Đề nghị truy tố Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức vụ nhân bản xét nghiệm
TP - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Nội vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án nhân bản kết quả xét nghiệm xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức, đồng thời đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố Giám đốc BV này cùng 9 cán bộ, nhân viên dưới quyền về hai tội danh: “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
BV Đa khoa Hoài Đức. Ảnh: Thái Hà. |
Theo đó, ông Nguyễn Trí Liêm (SN 1962), Giám đốc và bà Nguyễn Thị Nhiên (SN 1959), Phó giám đốc phụ trách khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức bị đề nghị truy tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Vương Thị Kim Thành (SN 1959), Trưởng khoa Xét nghiệm cùng 7 nhân viên, kỹ thuật viên bị đề nghị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Nhân bản kết quả để tăng thu và chia chác
Trong quá trình chỉ đạo và điều hành trong các cuộc họp giao ban, Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ tăng cường các xét nghiệm đối với bệnh nhân cận lâm sàng để tăng thu nhập cho bệnh viện (Bệnh viện hưởng 30% số tiền BHYT).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Vương Thị Kim Thành - Trưởng khoa xét nghiệm đã chỉ đạo các nhân viên trong khoa in trước các kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ sau đó gắn vào phiếu xét nghiệm huyết học để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác trong bệnh viện đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán BHYT.
Căn cứ tài liệu điều tra, sổ theo dõi kết quả xét nghiệm huyết học mà CQĐT thu giữ được cho thấy: Từ ngày 1/8/2012 - 31/5/2013, bị can Vương Thị Kim Thành cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm - BV Đa khoa Hoài Đức đã thực hiện 24.857 xét nghiệm huyết học và có 1.544 kết quả trùng nhau (kết quả được nhân bản nhiều nhất thành 4 bản, ít thành 2 bản).
Trong đó, bà trưởng khoa xét nghiệm trực tiếp in trước 35 kết quả xét nghiệm huyết học từ các mẫu máu cũ để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác đến xin kết quả để đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế. Tương tự, bị can Phan Thị Oanh (SN 1972, kỹ thuật viên trưởng) trực tiếp nhân bản 36 kết quả xét nghiệm; Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990, kỹ thuật viên) đã nhân bản 317 kết quả; Nguyễn Thị Thu Trang - Kỹ thuật viên trực tiếp in 365 kết quả xét nghiệm huyết học từ các bệnh phẩm cũ…
Kết quả điều tra xác định, trong số 1.544 kết quả xét nghiệm trùng thể hiện trong 18 quyển sổ có 789 kết quả được đưa vào thống kê thanh toán Bảo hiểm Y tế và thu trực tiếp của bệnh nhân với số tiền 16,5 triệu đồng. Số tiền thu lợi bất chính được đưa vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong Bệnh viện theo từng quý.
Tại CQĐT, các bị can là nhân viên khoa xét nghiệm thừa nhận có ý thức được việc in trước các kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ và ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học rồi trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân, cho nhân viên các khoa khác là sai nhưng thực hiện theo sự chỉ đạo của Vương Thị Kim Thành. Trong khi đó, bà Thành khai thực hiện “ý chỉ” của ban Giám đốc bệnh viện.
Giám đốc BV xúi nhân viên khai gian dối
Khi làm việc với CQĐT, bị can Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức chỉ thừa nhận thiếu sót trong công tác quản lý, và chối bỏ việc đã chỉ đạo nhân bản kết quả xét nghiệm từ các mẫu máu cũ để trả cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, bị can Nguyễn Thị Nhiên, Phó giám đốc, phụ trách khoa xét nghiệm lại cho khai: Trong một số cuộc giao ban, bà Nhiên đã báo cáo sự việc các kỹ thuật viên tự ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học khi trả cho bệnh nhân, nhân viên các khoa khác mà không qua kỹ thuật viên trưởng và trưởng khoa kiểm duyệt… Ông Giám đốc liền phổ biến cho các khoa rằng “ chữ ký của các kỹ thuật viên tại các kết quả xét nghiệm là có giá trị vì bên bảo hiểm vẫn cho thanh toán”.
Đáng chú ý, 5 bị can là nhân viên, kỹ thuật viên thuộc khoa xét nghiệm BV Hoài Đức khai: Ngày 1/8/2013 (trước ngày 5 bị can này bị khởi tố), họ được Vương Thị Kim Thành, Nguyễn Trí Liêm hướng dẫn nội dung khai báo với CQĐT “không có việc in trước kết quả xét nghiệm từ các bệnh phẩm cũ trả cho bệnh nhân ngoại trú mà chỉ cho người thân, quen kết quả xét nghiệm đã in sẵn để đưa vào hồ sơ học lái xe, xin việc làm…”.
Theo kết luận điều tra, mặc dù bị can Nguyễn Trí Liêm không thừa nhận hành vi, song căn cứ tài liệu, lời khai của các bị can khác, CQĐT cáo buộc ông Liêm chính là người chỉ đạo việc tăng cường các xét nghiệm và là người trực tiếp ký duyệt các chứng từ, quyết toán BHYT. Sự thiếu trách nhiệm của ông Liêm dẫn đến sai phạm của các cán bộ dưới quyền, gây hậu quả và dư luận xấu trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân. Hành vi của ông Liêm đủ yếu tố cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Khi CQĐT yêu cầu xác minh các kết quả xét nghiệm huyết học từ ngày 1/6/2012 trở về trước, BV Đa khoa huyện Hoài Đức không cung cấp được sổ sách theo dõi với lý do bị mất. Bị can Phan Thị Oanh - người được giao quản lý sổ sách khai “do phòng làm việc chật chội, khi dọn phòng đã cho chị Doãn Thị Liễu - hộ lý ở bệnh viện bán giấy vụn”. Nhưng chị Liễu cho biết: Được Oanh cho giấy vụn duy nhất một lần vào đầu năm 2012 và đã bán được 150.000 đồng; nhưng trong số giấy vụn không có sổ theo dõi kết quả xét nghiệm.
Kết thúc điều tra, CQĐT kiến nghị BHXH huyện Hoài Đức có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Trần Quang Ánh, Phó giám đốc và 2 cán bộ thường trực giám sát tại BV Đa khoa Hoài Đức đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, không làm đúng, làm đủ quy trình, hồ sơ thanh toán BHYT nên không phát hiện được hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT không hợp lệ.
|
Dương Lê
Nguy cơ sâm Ngọc Linh tuyệt chủng
TP - Sâm Ngọc Linh giả được bán công khai ở Kon Tum với đủ loại giá, từ vài ba triệu đến vài chục triệu đồng/kg củ tươi. Ngoài việc đưa hàng tạ củ được cho là sâm Ngọc Linh từ biên giới phía Bắc vào để bán rầm rộ như bán rau, quả, nguy hại hơn người ta đưa cả giống vào đây để trồng…
Sâm Ngọc Linh giả. |
Nguồn gen ai quản?
Hơn bất kỳ nơi nào trong nước và trên thế giới, đỉnh Ngọc Linh đã cho ra đời một sản phẩm đặc hữu quý giá là sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis). Năm 1973 ngành dược khu Trung Trung Bộ đã tìm ra cây sâm chi Panax tại độ cao 1.800m trên dãy Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Đăk Tô, Kon Tum, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.
Theo đánh giá của Bộ Y tế: Đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax ho Araliaceae một loài mới.
Dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, đến Tây Nguyên vút lên với đỉnh Ngọc Linh cao thứ 2 sau đỉnh Fansipan. Phía đông đỉnh Ngọc Linh là tỉnh Quảng Nam, còn bên tây là địa phận Kon Tum, 2 vùng khí hậu trái ngược nhau. Đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ giao thoa cả 2 vùng khí hậu.
Cây sâm Ngọc Linh tự nhiên sinh trưởng ở độ cao từ 1.200m trở lên, dưới tán rừng già, và cho tới nay chỉ có hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam là có cây sâm này. Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 1m, thoạt nhìn rất giống nhân sâm Triều Tiên, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc do thân khí sinh rụng hằng năm để lại.
Sâm Ngọc Linh là một chi thuộc họ Panax, nên hình thể rất giống với nhiều loại Panax khác. Chính thế giới buôn sâm đưa củ tam thất từ phía Bắc vào bán giả sâm Ngọc Linh khiến người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn, không thể phân biệt.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguy hại hơn, trong mấy năm lại đây do việc mua bán sâm giả bị phanh phui, một số thương lái bắt đầu đưa cả giống tam thất mà họ cho là sâm Ngọc Linh từ phía Bắc vào Kon Tum, Quảng Nam để trồng.
Tỉnh Kon Tum hiện có nhiều tổ chức, cá nhân trồng sâm Ngọc Linh như: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cty Thái Hoà, Viện Dược liệu… một số doanh nghiệp, cá nhân đang tiếp tục xin UBND tỉnh giao đất để trồng sâm kinh doanh do hiệu quả kinh tế của nó.
Một khi tam thất phía Bắc đã vào lãnh địa pha tạp với sâm Ngọc Linh thì 5-10 năm nữa, có thể lai tạo thành một giống loài mới, hoặc chúng lấn át và đẩy loài sâm Ngọc Linh thuần chủng đi đến tuyệt chủng-một người tâm đắc với cây sâm Ngọc Linh tỏ ra ưu tư.
|
Như ở kỳ trước, chúng tôi đã nêu dự án của Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ với đầy tham vọng: "Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh”; Dự án đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023 trồng từ 800 đến 1.000 ha sâm Ngọc Linh, tổng vốn trên 567 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn đóng góp của các doanh nghiệp thành viên.
Trước nhu cầu cây sâm Ngọc Linh thành loại cây thương mại, nhưng quản lý giống sâm Ngọc Linh thuần chủng thì gần như chưa cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Các tổ chức, cá nhân tự mình mày mò tìm nguồn giống, tự mình trồng.
Một người trồng sâm Ngọc Linh lâu năm ở Kon Tum cho rằng: Nếu như chục năm trước, khi các loại giống Panax từ phía Bắc chưa tràn vào, có thể tin rằng giống sâm Ngọc Linh thuần chủng. Còn hiện nay không biết đâu mà lần. Kể cả người ta đưa khách lên núi xem vườn cây, nhổ củ từ dưới đất lên cũng chưa hẳn đã là sâm Ngọc Linh thật!
Một nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi cho biết, năm 2013 có khoảng 9kg hạt giống tam thất hoang (nhìn rất giống hạt sâm Ngọc Linh) được đưa theo đường dây không chính thống vào cho một doanh nghiệp ở Kon Tum để trồng.
Bây giờ muốn mua hạt giống cái gọi là sâm Ngọc Linh, chỉ cần cầm điện thoại a lô là có. Củ tam thất dễ trồng, ở độ cao thấp hơn 1.200m cây vẫn sống, vẫn phát triển tốt. Mỗi năm loại này sinh trưởng 7-10 đốt, vì thế chỉ cần 2-3 năm là có thể thu hoạch, khác với sâm Ngọc Linh thật cần trồng cả chục năm, chất lượng mới đảm bảo.
Một khi tam thất phía Bắc đã vào lãnh địa pha tạp với sâm Ngọc Linh thì 5-10 năm nữa, có thể lai tạo thành một giống loài mới, hoặc chúng lấn át và đẩy loài Sâm Ngọc Linh thuần chủng đi đến tuyệt chủng-một người tâm đắc với cây sâm Ngọc Linh tỏ ra ưu tư.
Phát triển nguồn gen Sâm Ngọc Linh – Khoán trắng?
Ông Trần Hảo-Giám đốc Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, năm 2012, một vị ở Viện Dược liệu-Bộ Y tế vào đặt vấn đề với Cty ông phối hợp thực hiện đề tài: Khai thác và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, xem qua mức giá mà dự án đưa ra, thấy không có hiệu quả kinh tế, nên Cty không hợp tác.
Ông Hảo cho rằng, Viện Dược liệu yêu cầu trồng và cung cấp cho họ 1 ha vườn sâm và 0,5 ha vườn ươm, nhưng tổng kinh phí giao khoán chỉ gần 2,3 tỷ đồng (cộng cả chi phí để các nhà khoa học vào nghiệm thu, kiểm tra đề tài) là quá thấp và phi thực tế.
Ví như mức giá cây giống hiện nay khoảng 80.000-100.000 đồng/cây nhưng mức giá Viện Dược liệu đưa ra chỉ 46.500đồng/cây trong khi mỗi ha sâm cần đến khoảng 40.000 cây. Ông Hảo cho rằng để trồng 1 ha sâm Ngọc Linh hiện nay cần phải đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Dưới mức giá này khó đảm bảo mật độ cây con cũng như hiệu quả của dự án.
Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi được biết Viện Dược liệu cũng đang triển khai một số dự án bảo tồn, phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.
Qua hợp đồng chào hàng của Viện Dược liệu email cho Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum thấy gần như Viện này khoán trắng việc chọn giống, trồng sâm của đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) cho bên B. Hợp đồng thuê khoán công việc ghi rõ:
Bên A (Bên giao khoán) Viện Dược liệu, Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Bích Thu. Bên B… nhận tiến hành triển khai đề tài theo các nội dung sau: Tuyển chọn cây mẹ để xây dựng vườn giống gốc; Tuyển chọn các giống đầu dòng về gieo ươm tại vườn ươm; Xây dựng quy trình kỹ thuật chọn lọc, nhân thuần giống sâm Ngọc Linh; Xây dựng vườn sản xuất cây giống đạt tiêu chuẩn; 1 ha vườn giống gốc với mật độ 45.000 – 60.000 cây/ha; 0,5ha vườn ươm đảm bảo cung cấp 50.000 cây giống/năm;
Theo dõi phát hiện sâu bệnh và xúc tiến các biện pháp phòng trừ; Sản phẩm giao nộp bên A gồm có:01 ha vườn giống gốc; Số lượng cây còn sống: 40.000 cây; 0,5ha vườn ươm.
Báo cáo kết quả trồng sâm Ngọc Linh trong mô hình. Báo cáo chuyên đề về sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh tại vườn giống gốc. Báo cáo chuyên đề về xây dựng qui trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch hạt giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum… Kinh phí 2.292.400.000 đồng.
Dự thảo hợp đồng này cho thấy toàn bộ phần quan trọng nhất của dự án như: Tuyển chọn cây mẹ để xây dựng vườn giống gốc, tuyển chọn các giống đầu dòng để gieo ươm tại vườn ươm lẽ ra phải được chủ đề tài lựa chọn và kiểm tra nghiêm ngặt nhưng ngay từ đầu những người làm đề tài đã có ý định “khoán trắng “ cho đối tác. Như vậy, liệu kết quả của những vườn giống gốc sâm Ngọc Linh của Viện Dược liệu đặt hàng còn đáng tin cậy?.
Nguồn gen sâm Ngọc Linh rất cần những vườn giống gốc, không lai tạp. Có như thế mới đặt vấn đề phát triển đại trà sâm Ngọc Linh Kon Tum thành loại cây hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đồng thời bảo vệ và phát triển loài cây quý hiếm đặc hữu này.
Huỳnh Kiên
(TNO) Sau khi Thanh Niên Online đăng loạt bài Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để thu tiền tỉ, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXHVN - đơn vị chủ trì thực hiện chương trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ), đã chủ động đến tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội để thông tin.
|
Những thông tin phóng viên thu nhận được tại buổi làm việc cho thấy có một mối quan hệ rất khắng khít giữa Công đoàn NHCSXH với “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy.
75 triệu đồng/bộ hài cốt liệt sĩ
Lãnh đạo Công đoàn NHCSXH cho biết, trước đây, thông qua một số người giới thiệu, bà Phan Thị Thuộc - lúc đó là quyền Chủ tịch Công đoàn NHCSXH - đến gặp ông Nguyễn Thanh Thúy đặt vấn đề phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.
Sau đó, hai bên đã ký thỏa thuận thống nhất, Công đoàn NHCSXH sẽ trả 75 triệu đồng/mỗi bộ hài cốt liệt sĩ (HCLS) mà ông Thúy tìm được.
Theo ông Phương, số tiền thuê ông Thúy được bàn bạc và thống nhất trong Ban chấp hành Công đoàn của NHCSXH, được cơ quan đồng ý. Ông Phương cho hay, trong chương trình của Công đoàn NHCSXH, ông Thúy đã tìm được hơn 100 bộ HCLS.
Quy trình tìm mộ liệt sĩ đã được Công đoàn NHCSXH và ông Thúy thực hiện như thế nào? Ông Phương cho biết: Khi tìm kiếm, Công đoàn NHCSXH không có danh sách tên các trường hợp bộ đội hy sinh mà chỉ khoanh vùng địa điểm. NHCSXH lên kế hoạch xác định địa điểm tìm kiếm trước (như Quảng Trị, Bình Phước, Đắk Lắk) với căn cứ là xem có những trận đánh, chống càn thời chiến rồi báo cho ông Thúy.
Sau đó, ông Thúy sẽ chỉ vị trí để tìm kiếm. Tại nơi tìm kiếm, hầu hết ông Thúy không phân biệt được đó là hài cốt của liệt sĩ nào, chỉ đưa ra kết luận là HCLS.
Cụ thể, ông Phương cho biết, trong số hơn 100 bộ HCLS được ông Thúy tìm ra, ông Thúy chỉ “đọc” được khoảng 10 trường hợp có liên quan đến nhân thân liệt sĩ đang sống, số còn lại là vô danh. Các cơ quan chức năng đã khẳng định, để biết được chính xác có phải là HCLS hay không, cần phải qua giám định ADN, nhưng ông Phương cho hay việc xác định mộ liệt sĩ, HCLS chỉ thông qua những di vật như cúc áo, bình tông, dép cao su… Đó là những manh mối rất dễ tạo dựng và không có nhiều ý nghĩa trong việc chứng minh là HCLS để quy tập.
|
“Chúng tôi chỉ phát tâm cùng với ông Thúy và cơ quan chức năng địa phương đi tìm kiếm, quy tập. Sau khi tìm thấy, sẽ bàn giao lại cho Sở LĐ-TB-XH địa phương là xong. Gia đình nào cần giám định ADN thì đề nghị với Sở LĐ-TB-XH để đem đi giám định. Đến nay, chưa có gia đình nào báo lại nên NHCSXH cũng không nắm được”, ông Phương lý giải.
Dễ dàng bỏ ra gần 8 tỉ đồng
Khi bỏ tiền, rất nhiều tiền, thuê người khác làm việc thì đương nhiên phải nắm được hiệu quả. Nhưng không hiểu vì sao, Công đoàn NHCSXH đã dễ dàng bỏ một số tiền rất lớn nhưng không biết được kết quả như thế nào!
Công đoàn NHCSXH thuê ông Thúy tìm HCLS, thì phải biết được chính xác những bộ hài cốt tìm được thực sự là HCLS thì mới trả tiền. Đằng này, họ chưa biết đó có phải là HCLS hay không vẫn trả đủ tiền, lên tới khoảng 8 tỉ đồng.
Sự dễ dãi thái quá này khiến mọi người không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa “nhà tâm linh" Nguyễn Thanh Thúy và Công đoàn NHCSXH.
PV Thanh Niên Online tiếp tục đặt câu hỏi: Nếu cơ quan chức năng xác định kết quả các bộ hài cốt mà ông Thúy đã tìm được không phải là HCLS thì với tư cách là người sử dụng tiền do cán bộ, công nhân viên phát tâm, những người trực tiếp tham gia chương trình này - như ông Phương - có suy nghĩ như thế nào?
Ông Phương nói: “Làm vì có tâm, đi tìm, quy tập được càng nhiều liệt sĩ càng tốt. Đến nước này, chỉ chờ kết luận của cơ quan chức năng”.
Nói về chữ tâm, thông thường các nhà ngoại cảm không nhận thù lao tìm mộ liệt sĩ. Nhưng ông Thúy được thỏa thuận mức bồi dưỡng khá hậu hĩnh, lên đến 75 triệu đồng/bộ HCLS. Ông Phương miễn cưỡng cho hay, đây là phần chi cho việc đi lại, ăn ở của ông Thúy đến địa điểm tìm kiếm (?).
Trả lời câu hỏi vì sao với một chương trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ lớn như vậy, được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước, với nguồn quỹ không nhỏ mà NHCSXH không phối hợp với các lực lượng quân đội, Bộ LĐ-TB-XH để được hướng dẫn và có thông tin về danh sách liệt sĩ chuẩn xác, chính thống hơn, ông Phương cho rằng làm việc với địa phương để tiện hơn, và thừa nhận như vậy là chưa chuẩn.
Sự “nhiệt tình” kỳ lạ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực chất là 1 quỹ của Nhà nước lập ra để hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, sinh viên học sinh. Ngân hàng này không kinh doanh, không vì lợi nhuận. Sau 10 năm thành lập, tổng vốn là 127.498 tỉ đồng, tổng dư nợ 118.385 tỉ đồng, cho vay trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. NHCSXH đã có sự chuẩn bị một cách bài bản với các công văn liên tục để tổ chức quy tập HCLS số lượng lớn trong thời gian rất ngắn. Ngày 10.1.2013, Công đoàn NHCSXH ra quyết định số 15 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình: “Tìm kiếm, quy tập HCLS”. Cũng trong ngày đó, Quyết định số 16 được ra để triển khai chương trình tìm kiếm, quy tập HCLS tại Bình Phước vào ngày 30.1. Kết quả khai quật là 31 HCLS với quá nhiều nghi vấn giả mạo và yêu cầu được làm rõ từ Sở LĐ-TB-XH Bình Phước cùng đội quy tập K.72. Trong vòng hơn nửa năm, NHCSXH đã nhờ “cậu Thủy” thực hiện tổng cộng 4 cuộc tìm kiếm, quy tập HCLS với quy mô lớn. Ba cuộc như đã nêu trong 2 bài trước và 1 cuộc diễn ra vào tháng 3.2013 cũng tại xã Ea H’Leo, Đắk Lắk với con số 42 HCLS. Điều đáng quan tâm là với 105 hài cốt tìm thấy được cho là của liệt sĩ, NHCSXH đã chi 75 triệu đồng/trường hợp cho chi phí “mời thầy” Nguyễn Thanh Thúy, tương đương gần 8 tỉ đồng. Chính các cơ quan chức năng, các sở, đặc biệt là BCHQS, đội quy tập các tỉnh đã phán ánh trực tiếp đến người đại diện của NHCSXH về những những dấu hiệu sự dàn dựng, làm giả HCLS. Thế nhưng cuối cùng mọi việc vẫn diễn ra êm đẹp! Việc tìm kiếm, quy tập HCLS được quy định rất rõ ràng. Năm 2011, Bộ Quốc phòng cũng như Bộ LĐ-TB-XH đều có các công văn, chỉ thị tới các cơ quan đơn vị toàn ngành và toàn quân, không cho phép sử dụng ngoại cảm như một biện pháp tìm kiếm và xác định danh tính liệt sĩ. Nghị định 31/2013 của Chính phủ cũng phân định rõ vai trò tìm kiếm quy tập HCLS thuộc về Quân đội. Các đoàn thể, cơ quan, cá nhân có thể tham gia cung cấp thông tin, nhưng không có vai trò quy tập. Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ việc xác định danh tính liệt sĩ khuyết thông tin do Bộ LĐ-TB-XH quản lý và việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ do Quân đội thực hiện. Việc NHCSXH tự tổ chức khai quật rầm rộ bằng lực lượng của mình là việc làm trái phép. Nhóm PV |
Nghiêm trị những “nhà ngoại cảm” lừa đảo Xung quanh hiện tượng nghi vấn lừa đảo, làm giả HCLS để trục lợi, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định:
Hiện tượng lợi dụng khả năng tìm kiếm liệt sĩ bằng ngoại cảm đã xảy ra, thậm chí có hiện tượng có tính chất lừa đảo. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH có chủ trương là không công nhận các hài cốt tìm được bằng con đường ngoại cảm. Hoặc để đảm bảo tính pháp lý thì mở ra một khả năng khác là gia đình và các cơ quan chức năng phối hợp để làm giám định ADN. Nếu cho kết quả chính xác thì mới tiến hành làm các nghi lễ tiếp theo đối với hài cốt của liệt sĩ. Có cả các cơ quan nhà nước cũng tìm đến các nhà ngoại cảm. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào? Bây giờ mà đánh giá một cách đầy đủ thì cũng khó. Tôi nghĩ là các cơ quan chức năng cần phải có một sự vào cuộc quyết liệt hơn để trên cơ sở thực tế, khoa học… có những thông tin chính xác về vấn đề này. Nhưng tôi nhắc lại hiện tượng lợi dụng để kiếm lời phi pháp, phi đạo đức của những người tự xưng là “nhà ngoại cảm” là có thật. Chúng ta đã xác định được kết quả đó là không thật, thậm chí có tính chất dàn dựng, lừa đảo thì phải nghiêm trị. Từ trước đến nay, có thống kê nào về tỷ lệ chính xác/không chính xác về việc tìm mộ liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm không, thưa ông? Vì chúng ta không thừa nhận việc tìm mộ bằng con đường này nên không có bất cứ một thống kê nào như vậy cả. Tuệ Nguyễn (ghi) |
Xuân Toàn - Lê Quân
Theo Baomoi.com