về.

Người phụ nữ hay chuyện sẵn sàng ngồi "đối ẩm" với khách ngay trên vỉa hè với cốc trà nóng. Bà hỏi han công việc, gia đình và quê quán rồi tiếp trà cho họ. Bà tâm sự, con cái cũng thắc mắc kiểu bán hàng cho không của mẹ và bảo "bán thế thì bán làm gì".

"Tôi muốn như vậy. Không có tiền thì tôi làm từ thiện kiểu ít tiền. Nhiều tiền thì lúc chết cũng có mang theo được đâu. Mẹ con tôi chỉ cần rau dưa cho qua ngày. Đến bữa, hai mẹ con ăn cơm bụi, mẹ ăn 3.000 đồng, con ăn 5.000 đồng", bà Sen nói.

Mỗi buổi bà đun nước hết vài nghìn tiền than. Chi phí đun nấu chẳng đáng là bao nên lấy tiền nước của khách khiến bà thấy ái ngại. Bình thường các quán nước bán 3.000 đồng một cốc (có chỗ 5.000 đồng), mà có hôm bán cả trà thiu giữ lại từ hôm trước.

Chia sẻ bí kíp pha ấm trà xanh ngon, bà Sen bật mí, sau khi đun sôi nước trên bếp, bà cho lá trà xanh đã rửa sạch vào và đợi cho sôi bùng lại rồi bắc xuống, mở vung ra. "Nước hết đến đâu đổ vào tới đó và dùng đũa ấn lá trà xuống đảm bảo lúc nào nước cũng xanh và thơm", bà Sen nói.

Nhắc đến công việc của mình, bà Sen cảm thấy tự hào mặc cho nhiều người vẫn chê bà là gàn dở. Suốt nhiều năm ngồi bán hàng ở đây, bà nhớ mãi đoàn sinh viên người Nhật và Pháp từng ghé quán. Tò mò không hiểu bà bán gì, 6 sinh viên nước ngoài khi đó đang học tiếng Việt ở Hà Nội viết ra giấy hỏi: "Bà ơi bà bán nước gì đấy?".

Nói chuyện với bà Sen qua giấy, nhóm sinh viên muốn được thưởng thức trà. Ngồi ngay vỉa hè, họ trò chuyện rôm rả và thích thú thưởng thức thứ nước uống từ lá cây.

"Uống xong, họ đưa cho tôi một tờ tiền đô màu xanh. Tôi cũng chẳng rõ trị giá của nó là bao nhiêu vì đã bao giờ được cầm tiền đô đâu, chỉ thấy mấy bà xung quanh bảo đổi ra phải được hơn 500.000 đồng. Tôi không nhận mà viết vào giấy lời cảm ơn và bảo: bà mời các con", bà Sen kể.

ba-sen-1-3708-1382978195.jpg

Bà Sen bốc lá trà vào túi cho khách mà chẳng cần cân lại. Ảnh: Bình Minh.

Cảm kích trước tình cảm của người bán hàng, các cô gái xin phép được chụp ảnh chung để về giới thiệu với bạn bè ở nước họ. Thấy mình ăn mặc không tươm tất, bà đã từ chối. Trước khi chia tay, các sinh viên ngoại quốc ôm chầm lấy bà và hứa sẽ quay lại uống trà trong lần trở lại Việt Nam. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng đó bảo bà dại không lấy tờ tiền ấy nhưng bà cho rằng làm như vậy xấu hình ảnh của người Việt Nam.

Thỉnh thoảng trong lúc nói chuyện, bà Sen hay cao hứng hát vài làn điệu chèo. Bà kể ngày còn trẻ ở quê Thái Bình rất thích chèo. Sau này, bà kết hôn với một người cùng quê làm công nhân rồi chuyển lên Hà Nội sống.

Sống với nhau được 30 năm, ông nhà bỏ bà về với tổ tiên vì bị bệnh ung thư. Chồng mất, bà ra phụ bán lá trà tươi với người bác nuôi chồng từ nhỏ mà bà quen gọi là mẹ chồng. Sau này, bà Sen cũng ngồi đúng vị trí bán hàng của mẹ chồng.

Chồng mất hơn chục năm nay, giờ bà Sen ở cùng đứa con gái ngoài 30 tuổi bị thần kinh. Đứa con trai lớn đã có gia đình và ở riêng cũng không khá giả nên chẳng giúp gì được cho mẹ. Mình bà xoay sở trên vỉa hè để mẹ con có rau cháo cho qua bữa. Hàng tháng, thu nhập của mẹ con bà trông chờ chủ yếu vào tiền lương từ tiệm may và khoản trợ cấp hơn 500.000 đồng mỗi tháng của phường cho đứa con gái ngơ ngẩn ấy.

Không chỉ nổi tiếng ở khu vực chợ Hôm với cách bán hàng đặc biệt, bà Sen còn được người dân quanh đó yêu quý vì tốt bụng. Chị Bình, nhân viên tiệm bánh ngọt gần đấy, cho biết: "Ngày nào, bà Sen cũng mời mọi người ở đây uống trà. Khách trả tiền nhưng bà ấy nhất quyết không lấy. Mang tiếng bán hàng nhưng bà Sen chỉ lấy tiền bằng một phần của người khác bán, nhiều lúc cho không".

Thương hoàn cảnh của mẹ con bà Sen, nhiều người bán thực phẩm và hàng ăn thường tính giá rẻ hoặc không lấy tiền mỗi khi thấy bà đi chợ.

Theo bà Chu Thị Thanh, tổ trưởng cụm dân cư số 2, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bà Sen là người phụ nữ vất vả nhưng có tâm tốt.

"Nhiều lần bà Sen mang nước sang mời, tôi bảo ‘ít nhiều chị cũng nên lấy 1.000 đồng đến 2.000 đồng không khách ngại chẳng dám uống’ nhưng bà ấy nói muốn làm phúc. Từ lúc phục vụ nước, bà Sen chẳng lấy tiền của ai bao giờ còn lá trà thì bán rất rẻ", bà Thanh nói.

Tổ trưởng cụm dân cư cho biết thêm, gia đình bà Sen là một trong những hộ nghèo nhất phường nên thường được phường quan tâm hỗ trợ. Ngoài trợ cấp cho cô con gái bệnh tật hàng tháng, có khoản hỗ trợ gì, mẹ con bà Sen đều được ưu tiên.

Bình Minh

Theo Vnexpress