Bác sĩ thẩm mỹ thú tội vứt xác nữ bệnh nhân
Sau khi hút mỡ bụng, phát hiện bệnh nhân tử vong, bác sĩ ngoại khoa Nguyễn Mạnh Tường, chủ thẩm mỹ viện Cát Tường đã cùng một nhân viên bảo vệ khiêng xác nạn nhân ra ôtô chở tới sông Hồng phi tang.
Chiều nay, Đại tá Dương Văn Giáp (Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội) cho biết cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Nguyễn Mạnh Tường, 40 tuổi và nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh để điều tra hành vi giết người. 10 nhân viên của Cát Tường bị triệu tập để làm rõ mức độ liên quan.
Nghi can Tường khai là bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai. 6 tháng trước, ông khai trương Thẩm mỹ viện Cát Tường tại số 45 đường Giải Phóng, gần đối diện bệnh viện, trong khi chưa được Sở Y tế cấp phép.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị bắt chiều 22/10. Ảnh: Duy Linh. |
Theo lời khai, giữa tháng 10, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Cát Tường đặt cọc 50 triệu đồng để phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực. 10h ngày 19/10, ông Tường trực tiếp gây mê, hút 11 ống mỡ ở vùng bụng của chị Huyền. Sau đó, ông Tường bơm số mỡ này vào vùng ngực của chị.
Cuộc phẫu thuật kéo dài đến 16h thì kết thúc. 30 phút sau, chị Huyền sùi bọt mép, chóng mặt và được ông Tường tiêm, cấp cứu. Ông Tường rời Cát Tường không lâu thì nhân viên thông báo chị Huyền tím tái, sùi bọt mép. Ông Tường quay lại truyền dịch, chống sốc nhưng phát hiện chị Huyền đã chết.
Để ỉm chuyện này, ông Tường lập tức cho một số nhân viên đi về, chỉ đạo mang sổ sách, thiết bị đi tẩu tán. Trực tiếp ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền ra ôtô. Ông Tường lái xe đi trước, Khánh đi xe máy của chị Huyền bám theo sau.
Đến khu vực đường Cổ Linh, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Khánh để xe máy ở bên đường, lên xe của ông Tường. Sau khi chạy lòng vòng, đến khoảng 23h cùng ngày, giữa cầu Vĩnh Tuy, hai người bê xác nạn nhân vứt xuống sông.
Đêm hôm đó, một thanh niên phát hiện xe Lead của chị Huyền, kiểm tra trong túi xách phát hiện hai chiếc điện thoại, chứng minh thư. Thấy trong điện thoại có nhiều cuộc gọi nhỡ, anh này gọi lại và thông báo về chiếc xe. Người nhận tin là anh Nguyễn Hữu Huy (40 tuổi, chồng chị Huyền).
Trình báo cảnh sát, anh cho biết vợ ra khỏi nhà lúc 8h45 ngày 19/10. Sau đó, gia đình có tổ chức đi nhiều nơi tìm kiếm nhưng không thấy. Phát hiện tờ biên nhận của Cát Tường tại nhà, anh báo cảnh sát và hướng điều tra tập trung theo hướng này.
Hiện, theo lời khai của ông Tường, Công an Hà Nội đang cùng Công an các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng tìm kiếm xác nạn nhân dọc trên sông.
Theo một nguồn tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Tường thuộc biên chế khoa Ngoại, là bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, được đánh giá nhân thân tốt. Trả lời câu hỏi của phóng viên VnExpress về phòng khám tư của bác sĩ Tường, một cán bộ của bệnh viện Bạch Mai cho hay, không quản lý bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân sau giờ hành chính.
Việt Dũng
Cứu cụ bà trong ngôi nhà 3 tầng phát hỏa
Thấy lửa kèm khói cuồn bốc lên từ tầng hai của căn nhà khóa trái cửa, hàng xóm truy hô tìm cách dập lửa mới phát hiện mẹ chủ nhà đang kẹt bên trong.
Trong khi một nhóm cảnh sát tiếp cận đám cháy từ nhà bên cạnh thì nhóm khác phá cửa giải cứu bà cụ. Ảnh: Nguyệt Triều |
Khoảng 9h ngày 22/10, ông Sương Sơn đã khóa trái căn nhà 3 tầng tại Khu phố 5, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) để đi công việc. Mẹ ông Sơn, bà Nguyễn Thị Này (84 tuổi) ở dưới tầng trệt.
Gần nửa giờ sau, hàng xóm phát hiện khói kèm lửa cuồn cuộn phát ra từ tầng 2 của căn nhà. Mọi người truy hô, tìm cách chữa cháy căn nhà "vắng chủ" thì phát hiện cụ Này bị kẹt ở trong.
Phòng hát karaoke của gia đình là nơi phát hỏa. Ảnh: Nguyệt Triều |
"Bà cụ vẫn không hay biết gì khi chúng tôi đến gọi cửa”, một hàng xóm cho biết.
Nhận được tin báo, 4 xe chữa cháy và gần 20 chiến sĩ của Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã có mặt. Tuy nhiên, do nhà bị khóa cửa nên lực lượng chữa cháy phải tiếp cận từ căn nhà kế bên; đồng thời đập vỡ kính cửa sổ để chữa cháy. Một nhóm chiến sĩ khác nhanh chóng phá cửa, giải cứu cho cụ bà an toàn.
Cụ Nà vẫn còn bần thần sau khi được giải cứu. Ảnh: Nguyệt Triều |
Sau gần nửa giờ, ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn. Hỏa hoạn được xác định bắt nguồn từ phòng karaoke của gia đình. Các thiết bị máy móc đều bị cháy rụi.
Nguyệt Triều - Hoàng Lê
'Sách Lịch sử không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiếu sót lớn'
Trước việc sách giáo khoa Lịch sử hiện không đề cập đến vai trò và công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng "đã đến lúc phải trả lại sự thật cho lịch sử".
Mất một tuần để dạy con về cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị Nguyễn Thị Thương - phụ huynh của một học sinh cấp 2 cho biết, rất buồn khi con nói "từ khi đến trường chưa bao giờ được học về Đại tướng". Chị vội vàng lục lại sách giáo khoa Lịch sử lớp 5 của con thì đúng là chỉ có các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trường Tộ, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu…chứ không hề có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vậy là người mẹ vội vàng sưu tập sách báo và mở máy tính tìm các đoạn phim về Đại tướng cho con xem. "Tôi nói với cháu rằng, nếu như Bác Hồ là người khai quốc, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khai quốc công thần. Đại tướng là người đã chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước hòa bình, độc lập", chị Thương kể và cho hay, rất buồn khi sách vở không dạy con chị điều đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng tài năng quân sự đã đưa đất nước chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. |
Là giáo viên dạy giỏi Lịch sử cấp 2, cô Đỗ Thị Thu (Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết, lịch sử cấp THCS không hề nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù nội dung chương trình lớp 9 là lịch sử Việt Nam hiện đại. Trong cả cuốn sách, có 3 sự kiện liên quan đến Đại tướng thì lại không nêu rõ ràng. Trước hết là cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, cùng với mít tinh, biểu tình, Đảng còn đưa sách báo vào tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin cho quần chúng, trong đó có cuốn "Vấn đề dân cày" của Qua Ninh và Vân Đình.
"Vân Đình là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ nhưng không được nêu rõ tên, mà chỉ có ở phần chú thích cuối trang sách", cô Thu cho hay.
Năm 1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, nhưng nội dung trong sách cũng không nói rõ ai là người đứng đầu, mà chỉ nêu sự kiện: sau khi được thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chiến đấu giành thắng lợi ở Phay Khắt và Nà Ngần. Chỉ có duy nhất bức ảnh được đưa vào sách có hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Thông qua sách tham khảo, chúng tôi nắm rất rõ vai trò của Đại tướng nên đã giải thích thêm cho học trò hiểu, Võ Nguyên Giáp chính là người đứng đầu, thành lập và chỉ huy đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam", cô Thu nói.
Một dòng duy nhất có nhắc đến Đại tướng là trong sự kiện ngày 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban giải phóng, một đội quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào về bao vây, tấn công quân Nhật ở Thái Nguyên để mở đường về Hà Nội. Còn trong bài Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954) đã nêu diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng cũng không hề nói đến vai trò lãnh đạo của Đại tướng.
Một giáo viên có nhiều năm dạy Lịch sử ở trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng buồn rầu cho biết, trong suốt nhiều năm dạy học thì đợt quốc tang vừa rồi là thời điểm mà cô được dạy cho học trò về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều nhất. "Khi lên lớp, tôi dành thời gian để giảng cho các em về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có những em đã bật khóc", cô nói.
Nhiều năm qua, dù dạy môn Lịch sử, trong đó có lịch sử Việt Nam hiện đại, song trong các chiến dịch như Điện Biên Phủ, Tết Mậu Thân năm 1968 hay chiến dịch Hồ Chí Minh đều không có một dòng nào nói đến Đại tướng. Cô phải khéo léo giảng giải thêm cho học trò về vai trò lãnh đạo của ông trong các chiến dịch. Phần mở rộng này cũng chỉ lướt qua vì kiến thức quá dài mà thời lượng dạy học lại ngắn.
"Lịch sử hiện nay đang nặng về sự kiện, bắt học trò phải nhớ hết là điều khó khăn. Nếu những bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người thật, việc thật được đưa vào thì các em sẽ học dễ dàng hơn. Chúng tôi chỉ là người thi công nên mong sự thay đổi sẽ bắt đầu từ những người thiết kế, viết sách", giáo viên chuyên Sử nói.
Thế nhưng sách giáo khoa phổ thông lại không hề nhắc đến vai trò của Đại tướng dù nêu rõ diễn biến của các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh. |
Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng "rất không đúng khi sách giáo khoa Lịch sử không nhắc đến Tướng Giáp". Khi hỏi một người nước ngoài về Việt Nam, họ đều nói rằng, nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ. Họ ca tụng Đại tướng là vị anh hùng dân tộc, một trong 10 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại. Thế nhưng, sách giáo khoa Lịch sử lại không dạy học sinh về Đại tướng.
Nếu như không có trận Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, thì sẽ không thể đánh đuổi được thực dân Pháp. Nếu không có chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 thì không thể có đất nước Việt Nam thống nhất. Mà tất cả những sự kiện đó đều gắn liền với tên tuổi của Đại tướng, do Đại tướng chỉ huy.
"Lịch sử là phải tôn trọng sự thật. Khi Lịch sử không đưa cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng vào dạy trong nhà trường là Lịch sử thiếu sót. Nếu không có Tướng Giáp, làm sao Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ một đội quân chân đất có thể trở nên hùng mạnh, đánh thắng hai tên thực dân, đế quốc hùng mạnh", nguyên Thứ trưởng Giáo dục đặt câu hỏi.
Nhà sử học Lê Văn Lan thì quả quyết "sách Lịch sử phải viết lại". Theo thầy Lan, việc không nói đến vai trò của Đại tướng trong những thắng lợi huy hoàng của dân tộc là một sự thiếu sót lớn. Đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa Lịch sử trong thời gian tới phải coi việc bổ sung cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Đại tướng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
"Thời gian qua chúng ta đã để nhiều thế hệ không được biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Như vậy là môn Lịch sử chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Bây giờ chúng ta phải trả lại sự công bằng cho lịch sử. Bên cạnh tinh thần của chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động năm châu, thì tinh thần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cần phải được truyền đến thế hệ trẻ, đó là con người vượt qua mọi khó khăn, thông minh, kiệt xuất, đánh bại mọi kẻ thù hùng mạnh", nhà sử học Lê Văn Lan nói.
Hoàng Thùy
Theo Vnexpress