Cuộc tháo chạy khỏi trận ngập chưa từng có tại Bình Dương
"Đang ngủ thì thấy nước lạnh ở chân, tôi vơ vội 5 triệu bạc tháo chạy khỏi nhà nhưng bị nước cuốn trôi. May có hai thanh niên tới cứu kịp không tôi chết rồi", bà Ngát kể.
Đến chiều 19/10, nước rút, hàng trăm người dân thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương lục đục quay về nhà. Nhiều người bật khóc khi toàn bộ tài sản đã bị cuốn trôi hoặc hư hỏng. Còn tại khu vực dưới cầu Quan, nước vẫn chảy xiết, nhiều người còn ngồi chờ cho nước rút mới dám về nhà.
Cả khu vực thị trấn Mỹ Phước, đặc biệt là ở khu phố 1 khung cảnh tan hoang. Bàn ghế, giường tủ nằm chỏng chơ khắp nơi. Đây là những đồ vật còn sót lại sau trận ngập được cho là chưa từng xảy ra tại địa phương.
Là một trong những người may mắn thoát chết trong đêm, ông Nguyễn Văn Vinh kể, khoảng 0h ngày 19/10, nước ở đâu tràn về và chỉ ít phút đã dâng cao khiến nhiều khu vực thuộc thị trấn Mỹ Phước bị nhấn chìm.
Lũ mạnh, nhiều bức tường của người dân bị sập, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị cuốn theo. Ảnh: Nguyễn Loan |
"Nước lên nhanh quá, tôi và nhiều bà con xung quanh trèo lên nóc nhà nhưng nước vẫn dâng mỗi lúc một cao. Mấy anh cứu hộ không vào được thì mọi người bị cuốn trôi hết" ông Vinh kể. "Mãi đến sáng nước rút mọi người mới dám xuống nhưng ai nấy đều xót vì đồ đạc trong nhà tan nát hết. Nhà tôi làm nghề may, hàng chục bao vải coi như vứt hết vì bị sình bám đen đặc”.
Cũng may mắn thoát chết trong gang tấc, bà Vũ Thị Ngát vẫn chưa hết bàng hoàng khi cho biết, nửa đêm đang ngủ bà bỗng thấy lạnh ở chân. Tỉnh dậy, bà "hết hồn" khi thấy nước đang tràn ào ào vào nhà.
“Đang nửa tỉnh nửa mê, tôi chả mang được món gì theo. Chỉ kịp lấy 5 triệu đồng rồi kêu người dìu ra khỏi nhà. Nhưng lúc đó mọi người cũng tán loạn hết cả. Sợ quá tôi chạy theo nhưng bị dòng nước mạnh cuốn trôi một đoạn. May mà có hai thanh niên tới kịp không thì tôi chết rồi", bà Ngát run rẩy kể và cho biết trong lúc bị nước cuốn đã làm rơi mất cọc tiền mang theo.
Toàn bộ hàng bị nhấn chìm khiến chủ cửa hàng tạp hóa điêu đứng. Ảnh: Nguyễn Loan |
Nơi bà Ngát và ông Vinh ở là khu vực dưới chân cầu Quan. Đêm qua nước dâng cao đến 3 m khiến hơn chục hộ dân ở khu vực này không chạy kịp nên bị tách biệt hoàn toàn trong đêm. Nhiều xe máy, vật dụng trong gia đình bị cuốn trôi, hàng trăm tài sản khác như tivi, tủ lạnh hàng hóa bị ngấm nước nên hư hỏng nặng.
Còn phía trên cầu, tình cảnh hoang tàn cũng không kém. Chiều nay, người dân bắt đầu bơm nước để rửa lại nhà cửa và số đồ đạc còn sót lại.
Đứng tần ngần nhìn đống hàng hóa bị hư hại, anh Thế Anh buồn bã kể, nửa đêm nghe hàng xóm kêu bị lụt nhưng cứ nghĩ chỉ là nước tràn nhẹ như mọi lần. Vậy mà chỉ khoảng 10 phút sau, nước đã tới đầu gối rồi nhanh chóng đến cổ.
"Chúng tôi trở tay không kịp. Cả đêm tôi chỉ biết bất lực đứng nhìn đống hàng của mình bị nước nhấn chìm. Hơn tấn gạo, hàng trăm mặt hàng khác như đường, muối, sữa, mì tôm... của cửa hàng đều bị bùn lấp, mới tính qua thiệt hại đã lên cả 100 triệu đồng", anh Anh nói.
Xót của, anh Anh đành phải nhờ mấy người bà con đến lật từng thùng hàng để kiểm tra. Từng gói đường, bịch muối bị nước thấm vào đều tan chảy. Nhiều thùng sữa và các mặt hàng khác bị một lớp bùn bọc đen sì. Còn những chai nước ngọt, bịch bánh anh cẩn thận rửa sạch lại với hy vọng nếu không bán được thì có thể để lại cho gia đình dùng. Phía ngoài đường, vợ anh vừa kéo từng bao gạo ra phơi vừa khóc. Chị hy vọng có thể bán cho những người nuôi heo hoặc cho gà ăn.
Nước rút, nhiều người dân quay trở về dọn dẹp lại nhà cửa. Ảnh: Nguyễn Loan |
Cách đó một nhà, chị Phan Hòa cũng đang ra sức lôi mấy chiếc xoong chảo còn vướng lại ở hàng rào. “Nước tràn quá nhanh và mạnh làm cả nhà tôi chỉ biết kéo cửa chạy lên vùng cao đứng trú qua đêm. Tới sáng khi nước rút về nhà thì hoảng hốt khi mảng tường phía sau bị đổ nát, 35 triệu tiền mặt cùng toàn bộ đồ đạc trong nhà trôi sạch. Giờ chỉ còn hai bàn tay trắng”, chị Hòa mếu máo.
Chỉ tay vào mảng tường lớn bị sập, chị Hòa cho biết, người dân nơi đây chưa bao giờ chứng kiến một trận lụt kinh hoàng như vậy. Chiều qua ở khu vực này có mưa nhưng không lớn nên không ai nghĩ là sẽ bị nước tấn công dữ vậy. Là người bán quán phở nhưng toàn bộ xoong chảo, chén bát bị trôi sạch, chiếc tủ lạnh lớn cùng số thực phẩm bên trong bị lật đổ chị chưa biết phải bắt đầu lại như thế nào.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Nam - Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương cho biết, khu vực ngập nặng nhất là huyện Mỹ Phước có khoảng 615 hộ dân bị ảnh hưởng, ngoài ra còn có 30 hộ ở Phú An. Vụ ngập làm hư hại nhiều tài sản của người dân nhưng rất may không có thiệt hại gì về người. Hiện cơ quan chức năng đang thống kê và tính toán thiệt hại cụ thể để lên phương án hỗ trợ dân.
Ông Nam cũng khẳng định không hề có chuyện xả lũ ở các hồ chứa mà là do cơn mưa chiều qua. Vị Phó chủ tịch nhận định do khu vực bị ngập thuộc vùng trũng, lại gần sông Sài Gòn nên nước đổ về đây rất nhanh khiến nhiều nhà dân ngập sâu. Ngoài ra, khả năng thẩm thấu nước dưới mặt đất cũng bị hạn chế do diện tích xây dựng ngày càng nhiều làm lượng nước đổ về vùng này nhanh hơn.
Nguyễn Loan
Bộ Quốc phòng hỗ trợ 10 tỷ đồng khắc phục vụ nổ pháo hoa
Số tiền này được dùng để cùng Nhà máy Z121 khắc phục hậu quả trong vụ nổ pháo hoa xảy ra ở Thanh Ba (Phú Thọ) khiến 27 người chết và hàng chục người bị thương.
Vụ nổ lớn ở Phú Thọ mạnh tới mức khiến cả khu vực rộng hàng nghìn mét tan hoàn. Ảnh:Bá Đô. |
Ngày 19/10, sau khi kiểm tra hiện trường vụ cháy vụ cháy nổ pháo hoa ở Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Đại tướng Phùng Quang Thanh đã thăm hỏi một số gia đình có người thân bị tử vong, có nhà bị thiệt hại nặng.
Báo Quân đội Nhân dân dẫn lời Bộ trưởng Thanh về việc thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy nổ nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến cứu chữa các nạn nhân bị thương bằng những điều kiện tốt nhất, hạn chế thấp nhất người bị thương tử vong; hoàn thành thống kê thiệt hại của người dân trong khu vực để có biện pháp đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.
Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ 10 tỷ đồng để cùng với nhà máy khắc phục hậu quả. Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sớm có kết luận điều tra về nguyên nhân vụ cháy nổ.
Vụ nổ gây thiệt hại ở 3 xã lân cận xí nghiệp là Khải Xuân, Võ Lao và Đông Thành (huyện Thanh Ba). Ảnh, sơ đồ: Bá Đô |
Trước đó, sáng sớm 12/10, vụ nổ phân xưởng pháo hoa ở Nhà máy Z121 làm rung chuyển cả một vùng của huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Tiếng nổ lớn khiến hàng nghìn người dân sống trong bán kính khoảng 3 km bị ảnh hưởng và được lệnh sơ tán ra khỏi hiện trường 15 km. Vài giờ sau tiếng nổ lớn, toàn bộ nhà máy rộng cả chục nghìn m2 với nhiều xưởng sản xuất bị phá hủy, hàng chục nhà dân trong vòng bán kính trên 3 km bị ảnh hưởng, sập mái, vỡ kính.
Bộ Quốc phòng, các ban ngành, Tổng cục, nhà máy hỗ trợ mỗi người thiệt mạng trên 100 triệu đồng, mỗi nạn nhân bị thương là trên 30 triệu đồng, riêng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh hỗ trợ mỗi nạn nhân 5 triệu đồng. Tỉnh Phú Thọ cũng trích ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 5 triệu đồng, người bị thương 2 triệu đồng và 10 triệu đồng đối với những hộ có nhà bị cháy, đổ.
Theo báo cáo của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, vụ cháy nổ khiến 27 người chết, 65 người bị thương (chưa tính 8 người bị thương đã ra viện), toàn bộ nhà xưởng của Phân xưởng sản xuất pháo hoa bị phá hủy; 877 nhà dân bị thiệt hại, trong đó có 10 hộ thiệt hại nặng, 25 hộ thiệt hại trung bình, còn lại hàng trăm nhà bị hư hỏng nhẹ.
Hương Thu
10 căn bệnh âm thầm dễ bị bỏ qua