Tin Thế Giới Tổng Hợp

Việc ông Putin không tham dự các hội nghị hàng năm của EAS mâu thuẫn với nhiều phát biểu của Điện Kremlin rằng châu Á-Thái Bình Dương là một ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Nga...

Ẩn ý khi Tổng thống Putin không tham dự Cấp cao Đông Á

Theo mạng tin "Diễn đàn Đông Á" ngày 21/10, một sự kiện đáng chú ý tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua ở Brunei là sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Lý do ông Obama không tham dự EAS là khá rõ ràng: cuộc khủng hoảng ngân sách buộc Tổng thống Mỹ phải hủy chuyến công du châu Á, không tham dự EAS và hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hủy chuyến công du Malaysia và Philippines. Nhưng ít người biết tại sao ông Putin lại quyết định không đến Brunei, nhất là chỉ 2 ngày trước EAS, ông Putin đã tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bali và kỷ niệm sinh nhật lần thứ 61 của ông ta tại đó.
 

Tổng thống Nga Vladimir Putin vắng mặt tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua ở Brunei.

 

Đây là lần thứ ba liên tiếp Tổng thống Nga không tham dự EAS. Chỉ vài năm trước, Nga đã rất tích cực vận động để được gia nhập EAS, và cuối cùng đã được mời gia nhập nhóm này vào năm 2010 như một thành viên đầy đủ cùng với Mỹ. Nhưng kể từ đó, Tổng thống Nga lại không tham dự diễn đàn này mà để cho Ngoại trưởng Nga làm đại diện. Việc Tổng thống Nga một lần nữa không tham dự EAS đã khiến các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phần nào tức giận, bởi vì ASEAN tự coi mình là động lực chính đằng sau EAS. Theo một nhà ngoại giao Đông Nam Á, việc ông Putin không tham dự EAS cho thấy Nga coi nhẹ ASEAN.

Việc ông Putin không tham dự các hội nghị hàng năm của EAS mâu thuẫn với nhiều phát biểu của Điện Kremlin rằng châu Á-Thái Bình Dương là một ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc ông Putin không tham dự EAS là có lý do. EAS hiện là diễn đàn quan trọng nhất để thảo luận về các vấn đề an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng hiện nay, không có vấn đề an ninh nào tại châu Á-Thái Bình Dương là mối nguy cơ lớn và trực tiếp đối với Nga, ít nhất là trong ngắn và trung hạn. Hơn nữa, Nga có khá ít đòn bẩy chính trị và quân sự đối với tình hình chiến lược của khu vực. Do đó, ông Putin chọn vắng mặt tại EAS để xử lý các vấn đề cấp bách hơn ở trong nước.

Dù cố ý hay vô tình, việc ông Putin không tham dự EAS cũng đang phát đi dấu hiệu rằng Nga chưa muốn đóng một vai trò chiến lược tích cực tại châu Á-Thái Bình Dương. Không giống như tại châu Âu, Trung Á hay Trung Đông, Nga không có ảnh hưởng hậu đế quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Quan tâm chủ yếu của Nga với khu vực là kinh tế chứ không phải an ninh. Đó cũng chính là lý do khiến các Tổng thống Nga, cả ông Medvedev lẫn Putin, đều không để lỡ một hội nghị thượng đỉnh APEC nào, trừ hội nghị tại Los Cabos (Mexico) năm 2002, khi ông Putin không thể tham dự do một cuộc tấn công khủng bố lớn tại Moskva.

Một lý do khác khiến Tổng thống Nga không tham dự EAS là trong chương trình nghị sự của EAS hiện nay, tranh chấp tại Biển Đông là một vấn đề hàng đầu. Do không có quyền lợi trực tiếp tại Biển Đông, Nga rõ ràng không muốn ủng hộ bất kỳ bên nào, bởi vì nếu làm như vậy, Nga có nguy cơ làm hỏng quan hệ với Trung Quốc và một số nước ASEAN. Ví dụ, Trung Quốc và Việt Nam đều là những đối tác chiến lược của Nga. Khi ấy, phương hướng hành động thông minh nhất là giữ trung lập về ngoại giao. Vì thế, việc Nga cử Ngoại trưởng Lavrov tới Brunei dường như là một lựa chọn thông minh, nhất là khi ông Lavrov là một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm và bản lĩnh.

Cách thức hành xử của Nga với EAS đang phản ánh chiến lược lớn hơn của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương, trên thực tế là không đứng về bên nào trong cuộc chạy đua giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Một mặt, Nga và Trung Quốc cùng thúc đẩy tầm nhìn chung về một hệ thống an ninh mở cửa và phi liên minh tại châu Á-Thái Bình Dương, phản đối cấu trúc tập trung vào Mỹ, và tổ chức các cuộc tập trận chung tại các vùng biển Thái Bình Dương. Mặt khác, Nga từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh với các nước ASE.

Thanh Hoa

Nga truy nã chồng kẻ đánh bom liều chết tại Volgograd

Nga ngày 22/10 đã phát lệnh truy nã đối với Dmitry Sokolov, chồng của nữ khủng bố Naida Asiyalova, thủ phạm vụ đánh bom liều chết trên xe buýt ở Volgograd ngày 21/10.
 

Chiếc xe buýt bị phá hủy sau vụ nổ. Ảnh: AFP/ TTXVN


Nguồn tin của Sở Nội vụ tỉnh Rostov cho biết Sokolov bị truy nã vì tình nghi liên quan tới vụ đánh bom khủng bố làm ít nhất 6 người thiệt mạng và 37 người khác bị thương. Sokolov là thành viên một nhóm khủng bố ở thủ phủ Makhachkala của CH Dagestan thuộc Nga. Tên này còn mang biệt danh Abdul-Jabbar.

Vụ khủng bố hôm 21/10 là vụ đánh bom trên xe buýt đầu tiên tại Nga kể từ năm 2008. Vụ việc này làm tăng thêm những lo ngại về vấn đề an ninh trước Đại hội thể thao mùa Đông 2014 (Olympic Sochi 2014) được tổ chức vào tháng 2 năm tới.

TTXVN/Tin tức

EU nối lại đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ

Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/10 đã nhất trí khởi động lại tiến trình đàm phán về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối này sau 3 năm ngừng trệ. Các ngoại trưởng EU tham dự cuộc họp ở Luxembourg cho biết cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào ngày 5/11 tới. 
 

EU từng hoãn đàm phán với lý do Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Ảnh: wikipedia.org


Tháng 6 vừa qua, EU đã nhất trí trên nguyên tắc về nối lại đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thổi luồng sinh khí mới vào nỗ lực kéo dài của Ankara đưa quốc gia này gia nhập "mái nhà chung châu Âu". Tuy nhiên, EU sau đó hoãn quyết định nối lại đàm phán với lý do Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng bạo lực giải tán các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 1999. Nhiều nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, với nền kinh tế phát triển nhanh, dân số trẻ và có ảnh hưởng lớn ở khu vực Trung Đông, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho EU.
TTXVN/Tin tứ
Theo Baomo
i